Chủ nghĩa tư bản thân hữu
(VietNamNet) - Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), VietNamNet xin giới thiệu bài của TS Nguyễn Sĩ Dũng, bàn về chủ nghĩa tư bản thân hữu, một thứ quan hệ có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia.
Sự liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân với các quan chức nhà nước là một rủi ro rất lớn của quá trình chuyển đổi. Như một định mệnh nó là loại rủi ro dễ nhận thức, nhưng khó vượt qua.
Ở nước ta, các doanh nghiệp tư nhân đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Vai trò này đã được cả xã hội ghi nhận. Trong bối cảnh như vậy, và nhân ngày doanh nhân Việt Nam (13/10) lại nói về sự liên kết của các doanh nghiệp tư nhân với các quan chức nhà nước thật chẳng khác gì cái việc "thổi tù và" trong dàn hợp xướng nhạc giao hưởng vậy.
Tuy nhiên, chuyện "thổi tù và ngược" nhiều khi chướng tai, nhưng không phải hoàn toàn vô ích. Nếu sự liên kết nói trên, còn được gọi là chủ nghĩa tư bản thân hữu (trong tiếng Anh là crony capitalism),có thể làm cho quyền lực kinh tế và quyền lực chính trị gắn kết với nhau hình thành nên một thứ mafia toàn năng thì rủi ri cho đất nước là khôn lường. Trong sự liên kết này, nhiều hợp đồng béo bở, nhiều nguồn lực quan trọng sẽ bị các quan chức tìm cách chuyển cho các công ty tư nhân quen biết. Đến lượt mình, các công ty này sẽ lại quả và cung phụng chu đáo cho các quan chức. So với các công ty của nhà nước, các công ty tư nhân có thể làm điều này một cách dễ dàng hơn và “hợp pháp” hơn. Lý lẽ thường được đưa ra là: “Tiền của tôi, tôi muốn cho ai là quyền của tôi”.
Chủ nghĩa tư bản thân hữu còn được dùng để chỉ tình trạng bố làm chính trị, còn con cái thì làm kinh tế. Gia đình giàu có lên nhanh chóng nhờ “tài kinh doanh” của những người con. Tuy nhiên, đằng sau cái “tài kinh doanh” đó bao giờ cũng thấp thoáng hình bóng của ông bố. Vị trí lãnh đạo của ông bố đã đưa lại những hợp đồng giá trị, những mối quan hệ làm ăn dễ dàng cho những người con. Chẳng mấy chốc những người con đã có thể thâu tóm hầu hết những ngành kinh tế quan trọng của đất nước.
Đất nước Indonesia dưới thời của Tổng thống Xuhactô đã từng phải đối mặt với chủ nghĩa tư bản thân hữu với những biểu hiện đặc trưng nhất. Tất cả các ngành kinh tế mũi nhọn như xuất nhập khẩu, xây dựng, ngân hàng, tài chính đều do những người con của ông Xuhactô nắm giữ. Đất nước Indonesia đã phải trả giá cho điều này bằng bạo loạn và mất ổn định về kinh tế và chính trị - xã hội như thế nào là điều tất cả chúng ta đều biết. Nước Nga dưới thời của Tổng thống Enxin là một ví dụ nhãn tiền khác. Tất cả các ngành kinh tế quan trọng của đất nước như dầu lửa, ngân hàng v.v. đã lọt vào tay những người thân quen hoặc có quan hệ “người nhà” với gia đình của Tổng thống.
Ở Việt Nam ta bao nhiêu công ty tư nhân đã phất lên nhờ sự đỡ đầu trực tiếp của các quan chức nhà nước? Có lẽ chưa nhiều. Ít nhất thì chưa đến mức mà dư luận xã hội bị đánh động. Tuy nhiên, những mối quan hệ thân thiết thì đã bắt đầu hình thành. Và không ít hợp đồng cũng đã được chuyển cho các công ty tư nhân theo sự thân quen.
Chúng ta ủng hộ sự phát triển lành mạnh của các công ty tư nhân. Nhưng đó phải là sự phát triển theo đúng quy luật cạnh tranh của thị trường chứ không phải theo mô hình của chủ nghĩa tư bản thân hữu. Ngày Doanh nhân Việt Nam là dịp để chúng ta thổi lên tiếng tù và báo động về hiểm hoạ của chủ nghĩa tư bản thân hữu đối với đất nước ta.
-
TS. Nguyễn Sĩ Dũng
Ý kiến của bạn: