221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1052757
Thiếu điện nghiêm trọng trên cả nước
1
Article
null
Thiếu điện nghiêm trọng trên cả nước
,

 -Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã có thông báo về tình hình cung cấp điện từ nay đến hết tháng 5/2008, theo đó điện sẽ thiếu nghiêm trọng, nhất là khu vực miền Bắc.

Dự kiến đủ điện

EVN cho biết, từ cuối năm 2007 đã xây dựng kế hoạch phát điện của toàn hệ thống năm 2008 là 80 tỷ Kwh tăng 15,82% so với 2007. Năm 2008 dự kiến điện do EVN sản xuất và mua từ các nhà máy bên ngoài là 77,2 tỷ Kwh, điện thương phẩm là 68,1 tỷ Kwh. Để đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội, EVN đã lập kế hoạch huy động cao nhất tất cả các nguồn thuỷ điện, nhiệt điện than, dầu, khí và tăng lượng mua điện ngoài của các nhà máy điện BOT, IPP(nguồn độc lập) cùng với điện của Trung Quốc.

Đối với các tháng mùa khô từ 1/1-31/5/2008 EVN dự kiến sản lượng điện là 31,7 tỷ KWh, tăng 4,8% so với 2007, tương đương tốc độ tăng 18,11% cho cả giai đoạn mùa khô 2008. Để đáp ứng lượng điện tăng thêm, EVN dự kiến huy động từ các nhà máy mới như nhiệt điện Cà Mau I và II, nhiệt điện Nhơn Trạch I (dự kiến vận hành trong tháng 4 này) ngoài ra mua thêm điện của Trung Quốc cùng các nguồn mới của EVN như Uông Bí mở rộng I (300 MW) và Thuỷ điện Tuyên Quang đưa vào vận hành ổn định kết hợp tiết kiệm điện ở mức 1,5% điện thương phẩm thì vấn đề cung cấp điện mùa khô và cả năm 2008 được đảm bảo.

x
Gần 1 tháng nay Hà Nội thường xuyên bị cắt điện. Nhiều nhà dân phải sử dụng máy phát điện. Ảnh Phạm Hải

Nhưng thực tế lại thiếu

Tuy nhiên 3 tháng qua tình hình vận hành các nguồn điện thực tế có nhiều diễn biết bất lợi so với dự kiến. Nhiệt điện Cà Mau I (750MW) chỉ cung cấp được 42% sản lượng, nhiệt điện Uông Bí mở rộng (300 MW) vận hành không ổn định (theo một số nguồn tin thì nhà máy này đến nay phát nhiều nhất chỉ đạt 250MW). Sự cố tổ máy số 1 Thuỷ điện Tuyên Quang  phải dừng từ 5/2 đến 14/3. Các nguồn khí Cửu Long, Nam Côn Sơn cung cấp cho sản xuất điện không ổn định làm giảm sản lượng của các tổ máy tua bin khí. Nhà máy nhiệt điện Cà Mau II (750 MW) và Nhơn Trạch chậm tiến độ khó có thể vận hành trước cuối tháng 5/2008 và như vậy sẽ không đóng góp gì cho điện mùa khô năm nay.

Các hồ thuỷ điện: Hoà Bình, Tuyên Quang, Thác Bà... đã phải thực hiện 3 đợt xả nước để phục vụ sản xuất vụ Đông xuân. Riêng 2 hồ Hoà Bình và Thác Bà đã xả khoảng 2,2 tỷ m3 nước tương đương với 430 triệu Kwh điện, trong khi đó như đã nói, nhu cầu điện liên tục tăng cao.

Theo đánh giá của EVN, từ nay đến cuối tháng 5/2008 tình hình cung cấp điện tiếp tục căng thẳng. Về cơ bản hệ thống điện không có công suất dự phòng, hầu hết các hồ thủy điện nước đều ở mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó, hồ Trị An thấp hơn 2,4m, hồ Hàm Thuận thấp hơn 3,18m, hồ Thác Mơ thấp hơn 1,94m và hồ Ialy thấp hơn 6,95m. Tại miền Bắc thì phụ tải tăng trưởng cao với 78,7 triệu kwh một ngày trong tháng 4 (tăng 21,38%) và dự kiến 83 triệu kwh một ngày trong tháng 5 (tăng 17,57%). Các tổ máy nhiệt điện than phía Bắc do phải huy động cao liên tục trong mùa khô nên rất dễ xảy ra sự cố.

