221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
53227
Sâm ngọc linh thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng!
1
Article
null
Sâm ngọc linh thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng!
,
Cây sâm Ngọc Linh từ 2 đến 6 tuổi

(VietNamNet) - 30 năm sau khi phát hiện ra cây nhân sâm Ngọc Linh tại huyện miền núi Đăk Tô (Kon Tum), hội thảo toàn quốc đầu tiên về “Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh” vừa được Bộ Y tế và UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức. Các công trình nghiên cứu khoa học ở trong và ngoài nước đã khẳng định đây là loại cây thuốc đặc hữu của Việt Nam, có giá trị dược liệu, khoa học và kinh tế không thua kém bất kỳ loại nhân sâm quý nào trên thế giới như Trường Bạch (Triều Tiên), Tây Dương (Mỹ)...

 

Với nhiều nổ lực bảo tồn và phát triển giống sâm quý này, có thể nói sâm Ngọc Linh hiện đã thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên để phát triển sâm Ngọc Linh thành cây hàng hoá thì đang có nhiều vấn đề đặt ra, cần sự chung tay từ Nhà nước cho đến mỗi người dân!...

 

Đôi nét về cây sâm quý Ngọc Linh

 

Cây sâm Ngọc Linh (hay sâm K5, sâm Việt Nam, củ ngãi rợm con) được Đoàn điều tra dược liệu Khu 5 do dược sĩ (DS) Đào Kim Long làm trưởng đoàn phát hiện lần đầu vào năm 1973 tại huyện Đăk Tô (Kon Tum). Đây cũng là loài nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Theo đánh giá của TS Trần Chí Liêm (Thứ trưởng Bộ Y tế): “Đây là cống hiến quan trọng cho khoa học, bổ sung tri thức mới về vùng phân bố chi Panax xuống tới vĩ tuyến 15 và bổ sung cho chi Panax họ Araliaceae một loài mới”. Sâm Ngọc Linh trong tự nhiên phân bố chủ yếu xung quanh vùng núi Ngọc Linh (thuộc huyện Trà My, Quảng Nam và Đăk Tô, Kon Tum) ở độ cao 1.500m trở lên. Loại cây này sinh trưởng chậm, phải nhiều năm mới đạt khối lượng có thể sử dụng. Thời chiến tranh, sau khi sâm Ngọc Linh được phát hiện, Khu uỷ Khu 5 đã chỉ đạo Ban Dân y bí mật bảo vệ và khai thác, giao cho xưởng Dược Trung Trung Bộ chế biến làm thuốc phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; đồng thời gửi mẫu ra Bộ Y tế, Viện Dược liệu Hà Nội nghiên cứu. Sau ngày giải phóng, việc nhiều công trình nghiên cứu xác nhận sâm Ngọc Linh có tác dụng chữa nhiều loại bệnh và phục hồi sức khoẻ đã giúp đồng bào dân tộc vùng núi này đổi được vật dụng gia đình, thực phẩm...

 

TS Nguyễn Bá Hoạt, Viện phó Viện Dược liệu VN cho hay, nghiên cứu dược lý thực nghiệm sâm Ngọc Linh đã chứng minh tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống oxy hoá, lão hoá, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan... Nghiên cứu dược lý lâm sàng của sâm Ngọc Linh cũng cho kết quả: bệnh nhân ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ và thể lực cải thiện, gia tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp... Những năm 80, trên thị trường tự do giá sâm Ngọc Linh tương đương giá sâm Triều Tiên. Vào những năm 90, giá sâm Ngọc Linh đắt hơn sâm Triều Tiên nhiều lần. Hiện nay, do khan hiếm nên giá sâm Ngọc Linh tại Đăk Tô là 6 – 7 triệu đồng/ 1kg củ khô, tương đương 400 USD. Tuy vậy, việc khai thác, mua bán và sử dụng tràn lan, chưa có quy định quản lý, bảo vệ cùng các chính sách, giải pháp đầu tư, quy hoạch phát triển khiến trên 108 vùng sâm mọc tự nhiên giữa Quảng Nam và Kon Tum bị cạn kiệt, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng; kéo theo là hàng ngàn ha rừng nguyên sinh bị tàn phá!

 

Nguy cơ tuyệt chủng đã qua, nhưng còn nhiều vấn đề đặt ra!

 

Trước tình hình đó, Chính phủ đã quyết định thành lập “vùng cấm quốc gia” ở vùng sâm mọc tập trung tại 2 tỉnh này và xếp sâm Ngọc Linh vào danh sách các loại cây cấm khai thác, mua bán... Hiện ở Kon Tum và Quảng Nam, số hộ dân trồng và bảo vệ cây sâm tự nhiên không nhiều, hầu như không kiểm soát được. Quảng Nam đã duy trì Trại nuôi trồng và phát triển dược liệu Trà Linh (Trà My), đang quản lý điểm trồng sâm trên 3 ha với hơn 270.000 cá thể, trong đó gần 100.000 cây đang ra hoa đậu quả (cây trên 4 tuổi); đồng thời gieo ươm 50 -70 ngàn cây giống/năm. Tại Kon Tum, Lâm trường Ngọc Linh đang lưu giữ 4.000m2 cây sâm ở xã Măng ri (Đăk Tô) nhưng trồng không đúng kỹ thuật nên cây còi cọc, ra hoa đậu quả không đáng kể nên chưa sản xuất được giống. Theo TS Nguyễn Bá Hoạt: “Sâm Ngọc Linh chỉ mới ra khỏi nguy cơ tuyệt chủng, độ an toàn thấp, cần sớm có giải pháp đầu tư phát triển bền vững cho công nghiệp dược phẩm và xuất khẩu”. Ông cho rằng, việc nghiên cứu đưa sâm Ngọc Linh thành cây trồng chính cho vùng cao, khai thác lợi thế khí hậu, đất đai để trồng sâm theo hướng sản xuất hàng hoá và tạo vùng nguyên liệu là vấn đề thiết thực để xoá đói giảm nghèo cho đồng bào, trực tiếp bảo vệ rừng đầu nguồn, trường sinh thái và đảm bảo an toàn cho loài cây đặc sản này.

 

Để làm được điều đó, theo ông Đặng Ngọc Phái, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam: “Cần tập trung tạo cho người dân có ý thức bảo vệ, phát triển cây thuốc quý này cùng với bảo vệ rừng nguyên sinh để có diện tích rừng trồng sâm. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có dự án lớn phát triển toàn diện, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm ít nhất trong 6 năm; giao đất, khoán rừng cho từng thôn, nóc hoặc hộ dân để nuôi trồng, bảo vệ rừng và phát triển sâm Ngọc Linh. Mặt khác, cần nghiêm cấm sử dụng khai thác cây sâm non chưa đủ 6 tuổi”. Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Kon Tum Phạm Ngọc Minh cũng cho rằng: “Để cây sâm Ngọc Linh đi xa và cao hơn đó đòi hỏi có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cho một chiến lược lâu dài, không chỉ dừng ở bảo tồn cây sâm mà phải có những chiến lược phát triển ở quy mô lớn như một số nước trồng sâm trên thế giới!”.

  • Thanh Hải

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,