,
221
4821
60 năm CHXHCNVN
vanhoimoi
/vanhoimoi/
773038
Dũng cảm đổi mới đưa Việt Nam thành nền kinh tế mới
1
Article
null
,

Dũng cảm đổi mới đưa Việt Nam thành nền kinh tế mới

Cập nhật lúc 14:45, Thứ Ba, 11/07/2006 (GMT+7)
,

TS. Nguyễn Bình, ĐH Georgetown (Mỹ), Chuyên gia Kinh tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á, trình bày một số đề xuất theo quan điểm của cá nhân mình với mong muốn đưa đất nước phát triển nhanh...

Soạn: AM 724109 gửi đến 996 để nhận ảnh này
TS Nguyễn Bình.

Qua VietNamNet, tôi rất mừng khi thấy có nhiều người đóng góp những ý kiến rất thẳng thắn. Tôi hy vọng những ý kiến đúng đắn sẽ được thể hiện trong các nghị quyết của ĐH và sẽ được cụ thể hóa trong chiến lược phát triển của nước nhà trong những năm tới.

 

Việc Ban Bí Thư Trung ương Đảng phổ biến công khai và lấy ý kiến rộng rãi của mọi người về dự thảo BCCT thể hiện một quyết tâm chính trị to lớn của Đảng nhằm thực sự đổi mới đất nước. Tôi hết sức ủng hộ việc làm này của Ban Bí thư.

 

Việt Nam đã có 20 năm đổi mới. Việt Nam cần tiếp tục đổi mới và phải đổi mới sâu sắc và mạnh mẽ hơn nữa để tăng tốc cất cánh thành nền kinh tế mới. Cũng như mọi người dân có trách nhiệm, tôi mong ước được thấy nước ta trở thành một nước phồn vinh “sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời Bác Hồ dạy. Đứng trước cơ hội vàng cho tương lai của Việt Nam (từ ông Nguyễn Trung dùng trong bài góp ý đăng trên VietNamNet ngày 15/02/2006), tôi thấy mình có vinh dự và có trách nhiệm đóng góp vào công cuộc đổi mới kiến thiết nước nhà.

 

Với những suy nghĩ đó, và với niềm tin rằng Đảng thực sự muốn nghe mọi ý kiến đóng góp như lời của TBT Nông Đức Mạnh “Tôn trọng những ý kiến khác biệt”, tôi mạnh dạn viết bài này trình bày thẳng thắn những điều cá nhân tôi thực sự cho rằng tốt đẹp nhất cho sự phát triển của đất nước.

 

Tôi có hai ý kiến. Thứ nhất, tôi cho rằng những kết quả kinh tế mà chúng ta đã đạt được sau 20 năm Đổi mới còn rất khiêm tốn. Chúng ta không thể hài lòng với những kết quả đó. Chúng ta cần phải đạt được nhiều hơn nữa nếu chúng ta muốn đuổi kịp các nước khác. Thứ hai, tôi xin đưa ra những kiến nghị để nền kinh tế Việt Nam đột phá tăng tốc cất cánh.

 

Trước hết, về những kết quả kinh tế của 20 năm Đổi mới. Tôi đồng ý chúng ta đã có một số thành công. Cụ thể là, tăng GDP bình quân đầu người từ khoảng 200$/năm lên khoảng 600$/năm và giảm tỷ lệ người nghèo từ gần 60% xuống khoảng 20% cuối năm 2004 (Báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới chuẩn bị cho Hội Nghị Các Nhà Tài Trợ, 6 - 7 tháng 12, 2005). Nếu không có Đổi mới, có lẽ chúng ta đã không có những con số đó.

 

Thế nhưng cuối cùng thì tất cả những gì chúng ta đã làm được thực chất là từ bỏ cơ chế cũ để chuyển sang cơ chế thị trường. Sau 20 năm, chúng ta mới chỉ thiết lập được nền móng sơ bộ của một nền KTTT. Nói một cách ví von, chúng ta mới chỉ cởi những dây trói do chính chúng ta tự trói mình trước đây. Nếu 20 năm chỉ mới làm được việc cởi trói thì khó có thể nói rằng chúng ta đã làm được nhiều việc.

