,
221
2121
Trong nước
trongnuoc
/khoahoc/trongnuoc/
818279
Sống cùng phóng xạ: Hại hay không, chờ nghiên cứu dịch tễ
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Sống cùng phóng xạ: Hại hay không, chờ nghiên cứu dịch tễ

Cập nhật lúc 08:55, Thứ Sáu, 14/07/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet)-Để biết tác hại của phóng xạ ở vùng dân cư có phông bức xạ tự nhiên cao, cần chờ nghiên cứu dịch tễ học. TS. Đặng Thanh Lương, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ trả lời phóng viên báo VietNamNet xung quanh vấn đề trên sau khi một số vùng dân cư ở VN được phát hiện có phông bức xạ tự nhiên cao.

TS. Đặng Thanh Lương

- Thưa ông, ông có ý kiến gì khi gần đây, Liên đoàn Địa chất-Xạ hiếm công bố thông tin cho biết, đã phát hiện một số vùng có mức phóng xạ cao hơn mức cho phép 1 mSv/năm?

 - TS Đặng Thanh Lương: Theo tiêu chuẩn TCVN 6866:2001 quy định giới hạn liều đối với dân chúng là 1mSv/năm, lấy trung bình trong 5 năm liên tục.

Tuy nhiên, giới hạn này không áp dụng đối với các nguồn bức xạ tự nhiên mà chỉ áp dụng đối với các công việc bức xạ, các nguồn bức xạ và các cơ sở bức xạ hạt nhân - có nghĩa là chúng ta kiểm soát được.

Nói rõ hơn là, hiện nay, trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, không có giới hạn liều cho các nguồn bức xạ tự nhiên. Nhiều quốc gia trên thế giới mới chỉ quy định về mức khí Radon trong nhà ở và xây dựng tiêu chuẩn hàm lượng chất phóng xạ trong vật liệu xây dựng.

Vấn đề mấu chốt ở đây là người ta đang vận dụng sai giới hạn liều đối với dân cư là 1mSv/năm. Cần biết là, hiện nay chúng ta đang phải nhận trung bình khoảng 2,5 mSv/năm từ chiếu xạ tự nhiên.

Do vậy, nói phông bức xạ (hay mức bức xạ) ở một số vùng cao hơn tiêu chuẩn cho phép 1 mSv/năm là không hợp lý! Chỉ có thể kết luận rằng tại một số vùng ở VN có phông bức xạ 2-4 mSv/năm, cao hơn mức phông bức xạ tự nhiên trung bình 2,1-2,5 mSv/năm của thế giới.

- Vậy thì, người dân sống trong những khu vực có phông bức xạ 2-4 mSv/năm, cao hơn mức phông bức xạ tự nhiên trung bình của thế giới có chịu ảnh hưởng gì đến sức khỏe không, trước mắt cũng như về lâu dài?

- Theo các tài liệu quốc tế,  hiện nay trên thế giới có một số vùng dân cư sống trong nền phông bức xạ tự nhiên rất cao như Ramsar (Iran), Kerala (Ấn Độ), Guarpapi (Braxin) và Yangjang (Trung Quốc). Một số ngôi nhà ở Ramsar người dân nhận liều bức xạ vào cỡ 132mSv/năm.

Vấn đề ảnh hưởng của phông bức xạ tự nhiên cao đến sức khoẻ con người như thế nào đang còn là vấn đề quan tâm của các nhà khoa học trên toàn thế giới.

Mặc dù chúng ta đang sử dụng khái niệm “phông bức xạ tự nhiên cao” nhưng vẫn thuộc vào vùng chiếu xạ liều thấp. Khi bị chiếu xạ liều thấp, các triệu chứng bệnh lý không thể phát hiện thấy mà chỉ có thể đánh giá theo xác suất thống kê.

Đây là một trở ngại lớn cho nghiên cứu khoa học. Do số liệu thống kê chưa đủ  nên chưa thể đi đến kết luận chính xác về tác động của phông bức xạ tự nhiên cao đến sức khoẻ con người và môi trường.

- Như ông đã nêu ở trên, nếu người dân sống trong trong khu vực có độ phóng xạ cao thì mức độ bị ảnh hưởng đến sức khỏe chưa có bằng chứng khoa học rõ rệt. Trong khi đó, ông Trần Bình Trọng, phó phòng kỹ thuật của Liên đoàn Địa chất Xạ hiếm Việt Nam khi trả lời phỏng vấn của báo chí đã khẳng định, người dân ở những khu vực có mức phóng xạ cao mà ngành địa chất đã khảo sát đang bị đe doạ về sức khoẻ. Người dân biết tin ai...?

- Đó là ý kiến của ông Trọng!

Như đã nêu ở trên, tôi không phủ nhận một trong những nguyên nhân mắc các căn bệnh đó có thể do phóng xạ. Nhưng đâu là do yếu tố phóng xạ, đâu là do yếu tố khác? Người ta không thể tách bạch được nếu như liều bức xạ chưa vượt một ngưỡng cụ thể thường ở mức rất cao so với chiếu xạ tự nhiên gây ra.

Có thể điều ông Trọng nói là đúng. Việc mắc bệnh phổi, tiêu hoá có nhiều nguyên nhân. Trong đó, ảnh hưởng của chất phóng xạ chỉ có thể là một trong những nguyên nhân. Có bao nhiêu người bị mắc bệnh phổi, bao nhiêu người bị ung thư phổi do phóng xạ, chưa ai chứng minh được con số này! Do chưa có số liệu dịch tễ học đầy đủ, chúng ta chưa thể kết luận được điều gì và nguyên nhân của nó.

Như đã nêu ở trên, tôi không phủ nhận một trong những nguyên nhân mắc các căn bệnh đó có thể do phóng xạ. Nhưng đâu là do yếu tố phóng xạ, đâu là do yếu tố khác? Người ta không thể tách bạch được nếu như liều bức xạ chưa vượt một ngưỡng cụ thể thường ở mức rất cao so với chiếu xạ tự nhiên gây ra.

Hiện nay, chúng ta đang tắm trong một môi trường có chất phóng xạ. Hành vi của con người sẽ ra sao nếu không có chất phóng xạ? Liệu chúng ta có đủ thông minh hay là kém thông minh hơn khi chúng ta sống trong môi trường không có phóng xạ?

Đây là vấn đề khoa học khó khăn nhất trong việc nghiên cứu an toàn bức xạ. Việc nghiên cứu này đòi hỏi một chất lượng công trình nghiên cứu rất cao, bằng số liệu nghiên cứu rất lâu thì mới có kết quả được.

- Ông có nói, cần tiến hành khảo sát chi tiết phông bức xạ tại các vùng có phông bức xạ tự nhiên cao cùng với dịch tễ học để nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ liều thấp đối với sức khoẻ con người. Vậy theo ông, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm khảo sát lại  mức độ phóng xạ vùng dân cư cùng với dịch tể học?

- Tôi nghĩ là phải đồng bộ thôi. Tất cả cùng phải đồng tâm hợp lực. Bởi vì thiếu y tế chúng ta cũng không làm được, thiếu các nhà khoa học về an toàn bức xạ chúng ta cũng không làm được, riêng địa chất cũng không làm xong và bên môi trường thì cũng phải cộng lực để giải quyết vấn đề này.

Theo Điều 15 của Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ năm 1996 thì Bộ Tài nguyên môi trường có trách nhiệm chủ động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo khu vực có khoáng sản phóng xạ chưa khai thác cần bảo vệ, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân địa phương các biện pháp bảo vệ an toàn và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân trong khu vực.

Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân đã hướng dẫn các Sở Khoa học và Công nghệ tập hợp các thông tin về các vùng khoáng sản có phóng xạ để tiến hành quy hoạch và quản lý. Trong quá trình soạn thảo luật năng lượng nguyên tử, chúng tôi cũng sẽ đưa những điều khoản về bảo vệ, an toàn đối với chiếu xạ tự nhiên vào trong luật để trình Quốc hội xem xét.

- Ông có khuyến cáo gì đối với người dân?

- Hàng năm, trong môi trường của chúng ta có 80% liều bức xạ tự nhiên do khí Radon đóng góp. Để giảm liều cho dân chúng chúng tôi khuyến cáo cần sống trong nhà thoáng khí để giảm nồng độ khí Radon trong nhà, tránh dùng các vật liệu xây dựng có chứa hàm lượng chất phóng xạ cao. Các nhà sản xuất vật liệu xây dựng cũng nên lưu tâm tới các thông số này và coi đó như là một tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm tiêu dùng.

- Xin cảm ơn ông!

  • Ngọc Huyền - Minh Sơn thực hiện

Tin, bài liên quan:

- Phóng xạ: Vẫn trong tầm kiểm soát

- Gạch men có phóng xạ

- Thẩm định kết quả đo đạc gạch men có phóng xạ

- Sống chung với phóng xạ

- Phát hiện một số vùng dân cư có độ phóng xạ cao

- Cần cấm trồng cây, chăn nuôi nơi có độ phóng xạ cao

 

,
,