221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
898484
Bộ trưởng Giáo dục: "Không đủ sức, chưa đụng tiêu cực khác”
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Bộ trưởng Giáo dục: 'Không đủ sức, chưa đụng tiêu cực khác”
,

(VietNamNet) - Vị Bộ trưởng được kỳ vọng nhất năm 2006 đã "sơ kết" những việc đã làm trong năm như thế nào? Kế hoạch của cả năm 2007 khi đã quen việc ra sao? Tại sao lại chọn giải pháp "đi nhiều" đến mức nhiều người đã hết kiên nhẫn hoặc tỏ ra hoài nghi "Bộ trưởng không làm việc chiến lược"? Ông nhìn nhận thế nào về những việc mà có lúc từng "sảy miệng" hay  tưởng như "bút sa gà chết"?  

Cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân và PV VietNamNet diễn ra vào buổi tối cuối tháng 1; thỉnh thoảng ngắt quãng bởi những cú điện thoại hẹn lịch chúc Tết. Một vài câu hỏi được "gác lại": "Thôi, cái này... không trả lời đâu nhé!".

Dưới đây là nội dung buổi phỏng vấn:

Dám đương đầu hay không: Chờ thực tiễn

Nhập mô tả vào đây
Ông Nguyễn Thiện Nhân: "Đi thực tiễn và chọn vài việc đột phá là vô cùng quan trọng". Ảnh: Nguyên Nhung
Phóng viên: Nhậm chức trong thời điểm ngành giáo dục có sự kiện giáo viên Đỗ Việt Khoa công khai danh tính để tuyên chiến với tiêu cực trong thi cử, ông đã tới gặp giáo viên này. Sau đó, ngành giáo dục mở cuộc vận động "nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục". Nếu thời điểm đó không có vụ việc Đỗ Việt Khoa, thì công việc đầu tiên ông làm khi đảm nhiệm chức Bộ trưởng sẽ là gì?

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Nếu không có sự kiện của thầy giáo Khoa, thực sự, tôi đã có kế hoạch đi cơ sở. Đây là kinh nghiệm công tác khi còn ở TP.HCM.

Đi cơ sở mới thấy được thực tiễn, thấy được những khó khăn, đặc biệt là khó khăn liên quan đến cơ chế chính sách. Một điều vô cùng quan trọng nữa khi đi là sẽ thấy các mô hình, tiền đề để có thể tìm ra giải pháp cho các vấn đề, từ đó nhân rộng ra được.

Hồi còn ở thành phố, mỗi lần đi làm việc với doanh nghiệp, với trường ĐH, người ta hay cảm ơn mình đã đến góp ý cho họ. Nhưng thực ra mình phải cảm ơn người ta. Chính sáng kiến hay trăn trở của họ là gợi ý khi người lãnh đạo cố gắng tìm kiếm giải pháp trong thực tiễn cuộc sống.

Vừa rồi, nếu chỉ riêng chuyện của anh Khoa, tôi cũng không đề xuất tổ chức cuộc vận động. Nhưng sự kiện đó là một gợi ý. Sau đó, tôi và lãnh đạo bộ đi 4 tỉnh nữa để kiểm tra vấn đề tiêu cực trong thi cử có đáng trở thành cuộc vận động quốc gia hay không. Lúc đầu Bộ bàn, yêu cầu đặt ra là chống tiêu cực trong thi cử. Khi đi các tỉnh rồi, mới thấy tiêu cực có phần quan trọng do bệnh thành tích. Nếu chống tiêu cực mà không chống bệnh thành tích thì không thực hiện được. Nên sau này, cuộc vận động có hai vế là như thế.

Chống bệnh thành tích liên quan đến việc góp phần phát huy tính chủ động, sáng tạo ở cơ sở. Cái đó mang ý nghĩa tích cực nhiều hơn là chỉ có "chống".

Quyết định mở cuộc vận động này, tức là ông xác định "tiêu cực thi cử thuộc loại trầm trọng nhất" trong các loại hình tiêu cực của giáo dục?

