221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1272352
Những trái tim nhiệt huyết giữa bụi đường
0
Photo
null
Những trái tim nhiệt huyết giữa bụi đường
,

- Đó là câu chuyện về những công việc có ý nghĩa của 5 người cựu chiến binh thuộc tổ giao thông tự quản Thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Lý do để họ tự nguyện ra "đứng đường" không nằm ngoài sự nhiệt tình và hi sinh thầm lặng, cho giao thông an toàn hơn mỗi ngày...

Chặc lưỡi cho qua hết khó khăn

Chúng tôi về thôn Chân Lý và tìm đến nhà ông Đoàn Văn Xuyên, Tổ trưởng giao thông tự quản. Đó là một căn nhà cấp 4 nhỏ nhắn ngay cuối con đường làng. Vườn rau xanh tươi và dáng một người phụ nữ nhỏ nhắn đi chân trần là ấn tượng yên bình đầu tiên. Biết chúng tôi ở Hà Nội về, bà Dáng (vợ ông Xuyên) niềm nở mời khách ngồi uống nước và gọi điện cho chồng về.

d
Ông Đoàn Văn Xuyên
Không để khách chờ, một lúc sau ông Xuyên phóng chiếc xe máy cũ về. "Đấy đấy! Chỉ nói chuyện với các cháu được một lúc là chú phải ra làm việc rồi. Hôm nay các cháu mà không đến, chú ra thẳng ngoài đó luôn, dụng cụ làm việc đã chuẩn bị ở đây hết rồi...".

Ông chỉ vào ngực chiếc còi thường dùng để thổi chỉ dẫn đường. Trên người ông, mũ mão, áo quần, gậy đã treo sẵn ngay ngắn trên xe.

Chúng tôi hỏi về công việc "làm giao thông", ông bảo: "Đó là công việc bình thường thôi, được cấp trên giao cho, mình phải cố gắng thực hiện cho thật tốt...". Nhưng chuyện ông kể hầu như chỉ toàn là khó khăn, công việc của ông không đơn thuần là chỉ đường, hướng dẫn…mà còn là công tác tuyên truyền, động viên chính các anh em trong tổ.

Ông bảo, duy trì được hoạt động của cũng tổ vất vả và gian nan lắm. Quãng thời gian 4 năm chưa dài nhưng cũng không phải là ngắn ngủi, cái quý nhất cho đến nay là ông và các anh em cứ gật đầu "chặc lưỡi" cho qua những giai đoạn tưởng chừng như không thể nào tiếp tục

Năm 2006, mô hình chính thức được bắt đầu được triển khai ở xã. Vì mô hình này do Hội Cựu chiến binh đảm nhiệm nên xã chủ trương tuyển người tham gia ngay trong hội. Ông Xuyên đảm nhiệm công việc tìm người, và công đoạn tạo dựng này là khó khăn nhất.

Để làm công việc đứng đường chỉ dẫn giao thông hai lần một ngày vào giờ tan tầm, người làm công việc này phải có nhiều điều kiện thuận lợi như: có sức khỏe tốt, có thời gian rảnh rỗi, và nhất là phải có cái tâm.

Trong khi đó, thành viên hội cựu chiến binh có nhiều người bận bịu cháu con, lợn gà, đồng ruộng, người thì ngại vì điều kiện làm việc vất vả nhưng... thù lao không đáng bao nhiêu.

Ông Xuyên còn nhớ, khi bắt đầu công việc, tiền trợ cấp các tổ viên tổ giao thông được nhận là 120 nghìn đồng một tháng. Với số tiền quá ít ỏi, tính chất công việc lại đặc biệt nên trong vòng mấy tháng trời ông không tìm được ai gia nhập tổ giao thông tự quản.

Tưởng chừng kế hoạch triển khai sẽ không thực hiện được, thời gian đó ông rơi vào bế tắc, lo lắng cho công việc đang tiến hành có thể phải dừng lại. Nhưng nhờ sự đồng lòng của ông Đàn (sau này là tổ phó) và các anh em khác, cùng với tất cả những lời thuyết phục, kêu gọi ở Hội cựu chiến binh, tổ giao thông tự quản cuối cùng cũng được thành lập sau ròng rã nửa năm.

Chuyện “thổi tù và giữa đường”

Nói đến Tổ Giao thông tự quản, những người dân ở đây nói: “Không có họ thì ngày nào cũng tắc đường”. Thế nhưng, cũng có người lại bảo, họ là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nghe xong, ông Vũ Đình Đàn - Tổ phó, chỉ cười rồi bảo: “Là người trong Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh, mình phải chịu trách nhiệm. Mình không xung phong thì ai theo đây? Bản chất nó ăn sâu vào con người rồi. Giờ muốn dứt ra cũng không được, cái tâm mình không cho phép”.
Mô tả ảnh.
Tuổi cũng đã nhiều nhưng ông Vũ Đình Đàn vẫn luôn nhiệt thành với công việc xã hội - Ảnh Diệp Anh

Ít ai biết được rằng, ông Đàn vẫn phải sống nhờ vào người vợ tảo tần. Số tiền ông thu nhập được chỉ đủ cho chi phí đi lại, quy ra thóc thì cũng được mấy chục cân một tháng. Dẫu vậy, cứ tầm 6h-7h sáng, 11h-12h trưa, hay vào lúc 16-17h chiều, ông lại có mặt trên những tuyến đường “nóng” của huyện, của thị trấn để làm công tác giao thông.

