Bảo tồn chó hoang bằng... nước tiểu
09:29' 16/03/2004 (GMT+7)

Vì thói quen hay đi lang thang, chó hoang châu Phi (Lycaon pictus) phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vì chúng rất dễ trở thành đích ngắm của con người. Giờ đây, giới nghiên cứu đang áp dụng phương pháp đánh dấu lãnh thổ đặc trưng của chúng để bảo vệ lại chính chó hoang: nước tiểu.

Sói cũng là đích ngắm dễ dàng cho chủ trang trại.

Được mệnh danh là BioFence - hàng rào sinh học, phương pháp bảo vệ chó hoang này được xây dựng dựa trên chính "kỹ thuật truyền tin" của chó nhà - ghếch chân lên gốc cây, cột điện, lốp xe hay bất cứ cột mốc nào khác để gửi lại thông điệp cho kẻ đến sau: đây là lãnh thổ của ta. Trong thế giới tự nhiên, chó hoang cũng áp dụng kỹ thuật tương tự, và nhìn chung hàng rào sinh học này được cả cộng đồng loài chó tôn trọng, trở thành một "luật bất thành văn" không thể xâm phạm.

Nếu thử nghiệm về hàng rào sinh học thành công, các nhà nghiên cứu sinh học không chỉ bảo vệ được 5.000-6.000 chó hoang ở châu Phi mà còn cứu giúp được nhiều loài thú khác dùng mùi để đánh dấu lãnh thổ. Thử nghiệm này là một phần trong dự án nghiên cứu ở đồng bằng Okavango của Botswana, một khu vực chằng chịt sông ngòi chạy dọc ngang, tạo nên một ốc đảo rộng lớn với quần thể động thực vật trù phú, nằm ở miền cực bắc sa mạc Kalahari. Dân số loài chó hoang ở Okavango hiện nay ở vào khoảng 800 con, chiếm già nửa số chó hoang còn lại (khoảng 1.500 con) ở bắc Botswana và vùng sa mạc lân cận nằm trên đất Namibia, Nam Phi và Zimbabwe.

Để thúc đẩy công tác bảo tồn chó hoang trước nòng súng của con người, năm 1989, nhà nghiên cứu người Mỹ John "Tico" McNutt bắt đầu Dự án Nghiên cứu Chó hoang Botswana. Ông sử dụng radio, máy bay cỡ nhỏ, tia cực để theo dõi một bầy chó hoang khoảng 180 con, tập hợp thành 10-11 đàn, sống trên diện tích khoảng 2.600km2. Có tính chất sống còn đối với sự phát triển trong tương lai của khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã Moremi và các khu vực phụ cận, dự án này được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ của cộng đồng địa phương, các công ty điều hành du lịch, và các cơ quan hữu quan Botswana.

Chó hoang đã quen sống trong môi trường rộng mênh mông.

Theo McNutt, mất môi trường sống là lý do chính khiến cho chó hoang phải đối mặt với nguy cơ biến mất vĩnh viễn. Do môi trường sống bị thu hẹp, chó hoang buộc phải rời địa bàn mà chúng đã khoanh từ trước để kiếm ăn. Điều này buộc chúng phải đối mặt với con người - vốn luôn sẵn sàng nổ súng để bảo vệ sự an toàn cho đàn gia súc. Chủ trại coi chó hoang là mối đe doạ thường trực cho vật nuôi, nhưng thực ra chúng chỉ bắt vật nuôi khi nguồn thức ăn trong thiên nhiên đã cạn kiệt hoặc bỏ đi nơi khác vì không thể cạnh tranh với gia súc. Chó hoang thường bắt những con mồi cỡ nhỏ và vừa như linh dương, nhưng do đi săn theo đàn nên chúng có thể bắt cả loài móng guốc lớn hơn chúng khá nhiều. Đôi khi, chúng tấn công cả gia cầm và gia súc.

