,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
744532
Giã từ tư duy quản lý theo phường - quận
1
Article
null
,

Giã từ tư duy quản lý theo phường - quận

Cập nhật lúc 15:11, Thứ Năm, 15/12/2005 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - UBND TP Hà Nội vừa quyết định thôi thí điểm tạm ngừng đăng ký xe máy tại nội thành, kết thúc những tranh cãi và nhiều phiền toái của bao công dân Hà Nội. Tuy vậy, tư duy quản lý thủ đô theo phường - quận thì có lẽ còn lâu mới kết thúc. 

Theo dòng sự kiện:

Soạn: AM 651087 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Một trong những biển số xe đầu tiên được đăng ký khi HN bãi bỏ quy định tạm ngừng đăng ký xe máy ở các quận nội thành.

Nhu cầu sinh hoạt và sự an toàn

Còn nhớ thời điểm tháng 9/2003, Hà Nội bắt đầu thực hiện chủ trương dừng đăng ký xe máy tại 4 quận nội thành. Không phải tự nhiên mà có chủ trương này.

Trước đó, Hà Nội đã bị phê phán mạnh mẽ về số vụ tai nạn giao thông, nhất là số người chết do tai nạn xe máy gia tăng khủng khiếp. Thiếu tướng Phạm Chuyên, Giám đốc Công an bức xúc: năm 2003 cả thành phố chỉ có 14 người chết vì tai nạn khi ngồi trên ôtô, vài chục người chết khi đi bộ nhưng có tới hơn 300 người đi xe máy chết. (Năm 2005 số người chết vì TNGT ở Hà Nội còn cao hơn: 533 người, loại phương tiện gây ra tai nạn nhiều nhất vẫn là mô- tô xe máy)

Số người chết và bị thương do TNGT tăng vọt, dư luận bất bình, đòi hỏi gay gắt phải có biện pháp giải quyết. Hội đồng nhân dân TP Hà Nội họp, đưa ra Nghị quyết 34/2003/NQ-HĐ, nêu 9 giải pháp, trong đó có biện pháp cấp bách là giảm xe máy. Điều này hoàn toàn đúng vì không thể vừa muốn giảm tai nạn, giảm ùn tắc giao thông lại vừa muốn mua thêm xe máy. Nói như một vị lãnh đạo của Hà Nội: "...một bên là nhu cầu (đăng ký xe), một bên là tính mệnh của nhân dân, nên phải đặt tính mệnh lên trên". 

Vi hiến thì phải sửa

Với quan điểm trên, chính quyền thành phố chọn biện pháp: dừng đăng ký xe máy để giảm thiểu các phương tiện lưu thông trong nội thành. Nguời dân sau một hồi phản ứng đã tìm cách “lách”: không cho đăng ký ở nội thành thì chuyển ra ngoại thành; cấm nốt ở ngoại thành thì …sang tỉnh bạn. Số lượng xe máy đăng ký giảm mạnh, nhưng số xe lưu thông thì vẫn tăng.  

Sự việc cứ âm ỉ và đột ngột bùng phát trở lại khi ngày 21/11/2005, Bộ Công an có Thông tư số 17/2005/TT-BCA về việc bỏ quy định mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe môtô hoặc xe gắn máy.  Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội họp, tuy nhiên do ý kiến đại biểu vẫn chia rẽ sâu sắc, đành gác vấn đề lại để “trên” giải quyết. Một lần nữa dư luận phản ứng rất mạnh, cho rằng chính quyền Hà Nội vi hiến; do yếu kém không giảm được tai nạn giao thông nên mới chọn biện pháp tiếp tục hạn chế đăng ký xe máy. Trước sức ép mạnh mẽ của dư luận, lãnh đạo thành phố đã phải ra Quyết định số 221/2005/QĐ-UB, thôi thí điểm tạm ngừng đăng ký xe máy tại nội thành Hà Nội. 

Dân luôn luôn đúng, đa số - chưa chắc

Những phản ứng lúng túng của lãnh đạo thành phố cho thấy, tư duy quản lý đô thị kiểu cũ cách đây nửa thế kỷ vẫn đang được sử dụng để áp vào một đô thị đang hiện đại hóa. Đặc điểm của thứ tư duy ấy là sự phân định rõ, chính quyền là người quản lý, còn người dân là đối tượng quản lý. Có vị đại biểu đã nêu ý kiến trong một cuộc Hội thảo: "Trong quản lý đô thị hiện nay, nhà quản lý chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để đạt được ý chí của mình mà thiếu sự quan tâm, tìm hiểu tâm lý của người dân. Cách thức này cần phải thay đổi". 

