Người dịch sách bên dòng Trà Lý
15:45' 25/02/2003 (GMT+7)

Sau khi nghỉ hưu ông mới đến với công việc dịch sách văn học từ tiếng Trung nhưng tên tuổi lại nhanh chóng được biết đến. Ông là nhà văn Vũ Công Hoan, ở thị xã Thái Bình, người được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam chỉ 5 năm sau khi tham gia văn đàn.

Chưa đầy 5 năm dịch gần 10.000 trang sách

42 năm về trước, ông vào học tại Trường trung cấp phiên dịch (Cục Chuyên gia trực thuộc phủ Thủ tướng). Học xong, Vũ Công Hoan về Phòng chuyên gia Khu Gang thép Thái Nguyên dịch cho chuyên gia Trung Quốc.

Ông từng có ba năm sống ở Trung Quốc làm phiên dịch cho đoàn thực tập sinh Việt Nam sang học công nghệ luyện kim. Năm 1968, Trung Quốc làm Cách mạng văn hóa, ông về nước và cũng ngay năm đó, ông đã gia nhập quân đội, làm người lính binh nhì thuộc Sư đoàn 304B. Tiếp đó là 20 năm chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường. Một thời gian công tác dịch tại phòng địch vận Quân khu Việt Bắc và trước khi về hưu, trung tá Vũ Công Hoan là cán bộ thuộc Cục Địch vận Bộ Quốc phòng.

Ông tâm sự, thực tế ông đã dịch sách Trung Quốc kể cả các tác phẩm văn học ngay từ thời ở trong quân đội, nhưng chỉ để phục vụ công tác nghiệp vụ mà thôi. Về nghỉ hưu, trước khi đến với công việc dịch sách văn học, Vũ Công Hoan đã có thời gian làm phiên dịch cho Công ty Thuốc bảo vệ thực vệ Bộ Quốc phòng. Đây cũng là thời gian giúp ông nhiều lần trở lại Trung Quốc tận mắt chứng kiến những đổi thay của đất nước này, nhất là được tiếp cận trực tiếp với nền văn học Trung Quốc. Ông kể lại những chuyến đi Trung Quốc, có đồng tiền nào ông chỉ mua mỗi một thứ đó là sách văn học hiện đại nổi tiếng Trung Quốc. Đây chính là giai đoạn ông chuẩn bị các điều kiện cho sự nghiệp dịch sách sau này. Chẳng hạn như tiểu thuyết Phế đô ông đã mua từ năm 1993 tại một sạp sách bán lẻ ở Đông Hưng, Trung Quốc và mãi tới năm 1999 ông mới dịch và xuất bản tập tiểu thuyết nổi tiếng này của nhà văn Giả Bình Ao.

Chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm, dịch giả Vũ Công Hoan đã liên tiếp cho ra mắt bạn đọc Việt Nam một loạt tác phẩm dịch văn học hiện đại Trung Quốc. Đó là tiểu thuyết Nôn nóng dày 836 trang, Nhà xuất bản Văn học năm 1998; Tản văn và truyện ngắn của Giả Bình Ao dài 473 trang (dịch cùng với Phạm Tú Châu, Phạm Thị Bích Hải), Nhà xuất bản Văn học 1998; Tuyển truyện ngắn hiện đại Trung Quốc 145 truyện, hai tập dày 1.040 trang, Nhà xuất bản Văn học l998; bộ tiểu thuyết Phế đô (Thành phố đổ nát) 2 tập, dày 1.287 trang, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1999; Tiểu thuyết Mai phục mười mặt của Trương Bình, hai tập, 1.438 trang, Nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2001; tập truyện ngắn Giọt lệ và ngọn nến dày 227 trang, Nhà xuất bản Hà Nội, 2002; và tập phê bình tiểu luận Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê của nhà văn Vương Sóc dày 400 trang, Nhà xuất bản Đà Nẵng, tháng 8/2002; hai tập truyện ngắn 149 truyện Hoa hồng và bướm đen, dày 650 trang, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, tháng 9/2002...

