221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1242214
Nghe một nét đàn tranh trong nhà GS Trần Văn Khê
0
Article
null
Nghe một nét đàn tranh trong nhà GS Trần Văn Khê
,

- Dù trước đó 3 ngày, GS Trần Văn Khê bị tai nạn gãy chân, nhưng ông vẫn nói say sưa về đàn tranh Việt Nam trong buổi nói chuyện chuyên đề tại tư gia.

Là loại nhạc cụ dân tộc đặc thù, đàn tranh được biết đến chủ yếu thông qua các chương trình biểu diễn chuyên biệt. Vì thế, đàn tranh có phần xa lạ với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Buổi trò chuyện - biểu diễn đàn tranh của GS Trần Văn Khê gây ấn tượng cho cử tọa bằng những thanh âm, điệu thức đậm hồn dân tộc, giúp loại nhạc cụ này trở nên gần gũi hơn với người nghe - xem.

Có thể từ buổi trò chuyện, nhiều người mới biết đàn tranh có cấu tạo và cách chơi khác nhau ở mỗi vùng miền. Đàn tranh ở miền Bắc có mặt đàn cong hơn và dây đàn làm bằng thép, trong khi đàn tranh ở miền Nam có dây đàn bằng inox, khó gỉ và âm thanh ấm áp hơn. Một khác biệt nữa, trong khi ở miền Bắc và miền Trung, đàn tranh được chơi bằng ba ngón thì người Nam Bộ lại chỉ chơi đàn với hai ngón.

Những điệu đàn nổi tiếng như Tò vò của miền Bắc, Tứ đại oán, Văn Thiên Tường buồn da diết của phương Nam cũng đến với khán giả qua ngón đàn điêu luyện của các nghệ sĩ. Khoảng lặng giữa các bản đàn là những chia sẻ của GS Khê về các tích, xuất xứ, nguồn gốc và giai thoại liên quan đến bản nhạc vừa được biểu diễn. Người nghe như được sống lại không gian xưa mà ở đó, chiếc đàn tranh cùng với các bản đàn nổi danh có sức sống, cuộc đời riêng.

 

Giáo sư Trần Văn Khê nói chuyện về đàn tranh.


Tham gia biểu diễn trong đêm trò chuyện tại nhà GS Khê có hai nghệ sĩ, một già một trẻ, một Bắc một Nam, vốn là hai thầy trò - nghệ sĩ đàn tranh Thanh Thủy và nghệ sĩ Hoàng Cơ Thụy. Thanh Thủy được biết đến nhiều tại miền Bắc và nước ngoài, song lại chưa được biết nhiều ở phía Nam. GS Trần Văn Khê mời cô gái Bắc này biểu diễn như một cuộc ra mắt với khán giả phương Nam, cũng là để người xem biết được điệu đàn tranh Bắc Bộ có gì khác so với điệu đàn tranh Nam Bộ, cùng màn biểu diễn điêu luyện của thầy đờn - cách gọi trìu mến của người miền Nam - Hoàng Cơ Thụy.

Tiết mục hút hồn người dự khán là màn song tấu tuyệt diệu của thầy và trò, của đàn tỳ bà và đàn tranh trong bài Văn Thiên Tường. Những thanh âm sống động, dịu dàng làm run rẩy không chỉ thính giác.

Thính giả đến nghe - xem vì muốn tìm hiểu về một dòng âm nhạc bị nhiều người "bỏ quên" dù họ không có kiến thức căn bản về âm nhạc dân tộc nói chung và đàn tranh nói riêng. Một cử tọa trẻ đã phát biểu rằng những buổi sinh hoạt về âm nhạc dân tộc như thế này sẽ giúp giới trẻ không quên đi những thanh âm tuyệt diệu mà cha ông để lại.

GS Khê nói rằng, chính tấm lòng của những người Việt trẻ như thế làm động lực cho ông luôn cố gắng đem kiến thức và tình yêu âm nhạc dân tộc chia sẻ với mọi người. Như đã có lần, sau buổi trò chuyện và biểu diễn trống Việt, một thính giả trẻ tìm đến giáo sư để cảm ơn rằng, trống Việt hay nhất thế giới.

Gần kề tuổi 90, GS Trần Văn Khê không còn khỏe mạnh như trước. Ngay trước buổi nói chuyện này, ông bị một tai nạn, đi lại khó khăn, nhưng giáo sư không nghỉ. Việc làm, cách sống và niềm đam mê của giáo sư, đã cho thế hệ sau thấy rằng, khi có quyết tâm, ý chí, lòng khát khao, thì người ta có thể thắng tuổi già, bệnh tật, để giữ được tâm hồn thanh xuân cống hiến cho đời.

  • Lê Tám

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,