Loạn phim nhập khẩu
17:22' 25/10/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Các đơn vị đua nhau ồ ạt nhập phim ngoại. Thị trường phim nhập khẩu thời gian qua dường như bị rối loạn...

Soạn: AM 176794 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Một cách "câu" khách của rạp phim. Ảnh: VT

Rạp biết chiều khách

Các rạp hiện đang chiếu nhiều phim Mỹ. Vậy là sau một vài chu kỳ, quy trình nhập phim ngoại của các đơn vị lại quay về với những bộ phim Mỹ các loại. Chị Ji Sook Yoon, quản lý cụm rạp Diamond Cinema (DMC) than rằng các rạp khác đang thi nhau chiếu phim Mỹ, nên DMC đã phải chịu một áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. Lý do: Chủ đầu tư của cụm rạp này là người Hàn Quốc nên từ ngày ra đời đến nay DMC luôn ưu tiên chiếu phim Hàn. Điều hiển nhiên, một khi phim Hàn hết thời "hoàng kim nếu không nhanh chóng đổi thực đơn phim, cụm rạp này sẽ bị chia sẻ lượng khách.

Trong lúc đó, sau khi chen vào vài phim Ấn Độ, Hàn Quốc để tránh cho khán giả cảm giác "không thấy gì mới", các rạp tại TP.HCM lại tiếp tục guồng quay với những bộ phim Mỹ. Ngoài những phim đã vào rạp như Chiến binh siêu thế kỷ, Ngày kinh hoàng..., sắp tới một số phim Mỹ khác lại lần lượt ra mắt khắp nơi như Cuộc chiến dưới tháp cổ (từ 22/10), Kẻ cắp gặp bà già (29/10)...

Không thể phủ nhận thị hiếu khán giả, chủ yếu là giới trẻ, vẫn chuộng dòng phim Hollywood phong phú, đa dạng về thể loại, chưa kể những kỹ xảo tân kỳ thỏa mãn khâu nhìn ngắm bình luận của họ. Chỉ như thế, các rạp đã không thể nào làm khác hơn, phải làm thỏa mãn thượng đế của mình mới mong rút được tiền từ túi họ.

Người nhập phim nhanh tay

Từ thực tế trên, đã có thể lý giải vì sao các đơn vị nhập phim âm thầm - nhưng quyết liệt - cạnh tranh nhau trong việc "rước" các phim ăn khách, chủ yếu vẫn là phim Mỹ, về tay mình. Đơn vị nào nhanh tay "vớt" trước phim tốt, coi như thở phào tháng đó yên tâm.

Chị Ji Sook Yoon, quản lý cụm rạp Diamond Cinema: DMC và Cinenet hàng năm nhập khoảng 6 - 7 phim, năm cao nhất khoảng 10 phim, trong khi năm nay mới chỉ có 4 phim. Lý do là chúng tôi đã đặt mua sẵn nhiều bản quyền phim Hàn Quốc, trong khi khán giả hiện nay lại thích phim Mỹ hơn. Trước xu hướng này, chúng tôi sẽ giảm dần phim Hàn Quốc để chuẩn bị kế hoạch mới cho năm tới. Trước mắt, tháng 11 tới, chúng tôi sẽ nhập chiếu bộ phim ăn khách Người nhện của Mỹ.

Công ty Thiên Ngân được xem là "mát tay" nhất hiện nay trong khâu nhập phim. Nhìn lại số phim đã nhập của đơn vị này, có thể thấy toàn những tên tuổi bảo đảm doanh thu: X-Men 2, Anh hùng, Thập diện mai phục... Tất nhiên Thiên Ngân cũng có những bộ phim thường thường bậc trung trong số hơn 10 phim nhập mỗi năm của mình. Đặc biệt, đây là đơn vị không bao giờ nhập phim Hàn Quốc.

Đứng sau Thiên Ngân không ai khác là Visionnet, rồi Công ty Điện ảnh TP.HCM, công ty BHD, Hãng phim Giải phóng, Công ty Băng hình Hà Nội, Cinenet, Anet... và dĩ nhiên không thể thiếu vắng "đại gia" Fafilm Việt Nam. Fafilm Việt Nam vẫn là đơn vị mạnh, trong khi đó những cái tên như Anet đã gần như chìm khuất, hay hãng Giải phóng chỉ nhập phim cầm chừng...

Đại diện Công ty Visionnet cho biết hiện trung bình mỗi tháng đơn vị này phát hành khoảng hai phim. Nhưng đó là tính theo số phim được ra rạp, chưa kể phim bị kẹt vì chờ rạp. Đến đây lại đụng phải vấn đề khác: Phim nhập về quá nhiều trong khi số lượng rạp quá ít. Ngay tại một thành phố lớn như TP.HCM, số rạp chất lượng tốt lại đếm được trên đầu ngón tay của... một bàn tay. Thế nên, nhằm giải quyết nạn kẹt rạp, nhiều đơn vị chọn giải pháp tạm thời cho chiếu trước tại các rạp ở Hà Nội. Còn giải pháp căn cơ của họ, chính là cạnh tranh trực tiếp lâu dài  với đơn vị bạn để chiếm thị phần.

