“Cứu trợ thì đừng nghi, nghi thì đừng cứu”

Cập nhật lúc 16:54, 12/11/2010 (GMT+7)

- Sau cơn lũ lịch sử của miền Trung, hàng cứu trợ ùn ùn kéo về. Nhiều người rất băn khoăn về những món quà cứu trợ, không hiểu có đến được tận tay người cần cứu trợ hay không, có thiết thực với người dân không?

Lạm dụng mì tôm…

Về đến huyện Can Lộc, Vũ Quang, Hương Sơn (Hà Tĩnh), có rất nhiều câu chuyện về cái sự “cho và nhận”. Điển hình nhất là câu chuyện “mì tôm”.

Bác Trần Minh Công, người dân ở xóm Yên Hoà, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang cho biết: “Những ngày nước ngập, được nhận thùng mì tôm, cả nhà tôi như chết đuối vớ được cọc. Lúc đó đói quá, ăn sống chứ làm chi có nước sạch mà nấu. Lúc nước cạn rồi, trong người nóng cồn cào, chỉ thèm bát cơm và rau”.

Bác Trần Minh Công, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh phấn khởi nhận quà cứu trợ gạo do bạn đọc VietNamNet gửi tặng. Ảnh: Anh Tuấn.
Bác Trần Minh Công, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh phấn khởi nhận quà cứu trợ gạo do bạn đọc VietNamNet gửi tặng. Ảnh: Anh Tuấn.
Vì nhiều đoàn cứu trợ vẫn tiếp tục “tư duy mì tôm” nên không thiếu cảnh lũ qua, nhiều người dân phải mang mì tôm đi bán.

Tuy nhiên, cũng thật khó cho các nhà tài trợ hay những người hảo tâm, nhiều khi, họ thực sự không có đầy đủ thông tin về nhu cầu của người dân nên thường nghĩ một cách đơn giản nhất: cứ nước ngập thì cứu trợ mì tôm, cứ trường học là quần áo, sách vở, bút.

Nhiều hiệu trưởng ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh cho biết, thiệt hại nặng nề nhất của nhà trường trong đợt lũ chính là thiết bị dạy học (mầm non, tiểu học, THCS). Dân nghèo lại gặp lũ nên không thể huy động đóng tiền mua được. Cho nên, các em phải học từ sách là chủ yếu, những đồ dùng giảng dạy như máy chiếu, tranh ảnh, bản đồ, bộ ghép vần, bộ thực hành Toán, Tiếng Việt, các loại hoá chất thí nghiệm…đã bị lũ làm hư hại hết.

Nhiều đoàn cứu trợ về các trường bị ngập sâu ở Can Lộc, Hà Tĩnh thường cứu trợ vở, bút, sách, quần áo cũ, bánh, sữa, mì tôm, dầu ăn, nước mắm…

Một trưởng đoàn khảo sát đi thực tế trước rồi mới về ủng hộ sau cho biết: Giá như có nhiều thông tin hơn về những dụng cụ cần thiết trong trường học, có lẽ người cho biết cho cái gì người nhận muốn được nhận.

…Và quần áo cũ

Trưởng đoàn khảo sát cứu trợ của một doanh nghiệp đã chảy nước mắt khi nghe kể về những người được nhận cứu trợ quần áo quá cũ: Cụ Nguyễn Thị Hòe ở thôn Đồn Thượng nhận được chiếc áo nhung cũ cảm động bày tỏ: “Bà làm chi có những đồ ni mà mặc!”.

Cụ ông nhận được ba cái áo đều rách cả, nhưng “dân cho cái chi là quý cái đó”, cụ chịu khó ngồi khâu lại ba cái cho cụ ông có đồ để mặc.

Mô tả ảnh.
Trẻ em Trường Mầm non Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn phải chấp nhận chơi những đồ chơi đã gỉ nát. Trường đã nhận được một bộ đồ chơi ngoài trời mới nhưng vẫn chưa đủ. Ảnh: Anh Tuấn
Cụ kể: Những ngày có đoàn cứu trợ đến tặng quần áo, thôn xóm đi nhận về lại tất bật đi đổi quần áo cho nhau. Mỗi gia đình được phát một bọc quần áo có đủ loại cho người già, trẻ con. Cụ không dùng được đồ trẻ con, thanh niên lại mang cho các gia đình khác, cứ thế, mọi người đều tìm được những bộ phù hợp cho mình.

Em Nguyễn Thiện Đức, một học sinh trường tiểu học ở huyện Vũ Quang khoe bộ quần áo em đang mặc trên người chính là quà cứu trợ. Bộ quần áo đã cũ, lấm lem nhưng Đức vẫn tỏ ra rất vui mừng, thích thú. Đức khoe: “Em được tặng sách giáo khoa, vở và bút. Các bạn trong lớp em không ai thiếu áo mặc và sách để học cả”.

Có những thùng quần áo cứu trợ có áo hai dây, quần cộc. Có thể với người thành phố, kiểu quần áo này không có gì đặc biệt, nhưng với người dân quê, liệu có vui khi được nhận?

“Đã cho thì đừng có nghi...”

Trên các địa bàn bị lũ nặng của Hà Tĩnh, nhiều cơ quan âm thầm cho cán bộ về tận nơi, phát quà, trao tiền tận tay người dân, khiến nhân dân rất cảm động và biết ơn. Vậy nhưng, ngay cả khi làm như vậy, nhiều người vẫn không tránh khỏi thắc mắc, nghi ngờ, không biết tiền và hàng cứu trợ của mình đã đến được với người thực sự cần nó hay chưa.

Mô tả ảnh.
VietNamNet đồng hành cùng Công ty TNHH dịch vụ Tổng hợp Kiến Vàng cứu trợ đồng bào miền Trung lương thực và quần áo, sách vở.
Ông Nguyễn Mậu Lâm, Bí thư xã Đức Liên, huyện Vũ Quang tâm sự trong dáng vẻ mệt mỏi: Từ hôm lũ đến giờ là 22 ngày tôi làm việc cật lực, có khi đến 9h tối mới được nghỉ. Những ngày nước ngập phải cùng các cán bộ đi thuyền để phân phát mì tôm cho bà con. Sau đó là đón tiếp hết đoàn này đến đoàn khác về cứu trợ cho dân. Nhiều người muốn trao tiền trực tiếp cho dân cũng nhờ chúng tôi đi cùng. Không làm thì không được, nhưng làm thì chúng tôi quá mệt!

Những cán bộ xã sẽ là người “đứng mũi chịu sào” cho những việc như thế này. Vì vậy, ở xã Đức Liên, mỗi thôn đều có một nhóm tiếp nhận hàng cứu trợ từ xã. Sau mỗi đợt cứu trợ, nhân dân trong thôn xóm lại họp để thống kê công khai và tiến hành phân phát. Mỗi người dân đều được phát phiếu theo danh sách thiệt hại và hộ nghèo để đến nhận hàng. Nếu có ý kiến của người dân về sự thiếu công bằng, chi bộ xã sẽ trực tiếp về tìm hiểu và giải quyết.

Ông Trần Minh Công, người dân xóm Liên Hòa, xã Đức Liên khẳng định: “Có nhiều đoàn về cứu trợ lắm, nhưng tôi thấy xã phân chia rất công bằng. Nhà thiệt nhiều thì được nhiều hơn, nhà thiệt ít thì ít hơn, tùy tấm lòng của nhà hảo tâm.”

Khi được hỏi về việc liệu có chuyện không minh bạch, ông Công trả lời: Đã cho thì đừng có nghi, mà đã nghi thì đừng có cho. Theo tôi, nếu những ai muốn cho thì về tận nơi và trao cho người mà họ muốn cho. Tuy nhiên, không phải cơ quan, cá nhân nào cũng có điều kiện để về tận nơi. Đây cũng chính là một bất cập của công việc cứu trợ.

Trưởng đoàn khảo sát một doanh nghiệp trong đợt về thăm Hà Tĩnh vừa qua cho biết: Có những nơi được giới thiệu là khó khăn nhưng khi về đến nơi, thấy sự khó khăn ấy chưa đến mức độ cần cứu trợ. Cách hiệu quả nhất là phải đi thực tế trước thì mới nắm rõ nhu cầu, tránh tình trạng cái cần cứu trợ thì không được cứu trợ, cái không cần lại được cho.

  • Tú Uyên - Nguyễn Hường

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Nguyễn văn Lý, TP HCM, 14:18, 13/11/2010

Không nói chuyện tin hay không tin, mà nói đến việc đồ cứu trợ có đến đúng người đang cần nhận hay không mà thôi. Thật xấu hổ khi có nhữn lại người ăn cả đến hàng cứu đói hay có những nhà "giàu" mà tham lam đến từng gói mì tôm, từng cân gạo hay tấm tôn sửa nhà. Tại sao người đi cứu trợ muốn giao quà tận tay người nghèo?. Chính mấy cán bộ địa phương phải tự xem lại tư cách đạo đức của mình trước khi trách người.

hop, 10:50, 13/11/2010

tôi là một người con hà tĩnh nên tôi cũng hiểu rõ cảnh đời quê tôi. bên cạnh những cán bộ vì nhân dân thì cũng rất nhiều cán bộ chỉ vì mình. tôi mong rằng các cấp sẽ quản lí tốt để những mon quà tuy nhỏ nhưng ấm tình anh e se đến được với tay người cần nó

Trần Chiến Thắng, 192 Xuân Đỉnh, Tây Hồ, Hà Nội, 10:04, 13/11/2010

Tôi có lòng giúp đỡ đồng bào bị thiên tai thì tôi cũng có quyền nghi ngờ liệu hàng có đến tay người dân không chứ, sao lại nói đã cho thì đừng nghi ? Tôi đã từng đi cứu trợ tận nơi và được địa phương cho địa chỉ đến những nơi mà không thấy dấu vết lũ lụt, nhưng đã đến đũng địa chỉ thì hàng vẫn phải giao cho UB xã thôi.