Nhà văn Vũ Công Hoan còn một loạt tác phẩm đã dịch và sẽ xuất bản trong thời gian tới. Đó là tập truyện ngắn mini Trung Quốc năm 2001-2002 nhan đề Nước sạch tẩy trần gồm 90 truyện dài 500 trang, tiểu thuyết nhan đề Sống của nhà văn Dư Hoa dày 200 trang, tiểu thuyết Hoài niệm sói dày 600 trang của Giả Bình Ao, tiểu thuyết Bảo bối Thượng Hải của nhà văn nữ Vệ Tuệ dày 400 trang, Tình yêu cổ điển - tập truyện ngắn và vừa của Dư Hoa...

Tôi lấy máy tính bấm thử: gần 5 năm qua, trung tá Cựu chiến binh Vũ Công Hoan đã dịch 6 bộ tiểu thuyết, tám tập truyện ngắn gồm hơn 700 truyện ngắn, hơn 100 tản văn, một tập phê bình tiểu luận với tổng dộ dài gần 10.000 trang sách. Quả là một khối lượng sách dịch khổng lồ, một sự lao động phi thường mà không phải ai ở cái tuổi nghỉ hưu cũng có thể làm được.

"Tôi chỉ dịch những tác giả nổi tiếng, những tác phẩm mới xuất bản ở Trung Quốc"

Ông không dịch những tác phẩm cũ. Với ông, dịch những tác phẩm thuộc về lịch sử đã qua cũng tốt nhưng không nóng hổi, không thiết thực phục vụ công cuộc phát triển đất nước hiện nay. Ông chọn những tác giả không chỉ nổi tiếng mà còn là tác giả có những tác phẩm đang được đông đảo dư luận Trung Quốc quan tâm. Ông chọn những vấn đề lớn đã xảy ra ở xã hội Trung Quốc. Ông cảm thấy qua các tác phẩm văn học hiện đại Trung Quốc có nhiều vấn đề kinh tế xã hội đã xảy ra ở Trung Quốc đang xảy ra ở xã hội Việt Nam. Từ đó mà tác phẩm dịch có tác dụng hướng dẫn dư luận, hạn chế được cái tiêu cực, tiếp thu được những cái tích cực. Chẳng hạn như vấn đề đặt ra trong tiểu thuyết Phế đô là một con người tài hoa đến mấy nhưng khi không đáp ứng yêu cầu xã hội sẽ bị gạt bỏ một cách lạnh lùng, không có gì phá hoại, đánh đổ bản thân bằng chính bản thân, không nên bỏ cái có sẵn trong tay mà đi tìm mồi bắt bóng. Trong tiểu thuyết Mai phục mười mặt, vấn đề chống biến chất, thoái hóa trong xã hội Trung Quốc, vấn đề xã hội đen đặt ra gay gắt. Tiểu thuyết Nhu cầu sinh lý đặt ra vấn đề khi đời sống vật chất được nâng lên thì đời sống tinh thần lại sa đọa đi! Trong Bảo bối Thượng Hải - cuốn tiểu thuyết mà tác giả Vệ Tuệ đã đề tựa: "Một quyển tiểu thuyết thể nghiệm bằng thân thể và trái tim của người đàn bà viết cho đàn bà - một quyển tiểu thuyết tình yêu loại khác xảy ra trong vườn hoa bí mật Thượng Hải", đề cập đến một "Loài người mới" mới xuất hiện vài năm gần đây trong xã hội hiện đại Trung Quốc. Xin trích một đoạn trong Bảo bối Thượng Hải: trên một ý nghĩa nào đó, tôi và các bạn tôi đều là một lũ con em những nhà giàu sang quyền quý, sống trong nhung lụa, tạo ra khoái cảm giật gân bằng những lời lẽ ngày càng khoe khoang và mỗi lúc một mất thăng bằng, là một bầy sâu con sống dựa vào nhau bằng gặm nhấm mầu xanh, bóng tối, đôi cánh tưởng tượng và tình cảm dịu dàng thắm thiết không chân thực, là những con dòi bám vào khúc xương thành phố này, nhưng lại hết sức máu mê tình dục, bò lổm ngổm một cách say sưa ngọt ngào... Người thì gọi chúng tôi là một loài khác, tức "Loài người mới", người thì chửi chúng tôi là lũ rác rưởi, người thì ước ao bước vào cái vòng này, sao chép chúng tôi tất tần tật từ kiểu quần áo, mái tóc đến cách nói năng và kiểu làm tình, người thì réo rủa chúng tôi nên mang lối sống thối tha chó má giấu vào tủ lạnh khử bỏ ngay đi...". Vệ Tuệ muốn cảnh báo nguy cơ đang tiềm tàng trong cơ chế thị trường, một mối đe dọa không nhỏ đối với nền tảng đạo đức lối sống, xã hội, gia đình, đưa ra một nhận xét đầy thuyết phục: “bản thân loài người sẽ tự hại mình, hủy diệt chính mình trong sự tăng vọt về vật chất và sa đọa về tâm linh". Có thể nói rằng nếu ai muốn nghiên cứu văn hóa hậu hiện đại thì Bảo bối Thượng Hải chính là văn bản điển hình của văn hóa hậu hiện đại phương Đông! Ông muốn góp phần vào việc nhận thức Trung Quốc như nó vốn có.