 
 
Đi thực tiễn và chọn vài việc đột phá là vô cùng quan trọng
 


Đó là tiêu cực dễ thấy nhất. Còn những thứ khác nữa: tiêu cực trong tài chính, trong tuyển dụng công chức, rồi... (suy nghĩ giây lát) bổ nhiệm cán bộ, đánh giá cán bộ, nhiều thứ lắm....

Nhưng tiêu cực trong thi cử ảnh hưởng trên diện rộng. Chọn đột phá là tiêu cực trong thi cử trước, chứ nói chống tiêu cực chung chung thì rộng quá, không tập trung đủ nguồn lực, sẽ dẫn đến không có hiệu quả. Qua chống tiêu cực trong thi cử sẽ lấy lại được niềm tin, có kinh nghiệm để từ đó có sức chống các tiêu cực khác như Chỉ thị của Thủ tướng đã yêu cầu là chống tiêu cực trong ngành giáo dục trong giai đoạn 2006 - 2010.

Qua kinh nghiệm, tôi thấy chỉ nên làm việc gì khi có tiền đề từ thực tiễn. Đi thực tiễn mà không thấy có tiền đề thì khoan hãy làm, dù lý thuyết có thể rất hay. Có những việc mình không thấy, nhưng đi thực tiễn mới thấy, thì suy  nghĩ có nên mở rộng hay không. Đi thực tiễn và chọn vài việc đột phá là vô cùng quan trọng. Cái đó chẳng phải sáng kiến mới. Các Mác đã nói điều này cách đây hơn trăm năm rồi.

Trong cuộc giao lưu trực tuyến với Bộ trưởng cuối năm 2006, qua VietNamNet, độc giả Hà Vũ Hiển ở Ngô Quyền (Hà Nội) gửi câu hỏi nhưng chưa được trả lời. Độc giả này cảm nhận rằng ông là người nhiệt huyêt, có tâm và kiến thức, có mong muốn thực sự để cải thiện tình hình giáo dục. Nhưng họ cũng băn khoăn Bộ trưởng thiếu sự quyết liệt và dám đương đầu với những vấn đề gai góc nhất. Ông chia sẻ với độc giả những nhận xét của họ như thế nào?

Thực ra, có dám đương đầu hay không, mong bạn đọc hãy chờ xem thực tiễn. Nếu thấy việc của ngành làm đúng thì cố gắng ủng hộ.

Tôi đã nói rằng, ngay cuộc vận động "hai không" cũng sẽ phải làm trong bốn năm. Đến bây giờ, đi chưa được 1/4 quãng đường, sao lại có thể "tổng kết" được. Phải xem thực tiễn là nó chuyển động có đúng hướng hay không, người dân có ủng hộ hay không.

Từ đó, mọi người sẽ cùng với ngành giáo dục có sáng kiến. Lãnh đạo bộ cũng không thể nào có đủ trí tuệ thay thế cho 1 triệu thầy cô giáo và hàng triệu phụ huynh của 22 triệu HS SV được.

Làm chiến lược: Phải tổ chức rất nhiều hội nghị

 Ảnh: Nguyên Nhung

Bộ trưởng đi rất nhiều, đến mức người ta đặt vấn đề, đi nhiều như vậy, lấy thời gian đâu để suy tính, tìm kế sách cho các vấn đề chiến lược. Vậy ông thu xếp thời gian để nghỉ và nghĩ ra sao?

 

Đoàn của Bộ đi đâu thì báo chí hay đưa tin, còn những lúc Bộ bàn bạc các vấn đề lớn, chiến lược thì báo chí đâu có biết để đưa tin. Nhiều khi, báo chí không biết Bộ dành thời gian bàn những vấn đề chiến lược vào lúc nào và như thế nào. Một số báo cũng đặt câu hỏi, thế vấn đề dài hơi của ngành là như thế nào?

Vâng, đó cũng là câu hỏi mà từ khi Bộ trưởng nhậm chức, nhiều người quan tâm hy vọng có câu trả lời...

Trước hết, phải nói thế này, cuộc vận động "hai không" là kết quả của việc suy nghĩ rất cẩn thận, không phải là một việc làm mang tính phong trào ngắn hạn. Nó  có tác dụng cơ bản và lâu dài.

