Cúm gia cầm: Tạm lắng ở châu Á, ẩn hiện ở châu Âu
22:13' 16/03/2004 (GMT+7)

Hôm nay 16/3, Trung Quốc tuyên bố giành chiến thắng ban đầu trong cuộc chiến chống cúm gà. Thái Lan thông báo bệnh nhân thứ tám tử vong do nhiễm virus cúm. Trong khi đó, các nhà chức trách tại Hà Lan đã ra lệnh giết 6.000 con vịt tại một nông trại sau khi phát hiện dạng cúm gia cầm nhẹ.

Hà Lan

Bản đồ Hà Lan.

Bộ Nông nghiệp Hà Lan đã quyết định giết số vịt trên tại Lopik, tỉnh miền Trung Utrecht, sau khi xét nghiệm máu cho thấy dấu hiệu của kháng thể virus cúm. Một cuộc xét nghiệm tiếp theo không khẳng định được dịch cúm, song cũng không loại trừ một dạng virus ôn hoà. Tuy vậy, các nhà chức trách vẫn cho giết gia cầm để phòng ngừa.

Vào hôm thứ bảy 14/3, Chính phủ Hà Lan cũng đã quyết định têu huỷ toàn bộ 22.000 con gà ở một trang trại ở Eemsmond ở Đông Bắc nước này, sau khi mẫu máu được lấy ở đó có kháng thể chống virus cúm. Hai trang trại gia cầm lân cận đang được điều tra mặc dù xét nghiệm sơ bộ cho kết quả âm tính. Kết quả của các cuộc xét nghiệm tiếp theo sẽ được công bố trong vòng hai tuần tới.

Năm ngoái, một dạng virus cúm gà ôn hoà đã đột biến thành dạng lây nhiễm cao, buộc Hà Lan phải giết 25% tổng số gia cầm. Thiệt hại lên tới hàng trăm triệu đô-la Mỹ do Hà Lan - nước xuất khẩu gia cầm lớn nhất trong Liên minh châu Âu - đã giết 30,7 triệu con tại 1.300 trang trại để kiểm soát dịch bệnh. Trong đợt dịch ấy, một người đã tử vong.

Thái Lan

Gà quay tại Bangkok, Thái Lan.

Cũng trong ngày hôm nay, Thái Lan khẳng định bệnh nhân thứ tám tử vong do nhiễm cúm gia cầm. Đó là một nữ bệnh nhân 39 tuổi tại tỉnh miền Trung Ayutthaya. Người phụ nữ này bị ốm vào ngày 1/3 và tình hình sức khoẻ trở nên nguy kịch vào ngày 8/3 khi Thái Lan tuyên bố không còn cúm gia cầm do không có trường hợp mới nào được thông báo từ ngày 25/2. Ông Charal Trinvuthipong, cục trưởng Cục Kiểm soát Bệnh dịch Thái Lan, cho biết: ''Bộ Y tế đã tìm thấy virus cúm gia cầm trong nước bọt của bệnh nhân này. Chị ta tử vong vào ngày 12/3''.

Nạn nhân thứ tám này làm việc tại một nhà máy nhôm và không nuôi gà tại nhà. Tuy nhiên, hàng xóm của chị nuôi gà chọi. Tất cả số gà đó đã chết vào giữa tháng 2/2004. Người thân của nạn nhân cũng nuôi gà chọi song không bị ốm. Kể từ ngày 1/12, Thái Lan thông báo 12 người được khẳng định đã nhiễm cúm gà H5N1. Tám người trong số này đã tử vong, và bốn bệnh nhân đã phục hồi. 21 người khác bị nghi nghiễm virus.

Cũng vào hôm nay, theo ông Sunart Wongchawalit, giám đốc Sở Vật nuôi tỉnh Phuket, 60 con lợn con chết tại nông trại Soi Honsaitong ở tỉnh này là do mắc bệnh tả hay cúm lợn, chứ không phải do cúm gia cầm. Ông nói: ''Cúm lợn rất khác cúm gia cầm. Nó chỉ nhiễm cho lợn, không nhiễm sang người hoặc gia cầm''. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu những con lợn này nhiễm đồng thời H5N1?

Còn nhớ hai ngày sau khi Thái Lan tuyên bố không còn cúm gia cầm, dịch bệnh đã bùng phát trở lại và được khẳng định tại tỉnh Uttaradit vào hôm 10/3. Chính quyền tỉnh đã ra lệnh giết 2.900 con gà tại các trang trại trong bán kính 1km từ trang trại có dịch cúm H5N1 ở quận Muang. Hôm 13/3, lo ngại ngày càng tăng khi hơn 20.000 con gà tại huyện Sansai ở Chiang Mai bị chết. Mẫu mô đã được gửi tới Trung tâm Nghiên cứu và Xét nghiệm Động vật ở Lampang.

Trung Quốc

Hàng trăm người biểu tình tại Hong Kong để phản đối lệnh cấm nhập gia cầm sống từ Trung Quốc.

Trung Quốc đã bãi bỏ hai lệnh cách ly cuối cùng đối với những vùng có dịch cúm gà H5N1. Theo Bộ Nông nghiệp, động thái trên có nghĩa là tất cả 49 ổ dịch cúm ở Trung Quốc đã được dập tắt. Không có trường hợp mới nào được thông báo trong gần 30 ngày qua. Một quan chức thuộc Bộ Nông nghiệp cho biết: ''Hiện chúng tôi có thể nói Trung Quốc đã diệt trừ được cúm gia cầm'' . Tổng cộng đã có khoảng chín triệu con gà bị giết tại nước này.

Jia Youling, người phát ngôn Bộ Nông nghiệp, cho biết dịch cúm lây lan nhanh ở Trung Quốc sau khi đợt dịch đầu tiên được khẳng định vào ngày 27/1 song chưa có người nào nhiễm bệnh. Ông nói rằng tất cả các vùng ở Trung Quốc không còn bị cách ly nhưng khả năng cúm gia cầm tái phát là rất lớn và chưa phải lúc để nới lỏng các biện pháp phòng ngừa.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hoan nghênh quan điểm thận trọng trên. Người phát ngôn Roy Wadia của WHO tại Bắc Kinh cho biết: ''Mặc dù cúm gia cầm đã được dập tắt ở hai địa phương cuối cùng song điều đó không có nghĩa là nó đã chấm dứt. Điều quan trọng là vẫn phải tiếp tục cảnh giác''.

Nhật Bản

Hôm nay, Bộ Nông Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản thông báo nước này sẽ áp đặt các hình phạt nặng hơn đối với nông dân nuôi gà nếu họ không nhanh chóng thông báo các trường hợp bị nghi nhiễm. Đây chỉ là một trong nhiều biện pháp mà nội các Nhật Bản thông qua vào sáng nay nhằm đối phó với sự lây lan của cúm gia cầm.

Các biện pháp khác bao gồm trợ giúp tài chính cho những trang trại bị ảnh hưởng. Tất cả những biện pháp này phải được Quốc hội thông qua. Những người vi phạm luật liên quan tới các bệnh truyền nhiễm ở động vật hiện chỉ phải đối mặt với mức án chưa tới một năm tù và một khoản tiền phạt không quá 4.500 USD.

  • Minh Sơn (tổng hợp) 
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đào tạo ngay công nghệ nano trong năm 2004 (16/03/2004)
Bảo tồn chó hoang bằng... nước tiểu (16/03/2004)
15/3 - "ngày ô nhục của người La Mã cổ đại" (16/03/2004)
San hô "rộng rãi" cung cấp thức ăn cho láng giềng (16/03/2004)
Trị hói bằng tế bào gốc nang lông (15/03/2004)
Máu nhân tạo mới? Phải có... hiểu biết khoa học! (15/03/2004)
Một mình bay không nghỉ vòng quanh thế giới (15/03/2004)
Thái dương hệ bổ sung "thành viên mới" (15/03/2004)
Dây dẫn đàn hồi bằng vàng (15/03/2004)
Hương vị bỏng ngô = Chất diacetyl + Bệnh công nhân (14/03/2004)
Sinh ra trong thời tiết lạnh, trẻ gái dễ bị bệnh tim! (14/03/2004)
Cúm gà: Tái phát thêm ở Thái, thêm... quạ chết ở Nhật (14/03/2004)
Effem Foods vẫn chưa nghiêm túc thu hồi sản phẩm tại Việt Nam (14/03/2004)
Hai điểm thu hồi thức ăn Pedigree và Whiskas (13/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang