Đạo diễn Trần Minh Đại:
"Tôi muốn xây dựng một tượng đài nhỏ trong trái tim mỗi người"
09:47' 24/07/2003 (GMT+7)

 Đạo diễn Trần Minh Đại.

(VietNamNet) - Chiến tranh đã lùi xa nhưng dư âm khắc khoải của nó thì vẫn ẩn hiện đâu đó trong cuộc sống thường nhật. Một trong những người luôn lắng nghe những âm thanh đó là đạo diễn Trần Minh Đại. Trên 10 bộ phim về đề tài chiến tranh và người lính của anh là tiếng nói đầy trách nhiệm của một công dân, cũng là một người lính trở về từ chiến tranh, gửi tới người xem với mong muốn "xây dựng một tượng đài nhỏ trong trái tim mỗi người".

Đạo diễn Trần Minh Đại đang làm việc tại Tiểu ban phim tài liệu, Đài THVN. Chiến tranh và người lính là một đề tài mà ông dành nhiều tâm lực và chú trọng khai thác đưa lên màn ảnh. "Hãy cứ coi tôi là một người lính, trái tim, dòng máu, tâm hồn là của một người lính. Tôi luôn trăn trở với những giấc mơ của người lính", ông tâm sự.

Ông từng là phóng viên chiến tranh luôn theo sát những cuộc chiến đấu của các chiến sĩ giải phóng quân để đưa tin về từng trận đánh, tận mắt chứng kiến những hy sinh mất mát của đồng chí, đồng đội. Những miền đất nơi Trần Minh Đại đi qua, cuộc chiến tranh hào hùng nhưng khốc liệt đã khắc hoạ trong người phóng viên trẻ những kỷ niệm đau buồn không thể nào quên. Những kỷ niệm ấy luôn theo ông cho đến nay, khi chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Để rồi trong cuộc sống và công việc, bắt gặp những hoàn cảnh, những số phận, những mảnh đời người lính sau chiến tranh, mạch cảm xúc trong ông lại trào dâng.

Có lẽ nhờ vậy mà phim tài liệu về người lính trong và sau chiến tranh của ông luôn chân thực và xúc động với những hy sinh mất mát, hiện tại với những mất còn. Nhưng bao trùm lên người ta vẫn đọc được trong những tác phẩm của ông là tính nhân văn, ca ngợi phẩm chất tốt đẹp, anh hùng của người lính cụ Hồ. Ông tâm sự: "Chúng ta có thể xây vô số khối tượng đài, thậm chí  rất lớn. Nhưng tượng đài lớn nhất và bất diệt mà chúng ta cần xây dựng đó là tượng đài trong lòng người. Tôi muốn xây dựng một tượng đài nhỏ trong trái tim mỗi người..."

"Những mảnh đời người lính sau chiến tranh" là phim tài liệu day dứt về nỗi đau của những người lính ở vùng quê Thái Bình. Sau chiến tranh các anh, chị trở về lành lặn nhưng di chứng chất độc màu da cam quái ác lại truyền sang những đứa con. Ở những gia đình ấy chiến tranh ngày nào cũng tồn tại, cũng hiện hữu trong nỗi đau đớn vật vã đến xé lòng của những đứa trẻ không biết thế nào là chiến tranh, trong những giọt nước mắt xót xa, mặn mòi của những  người mẹ.

Đó là hậu quả của chiến tranh mà trong bộ phim này, với những nhân vật và những nỗi đau bằng xương bằng thịt: Vợ chồng anh Lê Văn Lớp - chị Nguyễn Thị Dung với 10 lần khai hoa là 10 cục máu vô hồn, vợ chồng chị Phan Thị Nhàn - anh Phan Văn Phát với 4 đứa con điên dại suốt ngày quậy phá... đã được tác giả đẩy lên đến tận cùng của nỗi đau thương mà không ai trong chúng ta có thể làm ngơ được. Nhưng họ vẫn sống và tin tưởng, niềm tin chỉ có người lính mới có. Ông nói: "Đó là những người lính trở về ngực đầy huân chương, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại họ không biết làm gì với những tấm huân chương đó. Họ chỉ có một giấc mơ giản dị, được làm bố,làm mẹ của những đứa con bình thường mà không được. Đó là điều là tôi day dứt nhất".

Một cảnh quay phim "Dòng sông hoa lửa".