Trần Châu Hưng Quốc, Tân Bình, 08:55, 13/11/2010

- Thật ra khi đóng góp cứu trợ thì ai cũng mong muốn những phần đóng góp của mình được gửi đến tay người dân bị nạn, nhưng vì đã có quá nhiều vụ ăn chặn tiền cứu trợ xảy ra, nên hỏi sao mọi người không nghi ngại cho được? Những vụ việc đó đã làm cho người đóng góp cứu trợ tỏ ra nghi ngờ là đúng thôi. Muốn làm cho người dân có lòng tin trở lại thì pháp luật phải trừng trị nghiêm khắc bọn không có lương tâm đó.

Mai Hoạt, Hà Nội, 08:47, 13/11/2010

Người ta còn nghèo, có người lượm ve chai nhưng vẫn ủng hộ, cứu trợ. Người ta được quyền đòi hỏi đồng tiền, vật dụng cứu trợ của họ phải đến đúng địa chỉ chứ. Để cho người ta không nghi thì các cơ quan công quyền, đơn vị nhận cứu trợ phải làm gì đi? khi minh bạch thì điều nghi kỵ tất mất đi và lòng tin sẽ có.
Cũng đừng bắt người cứu trợ phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu của người được cứu trợ. Đã là cứu trợ thì chỉ đảm bảo để họ sống được và vượt qua khó khăn vì thế mì tôm là hợp lý rồi. Tôi nhớ năm 70-73 còn cứu trợ cả bánh mỳ thì sao? Đấy kinh tế khá nên cứu trợ cũng phiến thế đấy.
Điều nữa là phải cứu trợ những người khó khăn. Tôi cũng đã có ý kiến về việc cứu trợ các nạn nhân tàu đánh cá bị bão. Quan điểm của tôi cứu trợ, chia sẻ khó khăn là đúng. Nhưng phải đúng đối tượng chứ không cứ mất nhiều tàu thì được cứu trợ nhiều. Vì có rất nhiều người dù bị tai nạn nhưng họ rất giàu, họ có đống tài sản lớn mất mát không đáng gì. Với họ chỉ cần chia sẻ động viên và hơn hết giáo dục động viên họ tham gia bảo hiểm để giảm rủi ro.
Cuối cùng: Tiền cứu trợ phải được trân trọng và phải đến được đúng nơi, đúng chỗ và đúng lúc. Mọi hành vi tham ô phải được xử lý nghiêm và tăng nặng gấp 100 đến ngàn lần.

Lê AThij Lan Phương, Hà Nội, 08:39, 13/11/2010

Cứu trợ thì không nghi, nghi thì không cứu, đó là điều tất yếu......cho đến ngày chúng tôi nhận được thông tin quần áo bị đem ra làm giẻ lau......và được một lãnh đạo trả lời là quần áo cứu trợ rách quá, không mặc nổi.....chúng tôi không tiếc quần áo mà tiếc cái tấm lòng lá lành đùm lá rách.....Các nơi khác như thế nào tôi không biết, nhưng địa phương tôi còn tổ chức cho phụ nữ và thanh niên ngồi soạn lại quần áo, đồ mặc được thì mới đem cứu trợ.......Thà rằng cứ nói thật như kiểu ăn nhiều mì tôm quá, nóng ruột, xót lòng nên phải bán để mua gạo....quần áo đủ rồi, thừa nhiều đem bán cho hàng thùng để có tiền mua các vật dụng thiết yếu khác....

huongnguyen, Phương nam, 06:28, 13/11/2010

Sao không viết và hỏi trực tiếp nhiều người dân ở nhiều xã, thôn bị lũ thì tôi nghĩ hay và thiết thực hơn vì chuyện cán bộ giúp dân là chuyện thường, đã ăn lương nhà nước thì phải phục vụ dân mà không phục vụ dân thì không có trách nhiệm. Không nên viết dạng trách cứ “Cứu trợ thì đừng nghi, nghi thì đừng cứu”, như vậy vô hình làm người đọc thấy sốc và phản cảm! vì sao họ nghi ngờ vì cán bộ trước đây đã làm họ mất lòng tin nên làm sao họ tin tuyệt đối từng cán bộ được đó là điều đương nhiên. Bởi thế có nhiều người họ có muôn cho tiền cũng sợ không tới tay người dùng nên đành phải gửi vật dụng thì khả năng tới tay người dùng mới cao được. Tôi nghĩ tòa soạn nên viết những bài khác để làm sao tạo lòng tin cho người dân phía hai vung bị lũ và không lũ để tăng lòng tin và sự đùm bọc trong nhân dân lên. Còn viết vậy như kiểu có thì cho không thì thôi, không cần! nhưng ai chết? người dân bị nạn.

thanh mai, chau au, 02:13, 13/11/2010

khi da cui tro cho dan lu lut miem trung thi ta cung thong cam cho ho ho kho thi chung ta moi cui tro nhunh nguoi di cui tro cung phai thong cam

Nguyễn Mạnh Phú, Hà nội, 02:12, 13/11/2010

Chuyện nghi cũng không có gì lạ... Không phải là chuyện biển thủ tiền hỗ trợ bão lũ là chưa từng xảy ra.Không nên nói câu '' Đã nghi thì đừng có cho ,đã cho thì đừng có nghi''.Đồng tiền hỗ trợ ai chẳng muốn đến tay người dân.Chuyện nghi sẽ làm cho những người sử dụng đồng tiền hỗ trợ thể hiện chi tiêu minh bạch hơn,bớt rút sén hơn.Tôi nghĩ thế.

