221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1229644
Giám sát đầu tư kém, hàng tỷ đồng "trôi ra biển"
1
Article
null
Giám sát đầu tư kém, hàng tỷ đồng 'trôi ra biển'
,

 - Khi hàng nghìn tỷ đồng vốn Ngân sách Nhà nước được tung ra để kích cầu đầu tư thì việc gấp rút hoàn thiện hệ thống giám sát đầu tư là rất cấp thiết.

Tràn lan vi phạm về đầu tư

Dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội giai đoạn 2, báo cáo nghiên cứu khả thi đã được UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện nhưng không được sử dụng đã gây lãng phí 1,43 tỷ đồng.

Mô tả ảnh.
Dự án xây xong nhưng đường dẫn vào vẫn chưa xong là hiện tượng khá phổ biến. (Ảnh minh hoạ: Phạm Huyền)

Bộ GTVT có dự án Quốc lộ 53 đoạn qua tỉnh Vĩnh Long do điều chỉnh nhiều lần đã làm tăng thêm 444,9 tỷ đồng vốn đầu tư, tương ứng 278% so với vốn ban đầu, dự án Quốc lộ 32 đoạn Nghĩa Lộ - Vách Kim cũng tăng 457,647 tỷ đồng, tăng tương ứng 248%.

Dự án xử lý nước thải Khu du lịch Vịnh Tùng Dinh, Cát Bà, Hải Phòng vốn đã cấp phát là 23,52 tỷ đồng, hoàn thành nhưng lại không hoạt động.

Hạng mục vườn ươm Thanh Táo, công trình tuyến Hà Nội - Cầu Giẽ đã đầu tư 1,2 tỷ đồng đến nay đang để hoang...

Có hàng nghìn dự án lớn nhỏ ở mọi ngành trên cả nước, từ Trung ương tới cấp địa phương tràn lan vi phạm về đầu tư, dẫn tới lãng phí tiền của Nhà nước.

Những cái tên dự án kèm theo mức vi phạm được nêu dày đặc trong bản công bố mới đây của Kiểm toán Nhà nước về kết quả kiểm toán đối với lĩnh vực thẩm định, phê duyệt đầu tư.

Đó là lý do mà cứ đến kỳ họp báo công bố kết quả kiểm toán hay thanh tra Chính phủ thì những cụm từ như “chậm tiến độ, lãng phí, chi tiêu vô tội vạ, thất thoát...”  lại trở nên quen thuộc.

Đánh giá về chất lượng quản lý dự án đầu tư năm 2008, Bộ KH-ĐT cho biết, hiện tượng dự án treo, dự án ô nhiễm môi trường, chiếm dụng đất đai là khá nhiều.

Có 4.241 dự án vi phạm các quy định về quản lý đầu tư, chiếm khoảng 18,4% so với tổng số dự án thực hiện của năm. Tỷ lệ vi phạm này tăng lên nhiều so với các năm trước như năm 2006 là 13,4%, năm 2007 là 17,6%.

Những con số đó cho thấy, hệ thống giám sát đầu tư của chúng ta còn quá yếu.

Thông thường, ở cấp địa phương, ngay từ khi dự án còn nằm trên giấy thì các nhà thầu đã nhảy vào cuộc và làm tất cả mọi việc thay chủ đầu tư. Nhất là khi dự án có tổng vốn đầu tư lớn. Chủ đầu tư mang tiếng là chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối dự án, nhưng thực tế triển khai đều do nhà thầu”, ông Nguyễn Ngọc Long, Trưởng phòng Thẩm định giám sát đầu tư, Sở KH-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết.

Cơ chế giám sát chủ yếu để phòng ngừa

Bởi vậy, việc thiết lập một hệ thống giám sát đầu tư một cách chuyên nghiệp, bài bản, chế tài mạnh là cấp thiết hơn bao giờ hết. Đặc biệt trong bối cảnh kích cầu đầu tư tiêu dùng và mức bội chi Ngân sách Nhà nước năm nay đã phải tăng dự báo lên tới 7% GDP thay vì mức 4-5% GDP như mọi năm.

Mô tả ảnh.
Vi phạm chậm tiến độ là phổ biến nhất trong các dự án đầu tư. (Ảnh minh hoạ: Phạm Huyền)

Tuy nhiên, nghị định về giám sát và đánh giá dự án đầu tư hiện vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện và nhanh nhất thì tháng 10 tới, Bộ KH-ĐT mới trình Chính phủ.

Các vi phạm phổ biến vẫn là dự án chậm tiến độ với 4.064 dự án, chiếm 17,7% tổng số dự án đầu tư thực hiện trong năm.

Vi phạm về quy hoạch là 87 dự án, chiếm 0,4%. Đấu thầu không đúng qui định là 21 dự án, chiếm 0,1%; phê duyệt chậm là 44 dự án, chiếm 0,2%.

Chất lượng xây dựng thấp là 43 dự án, chiếm 0,2% và có lãng phí là 61 dự án, chiếm 0,3%.

(Kết quả giám sát đầu tư năm 2008 của Bộ KH-ĐT)

Điều nổi bật là không chỉ dự án vốn Nhà nước mà tất cả các dự án sử dụng mọi nguồn vốn (chỉ trừ vốn ODA) đều nằm trong tầm soi của hệ thống giám sát này. 
 
Các dự án có tỷ lệ vốn Nhà nước là 30% trở lên trên tổng vốn đầu tư sẽ phải trải qua 3 “cấp độ” giám sát là: theo dõi - kiểm tra - đánh giá.

Các dự án sử dụng nguồn vốn khác sẽ chỉ yêu cầu 2 hoạt động là theo dõi và kiểm tra.

Trong đó, việc theo dõi và kiểm tra dự án sẽ do ban quản lý dự án, các chủ đầu tư, cơ quan quản lý các cấp thực hiện. Riêng việc đánh giá dự án thì các đơn vị trên có thể tự thực hiện hoặc thuê chuyên gia tư vấn độc lập bên ngoài.

Ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ phó Vụ Thẩm định và giám sát đầu tư, Bộ KH-ĐT cho biết: “Các bộ ngành sẽ dựa chủ yếu vào báo cáo của ban quản lý dự án, chủ đầu tư và các cấp quản lý đầu tư, không phải ra hiện trường dự án”.

Điều đáng lưu ý là “chất lượng báo cáo hiện nay rất chán!”, đại diện Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT đã bày tỏ.

Đại diện này cho hay: “Lúc đầu, các đơn vị có thể rất tích cực gửi báo cáo giám sát nhưng sau đó, các báo cáo này trùng hợp nhau khá nhiều. Muốn có báo cáo thì đôi khi, Bộ phải ra văn bản đôn đốc, nhắc nhở”.

Chế tài để xử lý các vi phạm phát hiện qua quá trình giám sát này sẽ nghiêm khắc hơn Thông tư 03, "đánh" thẳng vào người làm sai.

Nếu quá 4 lần không gửi báo cáo theo dõi, kiểm tra dự án thì có thể, sẽ thay cả Ban quản lý dự án đó hoặc điều chuyển công tác của người có trách nhiệm liên đới”, tác giả dự thảo nghị định này nhấn mạnh.

Trước đây, những dự án nào không có báo cáo giám sát thì ở kỳ kế hoạch tiếp theo sẽ không được cấp thêm vốn. Cách xử lý này chẳng khác nào gậy ông đập lưng ông vì dự án dùng tiền của Nhà nước lại có nguy cơ đình trệ thêm. Trong khi đó, lỗi là của người quản lý dự án.

Nói về tác động có thể làm giảm bớt tình trạng dự án đầu tư lãng phí, gây thất thoát tiền của Nhà nước không, ông Nguyễn Xuân Tự bày tỏ, cơ chế giám sát chỉ mang tính phòng ngừa là chính. Quan trọng là hệ thống này sẽ thúc đẩy các dự án triển khai đúng mục đích, tiến độ, phát hiện những bất hợp lý để kịp thời điều chỉnh.

  • Phạm Huyền
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,