 Đấy là vấn đề chiến lược, tuy rằng, nhìn thì tưởng chỉ là vấn đề rất cụ thể, không cơ bản. Nhưng đó là những suy nghĩ của lãnh đạo bộ và lãnh đạo địa phương được kết tinh lại, thành bước đi chiến lược.

Đó là thay vì “nhồi” nhiều cái mới vào, thì chúng ta chỉ làm cái cơ bản cho thực chất hơn và tốt hơn.

Cụ thể, ông đã trở lại "làm cơ bản" thế nào?

Các giải pháp về chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo đã vạch ra từ lâu, cho giai đoạn 2001 – 2010. Thế nhưng, mấy tháng qua, nhiều thứ bảy, chủ nhật, lãnh đạo bộ và các chuyên gia vẫn ngồi bàn về các giải pháp này.

Nhìn tổng thể, chất lượng giáo dục trước hết do chất lượng thầy cô giáo quyết định. Cho nên, muốn giải quyết vấn đề này, phải xem lại hệ thống các trường sư phạm.

Từ tháng 8/2006, ngay sau khi đi thực tế, tôi đã quyết định sẽ tổ chức hội nghị các trường sư phạm toàn quốc vào tháng 12. Bộ chia 3 đoàn công tác, Bộ trưởng và 2 Thứ trưởng đi các địa phương để thảo luận ở các trường sư phạm. Đi khảo sát rồi mới tổ chức hai hội nghị chuyên đề trù bị. Rồi mới đến hội nghị quốc gia...

 
 
Làm như thế nào, thì chưa trả lời ngay được vì phải có thời gian thiết kế chi tiết chương trình
 


Đã 12 năm qua, không có hội nghị toàn quốc về sư phạm như thế này. Gần 600 nhà giáo, nhà quản lý trong đó có tất cả các GS, PGS, trưởng khoa ở các trường sư phạm toàn quốc đã tham dự hội nghị, và thống nhất được rằng, phải có sự thay đổi cơ bản: chuyển từ số lượng sang chất lượng đào tạo, chất lượng người thầy. Rất tiếc, báo chí ít đưa tin về hội nghị này.

Hoặc như vấn đề đề đổi mới cơ chế tài chính cho nền giáo dục VN, cũng phải làm từng bước. Làm trước hết ở khối ĐH. Những chuyện đó, phải làm 6 tháng mới có thể đưa ra cho dư luận góp ý.

Ngay cả hội nghị lần đầu tiên của cả nước về các trường CĐ, ĐH ngoài công lập vừa được tổ chức cuối tháng 1 vừa qua, cũng phải mất bốn tháng chuẩn bị.

Một vấn đề nữa, giáo dục, đào tạo phải theo nhu cầu xã hội. Chúng tôi cho rằng đây  là một trong những nguyên tắc để phát triển giáo dục đào tạo phù hợp với điều kiện của một nước nghèo, mà lại có thể đóng góp ngay cho xã hội.

Đầu tháng 2 vừa rồi, sau bốn tháng chuẩn bị, lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục nước nhà, một hội nghị đào tạo theo nhu cầu xã hội như thế đã được tổ chức. Tại đây, Bộ GD - ĐT cùng các ĐH đã ký 17 thỏa thuận và hợp đồng đào tạo nhân lực theo nhu cầu của các doanh nghiệp.

Vấn đề khác chất lượng giáo viên. Việt Nam đã mở cửa rồi. Đến năm 2010, không khí sẽ khác bây giờ lắm. Rõ ràng, phải có nhu cầu cấp bách là nâng cao trình độ; đào tạo lại, đào tạo bổ sung cho gần một triệu thầy cô giáo.

Bộ đã đặt vấn đề thiết kế một chương trình nâng cao trình độ, hình thành hệ thống tự học qua mạng và trên các phương tiện truyền thông. Trong ngành, sẽ hình thành một cuộc vận động thầy cô giáo tự học. Nhà nước chỉ giữ vai trò hỗ trợ.