 

Điều quan trọng là sau khi giải phóng các lực lượng kinh tế, phải nhanh chóng có một thể chế, một môi trường kinh doanh lành mạnh để cho nền kinh tế lớn mạnh. Thật tiếc, điều này thì chúng ta mới làm được rất ít. Mọi giải thích chỉ là những an ủi ngụy biện kìm hãm sự phát triển của đất nước. Nếu quyết tâm, 20 năm là đủ dài để làm những việc này (Hai mươi năm gần bằng nửa thời gian để Nhật Bản và Hàn Quốc trở thành nước công nghiệp hóa. Trong khi đó, chúng ta mới chỉ bắt đầu vào guồng).

 

Nếu chúng ta hài lòng với những kết quả đã đạt được và tiếp tục chỉ đạt được những kết quả với tốc độ tương tự thì chúng ta sẽ không bao giờ đuổi kịp các nước láng giềng chứ đừng nói đến sánh vai với các cường quốc năm châu.

 

Xin không nói đến các vấn đề khác còn tồn tại trong nền kinh tế, tôi chỉ nói đến một chỉ số là tốc độ tăng trưởng. Sau 20 năm, GDP/đầu người của chúng ta tăng từ 200$/năm lên 600$/năm. Như vậy tốc độ tăng truởng trung bình khoảng 5.6%/năm. Bảng 1 (dòng màu xanh đầu tiên) cho thấy, với tốc độ này thì đến năm 2020 chúng ta chỉ đạt thu nhập đầu người khoảng $1360/năm, tức là ngang mức hiện tại của Trung Quốc.

 

Với tốc độ này, để trở thành một nước có thu nhập trung bình (2000$/năm) chúng ta sẽ phải mất 22 năm; có thu nhập trung bình cao (5000$/năm), mất 39 năm; và thành nước công nghiệp (10.000$/năm), mất 52 năm (Đây là những mức thu nhập tương đối chỉ mức độ phát triển kinh tế của một quốc gia). Quá dài để có thể coi là thành công thời nay. Cũng trên Bảng 1, với tốc độ tăng trưởng trung bình 8%/năm (dòng màu nâu ở giữa), thì chúng ta sẽ đạt mức thu nhập trung bình sau 16 năm và mức công nghiệp sau 37 năm.

 

Đây là kết quả tàm tạm. Song, tôi đồng ý với nguyên TT Võ Văn Kiệt rằng chúng ta phải đặt chỉ tiêu cao hơn để nhanh chóng đuổi kịp các nước (Trả lời phỏng vấn của nguyên TT Võ Văn Kiệt đăng trên VietNamNet, 27/2/2006: http://VietNamNet.vn/chinhtri/daihoidangX/2006/02/545366/). Theo tôi, Việt Nam cần phấn đấu đạt mức tăng trưởng 10%/năm. Điều này là có thể nếu chúng ta quyết tâm. Thực tế, Trung Quốc đã duy trì mức tăng trưởng này trong suốt thập niên qua. Với 10%/năm chúng ta có thể hy vọng gia nhập câu lạc bộ các nước công nghiệp sau 30 năm (B.1, dòng cuối).

 

Soạn: AM 723177 gửi đến 996 để nhận ảnh này

B.1: Khả năng diễn biến của thu nhập/đầu người (Ghi chú: 2000$/năm. Thu nhập trung bình; 500 $0/năm: Thu nhập trung bình cao; 10000$/năm; Công nghiệp hóa. GDP/đầu người hiện tại của Trung Quốc khoảng 1400$/năm, của Thái Lan khoảng 2500$/năm. Nguồn: Tính toán của tác giả 2006).

 

Những kiến nghị để Việt Nam tăng tốc cất cánh thành nền kinh tế mới

 

1. Xác định đúng mục tiêu. Chúng ta cần xác định rõ, Việt Nam chỉ có một mục tiêu duy nhất là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Tôi gọi tóm tắt lại là Phát Triển. Bất kỳ cái gì, bất kỳ ai, nước nào, tổ chức nào giúp chúng ta đạt được mục tiêu này đều là tốt và đều được hoan nghênh. Ngược lại, bất kỳ cái gì gây cản trở việc đạt được mục tiêu đó cần phải gạt bỏ. Vì sự phát triển của Dân Tộc - tôi nhắc lại, Dân Tộc chứ không phải một nhóm nào - Đảng và Dân Tộc Việt Nam phải vượt lên chính mình, gạt bỏ tất cả những giá trị mơ hồ để tập trung vào mục tiêu Phát Triển.