Trong tư duy mới về quản lý đô thị, người dân có vị thế hoàn toàn khác, cao hơn nhiều. Từ đối tượng quản lý, họ trở thành một bộ phận của bộ máy quản lý, ngày càng tham gia tích cực vào quá trình ra các quyết định của thành phố. Sự tham gia đó có thể là gián tiếp – thông qua Hội đồng nhân dân, cũng có thể là trực tiếp thông qua các hình thức từ thăm dò ý kiến cho đến trưng cầu dân ý về một vấn đề nào đó.

Trở lại vấn đề ngừng đăng ký xe máy. Chính quyền thành phố hoàn toàn có thể tiến hành trưng cầu dân ý, hoặc chí ít là một số cuộc thăm dò dư luận và cần tận dụng các phương tiện truyền thông để bảo vệ cho chủ trương của mình, phân tích cho người dân hiểu, chỉ cho người dân thấy, họ sẽ phải lựa chọn một trong hai phương án với cả cái tiện và bất tiện của từng phương án. 

Sự lựa chọn của đa số sẽ được áp dụng, những người thuộc phái thiểu số sẽ phải tuân thủ ý nguyện của số đông. Làm theo ý nguyện của đa số người dân, chính quyền sẽ nhận thêm sự ủng hộ. Quan điểm mới của quản lý đô thị hiện đại là dân luôn luôn đúng. Chính quyền là người thực thi ý nguyện của số đông. Nhưng do nhiều lý do, số đông hôm nay có thể lại trở thành số ít ngày mai. Ở đây không có sự “thắng” hay “thua”.  

Giã từ tư duy quản lý phường quận 

Vụ “tạm dừng đăng ký xe máy” chỉ là một ví dụ của tư duy quản lý đô thị theo kiểu cũ. Nếu Hà Nội tiếp tục chủ trương này, hãy hình dung: hai nhà giáp nhau nhưng một nhà thuộc nội thành, nhà kia lại ra ngoại thành. Một người sẽ được đăng ký xe vô tư. Người bên cạnh thì đứng nhìn chỉ vì anh ta “trót” có hộ khẩu nội thành. Chuyện gì sẽ xảy ra thì một em nhỏ bất kỳ cũng biết.  

Đã đến lúc những người có trách nhiệm nên dành thời gian để làm mới tư duy trong quản lý đô thị hiện đại. Hãy tự đặt câu hỏi: Tại sao cứ phải làm như cũ? Tư duy mới là gì? Việc tôn trọng ý kiến của người dân chỉ là một mặt của quản lý kiểu mới. Điều quan trọng hơn là phải chuyên nghiệp hóa việc quản lý đô thị. 

Đến nay, thành phố vẫn được điều hành như một tỉnh. Tại một Hội nghị, Thủ tướng Phan Văn Khải nêu ý kiến, quản lý đô thị và quản lý nông thôn hoàn toàn khác biệt nhưng lại có chung cơ chế quản lý, bộ máy cũng giống nhau từ thành phố đến tỉnh, từ quận đến huyện.  

Đô thị hiện đại lấy chức năng làm tiêu chí để chia ranh giới. Mỗi một khu, tùy theo các yếu tố địa lý, dân cư sẽ được gắn với chức năng chủ yếu, hình thành nên các trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa, khoa học giáo dục, khu dịch vụ, buôn bán; vui chơi giải trí, khu dân cư. Những khu này được quản lý theo nhiều cách thức khác nhau. 

Như vậy, phường và quận vẫn sẽ tồn tại, nhưng được hiểu theo một ý nghĩa mới và tất nhiên cũng sẽ được quản lý theo lối mới. Đến thời điểm này, chưa phải mọi vấn đề của quản lý theo lối mới đều đã được làm rõ. Điều chắc chắn là đã đến lúc phải nói lời giã từ với lối tư duy quản lý theo phường quận. 

  • Lại Vĩnh Mùi

 Ý kiến của bạn:

 

 

 

 

 

 

,
,