,
221
4821
60 năm CHXHCNVN
vanhoimoi
/vanhoimoi/
792168
Hà Nội đang trên đầu ngọn sóng thịnh vượng
1
Article
null
,

Hà Nội đang trên đầu ngọn sóng thịnh vượng

Cập nhật lúc 09:20, Thứ Năm, 04/05/2006 (GMT+7)
,

Sau thời gian đứng sau TP Hồ Chí Minh, giờ đây Hà Nội đang trên đầu ngọn sóng ''thịnh vượng'' của đất nước. Đó là đánh giá của phóng viên Kay Johnson đăng trên thời báo Time.

Soạn: AM 767991 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Một góc khu công nghiệp Thăng Long.

...Giống như hầu hết các tỉnh miền Bắc, Bắc Ninh ''chạy sau'' trong cuộc đua tăng trưởng kinh tế trong thập niên qua. Mới năm ngoái, Phạm Thị Nhàn , 19 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông trung học. Chị không thấy việc gì khả quan hơn giúp gia đình trồng lúa, một công việc mà cả gia đình có thể kiếm được khoảng 400 USD/năm. Nhàn đã từng nghĩ đến chuyện vào Nam kiếm ăn giống như người chú mình.

''Tôi mơ ước mình có tiền để mua sắm cho gia đình'', Nhàn tâm sự ''Nhưng tôi không muốn rời miền Bắc''. 

Giờ đây, chị không phải làm vậy. Nhàn đang được đào tạo để làm việc trong một dây chuyền lắp ráp thuộc hãng Canon. Chị sẽ kiếm được 50USD/tháng, đủ để thuê một căn nhà nhỏ.

''Khi tôi kiếm được nhiều tiền, tôi muốn gửi cho bố mẹ, và có thể mua cho mình một chiếc xe máy''.

Nhàn không phải là người duy nhất tràn trề hy vọng như vậy. Bắt đầu sản xuất hồi tháng trước, nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh là cơ sở thứ hai của hãng Canon tại Việt Nam. Nhà máy thứ ba đang nằm trong kế hoạch. Hoạt động hết công suất, nhà máy có thể ''xuất xưởng'' khoảng 4 triệu máy in laser trong một tháng.

''Chúng tôi có kế hoạch biến đây trở thành nhà máy sản xuất máy in laser lớn nhất thế giới'', Yasuo Mitsuhashi, Trưởng bộ phận sản xuất máy in trên phạm vi toàn cầu của hãng Canon, cho biết: ''Tương lai của vùng này rất tươi sáng''.

Tuy nhiên điều đó không phải luôn như vậy. Trước đây, những ai muốn kiếm nhiều tiền đều đổ về TP. Hồ Chí Minh, nơi có những đại lộ hối hả và nhiều doanh nghiệp. Cách đây chừng 3 năm, TP. Hồ Chí Minh thu hút 30% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam và tạo 40% tổng giá trị xuất khẩu dù nơi đây có dân số chưa bằng 1/10 cả nước. Thực sự, tăng trưởng kinh tế Việt Nam không đồng đều đến nỗi trong báo cáo 2004 của mình, Chương trình phát triển LHQ (UNDP) phải ''thốt lên'' Tại sao các tỉnh miền Bắc không phát triển nhanh hơn?

Bắt kịp tốc độ

Nhưng trong năm qua, TP. HCM đã phải cạnh tranh để giành những đồng đô la đầu tư nước ngoài. Khi các công ty quốc tế muốn tìm kiếm sự thay thế cho chi phí nhân công ngày một gia tăng ở Trung Quốc, với lương nhân nhân công rẻ hơn miền Nam Việt Nam và duyên hải Trung Quốc, Miền Bắc bắt đầu ''hưởng lợi'' từ các chương trình cải cách thị trường tự do ''chậm nhưng chắc''. Năm ngoái, lần đầu tiên Hà Nội vượt qua TP. HCM về thu hút FDI, chiếm 1,6 tỷ USD trong tổng số 6,2 tỷ USD.

Trong 5 năm qua, rất nhiều nhà sản xuất nước ngoài lập cửa hàng tại Hà Nội, trong số đó có Fujitsu, LG Electronics và Daewoo.

''Người ta thường nói miền Nam là nơi tốt nhất để kinh doanh'', Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc một cơ quan phụ trách đầu tư nước ngoài của Việt Nam - cho biết ''Nhưng giờ đây, quan điểm đó không còn đúng nữa''.