 

Tôi rất mừng khi thấy có nhiều ý kiến rằng đã đến lúc Đảng cần đặt thẳng lên bàn thảo luận những vấn đề then chốt như: “chúng ta có nên tiếp tục con đường xã hội chủ nghĩa nữa hay không? Có thể có con đường nào khác phù hợp hơn? Hoặc: hãy thôi nói chủ nghĩa xã hội, thôi nói chủ nghĩa Mác - Lênin, mà cứ làm sao cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” là được rồi?” (Trích bài của GS Nguyễn Đức Bình đăng trên VietNamNet ngày 27/2/2006: http://VietNamNet.vn/chinhtri/daihoidangX/2006/02/545332/). Chúng ta hãy nhìn Trung Quốc, họ đã áp dụng khẩu hiệu nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình “bất kể mèo trắng hay mèo đen, miễn bắt được chuột là được”, và họ đã thu được những thành công rực rỡ trong 30 năm qua.

 

2. Xây dựng thương hiệu đất nước. Việt Nam phải bằng mọi cách làm cho thế giới thấy rằng trên mảnh đất này chiến tranh đã hoàn toàn đi vào dĩ vãng và Việt Nam ngày nay là một thị trường cởi mở các nhà đầu tư có thể đến làm ăn và thu lời, giống như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, v.v.

 

Sau khi chúng ta đã xác định được mục tiêu duy nhất là Phát Triển, và chúng ta không phân biệt Mèo Trắng Mèo Đen, thì tên gọi của đất nước, tên gọi của nền kinh tế không phải là vấn đề. Tuy nhiên, để thành một địa chỉ hấp dẫn, có hai thứ chúng ta cần thay đổi.

 

Thứ nhất là cụm từ “nền kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa”.. Thực ra cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” có dụng ý tốt vì nó thể hiện nguyện vọng của chúng ta muốn có một xã hội bình đẳng. Tuy nhiên cụm từ này làm cho mọi người khó hiểu, hay gây tranh cãi, và có thể tạo cho các nhà đầu tư còn đang lưỡng lự nghi ngờ về quyết tâm của Việt Nam vì nó quá gắn với nền kinh tế tập trung mệnh lệnh thời trước.

 

Bài học thực tế của mấy năm vừa rồi: chúng ta đã phải trả giá cao trong các vụ kiện cá Ba Sa với Mỹ và giày da với các nước châu Âu chỉ để chứng minh rằng Việt Nam là một nền KTTT. (thực ra, công bằng xã hội được thực hiện qua các chính sách điều tiết thu nhập của Chính Phủ. Điều này sẽ được nói đến trong trong phần Tăng cường vai trò vĩ mô của nhà nước). Vì vậy, tôi kiến nghị chỉ dùng “nền kinh tế thị trường”.  

 

Thứ hai là tên gọi của đất nước. Chúng ta cần nhìn nhận tên gọi của một quốc gia như là thương hiệu của quốc gia đó. Tên gọi (hay thương hiệu) của một quốc gia phải hấp dẫn và phải tạo ra giá trị kinh tế. Ít nhất, nó cũng phải tránh được tất cả những gì không hay có thể xảy ra.
 
Làm sao để hai tiếng "Việt Nam" hôm nay sẽ làm cho thế giới hiểu rằng lần này Việt Nam thực sự Đổi mới một cách toàn diện và triệt để, và Việt Nam quyết tâm đưa đất nước hoàn toàn hòa nhập với phần còn lại của thế giới. Tôi chắc chắn rằng quốc tế sẽ nhiệt liệt hoan nghênh và đón nhận Việt Nam mới. Giá trị kinh tế thu được là vô kể.
 