Cuối tháng 3 năm nay, sẽ hình thành các ngân hàng đề thi và kiểm tra trên mạng cho các môn ở các lớp học, giúp thầy cô sử dụng để cải tiến cách dạy, cách thi. Việc cho ra đời ngân hàng này là một cách làm cụ thể trong cấu phần chiến lược bồi dưỡng, tái đào tạo 1 triệu giáo viên.

 

Các học viên cao học ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Trung Kiên

Hoặc cũng trong vấn đề giáo viên, còn có chuyện đội ngũ giảng viên ở trường ĐH. Cho đến trước năm 2005, chưa bao giờ chúng ta đặt ra yêu cầu là tỷ lệ bao nhiêu phần trăm GV phải là tiến sĩ cả. Khi có nghị quyết 14 của Chính phủ về đổi mới toàn diện giáo dục ĐH thì đặt chỉ tiêu đến năm 2010 phải có 25% giảng viên là tiến sĩ.

Thực ra, một năm vừa rồi, chúng ta chưa triển khai cụ thể yêu cầu này. Không có biện pháp quyết liệt thì không thể nào thỏa mãn chỉ tiêu này được.

Theo yêu cầu đó và đối chiếu với các trường ở nước ngoài, chúng tôi đặt ra mục tiêu, trong vòng 10 năm tới phải đào tạo 2 vạn tiến sĩ. Nhận thức này được hiệu trưởng các trường thống nhất qua các hội nghị.

Còn làm như thế nào, thì chưa trả lời ngay được vì phải có thời gian thiết kế chi tiết chương trình. Cũng như đánh giặc, vấn đề là anh có định đánh giặc hay không, định đánh giặc thì mới nghĩ về chiến lược, chiến thuật, sắm vũ khí…

Nhưng đó chỉ là những kế hoạch làm hội nghị, tức là tổ chức gặp gỡ...Thưa ông, có thể hiểu là ngành giáo dục đang giải quyết các vấn đề chiến lược bằng tổ chức hội nghị?

Hội nghị là quá trình tổng kết từ thực tiễn. Phải mất 4 - 5 tháng mới ra vấn đề, mới ra lộ trình cho tổng kết. Xây dựng lộ trình để đi sâu hơn nữa, chứ không phải tại hội nghị là có hết đáp số. Nhưng phải nói, đó là những việc tầm cỡ của một ngành, chứ không một cá nhân nào có thể làm nổi.

Những quyết định như vậy mới nhìn tưởng như quá cụ thể. Thực ra đều chứa đựng triết lý đằng sau. Đó là chiến lược đầu tư cho thầy cô giáo: từ trình độ cho đến thu nhập, phương pháp giảng dạy, và cả đầu tư cho nhà ở…

"Triết lý giáo dục": Đã có 5 hướng

Ông vừa giải thích rằng, Bộ làm việc gì cũng chứa các vấn đề triết lý ở đằng sau. Bộ GD-ĐT dự kiến tháng 10 năm nay sẽ mở hội nghị bàn về triết lý giáo dục. Ngay đầu năm, ông đã có buổi gặp với lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ và xác định sẽ làm thường xuyên để đến tháng 4 có thể thông báo rộng rãi cho công chúng biết và tham gia. Hiện nay, trong luật giáo dục đã nói rõ "mục tiêu giáo dục" và nghị quyết của Đảng đã xác định những nguyên tắc về giáo dục. Vậy thì bàn luận để tìm ra một "triết lý giáo dục" liệu có trùng lặp với những nội dung mà trong các văn bản chính thống trên đã xác định?

Sau hội thảo lần thứ nhất ở bộ vừa rồi, hiện nay, Viện Chiến lược và chương trình giáo dục đang hoàn thiện dần.

Từ lúc làm chưa toàn diện, đến nay, đã hình thành bước đầu 5 hướng nghiên cứu. Anh em bàn và đang vận dụng ngay cho một số công việc.

Đại thể là những nguyên tắc thế này.

 
 
Triết lý giáo dục không phải là mục tiêu. Mà đó là những nguyên tắc tiến hành việc giáo dục đào tạo ở nước ta, phù hợp với điều kiện Việt Nam và quy luật chung của nhân loại
 

Thứ nhất, trong lúc thiếu tiền cho ngành giáo dục, trong lúc sức lực có hạn, đầu tiên phải quan tâm đến thầy cô giáo. Chuyện này đặt ra lâu rồi, nhưng vấn đề là phải làm thực sự đến mức đem lại s chuyển động ngay từ bây giờ. Động tác đầu tiên mà chúng tôi làm là kiến nghị lập Cục Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Còn có những vấn đề về lương, về bồi dưỡng giáo viên… tôi đã nói ở trên.

Một ý nữa, là phải xem xét lại các danh hiệu, làm thế nào để danh hiệu sát với thực tiễn, có ý nghĩa động viên thực sự. Một  nhà giáo 10 năm miền núi có quy đổi như 15 năm dưới miền  xuôi để xét danh hiệu nhà giáo ưu tú không, điều này cũng đang được cân nhắc. Bên cạnh đó phải có các danh hiệu trung hạn. Ví dụ họ đóng góp 5 năm, 7 năm thì cũng nên có danh hiệu tương xứng.

Thứ hai, là chuyển từ đào tạo theo khả năng sang đào tạo theo nhu cầu xã hội. 

Thứ ba, là nâng cao hiệu quả giáo dục đào tạo và hiện đại hóa giáo dục với chi phí thấp.

Thứ tư, quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng đồng thời gắn với cải cách hành chính. Sắp tới đây Bộ sẽ xây dựng và công bố tiêu chí chất lượng, xếp hạng các trường.

Thứ năm, tôi cũng đã nói, đó là đổi mới cơ chế tài chính giáo dục.

Thưa ông, điều mà bạn đọc muốn biết là những giải pháp cụ thể sau những gạch đầu dòng. Chẳng hạn, với cái tạm gọi là triết lý "hiện đại hóa giáo dục với chi phí thấp" thì cụ thể những việc phải làm là gì?

Tập trung trí tuệ quốc gia để thiết kế chương trình bồi dưỡng cho 1 triệu giáo viên, đổi mới phương pháp dạy và học là những biện pháp hiện đại hóa giáo dục với chi phí thấp. Cùng với đó là hình thành ngân hàng đề thi, câu hỏi.

Việc sơ kết hàng năm về sách giáo khoa, cải tiến sách cũng không tốn nhiều tiền.

Hoặc chủ trương huy động các GS là người Việt Nam ở nước ngoài. Bộ đang xây dựng chương trình 5 năm, 10 năm để huy động vài trăm GS. Đó là biện pháp chi phí thấp thực sự. Các GS người Việt ở nước ngoài sẽ không lấy tiền cao như các GS nước ngoài. Họ về Việt Nam còn vì cái tình, vì sự gắn bó với quê hương.

Hay là việc tận dụng nguồn lực của Hội Cựu giáo chức với 1 triệu hội viên, Hội Khuyến học với 4 triệu hội viên.

Rồi ở các trường, tỉnh, thế nào cũng có gương giáo viên, HS giỏi, rất giỏi. Về việc này, năm nay, sẽ phấn đấu ra sách "Gương mặt giáo dục Việt Nam 2007". Sách này sẽ đưa lên mạng để phổ biến các tấm gương đó để nhiều giáo viên, HS khác noi theo. 

Nghề Bộ trưởng: Giữa chừng chưa cung cấp được câu trả lời

 

Thăm phòng truyền thống của Trường THPT Hùng Vương (Phú Thọ)  khi đi công tác tại tỉnh này. Ảnh: Minh Giang
Thưa ông, nghe Bộ sắp mở hội nghị triết lý, có cách đặt vấn đề cho rằng không cần thiết. Bởi, lực đẩy của tiến trình này nằm rất ít ở các hội thảo, hội nghị mà đang được sinh ra từ thay đổi tự thân của nền kinh tế thị trường, nhất là thị trường đang khát nhân lực có chất lượng cao...

Bạn phải thông cảm thế này, người ta nói thì mình phải nghe, nhưng không nên cho rằng tất cả đều xác đáng. Bởi vì, các ý kiến trong lĩnh vực giáo dục không bao giờ thống nhất 100% cả.

