221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1184754
Đền Hùng trong ngôi nhà người thợ thêu
1
Article
null
Đền Hùng trong ngôi nhà người thợ thêu
,

- Tiếng chiêng trống vang rền trong một xóm lao động nghèo nằm dọc bờ kè kênh Nhiêu Lộc thuộc khu phố 1 phường Tân Định (Q.1, TP.HCM). Hơn 40 năm nay cứ đến ngày 10/3 âm lịch, con cháu Đoàn gia dù ở đâu, làm việc gì cũng trở về để kỷ niệm giỗ Quốc tổ Hùng Vương trong chính căn nhà của mình.

Giữa Sài thành, có nhà họ Đoàn…


Chúng tôi có mặt tại đây từ rất sớm. Anh Đoàn Văn Lộc, 53 tuổi, con trưởng của cụ Đoàn Văn Nụ (212/215 Nguyễn Văn Nguyễn) tiếp chúng tôi bằng một sự chân tình cởi mở. Anh cho biết, ngày 10/3 là ngày lễ thiêng của dân tộc. Mỗi người Việt đều có quyền tự hào về nguồn gốc oai hùng của cha ông.

Anh Lộc kể: Thuở sinh tiền, cha anh đã giáo huấn con cái rất nghiêm về đạo lý làm người. Di ngôn của cụ để lại cho con cháu là: "Cố làm sao cho con cháu hiểu rằng tất cả những ai sống trên đất nước này đều là anh em cùng chung một bọc trăm trứng mà ra. Do đó trong quan hệ chòm xóm kể cả trong làm ăn cần tạo cho được tình tương thân tương ái giúp đỡ nhau trong những lúc hoạn nạn, xoá bỏ đi những tị hiềm để cùng yêu thương nhau”.

Chuẩn bị buổi tế lễ. Ảnh: Lê Du An

Cụ Đoàn Văn Nụ quê làng Thanh Liêm huyện Thanh Bình tỉnh Hà Nam. Năm 1938, lúc mới 20 tuổi, cụ đã vào Nam lập nghiệp. Cụ đã từng khai hoang vùng này, gánh đất đổ nền, phát cây vỡ hoá biến một vùng lau sậy thành mảnh đất xinh đẹp mà bây giờ mà con cháu cụ sinh sống. Trên mảnh đất đó, cụ đã dành vị trí đẹp nhất để lập bàn thờ Quốc tổ, một xưởng thêu tay và còn lại là nhà ở.

Vốn là một nghệ nhân thêu tay nhưng nguồn gốc xuất thân từ gia đình nho giáo, cụ Nụ là người luôn coi trọng lễ nghĩa và luôn tâm niệm uống nước phải nhớ nguồn. Việc lập nơi thờ Quốc tổ là thể hiện ý nguyện của cụ và cũng để làm bài học giáo huấn cháu con.

Ban nữ tế nhà họ Đoàn. Ảnh: Lê Du An
Sau nhiều năm, ngôi nhà của cụ đã xuống cấp nghiêm trọng. Nơi thờ Quốc tổ đã dột nát nhiều nơi nhưng con cháu Đoàn gia đã bỏ tiền cải tạo lại dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn giữa đất Sài Gòn xô bồ.

Chúng tôi có mặt tại ngôi từ đường họ Đoàn mới thấy được cái thành quả giáo huấn của cụ Nụ đã được con cháu thực hiện một cách trân trọng.

“Có tổ tiên trước rồi sau có mình”

Đúng 10h, 10 phụ nữ là con cháu họ Đoàn chỉnh tề trong trang phục tế lễ từ ngoài tiến vào trước bàn thờ Quốc tổ trong tiếng trống chiêng oai nghiêm long trọng.

Anh Đoàn Văn Lộc, đốt ba nén hương trước bàn thờ dâng lên Quốc tổ. Trên bàn thờ, chiếc cổ ngai thánh vị được đặt trang trọng ở vị trí cao nhất tượng trưng cho linh vị của 18 vua Hùng.