Tuấn có thể thiên vị vì văn phòng của ông ở Hà Nội. Nhưng Lương Văn Lý, Phó giám Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, cũng thừa nhận: ''Hà Nội bắt kịp tốc độ rất nhanh''.

Miền Bắc đang cưỡi con sóng tăng trưởng kinh tế thứ hai của Việt Nam. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, được khuyến khích bởi chương trình ''Đổi mới'' của Chính phủ, các nhà đầu tư đổ vào và tăng trưởng kinh tế tăng mạnh.

Tuy nhiên, quá trình làm thủ tục xin giấy phép phức tạp và ''tham nhũng'' cộng với nạn quan liêu đã làm mờ phần nào viễn cảnh đầu tư. Dòng đầu tư khô cạn sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997.

Nhưng, kể từ năm 2000, giới lãnh đạo gia tăng nỗ lực cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. "Cuộc khủng hoảng thực ra tốt cho Việt Nam'' Don Lam - một nhà đầu tư người Mỹ gốc Việt - nhận xét: ''Nó buộc Chính phủ suy nghĩ một cách thực tế, phải tiên phong thực hiện thay vì ngồi đợi tiền đến''.

Năm ngoái, Việt Nam thông qua luật doanh nghiệp và luật đầu tư ''thân thiện hơn với doanh nghiệp'', đồng thời tổ chức lại thủ tục cấp giấy phép và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tổng thu nhập quốc nội (GDP) năm ngoái lên tới 8,4%, tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai châu Á, sau Trung Quốc. Kết quả, Việt Nam thu hút được nhiều FDI tính theo bình quân đầu người hơn cả Ấn Độ và Trung Quốc.

Những lợi thế

Giới đầu tư quan tâm tới Việt Nam không chỉ bởi thủ tục đã được đơn giản hoá. Miền Bắc có nhiều lợi thế hơn miền Nam: giá nhân công rẻ hơn, bất động động sản thấp hơn và cảng biển thuận lợi hơn. Sumitomo, gã khổng lồ bất động sản của Nhật Bản, đầu tiên ''hướng tới'' miền Nam để xây dựng một khu công nghiệp trong năm 1997. Tuy nhiên, sau khi so sánh cơ sở hạ tầng và giá nhân công, Sumitomo đã chọn Hà Nội. Hai giai đoạn đầu của dự án khu công nghiệp Thăng Long rộng 300 ha của Sumitomo tại Hà Nội đã hoàn thành năm ngoái. Và giai đoạn ba và bốn sẽ hoàn thành trong hai năm tới.

''Thật ngạc nhiên'', Shigeo Fukuda, Giám đốc khu công nghiệp Thăng Long, cho biết ''Chúng tôi đang gấp rút xây dựng giai đoạn ba càng nhanh càng tốt''. 

Hơn nữa, lúc nào cũng là địa điểm, địa điểm và địa điểm. Hà Nội cách biên giới Việt - Trung 170 km. Năm ngoái, Trung Quốc đã thay Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (thương mại hai chiều đạt 8,7 tỷ USD). Mặc dù Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, song nhiều công ty ở phía Bắc tin vào một sự thay đổi nhanh chóng.

Hầu hết các công ty đặt nhà máy ở miền Bắc đều có những kế hoạch lớn xuất khẩu hàng thành phẩm, từ thiết bị vệ sinh đến máy ảnh kỹ thuật số, sang Trung Quốc. Xét trên quy mô nhỏ, điều đó đã diễn ra. Tổng giám đốc Canon Việt Nam Sachio Kageyama cho biết năm ngoái công ty đã bắt đầu xuất khẩu máy in sản xuất tại khu công nghiệp Thăng Long sang Trung Quốc.

Tháng Một vừa qua, tuyến quốc lộ Hà Nội - biên giới Việt Trung đã được hoàn thành, giảm thời gian đi lại tới thành phố công nghiệp Nam Ninh của Trung Quốc từ 2 ngày xuống còn 7 giờ.

''Hà Nội là một trong những địa điểm tốt nhất nếu anh muốn bán hàng sang Trung Quốc'', Kenjiro Ishiwata, Trưởng Đại diện của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) nhận xét: ''Mức lương hàng tháng tại Quảng Châu hiện trên 100 USD. Ở Hà Nội, mức lương trung bình khoảng 50 USD, do vậy thực sự sản xuất ở đây và vận chuyển lên phía bắc rẻ hơn''.  

Ngay cả khi giấc mơ xuất khẩu sang Trung Quốc không thành, vẫn còn nhiều thị trường lân cận để khai thác. Hiệp định thương mại tự do giữa 10 nước thành viên ASEAN gần đây đã giảm thuế quan đối với các mặt hàng điện tử từ 30% xuống còn zero. Đó là cơ hội cho các nhà sản xuất điện tử Việt Nam tiếp cận với khối thị trường khoảng nửa tỷ dân này.

''Chúng tôi có thể là cửa ngõ xuất khẩu sang Trung Quốc. Và đồng thời chúng tôi có thể xuất khẩu sang ASEAN và phương Tây'', Hoang Van Dung, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, cho biết.

Dù vậy, không hẳn miền Nam giờ không thu hút được đầu tư. Tháng trước, Intel công bố kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp và thử nghiệp chip trị giá 300 triệu USD ở TP. HCM. Dù Nam hay Bắc thì vẫn có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động. Trong khi thế giới tranh cãi liệu Trung Quốc hay Ấn Độ sẽ trở thành thủ lĩnh kinh tế của thế giới đang phát triển thì Việt Nam được coi là cơ hội cho các công ty đa dạng hoá cơ sở sản xuất của mình.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ biết chữ cao nhất thế giới, có lực lượng lao động trẻ, hàng năm có thêm khoảng 1 triêu lao động mới và có thị trường nội địa đang phát triển mạnh.

Cam kết với tương lai

Tuy nhiên, cũng giống như các nước đang phát triển khác, dòng đầu tư cũng bị cản trở bởi thực trạng: cơ sở hạ tầng không bắt kịp tốc độ tăng trưởng; chi phí điện, viễn thông và cảng biển tương đối tốn kém. Năm ngoái, đợt hạn hán tại miền Bắc làm giảm công suất của các nhà máy thuỷ điện và Chính phủ buộc phải thực hiện cắt điện luân phiên. Hơn nữa, Việt Nam vẫn chưa phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm cung cấp phụ tùng và dịch vụ cho các nhà máy, buộc họ phải nhập khẩu linh kiện và chuyên gia...

Mặc dù vậy, bóng đen lớn nhất che phủ ngôi sao Việt Nam đang lên là thời gian gia nhập Tổ chức thương mại thế giới còn kéo dài. Hàng may mặc mang nhãn hiệu Việt Nam - thế mạnh xuất khẩu thứ hai của đất nước (sau dầu thô) vẫn còn bị chèn ép ở thị trường quan trọng là Mỹ bởi các hạn ngạch (quota) không áp dụng cho phần lớn các thành viên WTO.

Nếu Việt Nam được kết nạp vào WTO, trong năm nay hoặc năm tới, như mong muốn, thì giá trị xuất khẩu may mặc dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 10 tỉ USD vào năm 2010. Việt Nam hiện đã trở thành quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, xuất khẩu gạo, hạt điều và cà phê đứng thứ hai thế giới. "Bây giờ, khi ngày càng được chú ý, nhiệm vụ của Việt Nam là không làm các nhà đầu tư thất vọng." Ông Thân Trọng Phúc - thuộc Intel - cho biết.

Chính phủ Việt nam rất quyết tâm vì sự phát triển hơn nữa. Tuần trước, tại Đại hội Đảng Cộng sản - được tổ chức 5 năm một lần và diễn ra trong 8 ngày, các nhà lãnh đạo cam kết sẽ đẩy mạnh cải cách kinh tế và diệt trừ nạn tham nhũng.

"Hồi những năm cuối 1990, người ta từng đùa rằng Việt Nam không bao giờ bỏ qua cơ hội để bỏ lỡ cơ hội", Fred Burke, thành viên ban quản lý Công ty luật Mỹ Baker & McKenzie. "Tôi hy vọng câu nói đó không đúng với thời điểm này".

Những người lao động như Nhàn, sắp vào làm việc cho nhà máy Canon mới, cam kết sẽ đóng góp hết sức mình. "Người dân ở miền Bắc lao động rất chăm chỉ, cũng như người dân ở miền Nam", cô khẳng định. "Giờ đây, các nhà đầu tư nước ngoài đã đến, rồi chẳng bao lâu nữa miền Bắc cũng sẽ giàu có". Nếu ước mơ của Nhàn đúng sự thật, tương lai của cả đất nước này sẽ rất tươi sáng.

  • Trần Kiên (gt)
,

Tin khác

,
,