221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
122012
Nhiều nước còn làm ngơ trước các sinh vật ngoại lai xâm hại
1
Article
null
Nhiều nước còn làm ngơ trước các sinh vật ngoại lai xâm hại
,

(VietNamNet) - Chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức về tình trạng suy giảm các nguồn tài nguyên sinh vật và đa dạng sinh học bởi nhiều nguyên nhân, trong đó việc du nhập các giống từ nước ngoài vào mà các loài bản địa bị mất đi chiếm 39%. Rõ ràng hiện trạng xâm lấn của các loài sinh vật lạ gây ra mối nguy hiểm đã xảy ra hoặc có nguy cơ tiềm ẩn đối với các loài bản địa.

Quản lý và phòng ngừa các loài sinh vật ngoại lai xâm hại này là chủ đề của cuộc hội thảo quốc tế diễn ra trong hai ngày 7- 8/10 tại Hà Nội.

Cần ngăn chặn ngay ''cái chết đen''

Chuột hải ly đã bị tiêu huỷ ở Việt Nam.

Đó là cách ví về tác hại của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại (NLXH) và cũng là lời kêu gọi của ông John Mackkinon (Giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học ASEAN). ''Tại sao các nước không làm nhiều hơn để ngăn ngừa các sinh vật ngoại lai? - ông John Mackkinon nói - Tôi nghĩ, nhiều nước không  quan tâm đến tác hại lâu dài, không nhận thức đầy đủ vì trong tự nhiên có quá nhiều loài mà chúng ta chưa hiểu biết và chưa được đào tạo đầy đủ. Chúng ta chỉ kịp nhận ra tác hại khi các loài sinh vật lạ gây tác hại nhanh chóng. Luật pháp các nước về vấn đề sàng lọc hay tạo ra barie để ngăn cản sự xâm nhập của sinh vật NLXH vẫn còn yếu. Các chính phủ đã được báo động về an toàn sinh học nhưng nhưng thực tế là nhiều nước còn làm ngơ''.

Cùng với sự phát triển của giao thông vận tải và hoạt động thương mại giữa các nước, các địa phương, con người đã mang theo một cách vô tình hay hữu ý các loài sinh vật từ nơi này đến nơi khác. Nhiều loại sinh vật gây nhiễu hoặc trà trộn trong hàng hoá, phương tiện vận chuyển, thậm chí trên quần áo giày dép rồi được con người mang theo đến môi trường sống mới một cách vô tình không chủ định. Có những loài lại du nhập theo mục đích hẹp như nghiên cứu khoa học, làm cảnh rồi sau đó phát tán ra ngoài. Con người cũng đã chủ động du nhập nhiều loại sinh vật nhằm phục vụ mục đích trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp... rồi sau đó chúng trở thành cây có hại.

Ở Việt Nam, hiện tượng loài NLXH đã xuất hiện và gây tác hại rõ rệt đang gây ra nhiều tác hại khác nhau đến môi trường và đa dạng sinh học như: cạnh tranh với các loài bản địa về thức ăn nơi sống, lai giống với các loài bản địa làm suy giảm nguồn gen, ăn thịt các loài bản địa, phá huỷ và làm suy thoái môi trường sống, truyền bệnh và ký sinh trùng. 

''Thận trọng khi nhập khẩu các loài sinh vật lạ với bất kỳ mục đích gì!''

Đó là ý kiến của PGS Hà Đình Đức (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội). Theo ông Đức thì trước khi nhập khẩu bất cứ một sinh vật nào với bất kỳ mục đích gì cũng cần tìm hiểu kỹ đặc tính sinh học của chúng thông qua hệ thống thông tin của Công ước Đa dạng sinh học và các nước thành viên  của Công ước. Sự xâm nhập của các loài sinh vật lạ đang là mối nguy cơ to lớn trên toàn cầu cả về đa dạng sinh học và kinh tế.

Cũng về vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Hải (Viện Di truyền nông nghiệp) cũng đồng tình với việc yêu cầu bên xuất khẩu  cung cấp hồ sơ về đặc tính sinh học và kết quả phát triển của chúng ở các quốc gia đó. Sau khi nhập cần nuôi trồng thử nghiệm, có kiểm soát để đánh giá. Khi xuất hiện những đặc tính không mong muốn và có nguy cơ phát triển nhanh cần nhanh chóng khoanh vùng và tiêu diệt sớm để tránh tốn kém và kéo dài thời gian xử lý.

Việt Nam đã có nhiều quyết định kịp thời và đúng đắn về các vần đề nhập khẩu sinh vật NLXH, ví dụ về chuột hải ly, trong một cuộc họp của các nhà khoa học đầu ngành về sinh vật học của liên ngành như: Viện sinh thái tài nguyên sinh vật, Viện chăn nuôi, Viện vệ sinh dịch tễ, Cục môi trường, cục khuyến nông khuyến lâm, Bộ Công an... đã đưa ra kết luận cuối cùng là: cấm nhập khẩu và nuôi chuột hải ly vì đã có khá nhiều bài học về sự phá hoại của loài này ở nhiều nước trên thế giới. 

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên nhận định: ''Hiện tượng các sinh vật ngoại lai gây tác động xấu đến môi trường và có thể trở thành thảm hoạ với bất kỳ quốc gia nào''. Ông Nguyên đề nghị các cấp, ngành, địa phương cần nhận thức sâu hơn về tác hại của sinh vật ngoại lai đối với môi trường và thành lập các mối quan hệ với các nhà khoa học trong nước và quốc tế để đưa ra những giải pháp, sớm tiến hành các biện pháp phòng trừ và tiêu diệt các loài NLXH, càng tiết kiệm được chi phí và hiệu quả càng cao.

Trước năm 1975, ốc bươu vàng du nhập vào Việt Nam với số lượng nhỏ để làm cảnh. Năm 1989 khu vực ĐBSCL nuôi nhiều để xuất khẩu nhưng do không kiểm soát được nên ốc bươu vàng đã theo dòng nước thải vượt qua ruộng lúa ao hồ và nhanh chóng lây lan trên diện rộng gây tổn thất lớn, nhất là cho nông nghiệp. Vụ hè thu năm 1994, ốc bươu vàng đã làm mất trắng và phải trồng lại hàng nghìn ha lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1995, 15.305ha lúa đã bị nhiễm ốc bươu vàng. Ngoài ra, ốc bươu vàng còn làm thay đổi ''lưới thức ăn'' trong hệ sinh thái và có nguy cơ lai giống với nhiều loài ốc bản địa dẫn đến suy giảm nguồn gen. Việc sử dụng một số loại hoá chất để tiêu diệt loài ốc này còn có thể gây ô nhiễm môi trường. Chi phí cho chiến dịch ốc bươu vàng trong cả nước lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Tiếp theo là chuột hải ly được nhập vào Việt Nam với mục đích phát triển  chăn nuôi, lấy thịt da xuất khẩu và chống đói nghèo. Có tên trong danh sách 100 loài SVXH nguy hiểm nhất trên thế giới, tại một số quốc gia chuột hải ly đã phá huỷ hệ sinh thái đất ngập nước, làm hư hỏng đê điều, bờ kênh, bờ sông, ăn cả những cây nông nghiệp. Chuột hải ly giao phối nhiều và sinh sản 3 lứa/năm, mang nhiều loại ký sinh trùng gây bệnh cho người và vật nuôi, gây ảnh hưởng xấu đến các động vật khác. Tuy nhiên do kịp thời phát hiện tác hại tiềm tàng của chúng đối với nông nghiệp, đê điều và thậm chí đến sức khoẻ con người nên Bộ NN&PTNT đã ban hành quyết định tiêu huỷ toàn bộ số chuột đã và đang nuôi trên phạm vi cả nước.

Đầu những năm 90, cây mai dương (trinh nữ) bùng phát và gây hại ở nhiều nơi, ngăn cản sự nảy mầm hạt giống của các loài cây địa phương, hủy diệt hệ sinh thái bản địa. Chúng lấn át các bãi cỏ năn - là thức ăn quan trọng của bầy sếu đầu đỏ - một trong những đối tượng thu hút khách du lịch làm ảnh hưởng gián tiếp đến công tác phát triển du lịch. Nếu không có các biện pháp phòng ngừa kịp thời và hiệu qủa thì toàn bộ 5.000ha đồng cỏ ngập nước của Vườn Quốc gia Tràm Chim, hay các Vườn quốc gia Cát Tiên, khu vực hồ Trị An... sẽ bị bao phủ hoàn toàn. Loài cây này có thể tồn tại 20 năm.

Bèo Nhật Bản nhập vào Việt Nam từ 1902 và cho đến nay đã trở thành loài cây phổ biến trên toàn quốc. Tác hại của bèo Nhật Bản là cản trở giao thông đường thuỷ, tắc nghẽn hệ thống tưới tiêu, cản trở ánh sáng mặt trời xâm nhập vào nước, làm giảm lượng oxy hoà tan, thay đổi thành phần các loài thực vật thuỷ sinh và kéo theo sự thay đổi cấu trúc quần xã động thực vật và hệ sinh thái thuỷ vực. Xác bèo khi phân huỷ sẽ gây ô nhiễm nước và ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt  của người dân.

  • Kiều Minh  

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,