Chung quanh cổ ngai là những bài vị, những pho tượng của các anh hùng liệt nữ như Hai Bà Trưng, Đinh Bộ Lĩnh, Trần Hưng Đạo, Quang Trung.

Phía trước bàn thờ, hai dãy bàn cao lễ vật tiến vua được bày biện rất thứ tự. Hai dòng câu đối: “Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha/Nước biển mênh mông không đong đầy nghĩa mẹ” được đặt hai bên bài vị của cụ ông và bà Nụ nằm bên trái của nhà thờ. Bên phải, bàn thờ đức Khổng Phu Tử là những lời răn khuôn vàng thước ngọc.

Con cháu Đoàn gia phụ trách phần lễ nhạc. Ảnh: Lê Du An

Tiến hành buổi lễ, anh Lộc trịnh trọng đọc lời khai mạc: “Trước anh linh của hồn thiêng sông núi, dòng lịch sử khởi nguồn khởi tổ ngời sáng diệu kỳ từ thời vua Hùng dựng nước, trải qua 18 chi Hùng khai cơ lập quốc mở mang bờ cõi, gìn giữ biên cương, mỗi chúng ta có dịp ngắm lại chính mình và tưởng nhớ về cội nguồn dân tộc...

Cây có gốc mới nảy cành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Con người có bởi từ đâu
Có tổ tiên trước rồi sau có mình...

Con cháu họ Đoàn tề tựu hai bên lắng nghe từng lời từng chữ. Những lời khuyên, những lời răn dạy con cháu làm người phải nhớ tới nguồn gốc cha ông, phải nhớ tới cội nguồn dân tộc đã được thêm một lần nhắc lại để thế hệ mai sau tiếp bước cha ông.

Sau khai từ của anh Lộc, đoàn nữ tế tiến hành tế lễ. Người thông xướng đọc vang lên những công đoạn tế, nào dâng hương, dâng hoa, dâng đèn dâng lễ vật lên tiền nhân. Tất cả diễn ra một cách thuần thục và rất trang nghiêm. Anh Đoàn Văn Tài, em trai anh Lộc nói, tất cả đều là con cháu trong nhà. Mấy chị, mấy cháu tập luyện tế lễ từ nhỏ đúng khuôn phép bài bản nên rất thuần thục. Anh cho biết thêm, năm nay chỉ có nữ tế nhưng sang năm sẽ có cả nam tế.

Công đức tiền nhân là kim chỉ nam

Một năm từ đường họ Đoàn tổ chức 4 ngày giỗ có tế lễ. Quan trọng nhất là ngày 10/3 rồi đến ngày Tết và ngày huý kỵ thân phụ thân mẫu.

Hầu như những thành viên trong họ Đoàn đều xem như đây là một nghĩa vụ ai cũng phải có trách nhiệm kế thừa. Anh Lộc và anh Tài đều cho biết, trong xã hội như hiện nay đầy ắp cám dỗ nhưng con cháu họ Đoàn chưa có một cháu nào làm hổ thẹn dòng họ. Các cháu đều biết kính trên nhường dưới. Ra đường lễ phép, nhẫn nhịn và thương yêu mọi người. Được như vậy là cũng nhờ vào những nề nếp của gia đình được duy trì hàng chục năm nay.

Gia đình các con của cụ Nụ không giàu nhưng họ có nghị lực và tâm hồn trong sáng nhờ vào sự giáo dục đầy tính nhân văn của cụ. Tiền bạc của cải để làm gì một khi con cái lêu lỏng bê tha (!?).

Thờ cúng vua Hùng, lấy công đức tiền nhân làm kim chỉ nam soi đường cho con cháu như gia đình cụ Nụ quả hiếm hoi trong xã hội đầy ắp cạm bẫy.

  • Lê Du An
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,