Trên góc độ nghệ thuật, dịch giả Vũ Công Hoan cho biết, nghệ thuật trong các tác phẩm văn học hiện đại Trung Quốc là hết sức đa dạng, độc đáo, phong phú về đề tài nội dung. Nhà văn dũng cảm lao vào những vấn đề gay cấn của cuộc sống. Văn phong hình tượng, súc tích, sâu sắc, "ý tại ngôn ngoại" như kiểu chữ tượng hình Trung Quốc. Truyện ngắn hiện đại Trung Quốc "bập" ngay vào vấn đề, kết thúc chênh lệch, bất ngờ tựa như ở đỉnh và đáy dòng thác. Tiểu thuyết hiện đại Trung Quốc đi vào lĩnh vực tâm linh, lĩnh vực bí mật của con người với nội dung bám sát vào mảnh đất xã hội hiện đại Trung Quốc không ngừng đổi mới nội dung và hình thức đặc biệt là nghệ thuật ngôn từ. Văn học Trung Quốc cũng bám sát sự chuyển biến của nền văn học thế giới.

Vũ Công Hoan cho biết, tuy về hưu nhưng ông vẫn làm việc đúng giờ "hành chính", sáng từ 7h, chiều 17h nghỉ kể cả Chủ nhật. Buổi tối ông bắt đầu ngồi vào bàn dịch từ 19h cho đến 22 giờ. Lúc thư giãn, ông nghe chim hót, tưới hoa, tưới rau, nghe hát chèo và dân ca quan họ. Mỗi ngày ông ngồi thiền "tâm năng dưỡng sinh" từ 30 phút đến một tiếng. Buổi sáng ông cùng vợ đi dọc triền sông Trà Lý (nhà ông ở làng Hoàng Diệu ven sông Trà) luyện tập thể thao. Theo tôi biết trong các tác giả dịch của Việt Nam, Vũ Công Hoan cũng là một hiện tượng độc đáo: Đã ở tuổi ngoài 60 và chỉ sau một thời gian tham gia văn đàn rất ngắn (chưa đầy 5 năm) ông đã vinh dự được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

(Theo Văn Nghệ Trẻ)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Chương trình Giai điệu Đồng bằng 20: Giới trẻ vẫn ủng hộ cải lương (25/02/2003)
Giải Nobel cho văn chương Việt Nam? Vừa khóc vừa buồn cười vừa mơ mộng! (15/02/2003)
Mark Winegardner sẽ viết tiếp ''The Godfather'' (10/02/2003)