Để khép lại câu chuyện gạch men phóng xạ
(VietNamNet) - Thông tin về “Gạch men có phóng xạ” xuất hiện trên VietNamNet đã được dư luận quan tâm. Nhiều ý kiến khác nhau đã được chuyển tải trên báo chí. Để khép lại, VietNamNet giới thiệu bài viết của Nhà khoa học Hạt nhân Trần Thanh Minh, nguyên Viện trưởng Viện KH&KT Hạt nhân như là lời kết của câu chuyện này.
Câu chuyện gây sốc này xuất hiện trên báo chí đã gần một tháng nay. Giờ đây, mọi người bình tĩnh hơn để nhìn lại những điều liên quan đến vấn đề ô nhiễm phóng xạ do các vật liệu xây dựng.
Thực hiện đo đạc phóng xạ tại Trung tâm hạt nhân TP.HCM. Trong ảnh: Mẫu gạch men được nghiền, bỏ vào lọ để đưa vào trong thiết bị đo phóng xạ. |
Chắc đến lúc này các bạn đọc, dù muốn hay không, cũng đã phải chấp nhận một điều hiển nhiên là mọi người đều sống chung trong một môi trường phóng xạ.
Vì vậy, cũng đã tin rằng, mọi loại đất đá và, do đó, tất cả các loại vật liệu xây dựng như gạch ngói, xi măng, cát, sỏi ... đều có chất phóng xạ, chủ yếu là các đồng vị Uranium, Thorium và Kali.
Từ lâu, ở nhiều nước, đã có những nghiên cứu khảo sát và mỗi nước có những quy định riêng đối với hàm lượng phóng xạ trong vật liệu xây dựng.
Giá trị trung bình của hoạt độ phóng xạ của các loại vật liệu xây dựng trên thế giới nằm trong khoảng: 50 Bq/kg (đối với Radi hay Urani), 50 Bq/kg (với Thori), 500 Bq/kg (với Kali). Nồng độ khí phóng xạ Radon trong không khí ở ngoài trời khoảng 10 Bq/m3 và trong nhà nằm trong vùng 20 – 30 Bq/m3. Nước Mỹ đưa ra giới hạn nồng độ Rn trong nhà ở là 148 Bq/m3/năm. Có nước khuyến cáo giá trị giới hạn đến 500 Bq/m3/năm.
Trước đây, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân đã công bố ở Hội nghị quốc tế (SERNIA 1996, Taipei) một số số liệu đo hoạt độ phóng xạ trong các vùng Hà Nội, vùng sa khoáng và nước khoáng.
Các kết quả đo 17 loại đất, cát, xi măng v.v.. chứng tỏ hoạt độ phóng xạ trong các loại vật liệu xây dựng vùng Hà Nội không khác nhiều so với số liệu trung bình trên đây của nhiều nước.
Đặc biệt những số liệu khảo sát, kéo dài trong 1 năm, bằng phương pháp nhiệt phát quang TLD, về nồng độ khí phóng xạ Radon trong khoảng 300 căn nhà trong thành phố cho thấy giá trị trung bình là 27,1 Bq/m3/năm; cũng tương đương với mức trung bình của thế giới. Riêng, đối với vật liệu xây dựng dùng xỉ than, hoạt độ phóng xạ Radi và Thori, cao gấp 3 lần so với các loại vật liệu khác. Điều này cũng trùng với số liệu đã công bố của Hungary.
Trong tình hình đó, các thông tin của ông Trần Văn Luyến về 3 loại vật liệu xây dựng ở thị trường TP.HCM (đá Đà nẵng, gạch men trắng, và gạch men nâu) có hoạt độ phóng xạ cao hơn hẳn so với bình thường vừa rồi đã làm dư luận quan ngại. Đây cũng là điều dễ hiểu, nếu không có sự giải thích đầy đủ.
Những ngày gần đây, tôi đã gọi điện hỏi các đồng nghiệp ở Trung tâm Hạt nhân (TP HCM), giám đốc Nguyễn Đức Thành và Trưởng phòng Nguyễn văn Mai về kết quả thẩm định số liệu trước đây của ông Trần Văn Luyến.
Họ cho biết, đã tiến hành đo đo lại 3 mẫu bất thường (do ông Luyến cung cấp, nhưng TT Hạt nhân TPHCM chưa xác định lại nguồn gốc), đồng thời đo thêm một số mẫu vật liệu xây dựng khác. Đối với 3 mẫu bất thường, các kết quả thu được, trong phạm vi sai lệch có thể chấp nhận, gần như tương tự số liệu của ông Luyến thu được trước đây.
Theo đó, cả ba thành phần Urani, Thori và Kali đều cao hơn mức trung bình từ 2 đến 3 lần. Trong lúc các mẫu bình thường khác cho thấy hoạt độ của 3 thành phần phóng xạ chỉ cùng mức với số liệu cho vật liệu xây dựng ở Hà Nội được đo trước đây bởi các tác giả thuộc Viện Khoa học-Kỹ thuật Hạt nhân và cũng tương tự với vật liệu ở nhiều nước trên thế giới.
Như vậy, một số điều nghi ngại về độ xác thực của các phép phân tích hoạt độ chất phóng xạ trong vật liệu xem như đã được sáng tỏ. Chỉ đáng bàn thêm những khía cạnh sau đây.
Để có độ tin cậy cao trong việc xác định liều hiệu dụng trung bình đối với cư dân, cần tính toán hay đo đạc (bằng liều kế chính xác) trong điều kiện gần như thực tế, tức trong một căn nhà với kết cấu vật liệu, kiến trúc, độ thông thoáng cụ thể. Đồng thời, tính đến cả thời lượng con người sống thực trong đó mỗi ngày v.v....
Chỉ riêng với yếu tố sau cùng này, nếu giả thiết mỗi người sống quẩn quanh trong căn nhà đó trung bình 10 giờ (thay cho 24 giờ) trong một ngày đêm thì giá trị liều lượng ông Luyến đưa ra phải giảm xuống hơn một nửa, khi đó liều hiệu dụng của 3 loại vật liệu xây dựng bất thường nói trên chỉ còn dưới mức 1 mSv/n; tức dưới giới hạn liều cho phép (ngoài phông bức xạ tự nhiên) theo tiêu chuẩn Việt Nam và khuyến cáo của Tổ chức quốc tế UNSCEAR.
Hai là, dù có kết luận như trên, phòng thí nghiệm của TT Hạt nhân TPHCM và bản thân tác giả nên lập lại phép đo với nhiều mẫu lấy từ 3 loại vật liệu bất thường.
Theo tôi biết, đến giờ này việc này chưa thực hiện! Qua điện đàm, ông Luyến cũng cho biết vẫn đang lưu giữ hình ảnh nhãn mác của các vật liệu đó.
Ba là, nếu sự lập lại cho kết quả “dương tính”, thì cần tiến hành bước tiếp theo, đó là xác định nguyên liệu nào (đất, đá hay loại men sứ và nguồn gốc xuất xứ của nó) đã tạo nên sự bất thường về hoạt độ phóng xạ của vật liệu. Để từ đó, khuyến cáo nhà sản xuất cân nhắc việc tìm nguyên liệu thay thế tốt hơn về mặt an toàn bức xạ. Đây cũng chính là tinh thần của nguyên tắc ALARA nổi tiếng: liều bức xạ trong môi trường càng thấp bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, trong sự cân nhắc các lợi ích kinh tế xã hội khác.
Như vậy, có thể thấy vụ việc “gạch men phóng xạ” đã đi vào hồi kết. Qua câu chuyện gây sốc này, có thể rút ra những bài học bổ ích đối với nhiều người, người trong cuộc, cơ quan quản lý và cơ quan truyền thông, kể cả những ai từng quá hững hờ hay quá lo lắng với môi trường phóng xạ mà tất cả chúng ta đang chung sống.
-
Trần Thanh Minh (Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân)