Dầu ăn bẩn được làm từ rác thải nhà bếp đang được dùng rộng rãi trong các nhà hàng ở Trung Quốc. Theo đó, cứ 10 món ăn lại có 1 món được chế biến từ dầu tái chế có chất gây ung thư.
Tin bài mới |
---|
Dầu ăn bẩn được dùng khắp nơi
Kết luận trên do một chuyên gia thực phẩm hàng đầu của Trung Quốc đưa ra dựa trên một cuộc nghiên cứu lớn vẫn đang được triển khai. He Dongping, giáo sư về khoa học thực phẩm tại Trường Đại học Bách khoa Vũ Hán (WHPU) cho biết, do những kỹ thuật hiện thời còn thiếu hụt để có thể phát hiện và nhận dạng dầu ăn bất hợp pháp tại Trung Quốc, nhà chức trách cần cải thiện quy trình tái chế rác thải nhằm ngăn chặn việc sử dụng dầu ăn bẩn trong chế biến món ăn.
Ông He cũng cho biết, mỗi năm người Trung Quốc tiêu thụ từ 2 tới 3 triệu tấn dầu ăn bẩn. "Do lượng dầu ăn tiêu thụ của người Trung Quốc mỗi năm là 22,5 triệu tấn nên tỷ lệ dầu ăn bẩn được dùng để chế biến món ăn là 1/10".
Tiết lộ này đã gióng lên một hồi chuông báo động rộng khắp. Cục an toàn dược và thực phẩm quốc gia Trung Quốc ngay lập tức ban hành chỉ thị khẩn cấp tới toàn bộ các nhà hàng trên toàn quốc, cảnh báo không được dùng dầu ăn bẩn. Cơ sở cung cấp thực phẩm nào dùng dầu ăn trái phép hoặc không rõ nguồn gốc sẽ bị trừng phạt. Đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị rút giấy phép kinh doanh.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Trung Quốc nhật báo, He Dongping nói, ông và nhóm nghiên cứu gồm 9 sinh viên tại WHPU đang phát triển một cách để phát hiện và nhận diện dầu ăn bất hợp pháp. Tuy nhiên, ông He thừa nhận, đây là một việc rất khó khăn.
"Rất khó để nói sự khác nhau giữa dầu ăn bẩn và dầu ăn thông thường chỉ bằng việc nhìn và nếm", ông He nói. Ngoài việc chưa phát hiện được biện pháp phân biệt, một khi dầu ăn bẩn được trộn vào dầu ăn thường thì việc phát hiện còn khó hơn nhiều lần.
Dầu ăn bẩn thường được làm từ rác thải nhà bếp, có qua tinh chế. Dù nhìn nó cũng sạch và trong, nhưng trên thực tế, loại dầu này chứa nhiều chất độc, gồm cả aflatoxin, có thể gây ung thư.
"Hệ thống kinh doanh dầu ăn bẩn bí mật đã phát triển tới thời kỳ sung mãn. Có cả một chu trình toàn diện để sản xuất dầu ăn bất hợp pháp. Bước đầu tiên là phải đảm bảo có một hệ thống thu thập rác thải nhà bếp chính thức, có quy chuẩn", ông He gợi ý.
Nguồn gốc dầu ăn bẩn
Hiện nay, việc sử dụng dầu ăn bẩn vẫn tiếp diễn do nó đem lại lợi nhuận cao. Một cuộc điều tra ở Vũ Hán cho thấy, rất ít nhà hàng sẵn sàng thuê nhân viên vệ sinh của thành phố thu thập rác thải nhà bếp.
Chủ một hiệu ăn uống tại quận Vũ Thành, thuộc Vũ Hán - thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, hôm 19/3/2010 nói với Trung Quốc nhật báo rằng mỗi ngày cửa hàng chế biến món ăn cho 50 bàn, thải ra hai thùng rác lớn.
Theo chủ cửa hiệu trên, số rác thải nhà bếp có thể được nhân viên vệ sinh thu thập và xử lý. Tuy nhiên, một quan chức tại Vũ Hán nói, các nhân viên vệ sinh chưa bao giờ thu dọn rác thải từ các nhà hàng.
"Nhà hàng sẽ phải trả một khoản phí nhất định nếu họ thuê nhân viên vệ sinh của thành phố trong khi nếu bán cho các tư nhân họ còn kiếm được tới 10.000 NDT hoặc 1.500 USD mỗi năm", ông Zeng Wei, giám đốc công ty dầu sinh học Vũ Hán nói hôm 20/3.
Theo ông Zeng, nhiều nhà hàng đã ký hợp đồng với một số tư nhân để thu thập rác thải nhà bếp, một giao kèo vững chắc tới mức một bên thứ ba không thể len chân vào. Theo thỏa thuận kiểu này, một hàng ăn lớn có thể kiếm tới 2 triệu NDT/năm chỉ từ việc bán rác thải nhà bếp.
Là quốc gia có ngành kinh doanh nhà hàng rất phát đạt, số lượng rác thải nhà bếp sản sinh ra mỗi ngày ở Trung Quốc là khá lớn, chiếm 40% rác thải của toàn thành phố, ông He nói.
Theo nhà khoa học này, các thành phố ở Trung Quốc được xếp vào 5 hạng dựa vào số lượng chất thải nhà bếp mà nó tạo ra. Những thành phố loại 1 gồm Bắc Kinh và Thượng Hải tạo ra 1.000 tới 1.500 tấn rác thải một ngày, thành phố loại 2 thải ra 500 tới 1.000 tấn rác thải/ngày, thành phố loại 3 như Thanh Đảo và Ningbo là ví dụ, tạo ra 200-500 tấn, thành phố loại 4 như Hồ Bắc sản sinh khoảng 100-200 tấn rác thải nhà bếp một ngày, thành phố loại 5 thải ra chưa tới 100 tấn.
Giá dầu ăn bẩn quá rẻ
Theo ông He, việc tinh chế dầu ăn bẩn từ rác thải nhà bếp đem lại lợi nhuận cực lớn.
Tinh chế 1 tấn rác thải nhà bếp sẽ cho ra 130kg dầu ăn bẩn. Với mức giá bằng một nửa giá dầu ăn thường, mức lợi nhuận mà ngành kinh doanh dầu bẩn kiếm ra là 1,5 tới 2 tỷ USD/năm, ông He Dongping nói.
"Lợi nhuận chênh lệch gần 200%. Đó cũng là điều dễ hiểu, lý giải tại sao ngành chế biến dầu ăn bẩn lại phát đạt tới như vậy".
"Một tấn dầu ăn bẩn làm từ rác thải nhà bếp chỉ khoảng 300 NDT (44 USD). Một thùng dầu ăn đã đem lại lợi nhuận từ 70-80 NDT. Tính trung bình, một người thu thập 4 thùng. Cho dù, giá dầu ăn bẩn chỉ bằng 1/2 giá dầu ăn thường thì bạn cũng đã kiếm tới 10.000 NDT/tháng. Thậm chí, một người chạy việc trong ngành kinh doanh này cũng có lương tháng là 2.500 NDT", ông He cho hay.
Làm sao để phát hiện dầu ăn độc
Dầu ăn bẩn nhìn không khác dầu ăn bình thường. Tuy nhiên, nó có hai khác biệt lớn. Thứ nhất, dầu bẩn có giá chỉ bằng 1/2 dầu ăn thường. Thứ 2, dầu ăn bẩn độc hại hơn nhiều, nó chứa cả chất ’aflatoxin’. Aflatoxin có thể gây bệnh đau gan, ung thư. Tuy nhiên, theo trang soshiok.com, dầu ăn bẩn độc hơn chất độc bị cấm là thạch tín trắng 100 lần.
Theo ông He, dầu ăn bẩn sẽ hoành hành ở Trung Quốc khoảng 10 năm. Tuy nhiên, dự báo này vẫn được cho là khá lạc quan.
Vậy làm thế nào để phân biệt hai loại dầu? Có một loạt bước sau đây mà bạn nên tuân thủ khi mua dầu ăn.
Đầu tiên: Nhìn - Dầu ăn bình thường phải sạch và trong. Dầu ăn bẩn thường là bán trong suốt, một dấu hiệu cho thấy nó không tinh khiết và hơi cặn
Bước 2: Ngửi - Nhỏ một giọt dầu vào lòng bàn tay và xoa tay vào nhau để ngửi mùi. Nếu có mùi lạ thì chứng tỏ đó là dầu kém chất lượng hoặc dầu bẩn. Dầu bẩn thường có mùi hôi.
Bước 3: Nếm - Dùng đũa, chấm một giọt dầu và nếm thử. Dầu kém chất lượng, dầu bẩn có vị chua hoặc gắt.
Bước 4: Nghe - Nhỏ một giọt dầu lên một miếng giấy, đốt cháy giấy và nghe tiếng cháy của nó. Dầu bẩn khi cháy sẽ tạo ra tiếng xèo xèo, điều này đồng nghĩa với việc nó chứa quá nhiều nước.
Bước 5: Hỏi - Hỏi người bán nguồn gốc dầu và nếu cần hãy đòi giấy chứng nhận.
-
Hoài Linh (Tổng hợp)Phần II: Cận cảnh quy trình làm dầu ăn từ rác thải