221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1136107
Trí thức Việt kiều: Lương không phải là tất cả!
1
Article
null
Trí thức Việt kiều: Lương không phải là tất cả!
,

 - Lương tháng 17 triệu đồng cho một trí thức Việt kiều về nước làm việc thì chưa đủ sức thuyết phục. Trí thức VIệt kiều còn cần môi trường thông thoáng để làm việc. Ý kiến của Tiến sĩ Khoa học (TSKH) Trần Hà Anh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Khoa học và kỹ thuật Việt kiều...

Không cần trọng đãi, quan trọng là cần được trọng dụng! TSKH Trần Hà Anh - Chủ nhiệm CLB Khoa học và kỹ thuật Việt kiều trao đổi với phóng viên VietNamNet về chính sách đối với trí thức Việt kiều... 

An tâm sống, không chỉ với lương 

TSKH Trần Hà Anh, Chủ nhiệm CLB Khoa học và kỹ thuật Việt kiều: "Nên trả thù lao theo cơ chế thị trường"...  Ảnh: V.Giang

- Kết quả thăm dò ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học của Sở KH&CN TP.HCM với câu hỏi “Đâu là lý do chính đáng cản trở việc thu hút giới trí thức KH&CN trong và ngoài nước tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của TP?” thì có đến 71,6% ý kiến cho là do “đãi ngộ vật chất chưa tương xứng”. Nếu không phải vấn đề đãi ngộ vật chất quan trọng nhất thì đây liệu có phải là khảo sát chưa chính xác?

- Khảo sát đúng, nhưng chưa đủ. Đối với trí thức Việt kiều còn nhiều vấn đề phải bàn. Một người bạn của tôi khi về nước, đã phải ra đi sau khi mua một cái máy phục vụ công việc bị "hành" đi tới đi lui. Hay, nhiều nhà khoa học Việt kiều khó hoà đồng được cách làm việc cứ thủ trưởng là đúng, kể cả khi anh ta sai. Trong khoa học không có kiểu tư duy này.

Hay một anh bạn khác, cho con đi học trường công lập thì không yên tâm vì nhiều lí do, cho học trường quốc tế thì phải bỏ ra một gánh nặng thu nhập mới trang trải được. Vì thế anh cũng không hoàn toàn hài lòng với việc làm trong nước.

Những sự cố nhỏ nhặt như thế rất dễ gây ức chế cho nhà khoa học. Quan tâm cải cách hành chính và cải thiện các dịch vụ công là điều rất quan trọng để nhà khoa học không bị chi phối, dành hoàn toàn chất xám cho công việc. 

- Vậy theo ông, cần những tiêu chí nào để trí thức Việt kiều an tâm đóng góp chất xám cho quê hương?

- Đúng là cần nhất là sự an tâm. Muốn có sự an tâm thì phải được trả thù lao theo cơ chế thị trường, trên cơ sở sự thỏa thuận và hiệu quả đóng góp. Điều này TP.HCM đã và đang thực hiện được. Ngoài ra, cần tạo điều kiện, tạo môi trường làm việc và sinh sống thân thiện, thuận lợi cho họ, nhất là phải có chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả.

Ngoài ra, chúng ta cần sớm giải quyết các vấn đề bức xúc chung của kiều bào: nhà đất, cư trú, đi lại...

Lương là vấn đề quan trọng có thể mời gọi nhưng bên cạnh đó để giữ chân làm việc lâu dài mới quan trọng hơn.

Muốn thế, những vấn đề ngoài lương cho nhà khoa học là có đủ cơ sở vật chất cho công việc, đủ phương tiện, đủ thông tin và một tập thể cộng đồng làm việc khoa học có trách nhiệm. Đó là những chất keo để làm nên sự gắn kết bền vững. Huy động sự đóng góp của kiều bào phải đi đôi với bảo vệ kiều bào.

Tránh để tình trạng về rồi ức chế ra đi hoặc về mà không có công việc cụ thể, không có môi trường làm việc tương thích sẽ không thể phát huy năng lực trí thức. 

Kiều bào trao đổi với nhau trong một cuộc hội thảo. Ảnh: Trung Hiếu

"Đất lành" nghiên cứu

- Hiện việc bắt tay giữa ba nhà: nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Với nhà khoa học, trí thức Việt kiều, có khó hơn nhiều không, thưa TS?

