221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1134871
VN-Index lại về gần ngưỡng 300 điểm, giao dịch ảm đạm
1
Article
null
VN-Index lại về gần ngưỡng 300 điểm, giao dịch ảm đạm
,
- Cùng với việc bán ròng của khối nhà đầu tư ngoại gần 4 tháng liên tiếp và sự thận trọng trong quyết định mua vào của các nhà đầu tư trong nước, đa số cổ phiếu tiếp tục xu hướng giảm giá cho dù hầu hết đang đứng ở mức thấp nhất khoảng 3 năm qua.

Các nhà đầu tư trong nước khá thận trọng trong quyết định mua vào cổ phiếu. (Ảnh: LAD)

Thị trường ảm đạm với giá trị giao dịch trên sàn chứng khoán TP.HCM đạt dưới 200 tỷ đồng phiên thứ hai liên tiếp.


Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/12, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) giảm phiên thứ 3 liên tiếp với 1,23 điểm (tương đương giảm 0,4%) xuống 306,22 điểm.

Trong tổng số 167 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE, có 46 mã tăng giá, 91 mã giảm giá, 31 mã đứng giá và 1 mã không có giao dịch (DPC của Nhựa Đà Nẵng).

Giá trị giao dịch rớt xuống mức thấp nhất trong 5 tháng rưỡi qua.

Cụ thể, tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thông qua khớp lệnh thành công sáng 3/12 đạt gần 8,2 triệu đơn vị, trị giá 190,96 tỷ đồng (so với 8,1 triệu đơn vị và 192,3 tỷ đồng. Đây là giá trị giao dịch thấp nhất kể từ 24/6 vừa qua.

“Việc các nhà đầu tư ngoại vẫn mua vào rất ít, trong khi đẩy mạnh bán ra gây ra sự lo ngại và thận trọng trên khắp thị trường”, anh Thắng, một nhà đầu tư tại sàn giao dịch Kim Long cho biết.

Thống kê cho thấy, kể từ đầu tháng 11 tới hết phiên giao dịch ngày 2/12 khối các nhà đầu tư nước ngoài mua vào tổng cộng 22,8 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, trong khi bán ra 39,6 triệu đơn vị.

Chênh lệch về giá trị giao dịch trong khoảng thời gian trên là 454 tỷ đồng.

Tính trong 2 tháng qua, các nhà đầu tư ngoại đã rút ra khỏi thị trường (trên sàn HOSE) gần 1.750 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu và khối lượng giao dịch suy giảm ngay cả khi thị trường vừa đón khá nhiều thông tin tích cực như: giá xăng và dầu giảm thêm 1.000 đồng xuống chỉ còn 12.000 đồng/lít; lãi suất cơ bản, chiết khẩu và tái chiết khấu cùng được điều chỉnh giảm bớt 1%…

“Trước đây, các thông tin giảm giá xăng và giảm lãi suất cơ bản tác động rất mạnh và ngay lập tức tới thị trường nhưng giờ thì mọi việc đã khác. Các nhà đầu tư bây giờ chủ yếu quan tâm tới động thái mua-bán của các nhà đầu tư lớn, trong đó có nhà đầu tư ngoại và các tổ chức trong nước”, một nhà đầu tư có mặt trên sàn SeABank sáng nay nói.

“Cung-cầu là yếu tố quan trọng nhất trên mọi thị trường. Hiện tại, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cầu rất yếu trong khi cung cả mới và cũ đều khá mạnh. Đây là lực cản lớn cho sự hồi phục của thị trường”, nhà đầu tư nói trên nhận định.

Mặc dù vậy, ở chiều ngược lại, cũng có một số người cho rằng đây là cơ hội tốt để đầu tư bởi lãi suất gửi ngân hàng thấp và sự kém hấp dẫn của bất động sản và vàng có thể khiến tiền chảy vào chứng khoán.

Trên thế giới, sau một phiên tuột dốc kinh hoàng do chính thức công nhận suy thoái, chứng khoán Mỹ đã hồi phục trở lại do các nhà đầu tư bắt đáy mua vào. Chứng khoán châu Á cũng đang có dấu hiệu hồi phục nhẹ.

Trở lại với diễn biến trên sàn Chứng khoán TP.HCM, trong 10 cổ phiếu có mức vốn hoá lớn nhất thị trường, hầu hết đã đảo chiều không thành ở đầu phiên giao dịch. Đóng cửa, chỉ có cổ phiếu FPT của FPT Group, HPG của Tập đoàn sản xuất thép và đồ nội thất Hoà Phát, PVF của PetroVietnam Finance và đại gia VNM của Vinamilk tăng nhẹ.

Các cổ phiếu khác đều giảm giá.

Trong tổng số 46 mã tăng giá sáng nay có 4 mã tăng trần là BMP của Nhựa Bình Minh, LGC của Điện Lữ Gia, FBT của XNK Lâm Thuỷ sản Bến Tre và SFC của Nhiên liệu Sài Gòn.

Các chứng khoán có khối lượng giao dịch nhiều nhất bao gồm: STB của Sacombank (1,47 triệu đơn vị); SJS của Doanh nghiệp bất động sản Sudico (0,47 triệu đơn vị); SSI của Chứng khoán Sài Gòn (0,45 triệu đơn vị); VFMVF1 (0,32 triệu chứng chỉ quỹ); DPM của Đạm Phú Mỹ (0,27 triệu đơn vị).

Sàn Hà Nội: Đón thêm cổ phiếu mới DHT của Dược Hà Tây

Cũng giống như sàn HOSE, sàn chứng khoán Hà Nội sáng 3/12 cũng rất ảm đạm nhưng chỉ số chứng khoán đại diện đã quay đầu tăng điểm nhẹ trở lại nhờ vào sự tăng giá khá ấn tượng của cổ phiếu lớn KBC của Phát triển đô thị Kinh Bắc.

Cụ thể, chỉ số HASTC-Index sáng 3/12 tăng 0,68 điểm (tương đương tăng 0,66%) lên 104,16 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch thành công trên sàn Hà Nội sáng 3/12 đạt 6,27 triệu đơn vị, trị giá 158,7 tỷ đồng (so với 5,05 triệu đơn vị và 131,6 tỷ đồng phiên liền trước).

Thống kê cho thấy, trong tổng số 163 mã cổ phiếu niêm yết trên sàn Hà Nội (thêm DHT của Dược Hà Tây niêm yết 4.122.602 cổ phiếu sáng 3/12), có 66 mã tăng giá, 60 mã giảm giá, 22 mã đứng giá và 15 mã không có giao dịch.

Cổ phiếu lớn ACB của Ngân hàng Á Châu sáng nay giảm nhẹ 100 đồng (tương đương giảm 0,24%) xuống 40.800 đồng/cp. Trong khi đó, cổ phiếu lớn KBC của Phát triển đô thị Kinh Bắc tăng mạnh 2.800 đồng lên 44.100 đồng/cp.

Cổ phiếu mới lên sàn sáng nay DHT của Dược Hà Tây đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên ở mức giá trung bình 24.400 đồng/cp với 27.100 cổ phần được chuyển nhượng.

Về khối lượng giao dịch, cổ phiếu VCG của Tổng công ty Vinaconex đứng đầu với 1,3 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Tiếp theo là ACB của Ngân hàng Á Châu (1,19 triệu đơn vị); KLS của Chứng khoán Kim Long (0,55 triệu đơn vị); KKC của CTCP Sản xuất và kinh doanh Kim khí (0,54 triệu đơn vị); PVI của Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (0,31 triệu đơn vị).
 
  • Hà Linh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,