Trung Hiếu, Sài Gòn, 00:37, 13/11/2010

Cứu trợ thì tùy tấm lòng của mỗi người, cho ai và nhiều hay ít là tùy khả năng và nhận định của người cứu trợ chứ không phải là vấn đề phải xét công bằng nên việc nói cán bộ xã công bằng là chuyện chẩng ăn nhập gì và do cái việc không hiểu mà suy diễn ra.

Người ta nghi ngờ cán bộ xã nhưng vì người nghèo và trong thâm tâm chấp nhận thiệt thòi thì người ta vẫn cứu trợ cho nên không thể nói như ông Công là đã nghi thì đừng cho. Còn nói chuyện nghi ngờ đó là khả năng nhận thức và xét đoán và điều này có thể đúng và có thể sai nên nghi ngờ là sự việc chỉ có ở người có đầu óc nên bảo đã cho thì đừng nghi ngờ là lời khuyên cho người đầu óc trống hoác cho mà không muốn biết có tới tay người nhận hay không.

Nguyen Ca, USA, 23:04, 12/11/2010

"Đã cho thì đừng có nghi, nghi thì đừng cứu ..." Tôi nghĩ câu này hơi thiếu thiện chí và trách nhiệm. Người cho có Quyền được biết tài sản cho của họ đi tới đâu, có Quyền được biết tấm lòng của họ có đem lại ấm áp cho người hoạn nạn hay không. Người xưa có câu "Cách cho hơn của đem cho". Còn chuyện minh bạch đồ cứu trợ, có những phương án giải quyết vấn đề này như sau: Thứ nhất, "1 tấm hình photo rõ hơn 1000 chữ", vậy thì mời nhà báo chụp hình, chụp vài tấm hình có ghi rõ họ tên người phát và danh sách mạnh thường quân để đăng lên báo, nên mạng internet. Thứ hai: giao cho Hội Chữ Thập Đỏ trung ương/tỉnh/huyện lo chuyện phát quà, chính quyền UBND địa phương không nên trực tiếp điều hành công việc từ thiện mà chỉ đóng vai trò hổ trợ.

Nếu làm công tác từ thiện mà không có thái độ nghiêm túc hay làm thiếu trách nhiệm thì Lòng Từ Thiện của đồng bào sẽ Mỏi Mệt và cạn dần nguồn cứu trợ.

nguyen mai, ha noi, 22:22, 12/11/2010

nói như thế là ko được! không có lửa sao có khói? phải như thế nào dân mới nghi mới ngờ? ai cũng muốn thể hiện tấm lòng hảo tâm của mình để trợ giúp những đồng bào ruột thịt trong hoàn cảnh khó khăn; tuy nhiên cũng chính vì đã có quá nhiều những hiện tượng bòn rút tiền quyên góp của dân (từ tiền ủng hộ đồng bào bão lụt đến tiền tiêu tết của dân). vậy hỏi sao có thể nói rằng :" “Cứu trợ thì đừng nghi, nghi thì đừng cứu”. Thay vì đưa ra những lời nói ntn, thì hãy thực hiện bằng hành động, để xây dựng niềm tin ở người dân, để người dân có thể bày tỏ tấm lòng của mình mà không phải lo ngại điều gì cả.

Đỗ Châu, 30 B Hạ Hồi, Hanoi, 22:22, 12/11/2010

Không thể nói "đã nghi thì không cho mà đã cho thì không nghi"! Người ta nghi vì thực tế đã có những vụ xà xẻo tiền cứu trợ, thậm chí còn tham ô cả tiền dân góp để xây dưng nghĩa trang liệt sĩ Trường sơn, tham ô tiên nhà nước thưởng Tết năm ngoái, v.v...
Không dưng ai đã ủng hộ đồng bào bị lũ lụt mà còn nghi. Ngay cái cách nhiếu nơi quyên góp tiên như sau theo tôi là không rõ ràng, rành mạch : Người ủng hộ tiền phải ký tên với số tiền quyên góp vào một tờ giấy cho người đi thu, lẽ ra người đi thu phải ký nhận tiền (tức là biên lai) cho người ủng hộ. Bởi vì nếu người đi thu không liêm khiết thì khi về nhà, người ấy có thể xé cái tờ "ký nhận" đó đi và tạo ra một tờ khác rồi ký lằng nhằng vào bên cạnh , ai mà đi kiểm tra được việc này ?! Rồi người dân chỉ được nghe nói "số tiền quyên góp tổng cộng thu được đẫ được gửi "lên trên" ?
Làm sao kiểm tra được số tiền tổng công đó đúng hay không, "gửi lên trên" là gửi đi đâu ? ai chứng nhận ? rồi số tiền ấy liệu có đến trọn vẹn và tận tay người cần được cứu trợ hay không ? Hay là đã bị "xà xẻo" đi rồi (thực tế đã xẩy ra như trên đã nêu thí dụ) Lẽ ra số tiền từng người ủng hộ phải có danh sách rỏ ràng tên họ, số tiền, dán công khai ở UBND phường chẳng hạn, rồi mới có thể ghi tổng số là bao nhiêu (dân qua đó mới kiểm tra được), rồi gửi đi đâu phải cụ thể nói rõ, có đóng dấu ký tên xác nhận rõ ràng rành mạch từng cấp một, phải có một ban kiểm tra minh bạch, như vậy người dân mới tin. Tất nhiên thực tế người dân chưa phải là tin hoàn toàn nhưng vẫn đóng góp cứu trợ. Chứ nói rằng "cho thì phải tin, không tin thì đừng cho" là không đúng. Vấn đề là mọi việc phải rõ ràng, minh bạch, "dân biết dân bàn dân làm dân kiểm tra" cơ mà !

