221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1248347
Thành ủy Cần Thơ "chưa có ý kiến"vụ Nông trường Sông Hậu?
1
Article
null
Thành ủy Cần Thơ 'chưa có ý kiến'vụ Nông trường Sông Hậu?
,

- Bí thư Thành ủy Cần Thơ nói với báo chí rằng "Thành ủy chưa có ý kiến gì" về vụ án "Lập quỹ trái phép" tại Nông trường Sông Hậu (NTSH) do cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Cần Thơ khởi tố. Nhưng sự thật thì...?

"Bây giờ, vụ án Nông trường Sông Hậu cơ quan pháp luật người ta đang làm. Thành ủy chưa có ý kiến gì. Các đồng chí thông cảm. Tôi cũng chưa có ý kiến về vấn đề mà cơ quan pháp luật họ đang làm", đó là nguyên văn trả lời phỏng vấn VietNamNet của Bí thư Thành ủy Cần Thơ, ông Nguyễn Tấn Quyên, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII.

Tuy nhiên, những diễn tiến của tài liệu trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án "Lập quỹ trái phép" tại Nông trường Sông Hậu cho thấy một sự thật khác.

Bí thư Cần Thơ "chưa có ý kiến gì"?

Ngày 9/4/2008, Đại tá Lê Việt Hùng (Phó Giám đốc Công an TP. Cần Thơ, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra (CQĐT)) ký Quyết định khởi tố vụ án hình sự (số 40) "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" xảy ra tại Nông trường Sông Hậu (nay là Công ty Nông nghiệp Sông Hậu, TP. Cần Thơ).

Bà Trần Ngọc Sương cùng các cộng sự ra tòa trong phiên xét xử phúc thẩm vụ án "Lập quỹ trái phép" tại Nông trường Sông Hậu ngày 19/11/2009 ở TP. Cần Thơ. Ảnh: GVT.

Đến ngày 17/7/2008, Trung tá Nguyễn Văn Thuận (Phó thủ trưởng CQĐT) ký quyết định (số 121) khởi tố bị can đối với bà Trần Ngọc Sương về tội "Lập quỹ trái phép". Quyết định này xác định hành vi của bị can "cùng đồng bọn thu tiền các nguồn lập quỹ sử dụng trái quy định của Nhà nước gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng".

 

Sau đó, Viện kiểm sát nhân dân (VKS) TP. Cần Thơ có quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can (số 290) do ông Hồ Thanh Long ký.

Những diễn biến nêu trên cho thấy các cơ quan hành pháp, tư pháp tại TP. Cần Thơ đã rất độc lập khi khởi tố điều tra vụ án, khởi tố bị can.

Tuy nhiên, đến phiên phúc thẩm xét xử vụ án "Lập quỹ trái phép" tại Tòa án Nhân dân TP. Cần Thơ, luật sư Nguyễn Trường Thành (bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Sương) đã đề nghị VKS công bố các quyết định phân công người phụ trách điều tra, điều tra viên, kiểm sát viên trong vụ án "Lập quỹ trái phép" tại NTSH.

Thế nhưng, vị đại diện VKS chỉ tranh luận rằng các điều tra viên, kiểm sát viên... trong vụ "Lập quỹ trái phép" cũng là những người đã được phân công điều tra vụ "Cố ý làm trái..." tại đơn vị này.

Luật sư Thành tại tòa đã cho rằng việc không có các quyết định phân công người điều tra vụ án "Lập quỹ trái phép" mà luật sư đề nghị công bố, là "vi phạm nghiêm trọng" điều 34, 35, 36, 37 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Việc khởi tố một tội danh, đưa ra tòa truy tố một tội danh khác trong vụ án xảy ra tại NTSH cho thấy điều gì?

Bà Trần Ngọc Sương thay mặt cán bộ công nhân viên, nông trường viên, nông dân... ở nông trường Sông Hậu đón nhận sự vinh danh của Nhà nước: danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ 2. (Ảnh tư liệu).

Ngày 18/3/2008, chính Đại tá Lê Việt Hùng và Trung tá Nguyễn Văn Thuận là 2 trong số các thành viên đã tham gia cuộc họp cùng Thành ủy Cần Thơ, do Phó Bí thư thường trực Phạm Thanh Vận chủ trì. Nội dung cuộc họp này là "để nghe Thanh tra Nhà nước thành phố báo cáo xin ý kiến về việc chuyển một số nội dung sau kết luận thanh tra Nông trường Sông Hậu sang cơ quan cảnh sát điều tra".

 

Hai ngày sau cuộc họp này (ngày 20/3/2008), tại văn bản số 91-TB/VPTU do Phó Chánh văn phòng Đinh Công Út ký, thể hiện rất rõ "Sau khi xin ý kiến đồng chí Bí thư Thành ủy (ông Nguyễn Tấn Quyên - NV), đồng chí Phạm Thanh Vận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy có kết luận như sau (...) Thống nhất chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra những nội dung vi phạm nguyên tắc quản lý nhà nước đã rõ (..). Trước mắt khởi tố vụ án về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng...".

Chỉ 5 ngày sau có kết luận số 91, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn ký tiếp công văn 1575 gửi thanh tra, công an thành phố về việc chuyển hồ sơ thanh tra sang công an với chỉ đạo rất rõ "Trước mắt khởi tố vụ án về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng".

Chỉ ít ngày sau khi có bản kết luận số 91 (đề gửi các đồng chí Thành ủy viên, thường trực Hội đồng nhân dân, thường trực Ủy ban nhân dân, các sở ban ngành liên quan, văn phòng UBND thành phố Cần Thơ) và công văn 1575 của UBND TP. Cần Thơ, ông Lê Việt Hùng đã ký quyết định khởi tố vụ án "Cố ý làm trái..." vào ngày 9/4/2008 nêu trên.

Vậy mà, ngày 23/11/2009, tại Hà Nội, bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Tấn Quyên trả lời báo giới về vụ án "Lập quỹ trái phép" tại Nông trường Sông Hậu "vụ án Nông trường Sông Hậu cơ quan pháp luật người ta đang làm. Thành ủy chưa có ý kiến gì... Tôi cũng chưa có ý kiến về vấn đề mà cơ quan pháp luật họ đang làm" (?).

"Nên giải quyết có lý có tình"

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nhắc Cần Thơ trong việc đối xử với bà Ba Sương cần "có lý có tình". Rốt cuộc, bà phải ra tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm cùng chung một mức án: 8 năm tù giam và phải bồi thường 4,3 tỷ đồng, vì tội danh "Lập quỹ trái phép". Ảnh: GVT.

Luật sư Nguyễn Trường Thành cũng xác nhận với báo VietNamNet, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng cho gọi ông lên tìm hiểu về sự việc xảy ra ở Nông trường Sông Hậu. Sau đó, cố Thủ tướng ngày 8/5/2008 (trước khi mất) đã có thư gửi Thường vụ Thành ủy TP. Cần Thơ, góp ý:

 

"Trong chuyến đi vừa rồi về thăm Cần Thơ, tôi có nghe thông tin Thủ trưởng CQĐT Công an TP. Cần Thơ có quyết định khởi tố vụ án hình sự cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Nông trường Sông Hậu.

Tìm hiểu thêm, tôi được biết cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án xuất phát từ thông báo kết luận của Phó Bí thư thường trực Thành ủy tại cuộc họp ngày 18/3/2008, trong đó có chỉ đạo trực tiếp việc khởi tố vụ án, đồng thời cũng nêu rõ tội danh làm cơ sở khởi tố. Tôi không lầm thì thông thường việc này phải do cơ quan điều tra hoặc VKS tiến hành.

Tôi không rõ có những lý do gì bên trong để các đồng chí giải thích cho việc này: cơ quan Đảng chỉ đạo cơ quan điều tra khởi tố vụ án. Đồng thời tôi nhắc lại để biết là Nông trường Sông Hậu và Ba Sương đã có những đóng góp không nhỏ cho nông nghiệp, phát triển nông thôn ở Cần Thơ, Hậu Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Những sai phạm nếu có thì cũng nên giải quyết có lý có tình"

Đặc biệt, liên quan đến những thông tin phía sau vụ án, thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nêu rõ: "Tôi cũng được nghe phản ảnh việc Thành ủy, UBND chủ trương thu hồi 4000 ha đất của Nông trường Sông Hậu và 1000 ha của nông trường Cờ Đỏ để quy hoạch xây dựng khu công nghiệp.

Tôi hoàn toàn không tán thành chủ trương này vì xét về hiệu quả kinh tế: đây là vùng lúa năng suất cao, hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp đã được đầu tư bài bản, hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, vùng này còn là vùng trũng. Do vậy, nếu làm khu công nghiệp sẽ rất tốn kém trong việc san nền đảm bảo không ngập trong mùa nước nổi... Thêm vào đó, thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang chưa phải đã hết đất cho công nghiệp cập hai bên bờ sông Hậu".

Cuối cùng,  ông Võ Văn Kiệt yêu cầu: "Tôi muốn các đồng chí cho biết những thông tin đầy đủ liên quan đến các vụ việc trên".

Cũng trong ngày 8/5/2008, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có một bức thư với nội dung tương tự trên gửi các lãnh đạo cấp Trung ương. Rất tiếc, chỉ một thời gian ngắn sau khi gửi những nội dung này, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ra đi vì bạo bệnh, khi mọi sự việc còn dở dang.

Ngày 19/11/2009, bà Trần Ngọc Sương bị tòa phúc thẩm TAND TP. Cần Thơ tuyên án 8 năm tù giam, buộc bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng về tội "Lập quỹ trái phép". Theo nguyên tắc của pháp luật, bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay lập tức. Hiện nay bà Ba Sương đang kiến nghị giám đốc thẩm bản án, và xin hoãn thi hành án vì sức khỏe suy kiệt.

  • Trường Minh - Huy Bình

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,