Nhìn chung, chủ trang trại thường mang tâm lý phải đuổi giết bằng hết chó hoang, vì vậy hễ cứ thấy chúng ở đâu là lập tức nổ súng. Bi kịch nằm ở chỗ, bản chất của chó hoang là không nghi ngờ gì con người cả, vì thế chúng trở thành những tấm bia rất dễ bắn hạ. Hơn nữa, việc con người lấn chiếm môi trường sống khiến cho chó hoang phải phơi nhiễm trước nhiều căn bệnh đặc trưng của loài chó, chẳng hạn như bệnh dại và sốt ho do virus (CDV) - vốn hay xuất hiện ở chó nhà. Bên cạnh đấy, sự có mặt của con người đồng nghĩa với việc chó hoang bị xe ô tô chẹt chết - những con đường mới mọc lên chạy qua lãnh thổ rộng mênh mông trước kia của loài thú hoang dã này.

Chó hoang phân tán thành từng nhóm nhỏ có quan hệ anh em hoặc chị em với nhau, sau đó đi tìm các nhóm có giới tính đối lập để gia nhập và tạo thành đàn mới. Các nhóm này phải tìm và xác định lãnh thổ riêng của chúng, thường là những vùng trống gần với nơi chủ trại chăn nuôi vừa bắn dẹp hết chó hoang. McNutt hy vọng rằng, khi sử dụng phương pháp đánh dấu bằng mùi nước tiểu, ông sẽ ngăn không cho chó hoang di chuyển vào những vùng như thế. Muốn vậy, trước hết cần phải tiến hành thử nghiệm trong các khu bảo tồn thú hoang rồi mới có thể áp dụng ra các khu chăn thả gia súc, gia cầm được.

Chó hoang sống thành đàn có quan hệ anh em hoặc chị em.

Ban đầu, các nhà khoa học sẽ dùng mẫu nước tiểu lấy từ đàn chó hoang định cư, bởi vì điều kiện hiện nay chưa cho phép họ tái tạo tổng hợp các thành phần chính trong mùi nước tiểu cực kỳ phức tạp của chó hoang. Đồng thời, cộng sự Megan Parker của McNutt sẽ tập trung nghiên cứu vào công nghệ hóa sinh học của việc đánh dấu bằng mùi. Ông đang tiến hành phân tích thành phần hóa học của mẫu nước tiểu để hiểu rõ "ngôn ngữ sinh hóa" của chó hoang. McNutt cho biết: "Chúng tôi sẽ xác định được những hợp chất quan trọng nhất trong hàng trăm hợp chất có trong nước tiểu chó hoang. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang tìm những khác biệt giữa chó nổi trội và chó phụ trội, dấu xác định lãnh thổ và dấu không xác định lãnh thổ, giới tính và tuổi tác, v.v... Tất cả những yếu tố này đều có thể trở thành hằng số quan trọng, giúp chúng tôi "di chuyển" chó hoang ra khỏi khu vực có tranh chấp. Tiến độ đạt được chậm hơn so với dự kiến, nhưng hy vọng rằng giải pháp này sẽ mang lại một công cụ quản lý thú hoang chưa từng có trong lịch sử."

Khánh Hà (Theo National Geographic)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
15/3 - "ngày ô nhục của người La Mã cổ đại" (16/03/2004)
San hô "rộng rãi" cung cấp thức ăn cho láng giềng (16/03/2004)
Trị hói bằng tế bào gốc nang lông (15/03/2004)
Máu nhân tạo mới? Phải có... hiểu biết khoa học! (15/03/2004)
Một mình bay không nghỉ vòng quanh thế giới (15/03/2004)
Thái dương hệ bổ sung "thành viên mới" (15/03/2004)
Dây dẫn đàn hồi bằng vàng (15/03/2004)
Hương vị bỏng ngô = Chất diacetyl + Bệnh công nhân (14/03/2004)
Sinh ra trong thời tiết lạnh, trẻ gái dễ bị bệnh tim! (14/03/2004)
Cúm gà: Tái phát thêm ở Thái, thêm... quạ chết ở Nhật (14/03/2004)
Effem Foods vẫn chưa nghiêm túc thu hồi sản phẩm tại Việt Nam (14/03/2004)
Hai điểm thu hồi thức ăn Pedigree và Whiskas (13/03/2004)
Nhìn thấy Vạn lý trường thành từ không gian? Dạ, không ạ! (13/03/2004)
Canada khẳng định đợt cúm gia cầm thứ hai (13/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang