,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
809158
Sống chung với phóng xạ
1
Article
null
,

Sống chung với phóng xạ

Cập nhật lúc 08:11, Thứ Ba, 20/06/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Nói một cách hình ảnh, thế giới chúng ta sống chìm ngập trong bức xạ. Con người không thể trốn tránh, chỉ có thể và nên lựa chọn cũng như bảo đảm cho mình một môi trường phóng xạ hợp lý nhất để liều chiếu hiệu dụng hàng năm không vượt quá giới hạn quy định 1mSv. 

Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân để điều trị bệnh. Đây là KH sử dụng những đồng vị phóng xạ nhân tạo để thực hiện chụp hình chẩn đoán bệnh.  Ảnh: TTO

Một sự việc tưởng nhỏ: các con số về độ phóng xạ trong gạch men xây dựng của một cán bộ nghiên cứu ở Trung tâm Hạt nhân (TP. HCM) đưa lên mặt báo. Nhưng bỗng thành chuyện lớn: dư luận xôn xao, nhà sản xuất gạch men phản ứng, người tiêu dùng quan ngại, một hội đồng KH vào cuộc...

Các bài viết xuất hiện trên các phương tiện truyền thông: VietNamNet, Tuổi trẻ, Thanh niên, Khoa học và Đời sống... Nhiều bạn đọc gửi thư đến VietNamNet yêu cầu giải đáp, bày tỏ quan điểm. Tất cả thể hiện nhiều cách hiểu khác nhau, có thể chính xác hoặc chưa, nhưng đều chứng tỏ xã hội đang cần cung cấp thông tin.

Con người sinh cùng với phóng xạ

Thực ra, chuyện này không có gì mới, chính xác, như người ta thường nói, là “xưa như trái đất”. Thuở hồng hoang, khi Trái đất sinh ra đã có chất phóng xạ, tức là những nguyên tố luôn phát ra các loại tia hay hạt bức xạ không nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng có những tác động đến con người. 

Quả vậy, khắp mọi nơi đều có chất phóng xạ. Ngay trong mỗi bộ phận cơ thể con người cũng chứa những hạt nhân phóng xạ. Ai cũng biết, nhờ đồng vị Cacbon phóng xạ C-14 tồn tại trong xương người mới có phương pháp C-14 để xác định tuổi người tiền sử. 

Quanh chúng ta, chất phóng xạ có trong đất đá, cây cỏ, nước, không khí... Tuy vậy sự phân bố không đều, nơi này và nơi khác. Vì hàm lượng phóng xạ trong môi trường phụ thuộc vào vị trí địa lý, kiến tạo địa chất, loại cây cỏ, tình trạng sinh sống của con người, vào cả vật liệu xây dựng và kiến trúc ngôi nhà để ở v.v... Phổ biến nhất là đồng vị phóng xạ Kali (K-40) và các hạt nhân trong dãy phóng xạ Urani và Thôri. Riêng trong dãy phóng xạ Urani, một sản phẩm rất đáng lưu ý là khí phóng xạ Radon (Rn).  

Các chất phóng xạ và các tia bức xạ cũng có thể “từ trên trời rơi xuống”. Các tia vũ trụ đó đến trái đất từ những miền xa xôi trong vũ trụ bao la. 

Các chất phóng xạ nói trên, từ vũ trụ và trên quả đất, là những chất phóng xạ tự nhiên. Ngoài ra, từ non một thế kỷ nay với sự phát triển của công nghệ hạt nhân, trong môi trường đã xuất hiện những chất phóng xạ nhân tạo. Chúng sinh ra từ các công nghệ ứng dụng hạt nhân, từ vụ nổ Chernobyl và đặc biệt từ các vụ thử nguyên tử trong khí quyển. Gần 4 thập kỷ thử nghiệm ồ ạt vũ khí nguyên tử đã đi qua, nay, trên nhiều vùng của trái đất vẫn còn tồn tại những đồng vị phóng xạ như Xêdi (Cs-137), Strongxi (Sr-90), Hydro nặng (H-3) v.v..., chúng còn lưu lại chủ yếu trong đất, bùn đáy và một số động thực vật với hàm lượng rất thấp. 

Vậy là loài người từ khi xuất hiện đến nay, từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã sống ngập trong một môi trường bức xạ hạt nhân. Và mỗi con người từ lúc ra đời đã bắt đầu sống chung với đủ loại phóng xạ.  Không ai có thể trốn chạy, cách ly với một môi trường sống như thế.  

Phóng xạ: Bao nhiêu cho vừa đủ?

Các chất phóng xạ có trong tự nhiên tồn tại trong môi trường ở mọi dạng: rắn, lỏng và cả khí nữa. Bằng nhiều con đường, các chất phóng xạ đó tiếp cận với con người. Qua mũi và miệng chúng có thể thâm nhập vào bên trong cơ thể.

Sự tác động của phóng xạ đối với con người qua các loại bức xạ, chủ yếu là các tia bức xạ anpha, bêta và gamma mà chúng phát ra. Các bức xạ tác động đến tế bào từ bên ngoài (gọi là sự chiếu xạ ngoài) và bên trong (sự chiếu xạ trong). Mức độ tác động của bức xạ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu bởi lượng bức xạ đi vào cơ thể (gọi là liều chiếu) và loại bức xạ nào... 

Thông số quan trọng nói lên mức độ tác động của bức xạ lên cơ thể con người là liều chiếu hiệu dụng có đơn vị đo là Silvert (ký hiệu Sv). Do Sv là một đơn vị đo rất lớn, nên trong thực tế thường dùng đơn vị nhỏ hơn, môt phần nghìn Sv, hay milli Silvert (ký hiệu mSv).  

TS Trần Văn Luyến thực hiện đo đạc phóng xạ tại Trung tâm hạt nhân TP.HCM. Trong ảnh: Mẫu gạch men được nghiền, bỏ vào lọ để đưa vào trong thiết bị đo phóng xạ.

Các bệnh phóng xạ cấp tính, tức các hiệu ứng do bức xạ gây nên có thể phát hiện rõ rệt trên cơ thể xảy ra ở liều chiếu cao, trong một thời gian ngắn, khoảng 500 mSv trở lên. Bệnh nặng, người bệnh có thể tử vong. Song khoa học đã chứng minh rằng mối nguy hiểm phóng xạ có tính may rủi hay còn gọi là tính sác suất. Liều chiếu nhỏ, dù nhỏ hơn nhiều, nhưng nếu chiếu kéo dài cũng có thể gây nên bệnh phóng xạ mãn tính, có sác suất nguy hiểm đến tính mệnh.   

Vì lý do đó, trong tiêu chuẩn an toàn bức xạ của mọi quốc gia, người ta đưa ra một quy định gọi là liều giới hạn cho phép. Ở nhiều nước, kể cả Việt Nam, liều giới hạn cho phép trong một năm đối với dân chúng là 1mSv. Ý nghĩa của đại lượng này như sau: ngoài liều phóng xạ gây ra bởi môi trường tự nhiên, trong một năm, mỗi người dân bình thường không nên nhận một liều chiếu bổ sung quá 1mSv. 

Tại sao lại chọn 1mSv hay là ý nghĩa của con số này? Sau nhiều năm khảo sát tình trạng sức khoẻ một lượng lớn công nhân làm việc ở các mỏ phóng xạ, Uỷ ban An toàn bức xạ quốc tế đã đi đến kết luận về sác suất rủi ro như sau: nếu có một triệu người bị chiếu xạ bởi một liều 1mSv thì có 40 người có nguy cơ bị ung thư do bức xạ.  

Dĩ nhiên, khi liều chiếu càng cao thì xác suất nhiễm bệnh phóng xạ càng lớn. Điều này đã dẫn đến một triết lý về an toàn bức xạ như sau: Liều bức xạ cần phải giảm thiểu, càng thấp càng tốt, với sự tính đến các yếu tố kinh tế và xã hội.  Đó là nguyên lý ALARA nổi tiếng (The dose should be As Low As Reasonably Achievable...) 

Rõ ràng, nói một cách hình ảnh, thế giới chúng ta sống chìm ngập trong bức xạ. Con người không thể trốn tránh, chỉ có thể và nên lựa chọn cũng như bảo đảm cho mình một môi trường phóng xạ hợp lý nhất để liều chiếu hiệu dụng hàng năm không vượt quá giới hạn quy định 1mSv. 

Bài học từ những con số  

Như trình bày ở trên, cũng là chuyện bình thường khi người ta nói đến các chất phóng xạ, đặc biệt là các đồng vị phóng xạ Kali, Urani và Thôri, có mặt trong một loại vật liệu xây dựng nào đó. Vì các đồng vị phóng xạ có mặt khắp mọi nơi, kể cả trong tất cả các loại vật liệu xây dựng.  

Điều đáng quan tâm là: mức độ phóng xạ cao đến mức nào, độ chính xác của các con số đưa ra và đặc biệt là nguồn gốc và sự xác nhận có tính pháp lý của các cơ quan có thẩm quyền về số liệu công bố. 

Những con số về phóng xạ trong một số vật liệu xây dựng trên thị trường TP. HCM, vừa tung ra trong tuần qua, như tác giả của các số liệu đó nói, chỉ là những số liệu ban đầu. Và Giám đốc cơ quan chủ quản, Trung tâm Hạt nhân, TP.HCM cũng đã khẳng định: “Đây là số liệu có tính chất cá nhân, chưa được kiểm tra  tính chính xác...”. 

Những  số liệu gọi là ban đầu chưa được kiểm tra tính chính xác thì chưa nên xem là chính thức và chưa đáng để các nhà sản xuất và các nhà tiêu dùng quá bận tâm. 

Dù sao, từ sự rắc rối của vài con số, từ một việc tưởng nhỏ bỗng thành câu chuyện lớn chắc cũng đang được nhiều phía rút tỉa ra những điều bổ ích, từ nhà nghiên cứu đến cơ quan quản lý, từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Để mỗi người có được một ngôi nhà trong lành và cộng đồng có một môi trường sạch (cả về mặt an toàn bức xạ) và trước mắt để đừng xảy ra những chuyện không đâu hao tốn thời gian và công sức. 

  • Trần Thanh Minh

Ý kiến của bạn:

 

,
,