"Đường vào WTO mỗi ngày mỗi khó"
15:04' 06/08/2003 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Vũ Khoan và ông Gary Benanav, đại diện của Mỹ tại APEC tại Hội thảo "Hướng tới WTO".
(VietNamNet)
- Phát biểu tại Hội thảo "Hướng tới WTO" sáng nay (6/8), ông Demetrios J.Marantis, trưởng cố vấn pháp lý của Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt cho rằng, Việt Nam nên thúc đẩy việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (
WTO), vì càng vào sau, quá trình gia nhập càng khó khăn. Ngoài ra, nếu trở thành thành viên sau khi vòng đàm phán Doha kết thúc, các nghĩa vụ được đưa ra tại Doha có thể sẽ đặt thêm điều kiện mới cho việc gia nhập.

"Vào WTO là quan trọng nhất"

Ông Marantis nhận xét: "Gia nhập vào năm 1995 dễ dàng hơn hiện nay. Nhưng các nước gia nhập sau năm 2005 sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa".

Về mặt chính thức, vòng đàm phán Doha sẽ kết thúc vào cuối năm 2004. Nhưng nhiều nhà kinh tế học dự đoán, do nội dung phức tạp, vòng đàm phán này chỉ thực sự chấm dứt vào năm 2006.

Ông David Hartridge cho rằng, "Vì lợi ích của bản thân mình, Việt Nam cần trở thành thành viên của WTO trước khi những luật chơi mới bắt đầu bén rễ vào cuộc sống. Việt Nam cần ở trong ngôi nhà WTO để tránh bị tiếp tục phân biệt đối xử. Do đó, thời điểm 2005 là rất quan trọng".

Năm 2005 cũng là năm Hiệp định Đa sợi (MFA) của WTO hết hiệu lực, điều đó có nghĩa là các nước có thể xuất/nhập hàng dệt may sang/từ các nước thành viên khác mà không phải chịu hạn ngạch.

Đồng ý với ý kiến này, Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho biết: "Vì mục đích đó, chúng tôi đang khẩn trương tiến hành các biện pháp sắp xếp sản xuất trong nước và đàm phán với các đối tác trên cơ sở song phương và đa phương. Chúng tôi không nghĩ là phải hội đủ mọi điều kiện mới gia nhập WTO mà nên tiến hành đồng thời hai quá trình bổ sung cho nhau: đó là vừa tích cực chuẩn bị điều kiện, vừa thúc đẩy đàm phán. Bước tiếp theo và có ý nghĩa quan trọng nhất trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay là sớm gia nhập WTO vào năm 2005".

Theo nhận định của ông David Hartridge, cựu quyền Tổng giám đốc WTO, hiện là giám đốc cao cấp của White&Case Geneva, thì "Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành thành viên của WTO vào thời điểm đã định". Và để làm được điều đó, Việt Nam cần nỗ lực cung cấp thông tin cho Nhóm làm việc về quá trình Việt Nam gia nhập WTO, đặc biệt là về biểu thuế; đồng thời thúc đẩy đàm phán song phương với các nước đã là thành viên.

Việc gia nhập WTO nhận được sự ủng hộ của đại bộ phận cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả một cuộc khảo sát của Viện Kinh tế công bố đầu tháng 6 cho thấy, 70% doanh nghiệp Việt Nam mong muốn và sẵn sàng bước vào "sân thi đấu" WTO.

Làm gì cũng cần có "nghệ thuật"

Theo ông Cato Adrian, luật sư của Ban Kết nạp thành viên WTO, Việt Nam cần rõ những vấn đề có thể thương lượng, không thương lượng được và không bắt buộc thương lượng. Ông cũng nêu ra một số thủ thuật Việt Nam nên áp dụng trong quá trình đàm phán. Đó là: đưa ra các đề nghị đủ hấp dẫn để kéo các nước thành viên WTO thực sự muốn đàm phán với mình, rồi ra sức "mặc cả" trong các giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, Việt Nam cần đảm bảo bảo mật cho toàn bộ quá trình đàm phán, biến các thỏa thuận song phương trở thành đa phương theo nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) của WTO.

