221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1247178
Những “ổ bệnh” trong khu dân cư
1
Article
null
Những “ổ bệnh” trong khu dân cư
,


Nhiều trẻ em ở đây hầu như đứa nào cũng bị viêm họng, hen suyễn. Người lớn cũng mắc bệnh về hô hấp hàng loạt. Chúng tôi phải sống như những người tị nạn, có nhà mà không dám ở”. 

Từ mờ sáng, khói đen đã nhuộm đen bầu trời ở khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận, Q. 12, TP.HCM. Ảnh: Trung Thanh

Tại khu vực này có đến hàng chục cơ sở sản xuất với nhiều ống khói đang thi nhau nhuộm đen bầu trời. 

“Bất kể ngày đêm, họ cứ xả khói đen mù mịt kèm theo mùi khét lẹt nên con tui thường xuyên bị viêm họng. Sống trong cảnh này không bị bệnh mới là chuyện lạ” - chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, (nhà ở tổ 3, khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận), đang vội ôm con ra đầu hẻm để tránh khói bụi, mùi hôi bay ra từ các cơ sở sản xuất, giọng bức xúc.

Chạy nạn… “vòi rồng”

Tại “làng ung thư” (phường Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân), dù đây là khu vực đã được báo động về tình trạng có nhiều người chết vì bệnh nan y nghi có liên quan đến ô nhiễm môi trường nhưng hiện tại, người dân vẫn phải tiếp tục sống chung với ô nhiễm.

Tại khu phố 3, phường Bình Hưng Hoà A, Q. Bình Tân có hàng chục cơ sở dệt nhuộm xả khói đen bao phủ cả khu dân cư. Ảnh: Tử Trực

Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ riêng tại một con hẻm đường Gò Xoài (khu phố 3), đã có hàng chục cơ sở dệt nhuộm hoạt động.

 Mỗi khi các cơ sở này đốt lò là khói đen phun lên như “vòi rồng” kèm theo mùi khét, mùi hôi bao trùm cả khu phố.

Bà Trần Thị Kim Quý, Tổ trưởng Tổ 49, khu phố 3, thở dài, ngao ngán, nói: “Khu phố này có đến hơn 50 cơ sở dệt, nhuộm hoạt động bất kể ngày đêm. Nhiều gia đình không chịu đựng nổi mùi hôi, khói độc… đã âm thầm đóng cửa, dọn nhà đi nơi khác… lánh nạn. 

Cây cối gần những cột khói đen trụi lá, chết khô. Ảnh: Trung Thanh.


Những hộ không có nơi lánh nạn, đành phải sống chung với khói bụi, mùi hôi. Nhiều người muốn bán nhà chuyển đi nơi khác nhưng rao hoài chẳng ai mua. Có lẽ chẳng ai dám mua nhà ở khu vực ô nhiễm này”.

Đóng cửa, mùi hôi vẫn xộc vào nhà

Để chống chọi với những đợt khói đen và mùi hôi từ các cơ sở sản xuất, nhiều gia đình ở khu phố 3, phường Bình Hưng Hoà phải thường xuyên đóng cửa kín mít.

Tuy nhiên, giải pháp đóng cửa đôi khi lại phản tác dụng. “Nếu đóng cửa không kín, khói bụi, mùi hôi lọt vào trong nhà lại càng khó thở thêm. Khổ thế nhưng hễ ai ở đây thưa lên UBND phường là bị họ dằn mặt ngay” – một người dân ở đây, lắc đầu, nói.  

Chị T, nhà ở đầu hẻm, cho biết, mỗi khi người dân ở đây phản ánh lên UBND phường, các cơ sở trên chuyển sang hoạt động hết công suất vào ban đêm, khói bụi càng khủng khiếp hơn. "Mới một đêm mà đồ đạc trong nhà đã bị bụi từ khói đen rớt xuống bám cả lớp đen sì"- chị T vừa lúi húi lau bụi, bực bội nói. 

Ông Ninh Khắc Chiến, ngụ ở khu phố 3 không kìm được bức xúc: “Chúng tôi sống với khói bụi, mùi hôi độc hại đã hơn 10 năm rồi. Nhiều trẻ em ở đây hầu như đứa nào cũng bị viêm họng, hen suyễn. Người lớn cũng mắc bệnh về hô hấp hàng loạt. Chúng tôi phải sống như những người tị nạn, có nhà mà không dám ở”. 

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.

Bà Trần Thị Kim Quý đã nhận rất nhiều đơn thư khiếu nại của người dân về tình trạng ô nhiễm, nhiều người không chịu đựng nổi đã bỏ nhà đi "lánh nạn". Ảnh: Trung Thanh

Để chứng minh, ông Chiến chỉ cho chúng tôi xem có 3 căn nhà ở khu phố này đang trong tình trạng đóng cửa, bỏ không. Chủ nhân những căn nhà này đã bỏ đi vì không chịu nổi cảnh khói bụi, mùi hôi xộc vào nhà.

Theo ông Chiến, hầu như những gia đình có điều kiện kinh tế ở khu vực này đều đã bỏ đi nơi khác, nhà cho thuê lại.

Người mắc bệnh "lạ", cá chết lềnh bềnh 

Quan sát bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận ra, ngoài ô nhiễm về không khí, nguồn nước quanh các cơ sở dệt nhuộm ở tại phường Bình Hưng Hoà cũng đang bị đầu độc.

 Phục kích một đường cống nhỏ, nơi có nhiều cơ sở dệt nhuộm hoạt động tại ở khu phố 3, (phường Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân) chúng tôi phát hiện những dòng nước màu đen, tím liên tục tuôn ra kênh.

Trên đoạn kênh gần các cơ sở dệt nhuộm, cá chết nổi lềnh bềnh. Ảnh: Tử Trực 


Người dân ở đây cho biết, từ khi có các cơ sở dệt nhuộm các dòng kênh xung quanh khu vực càng ngày càng bị nhuộm đen.

Bà Trần Thị Kim Quý (Tổ trưởng Tổ 49, khu phố 3) dẫn chúng tôi đến một khu đất trống nằm phía sau các cơ sở nhuộm, nhớ lại: “Trước đây khu đất này có nhiều sen và cây cối rậm rạp. Nhưng từ khi có các cơ sở dệt nhuộm cây cối bị trụi lá, sen cũng lụi tàn hết”.

Phía sau câu khẩu hiệu tuyên truyền về bảo vệ môi trường, khói đen vẫn cuồn cuộn bay lên. Ảnh: Tử Trực.


“Trong thời gian qua, trong khu phố 3 có nhiều em nhỏ, người già mắc những căn bệnh với những triệu chứng lạ như ngứa cổ, chân tay mình mẩy tự dưng nổi mụn đỏ... Trong khi đó dù nguồn nước giếng ở đây tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao nhưng do không có nước máy nên bà con phải dùng nước giếng khoan” - bà Quý lo lắng, nói.

Ngày 19/11, theo ghi nhận của chúng tôi, dòng kênh từ khu vực có các cơ sở dệt nhuộm không ngừng tuôn những dòng nước đen ngòm ra kênh Nước Đen. Ngay khu vực cửa xả của dòng kênh này, cá chết nổi lềnh bềnh đầy mặt nước.

Trên bờ kênh, phía sau tấm biển tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường với câu khẩu hiệu rất "kêu":  "Môi trường có trong lành hay không điều đó phụ thuộc ở chính bạn" là cột khói từ một cơ sở sản xuất đang cuồn cuộn bay lên, đen ngòm. 

  • Tử Trực – Trung Thanh

Bài 2: Dân rơi nước mắt, "chết mòn" trong ô nhiễm

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,