- Trí thức khi chuyển giao sản phẩm chất xám của mình sẽ muốn “chọn mặt gửi vàng”, sẽ rất khó khăn chứ không dễ việc bỏ tiền ra mua một món hàng thông thường hay kể cả lấy tiền trong túi ra đóng góp làm từ thiện. Vì thế, bản thân các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp trong nước cần tìm đến trí thức, thông qua các uỷ ban, hội, câu lạc bộ Việt kiều, và có sự thể hiện mình xứng đáng để cho họ “gửi vàng...”. 

Theo ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM, ngoài lương 17 triệu đồng/tháng cho Viện trưởng Viện khoa học công nghệ tính toán TP.HCM, thành phố còn chu cấp các chi phí khác như tiền khách sạn, vé máy bay... cho các nhà khoa học Việt kiều. Ngoài ra, họ còn được hưởng thu nhập thụ hưởng theo thành quả công việc.

Ngược lại, uỷ ban, hội, câu lạc bộ cần có những thông tin căn bản về năng lực, khả năng đóng góp của những nhà khoa học kiều bào để có thể điểm mặt chỉ tên chính xác cho các nhà doanh nghiệp. Dù họ ở xa nhưng hiện nay mạng lưới internet hoàn toàn có khả năng giúp chúng ta nắm bắt thông tin.

Ngoài ra, theo tôi, việc huy động sự đóng góp chất xám không nhất thiết phải thông qua việc mời trí thức về nước, mà phải phát huy mạnh mẽ sự tham gia, đóng góp từ xa bằng cách sử dụng liên lạc qua mạng.

- Những hội thảo về kiều bào cho thấy, TP.HCM vẫn nỗ lực kêu gọi đóng góp chất xám từ kiều bào, nhưng vẫn chưa nhiều như mong đợi, ngoài những vấn đề hạn chế nêu trên theo ông còn vì sao?

- Trong nhiều hoàn cảnh, trí thức kiều bào trở về nhưng không hài lòng vì đóng góp của mình chưa hiệu quả, dù mình rất mong muốn, rất nỗ lực. Vì thế, chỉ nên tiến hành huy động trí thức kiều bào tham gia đóng góp vào sự nghiệp phát triển của đất nước khi các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp trong nước thực sự có nhu cầu và có điều kiện thực hiện, không để anh chị em về nước mà không có điều kiện đóng góp hiệu quả.

Ngoài ra, sự thiếu hiểu biết về thực tế của đất nước, tính phức tạp và áp lực đa dạng của môi trường cộng đồng, tầm ảnh hưởng còn hạn chế của công tác truyền thông từ trong nước đã làm cho nhiều trí thức kiều bào có thái độ do dự chưa muốn dấn thân.

Vì thế, cần tăng cường công tác thông tin, văn hoá, đẩy mạnh công tác dạy tiếng Việt cho các cháu thanh thiếu niên và thiếu nhi, rất cần thiết đối với những người con của đất nước đang sống xa quê hương, giúp cho bà con gắn mình với hơi thở của đất nước. Đây cũng là cách chuẩn bị trước cho việc thu hút chất xám Việt kiều trong tương lai. 

 Kết quả khảo sát về mong muốn cống hiến của trí thức Việt kiều

Câu hỏi “Đâu là lý do chính đáng cản trở việc thu hút giới trí thức KH&CN trong và ngoài nước tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của TP?” được Sở KH-CN TP.HCM gửi đến gần 300 trí thức khoa học có đáp án là: Đãi ngộ vật chất chưa tương xứng: 71,6%, trang bị kỹ thuật còn nghèo nàn: 55,7%, hiệu quả sử dụng chất xám thấp: 49,5%, điều kiện nâng cao tri thức và giao lưu quốc tế: 32,9%, chưa tạo điều kiện cho tự do sáng tạo: 28,4%.

Trả lời câu hỏi "Yếu tố nào là quan trọng nhất để thu hút trí thức tham gia lâu bền?": Quản lý công bằng, minh bạch: 25,4%, đãi ngộ cao: 27,5%, tự do sáng tạo: 23%, trang bị hiện đại: 13,6%, các yếu tố khác: 10%. 

  • Vinh Giang

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,