Ông Lê Đăng Doanh, chuyên viên cao cấp, cố vấn Bộ trưởng Bộ KH-đầu tư, đã từng ví von: "Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) là một cái sân tập. Còn Tổ chức thương mại thế giới (WTO) là sân thi đấu. Không có sân tập để luyện rèn, không ai có thể thi đấu tốt".

Ông Adrian cũng khuyên nên tập trung đàm phán trước với các đối tác thương mại lớn. Việc ký kết hiệp định với thành viên đầu tiên sẽ là bước đột phá, mở đường để ký với các thành viên còn lại.

Phó Thủ tướng Vũ Khoan mong cộng đồng quốc tế hỗ trợ quá trình gia nhập WTO của Việt Nam bằng cách mở cửa thị trường, tránh phát ra những tín hiệu sai lệch về sự cạnh tranh không lành mạnh, không dựng lên những hàng rào bảo hộ trá hình, làm mất đi công ăn việc làm của hàng triệu người. Sự trợ giúp đáng quý khác là trợ giúp về kỹ thuật cho quá trình chuẩn bị gia nhập WTO. Có ý tốt thì nên đưa ra những đòi hỏi phải chăng, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam với một lộ trình hợp lý. ''Vì dù có muốn chúng tôi cũng không thể nhảy qua đầu mình, gây đảo lộn đối với toàn bộ nền kinh tế'', Phó Thủ tướng nói.

WTO, cũng như bất kỳ các tổ chức chính phủ khác, là nơi câu "chân lý thuộc về kẻ mạnh" luôn đúng. Với sức mạnh và tham vọng, một số nước luôn coi WTO là một công cụ để "mặc cả" với các nước không mạnh bằng. Kinh tế Việt Nam còn yếu, Việt Nam sẽ cùng các nước nghèo khác phải chịu nhiều thiệt thòi trong các vòng đàm phán tiếp theo.

Vào WTO có lợi hơn!

Ông Gary Benanav, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty New York Life International cho biết, gia nhập WTO, rõ ràng Việt Nam sẽ dễ dàng hơn trong việc thâm nhập các thị trường xuất khẩu lớn. 

Theo bà Virginia Foote, người đồng sáng lập và Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, nếu Việt Nam sớm gia nhập WTO, sau khi Hiệp định Đa sợi (MFA) của WTO hết hiệu lực (năm 2005), Việt Nam có thể tự do thoải mái xuất hàng dệt may, một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, sang bất kỳ thị trường nào thuộc WTO. Bà Virginia Foote đánh giá rằng, khi không còn hạn ngạch, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU và Mỹ có thể tăng gấp đôi.

Các nước thành viên được sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Những cơ chế này có thể giúp Việt Nam thắng trong các vụ kiện phi lý kiểu vụ kiện cá tra, cá basa vừa kết thúc.

''Mác'' WTO còn có ý nghĩa cải thiện cách nhìn nhận của cộng đồng doanh nghiệp thế giới đối với Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam luôn bị đánh giá là nước có mức độ mở cửa rất thấp. Năm 1997, Việt Nam đứng thứ 53 trong tổng số 53 nước được xếp hạng trong Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về tiêu chí độ mở cửa. Năm 1999 đứng ở vị trí 55/59, đây cũng là tiêu chí đứng thấp nhất của Việt Nam.

Chừng nào Việt Nam chưa gia nhập, nhiều nhà đầu tư sẽ còn tự hỏi: "WTO đã có 146 thành viên, chiếm 97% thương mại thế giới. Tại sao Việt Nam chưa vào? Phải chăng nước này còn gặp vấn đề gì?". Nếu biết Việt Nam nằm trong WTO, tức là chịu sự ràng buộc của nhiều số luật chơi quốc tế, các nhà đầu tư sẽ nghĩ rằng độ rủi ro tại đây giảm đi, và do đó sẽ tăng cường đầu tư.

Tuy nhiên, trên bình diện vĩ mô mà nói, gia nhập WTO nghĩa là Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, và làm tăng tính phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào "sức khỏe" của nền kinh tế toàn cầu. Nước lên thì bèo lên, nhưng nếu cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á có hậu sinh, ảnh hưởng đối với Việt Nam sẽ lớn hơn thời kỳ 1997-1998 rất nhiều.

Để vào được WTO, có đi có lại, Việt Nam phải mở cửa thị trường cho các nước, nhất là các nước lớn. Nhiều doanh nghiệp và hàng hóa của họ sẽ có cơ thâm nhập Việt Nam, trong khi doanh nghiệp Việt Nam kém hơn về mọi mặt sẽ không đủ sức cạnh tranh, dẫn đến bị sáp nhập, phá sản, nhân công thất nghiệp, và kéo theo hiệu ứng xã hội.

Hành trình gia nhập WTO của Việt Nam

Việt Nam đệ đơn xin gia nhập WTO vào ngày 4/1/1995. 27 ngày sau, WTO thành lập Nhóm công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO. Các thành viên Nhóm Công tác gồm Argentina, Australia, Brazil, Brunei, Bulgaria, Canada, Chile, Trung Quốc, Colombia, Croatia, Cuba, Cộng hòa Czech, Ai Cập, Liên minh châu Âu và các nước thành viên, Hongkong, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa Kyrgyz, Latvia, Lithuania, Malaysia, Myanmar, New Zealand, Na Uy, Panama, Paraguay, Philippines, Ba Lan, Romania, Singapore, Cộng hòa Slovak, Slovenia, Thụy Sỹ, Đài Loan, Thái Lan, Mỹ, Uruguay.

Đến nay, Nhóm làm việc đã tổ chức được 6 phiên họp. Phiên họp thứ 7 chưa được định ngày chính thức nhưng dự kiến diễn ra vào cuối năm 2003.

Việt Nam cũng tiến hành đàm phán song phương với nhiều nước. Trong số các nước và vùng lãnh thổ đã tham gia đàm phán, hoặc tỏ ý muốn sớm đàm phán có Mỹ, Liên minh châu Âu, Đài Loan, Canada, Australia, Urugoay, Thụy Sĩ, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ. Trong đó, EU, Mỹ, Trung Quốc và Australia đã đưa ra những yêu cầu khá cao đối với Việt Nam.

  • Hoàng Lan
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Khuyến nông qua mạng (06/08/2003)
Chống hàng giả bằng quyền sở hữu công nghiệp (06/08/2003)
TP.HCM cấm kinh doanh nông sản, thực phẩm trên nhiều tuyến đường (06/08/2003)
17.000 USD mua... lối đi chung ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng? (06/08/2003)
Tàng trữ, lưu hành tiền giả và một bản án 21,5 năm tù (06/08/2003)
Giá hạt tiêu tăng cao, nông dân vẫn găm hàng (06/08/2003)
Việt Nam tiếp tục xuất khẩu điện qua Lào (06/08/2003)
6 DN thuỷ sản được phục hồi xuất khẩu vào EU (06/08/2003)
Nối lại tuyến du lịch biển Việt Nam - Trung Quốc (06/08/2003)
Du khách đến Ngũ Hành Sơn tăng đột biến (06/08/2003)
Giám đốc bị khởi tố được 7 tháng mới thông báo cho nhà đầu tư! (05/08/2003)
"Mục tiêu cánh đồng 50 triệu và hộ thu nhập 50 triệu/năm còn thấp" (05/08/2003)
Tìm giải pháp hạ giá đường (05/08/2003)
''Cần tăng hàng hoá hấp dẫn cho TTCK'' (05/08/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang