- GS-TS Trần Quang Hải, con trai của GS-TS Trần Văn Khê đã ứng dụng âm nhạc vào việc chữa những căn bệnh như mất giọng nói, khủng hoảng tinh thần...
Ông đã có một số công trình như: phát triển kỹ thuật hát đồng song thanh của dân tộc Mông Cổ và Cộng hòa Tuva vào nhiều địa hạt khác nhau, lập ra trường phái này với khoảng 8.000 người ở 70 quốc gia trên thế giới theo học; áp dụng kỹ thuật đàn môi vào việc chữa trị bệnh mất tiếng của con người.
Suốt 40 năm qua, GS-TS Trần Quang Hải còn miệt mài giới thiệu âm nhạc Việt Nam qua khoảng 3.000 buổi nói chuyện tại hơn 65 quốc gia. Ông còn được tôn vinh là "vua muỗng” vì ứng dụng những kỹ thuật đa dạng của loại vật dụng này vào dân ca và âm nhạc đương đại. GS-TS Trần Quang Hải có cuộc trò chuyện với VietNamNet trong chuyến về nước lần này.
Chữa bệnh bằng kỹ thuật thanh nhạc và cái hồn âm nhạc
Giáo sư đã ứng dụng kỹ thuật hát đồng song thanh vào việc chữa bệnh gì cho con người?
GS-TS Trần Quang Hải: - Tên đồng song thanh là do tôi đặt ra. Nó bắt nguồn từ kỹ thuật hát độc đáo của một số bộ tộc ở Mông Cổ và Cộng hòa Tuva. Bằng kỹ thuật này, người hát sẽ phát ra hai giọng cùng lúc ở hai cao độ khác nhau. Qua thời gian nghiên cứu, tôi đã phát triển và ứng dụng hát đồng song thanh vào nhiều địa hạt như: âm nhạc điều trị học, tâm lý điều trị học,... Đặc biệt, có thể ứng dụng hát đồng song thanh cho phụ nữ mang thai dễ dàng sinh nở hơn. Cụ thể, nếu tập hát đồng song thanh từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 8, cao độ của người mẹ trong thời gian này sẽ cùng với cao độ của em bé lúc cất tiếng khóc chào đời.
GS-TS Trần Quang Hải và vợ - nghệ sĩ Bạch Yến, biểu diễn kỹ thuật hát đồng song thanh. Ảnh: Lê Tám |
Luyện tập hơi thở cũng giúp bà mẹ giữ được hơi thở lúc lâm bồn, nó ngược lại so với bình thường. Ngoài ra nếu tập hát đồng song thanh, cũng có thể giúp những người thiếu tự tin tập trung phát biểu trước đám đông tốt hơn, vì mọi hỷ, nộ, ái, ố của con người đều lồng trong giọng nói. Nói cũng cần phải luyện tập là vậy.
- Đã có nhiều ứng dụng âm nhạc để chữa bệnh tâm thần, cho thai nhi nghe nhạc,... Có sự khác biệt nào trong việc ứng dụng chữa bệnh cho người ở những quốc gia khác nhau không, thưa giáo sư?
- Dùng âm nhạc chữa trị tổn thương tinh thần (khủng hoảng tinh thần) là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên còn phụ thuộc việc họ bị tổn thương tâm thần dạng thụ động hay ưa hoạt động mà ứng dụng cho phù hợp. Tất nhiên, cần phải biết xuất xứ của người mình hướng dẫn để hỗ trợ việc chữa trị. Không thể cho bà bầu Việt Nam nghe nhạc giao hưởng nếu bà mẹ này không hiểu về nhạc giao hưởng.
- Người ta vẫn thường khuyên phụ nữ mang thai nghe nhạc cổ điển phương Tây, vì sao giáo sư lại khẳng định điều này không phù hợp?
- Sự tương tác giữa người mẹ và bào thai rất quan trọng. Nếu nghe nhạc mà người mẹ hiểu và cảm nhận trọn vẹn sẽ giúp đứa trẻ phát triển tốt. Vì vậy, áp dụng âm nhạc cho mỗi người tùy theo quốc gia. Nếu phụ nữ Việt Nam nghe nhạc giao hưởng phương Tây không cảm nhận được hoặc ngược lại thì việc ứng dụng này thực tế không đạt được hiệu quả. Nên áp dụng âm nhạc cổ truyền cho họ là tốt nhất vì họ hiểu được cái hồn của âm nhạc mà họ nghe.
Trình diễn với muỗng. |
- Được biết giáo sư cũng sử dụng cả đàn môi để chữa bệnh thiếu thanh quản?
- Việt Nam mình là nơi có nhiều đàn môi nhất thế giới. Nó vừa là loại nhạc cụ dễ làm, rẻ tiền lại vừa phụ trợ cho những người thiếu thanh quản có thể phát ra âm thanh để người đối diện nghe được. Chỉ từ một chiếc thẻ tín dụng không xài nữa hay chiếc thẻ điện thoại đã bóc sim ra cũng có thể làm thành cây đàn môi. Việc chữa trị như không nói được do ung thư thanh quản, các bạn cũng có thể tìm đến tôi, nửa giờ sau là có thể nói cho người đối diện nghe được. Đó là nhờ ứng dụng những kỹ thuật thanh nhạc, có thể nói mà không dùng tới thanh quản. Bằng cách này, chúng ta sẽ giúp người bệnh không bị mặc cảm với mọi người xung quanh khi giao tiếp.
Không tự tôn hay tự ti về âm nhạc dân tộc
- Cũng giống như cha mình, giáo sư đã có khoảng 3.000 buổi giới thiệu về âm nhạc Việt Nam trên khắp thế giới. Giáo sư thường nói gì về âm nhạc Việt Nam?
- Tôi và vợ tôi (nghệ sĩ Bạch Yến - PV) thường chơi đàn tranh, đàn môi, đàn bầu, đàn cò… Chúng tôi đều sử dụng tiếng Việt để biểu diễn, chỉ có giải thích cho thính giả nghe mới dùng tiếng xứ họ, chứ không dịch ra trong khi biểu diễn. Vì chúng tôi quan niệm, đã làm thì phải làm cho đúng với những gì hiện hữu trong âm nhạc và văn hóa Việt Nam. Kể cả trang phục cũng được chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt. Vì âm nhạc phải gắn liền với trang phục.
Cha và con cùng tấu một khúc ngẫu hứng. |
- Xin giáo sư cho biết cụ thể hơn?
- Tùy theo nội dung giới thiệu về âm nhạc cổ truyền Việt Nam theo miền Bắc hay Nam mà chúng tôi lựa chọn trang phục. Tôi luôn mặc áo dài gấm màu xanh hoặc áo trắng bên trong, áo dài the đen bên ngoài và mang guốc. Vợ tôi mặc áo dài hay áo tứ thân tùy thuộc vào buổi biểu diễn nhạc cổ truyền của mỗi miền. Tôi thấy nhiều nghệ sĩ trẻ Việt Nam mặc chưa đúng, ví dụ áo dài dành cho nam chỉ có áo gấm xanh hoặc áo lót bên trong áo the bên ngoài, khăn đóng luôn là màu đen thì các bạn lại biến tấu ra rất nhiều màu sắc không đúng truyền thống.
Đã mặc áo dài thì không nhún nhảy mà phải đi đứng chừng mực nghiêm trang, phong thái vững vàng. Cả cách chào cũng vậy, cần phải học. Ví dụ, khi kết thúc bài biểu diễn, chúng tôi phải chắp tay trước ngực chào khán giả theo cách của Việt Nam mình vì cách chào cũng là nét đặc trưng của mỗi dân tộc. Trong các buổi biểu diễn nhạc cổ truyền cần phải thể hiện đúng, vì chúng ta đang giới thiệu bản sắc văn hóa của Việt Nam ra thế giới để họ hiểu đúng về chúng ta. Không cần mặc đẹp mà phải mặc đúng. Chúng ta phải giữ truyền thống từ đầu tới chân, từ lời ăn tiếng nói đến cách đi đứng khi giới thiệu văn hóa cổ truyền với bạn bè thế giới.
- GS-TS Trần Văn Khê từng chia sẻ rằng muốn tìm người nối nghiệp con đường nghiên cứu, phát triển âm nhạc dân tộc Việt Nam của mình, và có đề cập tới giáo sư...
- Theo tôi, người nối nghiệp ba tôi phải tiếp nối ngay từ trong xứ. Phải đặt mình trong địa hạt đó mới hiểu hết được. Riêng tôi đã có con đường đi khác. Nhưng cái cốt yếu là tôi vẫn kế thừa phương pháp nghiên cứu ấy, nắm được để sự học trở nên dễ dàng hơn. Tôi cũng cho rằng không nên tự tôn hay tự ti về âm nhạc của một dân tộc. Quan trọng phải là lòng tự hào cái mình có để đóng góp lại cho toàn thể.
-
Lê Tám thực hiện