"Chuyện kể về người lính", "Người đi Nam tiến" cũng là những "lát cắt" về chiến tranh và số phận của những người lính trở về từ cuộc chiến đấu oai hùng của dân tộc. Nhân vật trong "Chuyện kể về người lính" là một anh lính từng bắn rơi 13 máy bay Mỹ, chiến công đã xứng đáng được phong anh hùng. Nhưng trong chiến tranh có nhiều chuyện xảy ra. Anh bị thương và năm lại trại điều dưỡng, đơn vị chuyển đi nơi khác. Chiến tranh kết thúc, người ta sung sướng với chiến thắng không ai còn nhớ đến anh. Anh trở về một vùng quê trung du lại vui chuyện cấy chuyện cày mà không màng đến chuyện thành tích. "Cái anh hùng là ở chỗ đó, người lính cụ Hồ hay ở chỗ đó, tâm hồn họ giản dị mà vĩ đại. Nhưng chúng ta phải có trách nhiệm với họ, ít ra là trách nhiệm không được vô tình. Trong các phim của tôi, tôi luôn muốn nhắc đi nhắc lại điều đó".

Quả như vậy,"Không ai là vô danh" là nỗi day dứt, trăn trở không nguôi của tác giả mà cũng là nỗi day dứt của bao nhiêu đồng chí, đồng đội, thân nhân gia đình liệt sĩ. Ở các nghĩa trang trên toàn quốc, trắng xoá hàng bia mộ vô danh, chưa biết tên vô hồn, lạnh giá và buốt nhói trong lòng. "Họ chỉ được gọi là liệt sĩ vô danh, nghe đau đớn, xót xa quá. Trong  phim này tôi đã nhắc đi nhắc lại rằng, xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh. Bởi có những người bằng tình cảm trách nhiệm và sự hy sinh thầm lặng của mình đã tìm ra tên tuổi, quê quán, ngày tháng năm sinh... và trả lại cho các anh, cho gia đình các anh", đạo diễn tâm sự.

Một trong những tấm lòng cần mẫn thơm thảo và đầy trách nhiệm đó là chị Nguyễn Thị Kim Tiến hiện làm việc tại Bảo tàng quân khu 4 mà tác giả đã nói đến trong bộ phim này. Chị đã xin đi theo các đoàn đi tìm đồng đội ở khắp các chiến trường. Lẫn trong phần di hài là những mảnh gương soi có tấm hình của vợ, mẹ, người yêu. Là chiếc cối giã trầu người con hiếu thảo đã làm dành tặng mẹ trong những khoảng lặng của chiến tranh, có khi chỉ là một đồng tiền, một lá thư...

Bên cạnh đó, "Dòng sông hoa lửa" bi tráng nhưng đầy chất lãng mạn về Thành Cổ Quảng Trị cũng nhận được sự quan tâm, cổ vũ của nhiều người. Có thể gọi đây là một bài ca viết bằng máu và hoa. Máu lửa của ngày hôm qua và hoa của ngày hôm qua và hoa của ngày hôm nay - hoa của tình đồng chí, đồng đội, của tình quân dân. Đó là những tình cảm lớn lao, sâu thẳm tận đáy lòng của ngày hôm nay gửi về quá khứ như một lời tạ ơn, sự an ủi với linh hồn những chiến sĩ trẻ đã hi sinh cho hạnh phúc quê nhà.

Trong năm nay, đạo diễn Trần Minh Đại đã hoàn thành phim "Hương bồ kết" , một bộ phim cảm động về ngã ba Đồng Lộc. Say sưa với mảng đề tài này, hiện nay ông lại đang ấp ủ phim "Tháng 4 mùa hoa loa kèn" (về chiến thắng 30/4 lịch sử), "Cát trinh nguyên" và "Tiếng Truông Bồn" tiếp tục xâu chuỗi mạch cảm xúc, tình cảm và trách nhiệm với đề tài người lính trong và sau chiến tranh. Các phim này dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2004.

  • Việt Hà

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Trung Quốc phát hiện tượng Phật hơn 1000 năm (24/07/2003)
Khởi động cuộc đua giành giải Latin Grammy (23/07/2003)
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: ''Ai bảo tôi đam mê lắm vào!'' (23/07/2003)
Hoa hậu Bùi Bích Phương và khoảng lặng dành cho độc giả (23/07/2003)
Triễn lãm đồ gốm Việt Nam tại Brunei (23/07/2003)
Cuộc triển lãm dành riêng cho Paul McCartney tại Anh quốc (23/07/2003)
Vòng chung kết toàn quốc Giải Sao Mai (23/07/2003)
Nhà văn Sơn Tùng: "Tàn phế thân thể nhưng không tàn phế tâm hồn" (23/07/2003)
Nhã nhạc Huế tham dự Đại nhạc hội châu Á (23/07/2003)
"Chàng thể thao Phù Đổng"- phù điêu lớn nhất của thể thao Việt Nam. (22/07/2003)
Triển lãm ảnh ''Thế giới qua con mắt trẻ em H’mông'' (22/07/2003)
Đã hết thời nghề vẽ pa-nô? (22/07/2003)
''Diễn xuất chỉ cần giả một chút cũng không đáng giá một xu!'' (22/07/2003)
Robbie Williams tham gia show diễn đặc biệt vì Quỹ Trust (22/07/2003)
Ảnh nghệ thuật đâu phải món hàng vô chủ (22/07/2003)
Tro ve dau trang