221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1206826
Quãng thời gian đầy thử thách của Tổng thống Obama
1
Article
null
Quãng thời gian đầy thử thách của Tổng thống Obama
,

Tuần vừa qua quả là một tuần đầy thử thách đối với nước Mỹ nói chung và với Tổng thống Mỹ Barack Obama, khi hàng loạt sự kiện cân não đòi hỏi ông cùng nước Mỹ phải có những ứng xử thích hợp.

Tổng thống Obama (Ảnh Reuters)

Vấn đề nhức nhối từ bán đảo Triều Tiên

Vấn đề nhức nhối đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama tuần qua không gì bằng vấn đề xuất phát từ bán đảo Triều Tiên.

Ngày 29/5, CHDCND Triều Tiên lại tiếp tục bắn thử thêm một tên lửa tầm ngắn, đồng thời cảnh báo sẽ có hành động tự vệ nếu bị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc "khiêu khích”.

Đây là tên lửa thứ sáu được CHDCND Triều Tiên bắn thử kể từ sau vụ thử hạt nhân ngày 25/5.

Chưa hết, có nguồn tin cho hay, hôm 27/5, các vệ tinh do thám của Mỹ vừa phát hiện những dấu hiệu cho thấy CHDCND Triều Tiên vừa tái khởi động nhà máy hạt nhân của nước này. Tin cho hay, các vệ tinh do thám Mỹ nhận thấy hơi nước phun lên từ một cơ sở tái chế thuộc tổ hợp hạt nhân Yongbyon.

Việc CHDCND Triều Tiên lại tái khởi động nhà máy hạt nhân, phóng thêm tên lửa chắc chắn sẽ còn gây thêm căng thẳng kéo dài cho khu vực Đông Á nói riêng và thế giới nói chung - một thế giới vốn đang hết sức căng thẳng từ chính trị tới kinh tế như hiện nay.

Các quan chức, binh sĩ và người dân CHDCND Triều Tiên tham gia một cuộc mít tinh ăn mừng sự thành công của vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ hai tại sân vận động Bình Nhưỡng hôm 26/5. (Ảnh Reuters/KCNA)

Vấn đề Iran

Gần như cùng lúc với vấn đề Triều Tiên, một vấn đề cũng xảy ra như thách thức nước Mỹ và đòi hỏi quyết định từ phía Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Cụ thể, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã lên tiếng cự tuyệt đề xuất “đình chỉ” hoạt động hạt nhân của Phương Tây để không phải gánh chịu những trừng phạt mới và bác bỏ bất kỳ đề xuất đàm phán nào với các cường quốc về vấn đề này.

Lời phát biểu của vị tổng thống nổi tiếng bảo thủ đang phấn đấu tái đắc cử trong đợt bầu cử ngày 12/6 tới có thể làm phật lòng Chính phủ Mỹ vốn đang theo đuổi giải pháp ngoại giao về vấn đề Iran.

Thách thức hơn nữa, ông Ahmadinejad thậm chí còn lên tiếng muốn cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama “nói ra ngô ra khoai” gốc rễ của các vấn đề thế giới tại cuộc họp của Liên Hiệp Quốc tại Thành phố New York (Mỹ) và khẳng định Iran sẽ không nhượng bộ trước áp lực về vấn đề hạt nhân.

Tổng thống Ahmadinejad tuyên bố Iran sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước những áp lực của nước ngoài về vấn đề hạt nhân của họ. “Các cuộc hội đàm (với các cường quốc) sẽ không bàn gì thêm ngoài phạm vi hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu. Quan điểm này của chúng tôi là rất rõ ràng,” ông Ahmadinejad cho biết, “Đối với chúng tôi, vấn đề hạt nhân đã xong”.

Dường như do quá bận, ông Barack Obama chưa có đáp trả chính thức nào về thách thức của Tổng thống Ahmadinejad.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad. (Ảnh: Reuters)

Căng thẳng với cả đồng minh Israel

Không chỉ mệt mỏi với các quốc gia mà Mỹ từ lâu không ưa thích, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đang vấp phải những vấn đề càn giải quyết với ngay cả một đồng minh thân cận bậc nhất của mình là Israel.

Đó là việc Israel xây dựng các khu định cư Do Thái trên các vùng lãnh thổ Palestine ngay khi Tổng thống Palestine Abbas hội đàm với Tổng thống Obama ở Washington hôm 27/5. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngay lập tức đã phải kêu gọi Israel ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái trên các vùng lãnh thổ Palestine.

Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua các quan chức Mỹ lớn tiếng như vậy trong việc kêu gọi Israel ngừng xây dựng khu định cư. Bà Hillary nói rằng Tổng thống Obama "rất rõ ràng" với ông Netanyahu trong cuộc gặp gần đây rằng nên ngừng xây dựng mọi khu định cư.

Israel mô tả việc xây dựng bên trong các khu định cư hiện nay là sự tăng trưởng tự nhiên. Thủ tướng Netanyahu đã chống lại các yêu cầu của Mỹ, nói rằng một số khu định cư có thể mở rộng và Israel sẽ tiếp tục việc làm này.

Những tuyên bố của chính quyền Obama về các khu định cư được người Palestine hoan nghênh song lại gây bất đồng với Israel. Hiện có khoảng 500.000 người Do Thái sống trong hơn 100 khu định cư được xây dựng kể từ khi Israel chiếm đóng bờ Tây và Đông Jerusalem năm 1967.

Một khu định cư Do Thái đang được xây dựng ở Bờ Tây (Ảnh AFP)

Chuyện trong nước: bị cúm A/H1N1 tấn công

Cũng trong tuần qua, lại thêm một bệnh nhân cúm A/H1N1 nữa vừa qua đời tại New York, nâng số nạn nhân tử vong vì dịch bệnh này lên 11 người trên toàn nước Mỹ. Đây là trường hợp thứ 2 chết vì cúm A/H1N1 ở New York. Nạn nhân, ở độ tuổi 50, còn mắc một số chứng bệnh tim mạch. Các thông tin chi tiết khác về người phụ nữ này không được tiết lộ.

Hiện đã có 280 trường hợp được xác nhận nhiễm cúm ở New York với 94 người phải nhập viện tính đến ngày 24/5.

Ổ dịch đầu tiên của New York bùng phát cách đây khoảng một tháng, khi hơn 1.000 học sinh tại một trường trung học ở Queens bị ốm sau khi có vài em đi nghỉ ở Mexico về. Tiếp đó, virus đã phát tán ra nhiều trường học trong thành phố và thậm chí lan tới hệ thống nhà tù, buộc các nhà chức trách phải hạn chế thời gian thăm hỏi dành cho phạm nhân.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, tính đến 24/5 đã có tổng cộng 12.000 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 trên toàn thế giới với ít nhất 86 ca đã tử vong, chủ yếu tập trung tại Mexico và Mỹ.  

Một sĩ quan cảnh sát đứng gác bên ngoài một trường học bị đóng cửa vì cúm A/H1N1 ở New York City. (Ảnh: AFP)

Những phản ứng đầu tiên của chính quyền Obama

Trước những diễn biến đó, Mỹ phải cùng lúc đối phó nhiều vấn đề gay cấn, song hầu hết những phản ứng đầu tiên của chính quyền Obama chủ yếu tập trung vào vấn đề nổi cộm nhất, thách thức nhất: vấn đề Triều Tiên.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Tổng thống Mỹ Barack Obama cáo buộc Bình Nhưỡng thách thức cộng đồng quốc tế. "Triều Tiên đang thách thức cộng đồng quốc tế một cách trực tiếp và táo bạo. Hành động của nước này làm gia tăng căng thẳng và gây xói mòn sự ổn định ở Đông Bắc Á", ông Obama nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thì cam kết rằng Mỹ sẽ bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản khi hai quốc gia này đối mặt với các mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên đồng thời kêu gọi Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán sáu bên về giải giáp chương trình hạt nhân của nước này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói tình hình hiện chưa đến mức khủng hoảng và Mỹ chưa gửi thêm binh sĩ tới khu vực.

Tuy nhiên tướng Mỹ George Casey hôm 28/5 cho biết Mỹ có thể đánh Triều Tiên theo kiểu cũ, nếu cần thiết, trong khi vẫn tiếp tục những hình thức xung đột mới hơn để chống khủng bố và cực đoan.

Có thể thấy rất rõ, hơn bao giờ hết, tuần vừa qua là một tuần chứa đựng gần như đủ mọi thử thách mà một vị Tổng thống mới cầm quyền chưa lâu như Barack Obama phải đồng thời chứng kiến.

Sau những động thái đáp trả đầu tiên, những hành động tiếp theo và cách xử lý của vị thuyền trưởng đất nước này sẽ được thế giới theo dõi sát sao, bởi đó nhiều khi không còn là chuyện riêng của Tổng thống Mỹ hay của nước Mỹ nữa.

  • Nhật Vy (Tổng hợp)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,