Trong thông báo này EVN cũng không đưa ra số liệu về công suất khả dụng thời gian hiện nay  của toàn hệ thống là bao nhiêu và thiếu bao nhiêu. Các lãnh đạo của EVN khi được hỏi đều từ chối đưa ra các con số cụ thể. Nhưng theo một số nguồn tin thì với các nguồn điện đã đưa vào thời gian qua (Nhiệt điện Cà Mau I, Uông Bí mở rộng, Thuỷ điện Đại Ninh, Tuyên Quang...) với hy vọng cứu mùa khô 2008 đang hoạt động phập phù, mức thiếu hụt thời điểm hiện nay không thể dưới 1.000MW. 

Công suất khả dụng của toàn hệ thống chỉ ở mức trên 11.000 MW, trong khi nhu cầu được cho là trên 12.000MW. Việc mua điện của Trung Quốc không phải muốn mua bao nhiêu cũng được mà phụ thuộc vào năng lực của hệ thống truyền tải. Nói tóm lại từ nay đến cuối tháng 5 và thậm chí cả tháng 6 nếu nước không về các hồ thuỷ điện nhiều, thuỷ điện giảm công suất thì cả nước sẽ thiếu điện nghiêm trọng và không có giải pháp khắc phục nào hơn việc cắt điện.

Cuối cùng là cắt điện

Toàn miền Bắc đã phải sống chung với cắt điện từ giữa tháng 3/2008 tới nay và mức cắt giảm thì ngày một tăng cao. Nếu trước còn cắt vào giờ cao điểm thì nay cắt liền một mạch từ sáng tới tối. Nhất là trong 10 ngày cuối tháng 3 trở lại đây điện thường xuyên bị cắt kéo dài từ 5 giờ tới 20 giờ. Với nhiều địa phương như Nam Định, Thanh Hoá, Bắc Kạn, Hoà Bình, Hà Tây nhiều nơi điện sinh hoạt của người dân bị cắt kéo dài hàng tuần, mỗi ngày chỉ có điện vài tiếng vào buổi tối.

Ngay tại Hà Nội, lượng điện bị cắt giảm cũng khá lớn. Theo tin từ Công ty Điện lực Hà Nội, trong thời gian này, mỗi ngày Hà Nội được phân bổ sản lượng là 14,3 triệu Kwh, nhưng nắng nóng và nhu cầu tăng cao hiện Hà Nội mỗi ngày sử dụng từ 16 triệu tới 18 triệu Kwh. Điện không đủ nên phải tiết giảm. Nhiều khu phố đã bị mất điện cả ngày, nhiều đoạn đường chìm trong bóng tối do bị cắt giảm 50% lượng đèn chiếu sáng. Thậm chí đèn giao thông trên các ngã ba, ngã tư cũng không còn hoạt động do thiếu điện gây nên ùn tắc và náo loạn. Không chỉ với khu vực sinh hoạt mà nhiều cơ quan hành chính sự nghiệp và DN đã phải chịu chung cảnh bị cắt điện kéo dài.

Xem Lịch cắt điện được thông báo hàng ngày trên trang www.hanoipc.evn.com.vn của Công ty Điện lực Hà Nội thì thấy khu vực nào trên địa bàn cũng bị cắt và cắt điện đều kéo dài từ 5 giờ sáng cho tới 20 giờ tối, chỉ có số ít bị cắt từ 6 giờ sáng tới 18 giờ tối. Có những khu vực như phường Thành Công trong 2 tuần qua đã bị cắt tới 5 lần, trong đó có 3 lần cắt cả ngày từ 5 giờ sáng tới 19 giờ tối. Nhiều DN đã phải ngừng hoạt động sản xuất, nhiều cơ quan hành chính thì phải thắp nến làm việc.

Cũng theo dự báo từ Công ty Điện lực Hà Nội thì việc cắt điện luân phiên trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục kéo dài từ nay đến hết tháng 6/2008.

  • Trần Thuỷ 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,