sinh viên nông lâm, đh nông lâm, 22:14, 12/11/2010

"Đã cho thì đừng có nghi, mà đã nghi thì đừng có cho", tôi thấy câu này không hợp lý. Với cách làm của người Việt Nam xưa nay làm gì củng im im mà làm khi chuyện vỡ lẽ ra mới công khai thì chuyện nhà hảo tâm nghi ngờ là chuyện đương nhiên không thể nói "Đã cho thì đừng có nghi, mà đã nghi thì đừng có cho" như vậy được.

Bình, Canada, 22:09, 12/11/2010

Chúng tôi cùng nhóm Ứoc mơ xanh tại Đà Nẵng, một nhóm bạn trẻ nhiệt tình với công việc thiện nguyện, tổ chức cứu trợ cho Quảng Bình, thì dân ngoài đấy hỏi là giá trị bao nhiêu, nếu ít thì ....không nhận!

Tôi thiết nghĩ báo đài nên đăng thêm là ...nếu cứu trợ mà ít thì ....đừng làm, vì làm sẽ bị chê. Đừng quan niệm là tấm lòng mình lúc nào cũng được trân trọng

Lê Đình Thạch, THCS Đinh Tiên Hoàng, Vĩnh Linh, Quảng Trị, 22:03, 12/11/2010

Nói là cứu trợ thì đừng nghi, nghi thì đừng cứu trợ cũng đúng nhưng thực tế nó không như thế. Đã là cứu trợ nếu đến tay người bị khốn khó thì điều đáng quý nhưng có một số nơi sử dụng hàng cứu trợ hoàn toàn sai ý nghĩa của nó. Tôi lấy ví dụ như đợt lụt vừa rồi. Nói là đồng bào miền trung nhưng thực tế thiệt hịa nặng nề nhất là dân hai tỉnh Quảng BÌnh và Hà Tĩnh nhưng không hiểu vì sao Quảng Trị cũng có. Cho dù có mưa lụt nhưng mức độ còn nhẹ hơn các đợt lụt thường niên. Mặt khác hàng cứu trợ lại đi phát đều. Ở tôi ở là thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh Quảng Trị cho dù có đại hồng thủy đi chăng nũa thì nước cung không đến nhiều nhà thế nhưng đợt vừa rồi cũng có hàng cứu trợ. Rồi lại phân đều cho các khóm phố, sau đó lại phát cho những gia đình hộ nghèo, có người bị đau ốm. Như thế ý nghĩa của cứu trợ bão lụt đã mất hết rồi còn đâu

ngocgiao, 125 Lê Văn sỹ, 21:47, 12/11/2010

Ai cũng nghi ngờ vì thực sự là như vậy. Pháp luật không nghiêm. Cơ chế kiểm soát kém thì trách sao vô lương tâm và ăn chặn tràn lan

Nguyễn Văn Tuân, HCM, 21:34, 12/11/2010

Bài viết này quá tồi, người viết và người bị phỏng vấn không hiểu gì về áo lành đùm áo rách.
Phải chăng bà con vùng lũ quá đủ lương thực nên không cần, họ đã dự trữ đủ rồi sao. họ đã quen với lũ thì đã biết cahc schoongs lũ và phòng lũ. tài sản cá nhân thì còn, tài sản công thì mất. Mấy thứ đồ dùng giảng dạy không có ý nghĩa gì cả, nếu không có nó thì hiệu quả dạy dỗ kém đi à, tinh thần giá viên không muốn dạy sao.
Quần áo viện trợ cũng không cần, vậy nên cho đi làm rẻ lau cho xưởng cơ khí.
Cán bộ xã phục vụ cho nhân dân mà kêu mệt sao, không xứng đáng, tại sao không đặt vấn đề niềm tin của nhân dân.
Rõ ràng vấn đề ở đây tại sao người tham gia ủng hộ cứu trợ lại lo háng và đồ cứu trợ không tới người cần, có đấy bài báo này phản ánh rõ Mỳ tôm dân đem bán, áo quần không cần, đồ chơi chớm rỉ là không dùng....Vậy là dân vùng này không cần những thứ viện trợ, vậy là viện trợ sai rồi.
Điều nghiêm trọng nhất qua bài báo này chỉ ra rằng chỉ số niềm tin đã mất đi quá nhiều, phụ lòng mong muốn của người làm, ủng hộ cứu trợ. Cá nhân tôi nếu sau này miền trung co lũ lụt thì tôi cũng không tham ra ủng hộ vì không biết họ cần gì mà cứu trợ nữa.
Tiền ư, không cần vì lãnh đạo xã mệt mỏi với tiền, Mỳ tôm ư thứ có thể dùng ngay được, không cần đun nâu, cũng không cần, quần áo ư nó không đẹp, ....Sách vở ư không cần, có sách để nhìn thấy mặt chữ là quá hạnh phúc rồi, Ngày xưa tôi học đại học, còn không có sách để mà đọc, toàn tưởng tượng ra thôi.
Đề nghi Tú Uyên - Nguyễn Hường rút kinh nghiệm khi đăng bài phản cảm như thế này, chỉ vì thanh minh cho thói xấu.

Trần Hoàng Tân, 13/10 Tân lập- Đông hòa Dĩ an- Bình Dương, 21:21, 12/11/2010

Nếu cán bộ nào làm cho dân mà thấy mệt quá thì thôi giữ chức đi, để cho những người thấy phục vụ dân mà không ca tháng họ làm."Từ hôm lũ đến giờ là 22 ngày tôi làm việc cật lực, có khi đến 9h tối mới được nghỉ. Những ngày nước ngập phải cùng các cán bộ đi thuyền để phân phát mì tôm cho bà con. Sau đó là đón tiếp hết đoàn này đến đoàn khác về cứu trợ cho dân. Nhiều người muốn trao tiền trực tiếp cho dân cũng nhờ chúng tôi đi cùng. Không làm thì không được, nhưng làm thì chúng tôi quá mệt!" ông bí thư ông có thể thôi chức hay ra khỏi đảng đi, dân không cần những người ca thán đâu!

Casablanca, Hà Nội, 21:21, 12/11/2010

Tất nhiên là phải nghi ngờ. Ủng hộ mà không đúng chỗ, không đến đúng nơi là có tội. Thật là một bài viết vớ vẩn.

nam, 21:19, 12/11/2010

Việt nam ta hay bị lũ lụt thế mà mỗi khi bị thiên tai thì rất lúng túng.Hàng cứu trợ tất nhiên sẽ đến tay ngườibị nạn ,nhưng có khi đến nơi thì họ đã bị đói lả hoặc ...Theo tôi nên có kế hoạch cứu trợ từ trước ,nếu bị lũ lụt thì cứu trợ hàng lũ lụt ,nếu bão gió hay đọng đát thì cứu trợ những hàng cho phù hợp ,nếu không thì nơi thừa nơi thiếu lãng phí mà kém hiệu quả .Theo tôi nên có quỹ giành cho thiên tai thu hàng năm bổ theo đầu người rồi lên kế hoach dưa vao mức bình quân của vài nẳm tước đó.Đây là việc làm nhân đạo chắc chắn mọi người dân đều ủng hộ .

Hứa Hồng Thành, Hưng Hòa-Vinh-Nghệ An, 20:54, 12/11/2010

Tôi chỉ muốn nói 1 câu mà có lẽ là nguyện vọng thiết thực và "cháy bỏng" nhất của những người vùng lũ đó là: mong các cá nhân doanh nghiệp...khi ủng hộ thì nên cử đại diện đến tận nơi, phát tận tay từng người...có thế mới chắc chắn bà con vùng lũ mới nhận được những tấm lòng, sự chia sẻ của mọi người

Thu Hang, Ha Noi, 20:44, 12/11/2010

Tôi thấy đúng là lạm dụng mì tôm khi cứu trợ, khi nước ngập, tôi thấy tivi quay mọi người đi cứu đói cho dân đang ở trên nóc nhà mà toàn mì tôm, có nhà còn thấy đưa cả một thùng phở, miến, tôi thấy rất bất bình. Tai sao ư? người ta đã ngập đến nóc nhà rồi, làm gì có bếp, có củi mà đun mà cứu trợ phở ăn liền, bún miến ăn liền, mì còn may mà gặm sống đc, mì khô và phở khô chỉ có khóc, ở nhà tôi nấu còn mãi mới mềm, dân thì lấy đâu ra bếp mà nấu, nhìn TV chiếu mà thấy cám cảnh. Sao mọi người ko cứu trợ lương khô và nước, hoặc mì và nước?. Xét ra lương khô nhiều chất hơn, lại no hơn, tại sao ko phát cho dân mà toàn mì, làm cho người dân chúng tôi có một mối gợn trong lòng là liệu có phải có sự ăn dơ với các cty mì không?
Lại còn vụ quần áo cũ thành rẻ lau, cái này tôi đọc được có ý kiến cho là dân ủng hộ quần áo cũ rách như rẻ lau. Nhưng tôi nghĩ thời buổi này đến giẻ lau nhà người dân còn dùng quần áo lành nhưng cũ ra làm giẻ, sao lại phải ủng hộ giẻ lau làm gì. Mang tiếng chúng tôi quá. Làm tôi muốn ủng hộ quần áo cũng phải băn khoăn. Thiết nghĩ, người dân đã bỏ tấm lòng, bỏ công sức ra lựa chọn quần áo, đóng bao, rồi chở đến tận hội chữ thập đỏ hoặc nơi thu gom để đóng góp cho dân thì làm sao bao nhiêu tâm ý như vậy người ta có thể cho giẻ lau vào cơ chứ, ít nhất là quần áo cũ, có rách một tí chả sao, vẫn có thể mặc đc, chứ ko thể là giẻ lau đc. Việc ủng hộ quần áo cũ có bị bắt ép đến từng nhà dân như hồi kế hoạch nhỏ ngày xưa đâu mà người ta phải làm gian làm gì. Riêng cái này thì tôi nghĩ bên hội CTĐ cần phải xác minh lại và kỷ luật thật nặng những người làm ăn ko đường hoàng hoặc có ý đồ xấu. Đừng để tấm lòng người dân thành kiểu làm phúc phải tội như vậy.

nhân tâm, Quảng Ninh, 20:42, 12/11/2010

" Nếu cho thì đừng nghi, nếu nghi thì đừng cho" - một câu nói hết sức vô cảm và vô trách nhiệm- không biết đây là câu nói của ông Công hay của tác giả Tú Uyên- Nguyễn Hường. người cứu trợ là vì tấm long nhân ái, người ta muốn tiền, hàng cứu trợ đến tay người cần sự giúp đỡ, người ta có quyền nghi ngờ sự cứu trợ đó không đến đúng nơi cần đến, điều này đã xảy ra không ít. Các vị lại còn yêu cầu phải đi khảo sát trước?? sao không nghĩ việc tổ chức tiếp nhận và cấp phát cho tốt- thực là thiển cận

tran duy phuong, 445 lac long quan,tay ho ha noi, 20:42, 12/11/2010

Neu ko co thuc trang hang cuu tro ko den duoc tay nguoi dan vung lu thi lam sao co nhung nghi ngo do?theo toi nghi ngo la dung

DInh Khac Binh, 20:39, 12/11/2010

Không phải nghi mà tâm lý của tất cả người dân ủng hộ,sẻ chia của người dân (cả người giàu đến người nghèo) đều muốn tiền và đồ của mình đến tận tay người dân cần cứu trợ .Chính vì thế mà mhiều doanh nghiệp tự tổ chức những chuyến xe "vượt bão lũ" làm nhiệm vụ đó.Rằng việc này còn vất vả ,nhiều khi tốn kém rất nhiều.Kinh nghiệm câu chuyện "áo ấm mẹ gửi cho chiến sỹ" ngày xưa cũng vậy.Còn thái độ ,cách làm của các vị quan ,thậm chí cả người dân...các địa phương nhận hàng cứu trợ đã làm giảm sút tinh thần tương trợ cứu giúp của người dân cả nước đi nhiều.Như đuổi đoàn cứu trợ,tổ chức đám cưới ,ăn mặc thì như bà mệnh phụ,lấy quần áo làm giẻ lau,chê mì tôm...Kết luận cứu trợ ủng hộ đâu có phải 1 lần,xin hãy làm yên lòng những người gửi hàng cứu trợ cho dù việc đó có phải cắn răng mà chịu.

nông dân, huế, 20:35, 12/11/2010

tôi nghĩ rằng những điều Tú Uyên - Nguyễn Hường nói là sự thật. Nhưng Tú Uyên - Nguyễn Hường nên biết rằng tất cả nhưng điều mà bà con ta gọi là "cứu trợ" là chỉ giúp cho đồng bào qua cơn ngặc nghèo trong lúc thiên tai chứ không phải là để xóa nghèo. Nên khi nghe tin lũ lụt là bà con cùng các nhà hảo tâm chia sẽ với đồng bào mà thôi. Do vậy, chuyện một thùng mỳ, một bộ áo quần.... là vậy. Chứ Tú Uyên - Nguyễn Hường nghĩ tự nhiên có ao đem đến cho một ai một bọ áo quần cũ khi họ không cần không. Tôi nghĩ bà con ta với tấm lòng "một miếng khi đói bằng một gói khi no" đó Tú Uyên - Nguyễn Hường ạ!!!!

Trần thư Thư, Bình thạnh, 20:35, 12/11/2010

Không phải tự nhiên người cứu trợ nghi ngờ đâu. Chỉ tại các quan chức vùng lũ lụt ăn chặn của dân quá nhiều nên họ phải bức xúc thôi.

đoàn tấn dũng, 12 nguyễn trung trực kiên giang, 20:22, 12/11/2010

Đồng bào bị nạn sao lại không cứu trợ. Tình người không tthể làm ngơ trước nổi đau của người khác. Nhưng cứu trợ hàng + tiền lại chạy vào túi của 1 số người không có tình người thì phải bức xúc

Nguyễn Anh Duy, tp HCM, 20:18, 12/11/2010

Việc cứu trợ tại Việt Nam hiện có rất nhiều vấn đề, nguyên nhân có lẽ là VN trước đây còn nghèo nên coi việc cứu trợ là việc phân phối những mặt hàng mà mình có dư hay các thực phẩm để cứu đói, trên thế giới người ta đối phó với việc này rất thông thường, chúng ta phải chia ra 3 quá trình hòan tòan khác nhau, một là di chuyển các nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm tập trung tại nơi an tòan có các điều kiện được thiết kế hay sửa chữa cho phù hợp với tình huống khẩn cấp, giai đọan 2 là cung cấp các nhu yếu phẩm để giúp các người sống tại nơi an tòan được cung cấp các tiện nghi sống đầy đủ và an toan, giai đọan 3 là có kế họach phục hồi lại cuộc sống bình thường khi sự cố đã qua, việc thực hiện các giai đọan 2 và 3 sẽ được thực hiện bởi các đòan thiện nguyện đã được huấn luện đầy đủ để chọn lọc các thứ phù hợp cho các nạn nhân, nhân viên nhà nước thường không tham gia quá trình này, nhà nước chỉ tập trung cho quá trình 1 và lên kế họach để phục hồi tại địa phương sau khi mọi thứ đã ổn định lại. Điều này gíp cho việc điều hành sẽ đúng khả năng và tránh việc lợi dụng lòngnhân ái để trục lợi hay đưa những món hàng không phù hợp, rất t iếc là các bộ và địa phương của VN còn rất yếu về vấn đề này, chúng ta hãy kiên nhẫn chờ thời gian để giải quyết vấn đề này mà thôi

Nguyen Vinh, Ha Noi, 20:14, 12/11/2010

“Cứu trợ thì đừng nghi, nghi thì đừng cứu”

Câu này chưa đúng lắm, nhất là trong thời gian vừa qua một số cá nhân ăn chặn, chính quyền địa phương còn giữ lại tiền cứu trợ.

SAN U, SAI GON, 20:02, 12/11/2010

“Cứu trợ thì đừng nghi, nghi thì đừng cứu”
Người ta cứu người vì lòng nhân , nhưng vì có quá nhiều chuyện " ăn bớt , ăn xén " hàng cứu trợ nên sự hoài nghi là điều dễ hiểu , Sự hoài nghi đó xuất phát từ sự lo lắng sợ hàng cứu trợ không đến được tay người cần cứu trợ. Ông Công đừng nói câu phù nhàng như thế ?

Minh hiếu, 19:42, 12/11/2010

Chúng ta hãy cùng yêu thương nhau.giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn nha!

Nguyen Han, nguyen_handsss@yahoo.com, 19:36, 12/11/2010

"Đã cứu trợ thì đừng nghi, đã nghi thì đừng cứu".

Phat ngon hay that!

Cuu tro thi mong tien cua minh den duoc noi can den, khong the chap nhan khi dong tien cua minh di khong dung noi.

Nguyễn Văn Nam, Hà Nội, 18:27, 12/11/2010

Bài viết rất hay,chứng tỏ người viết đã đi thực tế ở vùng lũ.Cảm ơn đã có những bài viết như vậy đến với độc giả.
Tuy nhiên,là một độc giả,cũng như là một người dân đã đóng góp một chút cho đồng bào miễn lũ tôi cũng có chút chính kiến của mình:
Thứ nhất,đừng lên đặt dòng Tittle quá sốc như vậy,bản thân tôi đã rất bất bình khi đọc tựa đề như vậy:ở chỗ;thể hiện sự phản kháng của chính những độc giả.Dĩ nhiên,khi cứu trợ người ta rất mong muốn sẽ đến tận tay người dân,qua thông tin có rất nhiều trường hợp quan không vì dân vì nước.Mà người đặt tựa đề như vậy,chỉ là ý kiến của một bác thôi.Đừng nên để tựa đề quá shock
Thứ 2,trong bài viết cũng chỉ xoay quanh 2 địa điểm,chứ chưa nói được tổng thể miền lũ,bởi vẫn còn rất nhiều những bất cập.
Thứ 3,nếu đã là một nhà báo,vậy nên có thể dự đoán được những tình huống mà năm nào cũng xảy ra.Đó là khi cơn lũ vẫn hoành hành,nhà báo nên viết bài một cách khách quan,vận động hướng dẫn cho người dân,doanh nghiệp một hướng cụ thể về cách cứu trợ,hàng cứu trợ như thế nào là hợp lý,hợp tình hình,hoàn cảnh.Chứ đừng xong chuyện rồi mới viết như vậy.
Một lần nữa cảm ơn về bài viết rất hay.

Phan Anh Tài, 18:17, 12/11/2010

Món đồ chơi có 2 thanh sắt đã gỉ sét đứt lìa, giờ đã thành 4 cái chông nhọn hoắc, rất dễ làm các bé tổn thương!!

Tin liên quan

Các tin khác