3. Tăng cường vai trò vĩ mô của Nhà nước. Trong một nền KTTT, Nhà nước thực hiện ba vai trò.

 

Thứ nhất là vai trò Quản Lý. Nhà Nước là người tạo các điều kiện để các hoạt động kinh tế và các tổ chức kinh tế hoạt động lành mạnh. Nói cách khác, Nhà nước tạo ra luật chơi, và giám sát việc thực hiện luật chơi. Nhà Nước không tham gia vào các hoạt động kinh tế cụ thể trong các lĩnh vực mà thị trường tự nó có thể sản xuất ở mức tối ưu. Đây chính là chức năng pháp quyền của Nhà Nước. Nhà Nước thực hiện chức năng này bằng các công cụ về hành pháp và tư pháp. Bằng cách này, Nhà Nước tăng vai trò quản lý vĩ mô của mình. Kết quả là môi trường kinh tế - chính trị ổn định, môi trường kinh doanh lành mạnh.  

 

Soạn: AM 723269 gửi đến 996 để nhận ảnh này

H.1. Nguồn: Doing Business. World Bank 2005.

Hàng năm Ngân hàng Thế giới xếp hạng môi trường kinh doanh của các nước. Năm 2005, trong số 155 nước, Việt Nam xếp thứ 99; trong khu vực chỉ hơn Cam-pu-chia và Lào (H.1). Chúng ta phải nhanh chóng nâng vị trí xếp hạng của đất nước. 

  

Những việc cần làm ngay

 

Cương quyết cổ phần hóa toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể sản xuất một cách tối ưu.

 

Thiết lập một sân chơi thực sự bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, dựa trên hệ thống luật pháp minh bạch và sòng phẳng. Không phân biệt đối sử giữa công ty nhà nước, công ty tư nhân, công ty nước ngoài. Điều này sẽ khuyến khích đầu tư trong nước và thu hút vốn FDI.

 

H.2. Những nước hội nhập nhiều: 24 nước, tổng số 3 tỷ người. Những nước ít hội nhập: các nước châu Phi thuộc khu vực Sahara, Trung Đông và Liên Xô cũ, tổng số 2 tỷ người. Nguồn: Globalization, Growth and Poverty: Building an Inclusive World Economy. P.Collier and D.Dollar. World Bank 2001.

 

 

Mở cửa những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Đặc biệt là khu vực ngân hàng để thu hút các nguồn vốn trên thị trường tài chính toàn cầu.

 

 
 

Hội nhập mạnh mẽ vào thị trường hàng hóa toàn cầu bằng cách tham gia vào các tổ chức và các hiệp định thương mại để loại bỏ các rào cản thương mại. Nguyên tắc là muốn vào được thị trường thế giới thì Việt Nam phải mở cửa thị trường của mình.

 

Đối với Việt Nam, cái lợi của hội nhập và mở cửa lớn hơn cái hại, do đó Việt Nam cần mở cửa và hội nhập toàn diện. Thực tế của thập kỷ 1990 đã chứng minh, các nền kinh tế càng mở cửa càng tham gia vào toàn cầu hóa, càng có tốc độ tăng trưởng cao (H.2).

 

Thứ hai là vai trò Đầu Tư. Trong một nền KTTT bao giờ cũng tồn tại những bất cập thị trường (market failures). Nhà Nước phải điều chỉnh những bất cập đó. Cụ thể là Nhà Nước đầu tư vào các sản phẩm công cộng (public goods) và các mặt hàng mà thị trường không sản xuất hoặc chỉ sản xuất dưới mức xã hội cần. Nhà Nước dùng các công cụ tài chính công (thu thuế và chi tiêu công cộng) để tạo ra vốn đầu tư. Hiện nay, Nhà nước cần tập trung đầu tư vào hạ tầng cơ sở, giáo dục, y tế và khoa học và công nghệ.

 

Bất cập thị trường (market failures) là thuật ngữ kinh tế để chỉ tình trạng thị trường không sản xuất ra sản phẩm ở mức độ tối ưu xã hội (socially optimal) trong một số lĩnh vực.

Ví dụ, những sản phẩm công cộng (public goods), những sản phẩm có ảnh hưởng ngoại lai (externalities), v.v.

Lý do là trong những lĩnh vực đó, các công ty tư nhân không thu được tối đa lợi nhuận nếu sản xuất hàng hóa ở mức độ tối ưu xã hội. Dưới góc độ kinh tế, an ninh quốc gia là một sản phẩm công cộng Nhà Nước cung cấp.

 

Thứ ba là vai trò Tái Phân Phối. Bản chất của nền KTTT là dựa vào cạnh tranh cá nhân. Điều này dẫn đến một số thành viên của xã hội sẽ thua thiệt hơn so với những thành viên khác, làm gia tăng chênh lệch giàu - nghèo trong xã hội. Để giảm mặt trái này của nền KTTT, Nhà nước thực hiện việc tái phân phối sản phẩm thông qua thuế thu nhập và các công cụ phúc lợi xã hội. Thuế thu nhập là lĩnh vực còn mới với Việt Nam và cần cải cách mạnh mẽ.

 

Thuế phải phù hợp với các nguyên lý kinh tế, vừa đảm bảo thu ngân sách vừa khuyến khích thị trường sản xuất tối đa (Trong nền KTTT, thuế tạo ra các xáo trộn (distortions) trong sản xuất. Vì bị đóng thuế, các công ty sản xuất ít hơn mức có thể. Lý thuyết kinh tế đã chứng minh rằng với cùng một mức thu ngân sách, có hai mức thuế có thể áp dụng. Để tối đa phúc lợi xã hội (social welfare), Nhà nước phải dùng mức thuế thấp). Việt Nam nên cùng các tổ chức quốc tế (Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Thế giới...) dựa trên kinh nghiệm của các nước để xây dựng một chính sách thuế: mở rộng phạm vi thu thuế xong áp dụng mức thuế thấp để khuyến khích sản xuất.

 

4. Quan hệ quốc tế một cách có lợi nhất. Chiến lược là hợp tác hai bên cùng có lợi. QHQT chiến lược bao gồm quan hệ với các tổ chức quốc tế chiến lược và quan hệ với các quốc gia chiến lược.

 

Về các tổ chức quốc tế chiến lược, trước tiên, Việt Nam cần phải chấp nhận đánh đổi để nhanh chóng tham gia WTO. Sự cần thiết nhanh chóng tham gia tổ chức này đã được nói nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và Chính Phủ có vẻ như đã quyết tâm thực hiện, nên tôi không nói nữa.

Điều tôi muốn nói là, về lâu dài, Việt Nam cần xác định rằng các tổ chức kinh tế và các hiệp định thương mại đa và song phương quan trọng hơn các tổ chức chính trị. Ngay cả các tổ chức như WB hay ADB cũng không phải là quan trọng mãi mãi. Lý do là vì các tổ chức này sẽ ngừng cho VN vay tiền khi nền kinh tế của Việt Nam khá lên. Thêm nữa, quan trọng là cái giá thực và hiệu quả của vốn vay.

 

Vay từ nguồn ODA có lãi xuất thấp hơn vay trên thị trường vốn, nhưng với những điều kiện đi kèm, triển khai vốn chậm, và hiệu quả sử dụng thấp, giá thực của tiền vay ODA cao hơn nhiều so với vay trên thị trường tiền tệ (Lãi xuất của WB và ADB dao động từ 1 - 5%/năm. Lãi xuất vay trên thị trường tiền tệ thường ở mức 7- 9%/năm). Vì vậy, về lâu dài nguồn vốn quốc tế của Việt Nam là nguồn vốn trên thị trường tài chính toàn cầu.

 

Ví dụ về sức mạnh tài chính của thị trường vốn: mỗi ngày lượng vốn chuyển đổi trên thị trường chứng khoán New York là hơn 2000 tỷ dollar. Trong khi đó, ngân sách hàng năm của WB khoảng 25 tỷ, của ADB khoảng 6 tỷ, và GDP của Việt Nam năm 2005 chưa được 50 tỷ.

Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc thiết lập các mối quan hệ quốc tế chiến lược này. Cú thử huy động vốn trên thị trường New York năm ngoái cho thấy khả năng thành công của Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế. Việt Nam cần chấp nhận đánh đổi để các cuộc đàm phán song phương hoặc đa phương nhanh hơn. Càng kết thúc đàm phán nhanh càng có lợi. Những kết quả xuất khẩu sang Mỹ sau khi ký BTA là một chứng minh rõ ràng cho điều này. Việc lỡ chuyến tàu WTO năm ngoái cho thấy chúng ta còn cò con.

 

Việt Nam đang thực hiện một chính sách đối ngoại đúng đắn là làm bạn với tất cả. Tuy nhiên, Việt Nam phải phát triển những quan hệ đặc biệt với những quốc gia chiến lược đặc biệt. Quan trọng nhất là quan hệ với Mỹ. Đơn giản vì Mỹ là một thị trường có sức tiêu thụ lớn nhất, có nền KHCN và nền quản lý tiên tiến nhất, và là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới ngày nay.

 

Lịch sử cận đại cho thấy những nền kinh tế nào có quan hệ thân thiết với Mỹ đều đã phát triển nhanh chóng. Ví dụ gần đây là Hàn Quốc, Đài Loan, và Singapore. Lâu hơn một chút là Nhật Bản và Tây Đức cũ sau Chiến tranh thế giới II. Một mối quan hệ đồng minh với Mỹ vừa có ý nghĩa về kinh tế vừa bảo đảm về an ninh quốc phòng. Nhất cử lưỡng tiện. Chúng ta hãy nhìn Đài Loan và Hàn Quốc họ đã tồn tại một cách hòa bình mấy chục năm nay và đã phát triển thành các nền công nghiệp mới. Là đồng minh thân cận của Mỹ là một trong những nguyên nhân quan trọng làm họ thành công. Chuyến đi Mỹ của TT Phan Văn Khải năm ngoái là một sự khởi đầu tuyệt vời.

 

5. Chính sách cán bộ. Một trong những nguyên nhân quan trọng của tốc độ phát triển chưa cao của 20 năm Đổi mới là do thực hiện. Cá nhân tôi thấy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, và Chính phủ rất quyết tâm tăng tốc độ phát triển. Tuy nhiên, phần lớn các đường lối và các chính sách vĩ mô đã bị triển khai chậm hay bị làm méo mó do các cán bộ thực hiện, đặc biệt ở cấp trung gian.

 

Tôi có nhiều dịp được tiếp xúc và làm việc với các cán bộ của Việt Nam. Điều chung dễ nhận thấy là họ có tác phong rất không chuyên nghiệp. Chẳng hạn, khề khà, đun đẩy việc, vội vàng và đăc biệt rất hay tiệc tùng bằng tiền công. Tôi thấy vô lý là các cơ quan của Việt nam vẫn còn có ngân sách tiếp khách.

Tại sao cán bộ đáng lẽ là động lực thì lại là lý do? Theo tôi có hai nguyên nhân cơ bản: thứ nhất là các động cơ cá nhân, và thứ hai là năng lực. Kết quả là chúng ta đã trở thành một trong những nước có bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả, và tham nhũng trầm trọng. Tình hình càng ngày càng tồi tệ. Cụ thể là, cuối những năm 1990, chúng ta ở hạng 76. Đến nay chúng ta tụt xuống hạng 107, trong số 158 nước. Để so sánh, Trung Quốc có tiếng tham nhũng vẫn còn trên chúng ta hơn 20 bậc, còn Thailand thì đang ngày càng tiến bộ (H.3).

 

Tôi không bàn về tình trạng của vấn đề cán bộ, mà muốn đề xuất một số kiến nghị xây dựng một cơ chế quản lý cán bộ hiện đại, chuyên nghiệp, và hiệu quả. Cụ thể như sau.

 

Soạn: AM 724113 gửi đến 996 để nhận ảnh này

H.3. Nguồn: Transparency International. Các năm.

Đầu vào: Ta nên học các nước đi trước, ví dụ trong khối ASEAN, chia cán bộ ra thành hai ngạch mà tôi tạm dịch là Quan Chức (political appointees), và Viên Chức (bureaucrats). Quan Chức là những người ở những vị trí chính trị (nôm na là vị trí cao) trong bộ máy Nhà Nước (tương đương cấp Thứ trưởng trở lên). Những người này là Đảng viên. Họ do Thủ Tướng đề cử và Quốc Hội phê duyệt. Tất cả còn lại là Viên Chức, tức là những người làm công ăn lương. Những người này sẽ làm việc theo chế độ hợp đồng, được tuyển công khai, không phân biệt thành phần xã hội, kể cả người Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài.

 

Đãi ngộ: Bao gồm hai phần là lương + các phụ cấp (salary + benefits), và điều kiện làm việc. Việt Nam đang tiến hành nhiều biện pháp cải cách chế độ tiền lương. Do đó tôi chỉ nói rằng, thay vì nâng lương một cách dè dặt, Việt Nam phải cải cách chế độ lương một cách triệt để hơn. Phải làm cho lương thực sự là lương để người ta không nghĩ đến lậu. Tối thiểu là lương phải đủ nuôi được gia đình bốn người và trả tiền học cho con cái. Về phụ cấp, Việt Nam phải bỏ hẳn tất cả những phụ cấp bằng hiện vật, như xe cộ, nhà cửa, v.v. Đưa vào các phụ cấp như trả tiền bảo hiểm y tế, tiền học của con cái... Về điều kiện làm việc, cán bộ phải được tự chủ quyết định trong giới hạn của mình, có cơ hội được đào tạo và thăng tiến, được trang bị các đồ dùng làm việc một cách đầy đủ...

 

Kỷ luật: Đi liền với tất cả chế độ đãi ngộ cao là kỷ luật không khoan nhượng. Kỷ luật phải nặng và nghiêm để ai cũng thấy cái giá phải trả nếu làm điều sai. Ví dụ, ở bất cứ cấp nào, ai tham nhũng (ăn tiền hoặc đút lót) dù nhỏ nhất cũng lập tức bị sa thải và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

Đây là mô hình quản lý cán bộ (tuyển chọn, đãi ngộ, và kỷ luật) ông Lý Quang Diệu đã triệt để áp dụng để nâng cao hiệu quả của bộ máy nhà nước khi ông làm Thủ Tướng. Trong những ngày mới áp dụng, đã có nhiều người phản đối. Ông Lý Quang Diệu cũng đã phải cách chức một số Bộ Trưởng vì tham nhũng (From Third World to First. The Singapore Story: 1965 - 2000. (Từ thế giới Thứ Ba đến Thứ Nhất. Câu chuyện Singapore: 1965 - 2000). Lý Quang Diệu. 2000.). Tuy nhiên, cuối cùng thì tính đúng đắn của mô hình đã được chứng minh, vì nó đã giúp cho Singapore có một hệ thống hành chính hiệu quả và trong sạch bậc nhất thế giới. Và đó cũng là một trong những lý do quan trọng để Singapore trở thành nước công nghiệp mới sau khoảng 35 năm. Hầu như tất cả các nước có nền KTTT đều có mô hình quản lý cán bộ tương tự.

 

Đào tạo: Đào tạo là một khâu vô cùng quan trọng trong chính sách cán bộ. Việt Nam cần kiên quyết cải tổ hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đại học theo hướng thị trường. Nghĩa là, ngành nghề, chương trình giảng dạy, quy mô... phải do cung - cầu quyết định. Các cơ sở đào tạo phải xã hội hóa mạnh mẽ để thu hút đầu tư của tư nhân, tập thể, và của nước ngoài. Nhà Nước phải để cho các trường tự do liên kết với các trường nước ngoài để hút vốn, mở rộng hợp tác, thu nhân tài, thu kiến thức... Việt Nam ngày càng hội nhập với thế giới, cũng như các nước ASEAN, tiếng Anh phải trở thành ngôn ngữ giảng dạy trong các trường đại học hàng đầu.

 

Trên đây là những ý kiến cá nhân chân thành nhất của tôi. Tôi viết với mong muốn duy nhất là đất nước nhanh chóng tiến lên. Tôi hy vọng Đảng sẽ thực sự lắng nghe và tiếp thu tất cả những ý kiến tốt đẹp, vì tương lai của Dân tộc.

 

Tôi chúc Đại hội thẳng thắn và thành công tốt đẹp. 

 

Nguyễn Bình
TS Kinh tế, ĐH Georgetown

Chuyên gia Kinh tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á

(Bài viết phản ánh ‎ý kiến cá nhân của tác giả, không phản ánh quan điểm hoặc chính sách của Ngân hàng Phát triển Châu Á hay của bất kỳ tổ chức nào.)

 

Ý kiến của bạn:  
 

 

,

Tin khác

,
,