,
221
5743
Đại hội Đảng X
daihoidangX
/chinhtri/daihoidangX/
768993
Người dân đòi hỏi phải có sự bứt phá mới
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
,

Người dân đòi hỏi phải có sự bứt phá mới

Cập nhật lúc 09:32, Thứ Hai, 27/02/2006 (GMT+7)
,

“Tôi đánh giá cao sự nghiệp đổi mới của đất nước ta 20 năm qua. Nhưng chúng ta có thể bằng lòng với những kết quả đó hay chưa thì theo tôi là chưa”. Nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã mở đầu câu chuyện thẳng thắn như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đang được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của toàn dân.

Soạn: AM 531135 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

- Thưa ông, lý do nào khiến ông chưa hài lòng về kết quả của 20 năm đổi mới đất nước?

- Lý do, nếu xét trên nhiều mặt của những biến động trong và ngoài nước thời gian qua, thì những thành tựu mà chúng ta đạt được chưa thể giúp nước ta rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực và trên thế giới. Lợi thế của nước ta là có một nền chính trị, xã hội ổn định, lại có một nguồn lực to lớn, nhất là con người không thua kém thiên hạ, nhưng tốc độ tăng trưởng của chúng ta chưa thể tự bằng lòng, tự thỏa mãn được, vì khoảng cách giữa chúng ta và các nước vẫn còn xa lắm.

- Vậy ông kỳ vọng gì vào Đại hội Đảng lần thứ X?

Những sai lầm của chúng ta thường xuất hiện sau những thắng lợi nào đó. Nhưng chúng ta đã biết cách vượt lên để giành được những thành tựu to lớn mà bạn bè quốc tế phải thán phục. Kết quả đó luôn có sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là sự nỗ lực của cả dân tộc khi có những chủ trương, đường lối phù hợp, đúng đắn.

Đánh giá thành tựu 20 năm đổi mới, chúng ta ghi nhận rằng, đó là những thắng lợi mang ý nghĩa lịch sử to lớn, nhưng chúng ta cũng không thể tự bằng lòng khi cho rằng, những thành tựu đó chúng ta không thể vượt hơn được nữa. Vì vậy, với Đại hội X của Đảng sắp tới, người dân đòi hỏi phải có sự bứt phá mới dựa trên những lợi thế mà chúng ta đang có.

Theo tôi, đòi hỏi của nhiều tầng lớp trong và ngoài nước là chính đáng, nếu chúng ta chỉ đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho giai đoạn 2006 - 2010 là 8% (chưa kể chất lượng của con số này), thì khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực sẽ xa dần ra. Tôi cho rằng, Đảng phải có cách nhìn mới đối với thế giới, phải đánh giá đúng về những cơ hội của chúng ta, đồng thời phải thấy hết tiềm năng con người... để xác định mục tiêu tăng trưởng với tốc độ cao hơn.

- Một trong những nội dung đổi mới mà Đại hội lần này sẽ đưa ra là cho phép đảng viên làm kinh tế. Ông có ý kiến gì về nội dung này?

- Việc cho phép đảng viên làm kinh tế trước hết có ý nghĩa quan trọng trong Đảng, thực tế ý nghĩa không phải lớn đối với toàn xã hội. Theo tôi, dù có cho phép thì cũng chỉ có một số rất ít đảng viên có thể làm kinh tế được, chứ không phải tất cả. Làm kinh tế mà thu được kết quả tốt, thành đạt không phải dễ. Nói một cách nghiêm túc thì đây là việc sửa sai trong Đảng. Từ lâu nay, Đảng đã đưa ra một quy định đòi hỏi người đảng viên phải cống hiến tuyệt đối như trong thời kỳ chiến tranh. Việc này tiếp tục áp dụng khi đất nước đã hòa bình xây dựng là không phù hợp. Việc không cho đảng viên làm kinh tế tư doanh thời gian qua tuy không phải là nguyên nhân chính, nhưng cũng ít nhiều làm phát sinh tình trạng ăn cắp, tham ô, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đảng viên cũng là con người bình thường và họ cũng có gia đình, con cái phải chu toàn như những công dân khác.

Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo văn kiện Đại hội X đã cởi mở hơn so với các kỳ Đại hội trước. Ông có đồng tình với nhận xét này?
Văn kiện Đại hội X cũng đã đề ra nhiều chủ trương cởi mở, nhưng tôi cho là chưa đủ. Theo tôi, Đảng cần cởi mở mạnh hơn nữa, tạo điều kiện để phát huy hết nội lực của chúng ta. Đối với bên ngoài, cần phải đẩy mạnh việc đưa những sản phẩm của chúng ta ra với thế giới, đồng thời phải kéo mạnh hơn nữa những “ông chủ” có thế lực như những tập đoàn đa quốc gia chẳng hạn, đến với chúng ta.

Tuy hiện nay vẫn còn có tư tưởng ngại ngần khi “bắt tay” với các tập đoàn đa quốc gia, nhưng tôi cho rằng, các tập đoàn này đa phần chỉ hoạt động vì lợi ích kinh tế, chứ không hẳn bị chi phối về chính trị. Vì vậy, chúng ta cần quan tâm, tranh thủ hơn nữa những tập đoàn kinh tế lớn đến với Việt Nam. Thậm chí, chúng ta cần phải có cơ chế tạo thuận lợi hơn cho họ để chúng ta thu được những lợi ích lớn hơn về lâu dài. Chính tên tuổi của các tập đoàn kinh tế lớn đến với Việt Nam sẽ tạo ra những làn sóng đầu tư mới, cuốn hút những “ông chủ” nhỏ hơn đổ vốn vào nước ta.

- Nhân nói đến vấn đề cởi mở, quan điểm của ông như thế nào về việc giới hạn đối tượng Việt kiều được phép mua nhà tại Việt Nam?

- Tôi thích gọi họ là những người Việt Nam ở nước ngoài hơn là Việt kiều. Hiện nay, chúng ta vẫn còn những quyết định mang tính nửa vời với số bà con người Việt này. Ngay cả đối với một số nước trước nay đã từng đối đầu với chúng ta mà chúng ta còn có thể bắt tay hợp tác, trở thành bè bạn được, thì không có lý do gì để chúng ta phải phân biệt đối xử với những người Việt Nam sống ở nước ngoài.

Riêng quan điểm của tôi, người Việt Nam ở nước ngoài dù có 2, 3 quốc tịch đi nữa cũng vẫn là người Việt Nam. Mà đã là người Việt Nam thì không nên phân biệt đối xử với họ. Chúng ta đã có pháp luật và những người Việt Nam sống ở nước ngoài khi muốn về Việt Nam phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam. Chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp của người Việt Nam sống ở nước ngoài thời gian qua. Vì vậy, những chính sách về đất đai, tài chính đối với họ cũng cần phải được cởi mở hơn nữa.

(Theo Đầu Tư)

Bạn nghĩ sao về ý kiến của Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt?

,
,