Soạn: AM 176804 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Khán giả Việt Nam xem những cảnh này (trong Thập diện mai phục) trước cả khán giả Mỹ.

Mỗi nơi một kiểu cạnh tranh

Có một kiểu cạnh tranh chung mà đơn vị nào cũng muốn áp dụng là nhập phim sớm để chiếu cùng thời điểm với thị trường Mỹ. Biết thế song không phải ai cũng dám làm vì tiền bản quyền tuy cao nhưng... tính được trong khi doanh thu lại là một con số khó lường. Visionnet sau Xác ướp Ai Cập, Ngọa hổ tàng long làm theo cách này, cho tới nay cũng chưa dám áp dụng lại. Tiềm năng khán giả trong nước không cao, lại thất thường, chính là nguyên nhân làm các đơn vi e dè.

Hiện nay cả nước có khoảng 10 đơn vị chuyên hoặc có chức năng nhập khẩu phim, mỗi phim nhập có nhiều bản, trong khi cả nước chỉ có chừng 50 phòng chiếu. Sự phân bố các rạp chiếu cũng hết sức chênh lệch, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP.HCM và một số ở Hải Phòng, Đà Nẵng.

Nhập ít, nhưng đã nhập thì chỉ chọn phim ăn khách tại thị trường các nước, chính là một kiểu cạnh tranh của Thiên Ngân. Trong khi đó, DMC cùng với Cinenet lại cạnh tranh bằng những phim tuy không quá ăn khách nhưng chất lượng xem được, cộng với phong cách phục vụ bài bản. DMC cũng chính là đơn vị đầu tiên tổ chức lồng tiếng cho phim nhập ngoại chiếu rạp (phim hoạt hình Đi tìm Nemo) để phim gần gũi hơn với khán giả trong nước.

Không kể thời kỳ chỉ có duy nhất một đơn vị được Nhà nước cho phép nhập phim, thì cũng đã có một thời Fafilm Việt Nam nắm trong tay một lượng lớn phim nhập khẩu, theo một cán bộ của Fafilm thì có lúc lên đến 60 - 70%. Nhưng hiện nay, phần bánh của Fafilm đã chia sớt bớt. Thị phần vẫn còn lớn, song Fafilm cũng đã có những động thái làm mới như thay đổi thể loại, nguồn phim nhập một cách liên tục để đua với các đơn vị mới đầy năng động.

Phim nhập càng nhiều, càng nhanh (khán giả trong nước xem cùng lúc, thậm chí còn trước khán giả Mỹ như trường hợp Thập diện mai phục), công chúng được lợi. Nhưng quá nhiều đến độ chen nhau vào rạp, chẳng được bao lâu (chỉ chừng một tuần, cao nhất hai tuần) lại đánh bật trở ra, rõ ràng là không ổn. Điều này cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong khâu quản lý nhập khẩu phim, hiệu quả của bộ phim được chiếu (chưa nói đến phim bị kẹt lại) lẫn cơ sở chiếu phim chưa được khai thác hết. Và một điều chạnh lòng, do chính sự đổ bộ ào ạt của phim ngoại này làm cho nhiều bộ phim Việt Nam thời gian qua vào rạp chưa nóng chỗ, đã bị mời đi chỗ khác chơi không chút thương xót!

  • Võ Tiến

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Một tuần đầy bất ngờ của thị trường phim Bắc Mỹ (25/10/2004)
Diễn viên Hàn đóng phim Việt (21/10/2004)
"Chân dài" dự liên hoan phim (20/10/2004)
Fahrenheit tiếp tục lấp lánh tại Hollywood Awards (20/10/2004)
Ngô Thanh Vân chinh phục MTV (19/10/2004)
Giới thiệu 5 bộ phim của ĐD Đặng Nhật Minh tại Mỹ (16/10/2004)
Người tài trả phim, bỏ hãng... (14/10/2004)
Cuộc chiến dưới tháp cổ (13/10/2004)
VTV3 công chiếu "Hồ sơ tuyệt mật" - "X-Files" (12/10/2004)
"Shark Tale" tiếp tục thống lĩnh thị trường Bắc Mỹ (11/10/2004)
"Bố già" - gangster đáng nhớ nhất mọi thời đại (11/10/2004)
Xem phim hay 3.000 đồng ở đâu? (09/10/2004)
Renee Zellweger nghỉ diễn (07/10/2004)
Ca sĩ Minh Anh: Bỏ nghề để đóng phim? (07/10/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang