221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1162336
Tăng giá điện không ảnh hưởng nhiều đến người dân?
1
Article
null
Tăng giá điện không ảnh hưởng nhiều đến người dân?
,

  - Lãnh đạo Chính phủ cũng như Bộ Công thương đều khẳng định việc tăng giá điện không tác động nhiều đến giá thành sản xuất của các lĩnh vực khác và không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân.

“Tăng giá điện lúc này không mâu thuẫn với chính sách kích cầu của Chính phủ bởi còn nhiều dư địa tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn”-  Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khẳng định như vậy tại cuộc họp báo công bố Quyết định 21/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Đề án bán điện năm 2009 và các năm 2010-2012 theo cơ chế thị trường tổ chức sáng 17/2 tại Hà Nội.

Sản xuất: “Ăn theo” 1-4%

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào, mức giá điện mới (bình quân 948,5 đ/kWh, tăng 8,92%) đã được tính toán rất kỹ để tác động “ăn theo” của các ngành sản xuất kinh doanh chỉ “tương đối nhỏ”. 

Dự kiến, giá điện cho sản xuất chỉ tăng 6-7,5%. Quy ra tiền thì năm 2009, các ngành sản xuất sẽ phải trả thêm 2.300 tỷ đồng.

Giá điện cho sản xuất dự kiến tăng 6-7.5% - Ảnh Kiên Trung

Chi phí tăng thêm ở đa số các ngành sản xuất chỉ ở mức dưới 1% giá thành. Ngay cả những ngành khá tốn kém điện năng như cán thép, xi măng.. giá thành dự kiến chỉ tăng thêm khoảng 5.000- 7.000 đ/tấn/sản phẩm.

Số liệu tính toán của Bộ Công thương cũng cho biết, ngay cả những ngành quá tiêu hao điện năng (điện chiếm 40-50% giá thành sản xuất) như cấp nước, điện phân...cũng chỉ tăng tối đa 3-4%.

Nhìn tổng thể nền kinh tế, giá điện mới chỉ làm CPI tăng 0,25-0,3% và giảm 0,35% GDP dự kiến của năm 2009.

 “Mức ảnh hưởng như vậy là không lớn”, Thứ trưởng Hào đánh giá. Vì nếu tính đúng, tính đủ theo đề xuất của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) thì giá có thể tăng tới 30% hoặc 20%.

Theo ông Hào, các nhóm hàng hóa thiết yếu sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, may mặc, nhiên liệu xăng dầu… thực tế tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành là rất nhỏ, do đó việc tăng giá các mặt hàng này do tăng giá điện là không đáng kể.

Vì vậy để tránh “hiệu ứng tâm lý thành hiệu ứng kinh tế” luôn xảy ra mỗi khi xăng dầu, điện tăng giá, ông Hào khẳng định Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả.

“Công tác quản lý thị trường cần được đẩy mạnh để tránh kiểu lợi dụng “té nước theo mưa”,  vin vào giá điện”, ông Hào nói.

 Sinh hoạt: tăng 13%

Với mức tăng 13%, tác động của mức giá điện mới đối với người tiêu dùng tương đối rõ.

Tác động đầu tiên là kể từ 1/3, số kWh đầu tiên được tính giá ưu đãi (bù 35-40% giá bán điện bình quân) đã giảm hẳn một nửa, từ 100 kWh xuống còn 50 kWh.

Từ kWh 51-100, người tiêu dùng phải trả theo giá thành sản xuất.

Như vậy, nếu chỉ dùng dưới 50 kWh/tháng, tiền điện phải trả thêm chỉ là 2.500 đ nhưng dùng dưới 100 kWh/tháng đã phải trả thêm 18.000 đ, dưới 200 kWh trả thêm 22.000 đ, dưới 300 kWh trả thêm 28.000 đ/tháng….

Tính chung, giá điện mới sẽ làm chi phí sử dụng điện tăng khoảng 13% và làm tăng 3% chi tiêu của mỗi hộ gia đình.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, mức tăng như trên là không lớn và không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên, số người được hỗ trợ giá theo cơ chế tính mới này đã thu hẹp từ 3,5 triệu xuống còn 2,4 triệu người.

Tác động thứ hai là thị trường điện nông thôn năm 2009 cũng sẽ phải tính như thành thị theo cơ chế bậc thang để những người nghèo thực sự nhận được sự hỗ trợ của 50 kWh giá điện ưu đãi đầu tiên.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, trong 6 tháng tới nếu các hợp tác xã không hoàn tất việc chuyển sang tính giá điện theo cơ chế này thì sẽ buộc bàn giao lại cho điện lực địa phương.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, từ năm 2010, sẽ nghiên cứu để áp dụng cơ chế bù giá trực tiếp cho các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp tiêu thụ dưới 50 kWh/tháng theo hóa đơn tiền điện thực tế hàng tháng.

 2010: giá điện theo thị trường

Đợt tăng giá điện này được coi là bước đệm để năm 2010, giá điện được “thả” hoàn toàn theo thị trường. Chủ trương này lại một lần nữa được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định tại cuộc họp báo.

"Thả" giá điện theo thị trường để thu hút đầu tư - Ảnh VNN

“Chúng ta không thể lùi việc đưa giá điện theo cơ chế thị trường. Lạm phát năm ngoái là do nền kinh tế hoạt động kém hiệu quả, trong đó, tồn tại hệ thống giá cả còn bao cấp mà giờ còn điện, than”.

Than là đầu vào của ngành điện nên giá cả phải “trông chừng” giá điện để tăng theo. Thứ trưởng Hào cho biết để kìm mức tăng giá điện ở 8,92%, giá than chỉ được tính tăng có 27%. 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận xét:  “Cùng là biến động giá nhưng các nước khác biến động ít hơn ta vì cơ chế giá của họ minh bạch hơn, lên xuống theo thị trường còn ta cứ giữ mãi rồi đến lúc không giữ được phải thả ra, thả thì nó chạy khó kiểm soát, thà thả chủ động thì giá cả ổn định hơn”.

Dự kiến sau năm 2010, hai “lô cốt cuối cùng” này sẽ thả theo thị trường hoàn toàn.

“Kinh nghiệm thả nổi hoàn toàn giá xăng năm ngoái cho thấy rất tốt, nhờ thế mà nhập siêu giảm, người dân tiêu dùng tiết kiệm hơn, các nhà sản xuất chuyển đổi sang các công nghệ đỡ tốn nhiên liệu hơn nên tăng giá điện để đòi hỏi người dân phải tiết kiệm và thay đổi”.

Ông Hào tính toán, vì giá điện tăng nên người tiêu dùng sẽ tiết kiệm hơn, dư địa tiết kiệm từ 8-30% mà “chỉ cần tiết kiệm  8% là đã đỡ tiền xây 1 nhà máy điện rồi”. Còn theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải do giá điện rẻ nên lãng phí “chi phí làm ra 1 đồng GDP của ta tốn năng lượng nhiều hơn các nước tới 20%”.

Một lý do khác không thể chần chừ “thả” giá điện, theo Bộ Công thương là để thu hút đầu tư cho ngành điện. Với mức giá 5,2 cent/kWh, giá điện ở Việt Nam đang ở mức thấp nhất Đông Nam Á.

Theo ông Hải, trừ thủy điện, mức 5,2 cent là quá thấp, thấp hơn cả giá sản xuất ra của các nhà máy điện (ít nhất đã 6-7 cent) nên không thu hút được các dự án đầu tư vào ngành điện mà chỉ “thu hút được các dự án tốn điện để tranh thủ nguồn điện giá rẻ của ta”.

Do đó, giá điện buộc phải được thị trường hóa để thu hút đầu tư mới mong đáp ứng được an ninh năng lượng và nhu cầu điện năng trong tương lai.

“6.400 tỷ đồng thu được từ tiền tăng giá điện so với 5 tỷ USD đầu tư cho ngành điện 1 năm không nhiều và cũng không đủ để đảm bảo EVN sẽ cung ứng đủ điện nhưng việc cho giá điện tiệm cận thị trường sẽ kích thích các nhà đầu tư khác. Chúng ta cần nhìn vào tương lai chứ không phải vì lợi ích của EVN”, Phó Thủ tướng kết luận.

  •  Phan Hùng

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,