221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1293849
Đợi tin từ Hoàng Sa
0
Article
null
Đợi tin từ Hoàng Sa
,
Nhập nhoạng chiều tối qua 17-7, trong những cơn sóng thét gào, những người mẹ, người vợ, người con của các ngư dân đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa vẫn níu nhau trên bờ biển đợi tin con, tin chồng, tin cha.

TIN LIÊN QUAN


Sáu ngư dân vẫn còn biệt tăm giữa trùng dương. Trong khi đó, đêm qua bão Côn Sơn đã tràn vào và chà xát đất liền.
Hai mẹ con chị Nguyễn Thị Đào ôm nhau khóc trước trạm thông tin liên lạc bằng Icom ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) khi chưa có thông tin nào về chồng.

Nửa đêm rạng sáng 16-7, giữa biển khơi ngay tọa độ gần đảo Tri Tôn ở vùng biển Hoàng Sa biển nổi sóng dữ dội, gió quật liên hồi như muốn nhấn chìm mọi thứ. Những chiếc tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi sau một hồi vật lộn chìm dần xuống biển sâu.

2g sáng 16-7: Ông Nguyễn Thanh Nam, người trực đài canh thông tin bằng máy Icom ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cầm chặt Icom liên tục gọi ra Hoàng Sa: “Tàu 04 đâu. Tàu 04 nghe rõ trả lời. Tàu 99 đâu. Tàu 99 có nghe rõ không?”. Nhưng mọi thứ vẫn im bặt. Quanh phòng trực Icom, cha, mẹ, vợ, con của các ngư dân đang ở ngoài Hoàng Sa lòng như lửa đốt. Chốc lát một vài người vợ của ngư dân òa lên khóc nức nở trong đêm. Giọng của người trực đài canh Icom vẫn không ngừng réo gọi tìm tín hiệu dù rất mong manh.

3g sáng 16-7: Icom bắt được tín hiệu với tàu cá của ông Trương Quang Trí. Giọng ông Trí thảng thốt: “Bão số 1 ập vào Hoàng Sa rồi. Anh em trên các tàu đang gặp nguy hiểm. Sợ không trụ được nổi. Tàu của tôi đang cố bám trên biển nhưng sóng lớn quá!”. Cả phòng trực Icom như thót tim. Chờ mãi, chờ mãi vẫn không thấy thông tin mới nào gọi về.

4g sáng 16-7: Giọng nói của ông Trí lúc này càng thêm hốt hoảng bởi tin dữ: “Tàu cá của ông Nguyễn Văn Tẩn làm thuyền trưởng bị chìm ở đảo Đá Bắc rồi”. Cả làng chài thôn Châu Thuận lặng thinh tiếp tục chờ ngóng tin tức.

5g sáng 16-7: Dòng người kéo đến đài canh mỗi lúc một đông. Ông Nguyễn Thanh Nam lật cuốn sổ liên lạc từng tàu cá của địa phương. Gút lại con số cuối cùng, ông Nam nói: “Có bốn tàu cá của xã Bình Châu bị mất liên lạc”.

Liên lạc bị tắc nghẽn đến 15g ngày 16-7 mới được nối lại

Đài trực Icom bắt được liên lạc với ngư dân Nguyễn Văn Thanh, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, đang ở Hoàng Sa. “Biển vẫn còn rất động. Chúng tôi lấy ống nhòm nhìn ra xa thấy có rất nhiều anh em trên các tàu bạn đang trôi nổi trên biển chỉ cách chúng tôi 1 hải lý. Hiện chúng tôi đang tìm cách tiếp cận ném dây kéo các ngư dân lên tàu nhưng khó thành công lắm. Phải điều trực thăng ra đây nhanh nếu không họ chết mất” - giọng ngư dân Sơn gấp gáp.

Nghe tin dữ, chị Phạm Thị Ngọc, vợ của ngư dân Nguyễn Văn Tẩn, ngất lên xỉu xuống. Hai mẹ con chị Nguyễn Thị Đào có chồng là Phạm Cẩm đi trên tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Tẩn cũng cạn khô nước mắt trong những phút giây nghẹt thở chờ tin chồng. Khi nghe tin dữ, chị Đào dắt đứa con nhỏ ra biển ngồi ngóng về khơi xa. Cả làng chài Châu Thuận ngồi chờ đợi một phép mầu. Đài Icom lại mất liên lạc.

23g đêm 16-7: Qua điện thoại, chính ủy Vùng 3 hải quân (Đà Nẵng), đại tá Nguyễn Tiến Dũng cho biết: ba tàu hải quân với hơn 100 cán bộ chiến sĩ chính thức rời cảng Đà Nẵng vào lúc 23g lên đường ra quần đảo Hoàng Sa làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn.

3g sáng 17-7: Tin dồn dập báo về Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi: các tàu cá của ngư dân chưa bị chìm, đã cứu được 71 ngư dân đang trôi nổi trên biển.

10g sáng 17-7: Tàu cứu nạn của Vùng 3 hải quân đã bắt được liên lạc với các tàu cá đang tham gia cứu nạn trên biển tại Hoàng Sa.

10g30 sáng 17-7: Giọng cầu cứu từ Hoàng Sa báo về qua Icom cho biết hiện có tám tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đang cứu nạn ở Hoàng Sa nhưng sắp hết nhiên liệu. Ông Trương Ngọc Nhi - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - chỉ đạo qua máy Icom: “Anh em cứ nỗ lực chạy tìm kiếm tung tích ngư dân còn lại và yên tâm về nhiên liệu. Tàu hải quân sắp ra, sẽ tiếp nhiên liệu cho bà con. Tàu của hải quân Trung Quốc cũng đang trên đường tới khu vực các anh để tham gia công tác cứu hộ”.

13g chiều 17-7: Sóng gió tạm lắng, năm chiếc tàu cá gồm tàu của ngư dân Trương Minh Quang, Trương Minh Trí, Đặng Duy Bình, Ngô Văn Dũng, Võ Thành và tàu của ông Võ Lựu đều ở xã Bình Châu bất chấp hiểm nguy đang rời khỏi nơi lánh bão ra xa khoảng

15-20 hải lý tìm kiếm các ngư dân còn lại. Riêng một tàu cá khác của ông Võ Lựu và tàu cá của ông Nguyễn Thanh Biên (huyện Lý Sơn) đang nỗ lực tháo động cơ máy móc trên tàu bị nạn vừa phát hiện và chăm sóc sức khỏe cho các ngư dân bị nạn.

18g tối 17-7: Tin từ tàu cứu nạn của Vùng 3 hải quân cho biết còn khoảng 80 hải lý sẽ đến nơi các tàu bị nạn. Mọi chuyện vẫn phải đang chờ!

Người trực đài canh Nguyễn Thanh Nam “quát” trong Icom: “Tàu cứu hộ. Tàu cứu hộ đâu?”. Đầu dây bên kia trả lời: “Tàu cứu hộ nghe”. “Các anh đi tới đâu rồi? Tăng tốc lên các anh nhé. Mọi người đang đợi tin các anh” - ông Nam vừa hỏi vừa nói liên hồi.

19g30 tối 17-7: “Vẫn không tìm thấy các ngư dân mất tích còn lại. Chúng tôi đã cố hết sức, chia làm năm hướng tìm kiếm nhưng vẫn không thấy. Nhiên liệu của chúng tôi sắp hết” - ngư dân Trương Quang Trí báo về cho biết.

21g15 tối 17-7: Tàu của Vùng 3 hải quân đã tiếp cận sát sườn với các tàu cứu hộ tại Hoàng Sa. Ông Nguyễn Thanh Nam cho biết Vùng 3 hải quân đã điều thêm tàu ra ứng cứu. Riêng phía Trung Quốc cũng đã điều tàu ra khu vực trên tìm kiếm ngư dân VN bị nạn. Cuộc tìm kiếm tung tích các ngư dân gặp nạn vẫn được tiến hành khẩn trương trong đêm.

Mòn mỏi vọng phu

Mô tả ảnh.
Chị Phạm Thị Thủy (trái) tuyệt vọng trong mỏi mòn chờ đợi thông tin về chồng.
Ngồi bên mé đường dẫn ra nhà Icom - tổng đài báo bão của xóm Gành Cả, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Đào ngất lịm khi không nhận được tín hiệu nào từ tàu của chồng kể từ khi cơn bão số 1 đi qua. Anh Phạm Cẩm, chồng chị, đi trên tàu của ông Nguyễn Văn Tẩn đánh bắt ở khu vực quần đảo Hoàng Sa được hơn hai tuần thì gặp nạn.

Anh Cẩm bị tai biến nặng do tai nạn khi đánh cá trên biển cách đây mấy năm. “Nhà nghèo quá, không có tiền nuôi con, nên vừa rồi khỏe lại anh bàn với tui để anh đi đánh cá thuê kiếm thêm tiền chứ ở nhà túng quẫn mà con cái lớn hết rồi. Ai ngờ...” - chị Đào bật khóc. Vợ chồng chị Đào có ba con gái, đứa lớn học hết lớp 11, tranh thủ hè vào Sài Gòn bán vé số.

“Thấy hoàn cảnh khó khăn nên nghỉ hè con bé xin đi, tui không cho nhưng nó năn nỉ mãi: Để con vào làm còn mua quyển vở ít bữa hè đi học, chứ ba bị đau còn đi mà. Nó đi khi ba đã ra khơi rồi” - chị Đào lại khóc.

Gần đó, hai mẹ con chị Phạm Thị Thủy cũng rầu rĩ. Chồng chị Thủy là anh Tiêu Viết Thuận (đi trên tàu cá của ông Nguyễn Văn Trung) gặp nạn khi đánh cá trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Vừa tỉnh được một lúc, chị Thủy lại lịm đi khi nghe các thành viên trên tàu đi cùng chồng đã được cứu an toàn, nhưng chồng chị và ba thành viên khác vẫn chưa tìm thấy.

Chốc lát tiếng Icom yếu ớt từ biển khơi lại gọi về, tiếng gió và sóng biển dồn dập xen lẫn khiến những người phụ nữ chờ chồng lại xôn xao kề tai sát vào máy bộ đàm, có chị lại ngất lịm khi nghe chưa tìm thấy chồng.

(Theo Tuổi Trẻ)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,