Chủ tịch UBND thị trấn Lương Bằng, ông Đoàn Minh Quang, cũng là người lính Trường Sơn năm nào, cho biết: “Đã có lần đội muốn giao công việc rồi hướng dẫn cho lực lượng thanh niên làm. Nhưng kết quả lại không như mong muốn. Dù có nhiều ưu đãi nhưng với công việc đòi hỏi sự kiên trì thì tuổi trẻ lại thua xa những người lính già chúng tôi”.

Công việc của tổ cũng chỉ là hướng dẫn mọi người tham gia giao thông có trật tự. Nhiều khi những người lính ấy còn làm luôn cả phần nhiệm vụ của chiếc đèn giao thông. Ý thức người dân có ý nghĩa rất quan trọng để họ có thể làm tốt nhiệm vụ. Thế nhưng, không phải là không có những chuyện hiểm nguy rình rập.

Ông Đàn kể: Nhớ nhất là cái lần dẹp hàng quán bán rong trên cầu Ngà. Bán hàng rong vỉa hè đã cấm kị rồi, huống chi bán công khai ngay trên mặt cầu. Nguy hiểm cho cả người đi đường lẫn người bán hàng. Yêu cầu một lần, hai lần không xong, ông đành phải dùng biện pháp mạnh, “nhu” không được thì phải “cương”. Dọa nạt, mắng mỏ đủ các kiểu mà chị ta nhất định không chịu rời đi, còn đe doạ sẽ “đưa” cả nhà ra đây để “chiến đấu”.

Đây không phải là lần đầu chị ta vi phạm trật tự an ninh, nên ông quyết định không thể xử lý theo tình. Một tay xách đồ lên xe, một tay kéo chị ta xuống cầu, thông đường cho các xe đi lại. Ông không ngờ người nhà họ kéo đến thật. Lúc đầu cũng hơi hoảng vì trông họ hung lắm. Lại toàn thanh niên choai choai. Một mình giáp mặt với cả một nhóm người, ông bình tĩnh phân trần đúng sai cho họ nghe, bằng kĩ thuật người lính, ông đã “xử” êm thấm vụ việc trong nháy mắt...

Niềm hạnh phúc giản đơn người lính trở về

Trước khi có tổ giao thông, liên tục các vụ TNGT thương tâm xảy ra mà nạn nhân là những thanh niên trẻ tuổi, những học sinh trên đường đi học về. Quá nhiều bức xúc từ tình hình căng thẳng đó chính là động lực lớn cho tâm hồn những người lính bằng công việc giao thông có nhiều ý nghĩa.

Từ khi tổ được thành lập, giao thông ở xã đi vào nề nếp, đường làng ngõ xóm mọi người đi đứng đều chấp hành luật lệ, các vụ giao thông nghiêm trọng thưa dần, những va chạm cũng không còn thường xuyên nữa.

Ông Xuyên kể nhiều về những pha xử lí giao thông cho chúng tôi nghe: Là câu chuyện của ông Nguyễn Văn Tập, ông Nguyễn Thịnh và của chính ông Xuyên khi đối mặt với những thanh niên "tóc xanh tóc đỏ", đi lạng lách giữa đường. Có lần, có gã dựng xe ngay lối rẽ rồi ngồi vắt chân lên xe máy với tư thế nghênh ngang. Nhưng gã choai bất cần này cuối cùng cũng phải "rút lui" trước ông cựu chiến binh già vì những lời lẽ nhẹ nhàng nhưng sâu sắc của bậc cha chú.

Suốt cả buổi trò chuyện, ông Xuyên cứ cười đùa suốt khi chúng tôi nhắc đến thù lao mà ông và các anh em nhận được hàng tháng. Cho đến thời điểm bây giờ, số tiền trợ cấp hàng tháng cho tổ giao thông tự quản là 300 nghìn mỗi người một tháng. Số tiền chẳng đủ cho tiền xăng xe đi lại. Đổi lại, tổ giao thông đã được xã, huyện, tỉnh và cả Trung ương ủng hộ, ghi nhận thành tích qua nhưng giấy khen, bằng khen trong 4 năm qua.

Gặp ông Xuyên, biết công việc và gia đình ông mới có thể hiểu hết được sự hy sinh, nhiệt tình hết mình trong công việc tưởng chừng nhỏ bé này. Ông Xuyên là bộ đội phục viên trở về với ước mong xây dựng một gia đình toàn vẹn, một cuộc sống yên lành. Nhưng cuộc sống đã không cho ông được toại nguyện, 2 trong số 5 người con của ông bị chất độc màu da cam, một người con đã chết do sức khỏe yếu từ nhỏ.

Niềm vui của ông dồn hết vào công việc "hiệp sĩ đường phố", dâng hết sức lực, niềm kiêu hãnh anh bộ đội cụ Hồ cho sự bình an của mọi người.

Và mỗi khi có dịp đi qua Thị trấn Lương Bằng, người ta lại bắt gặp các thành viên Tổ giao thông tự quản đang dùng những trái tim đầy nhiệt huyết giữa khói bụi đường phố, mang lại sự an toàn trên mỗi mét đường....

  • Cẩm Huyền - Diệp Anh

,
Ý kiến của bạn
,
,
,
,