Trách nhiệm người quản lý nhà nước là căn cứ vào thực tiễn và tính khoa học để chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Chúng tôi không thể làm theo tất cả mọi lời khuyên vì có nhiều lời khuyên mâu thuẫn nhau. Nếu nghe người này thì sẽ làm mất lòng người kia. Mình lắng nghe, nhưng phải có chính kiến.

Cái quan trọng là mỗi một giai đoạn đều có tổng kết. Không sơ kết hàng năm, sẽ có nguy cơ xa rời thực tiễn.

Vậy năm 2006 ông đã tổng kết được gì?

Đến hè 2007, sẽ sơ kết một năm cuộc vận động "hai không", tổ chức hội nghị chuyên đề về sách giáo khoa và dụng cụ dạy học. Từ nay trở đi, có một số việc sẽ làm hàng năm.

Thế còn cá nhân Bộ trưởng đã "sơ kết" nghề của mình thế nào?

Bây giờ chưa đủ một năm. Mới giữa chừng thì chưa thể cung cấp được câu trả lời (cười).

"Chưa đụng đến tiêu cực khác vì không đủ sức"

Phát biểu tại buổi làm viêc đầu tiên tại cơ quan Bộ GD-ĐT, ông xác định "trong từng vấn đề, phải có bàn bạc cụ thể, nếu thấy không đủ sức thì không nên làm, tránh thực hiện nửa vời". Qua thời gian tiếp nhận công việc, ông thấy có việc nào không đủ sức nên đã không làm?

Một bài học khi quản lý ở TP.HCM đó là không nên làm một lúc quá nhiều việc. Mỗi năm nên làm vài việc thôi.

Hôm rồi, có báo hỏi tôi là có phát động phong trào HS đi xe máy đúng độ tuổi hay không, vì Hà Nội đang làm. Tôi nói là không nhưng sẽ theo dõi để ủng hộ, vì Bộ đang tập trung làm "hai không".

 
 
Có nhiều loại hình tiêu cực trong giáo dục, nhưng chúng tôi chọn đột phá tiêu cực trong thi cử trước. Các vấn đề khác chưa đụng đến vì chưa đủ sức triển khai một lúc
 


Không phải cứ hứng lên vài ba tháng lại làm một phong trào. Dùng chữ "phong trào" phải rất tiết kiệm. "Hai không" không phải là phong trào, nó là cuộc vận động, bên trong rất sôi sục.

Thực ra, có những vấn đề, không phải là không làm, mà làm phù hợp với khả năng.

Chẳng hạn, có nhiều loại hình tiêu cực trong giáo dục, nhưng chúng tôi chọn đột phá tiêu cực trong thi cử trước. Các vấn đề khác chưa đụng đến vì chưa đủ sức triển khai một lúc.

Thậm chí, chưa thể làm đồng loạt ngay lập tức đổi mới phương pháp dạy học ở mức như nhau ở mọi nơi. Mà xác định chỗ nào cơ bản làm xong "hai không" thì mới chuyển sang đổi mới phương pháp dạy học một cách rộng rãi. Nhưng chỗ nào làm xong thì có thể đi trước, ví dụ như Hà Nội hay TP.HCM.

Hay chất lượng trường lớp kém, cũng chưa thể tuyên bố ngay là sẽ cải thiện. Nói làm ngay nhưng chưa có kinh phí thì không thể thực hiện được.

Thưa ông, còn những việc tuy thấy "không đủ sức nhưng vẫn phải làm"?

Thu nhập giáo viên cũng là một trong những vấn đề "nền tảng" của giáo dục.

Tôi cũng đã nói với anh em trong ngành, trước khi đề nghị tăng lương, mình phải tự chấn chỉnh, để khi yêu cầu, Chính phủ cũng thấy ngành giáo dục đã làm hết trách nhiệm của mình với xã hội. Khi đó, việc tăng lương là chính đáng.

Trong lúc còn nhiều thiếu sót có thể khắc phục được mà bản thân ngành giáo dục chưa khắc phục, lại đề nghị xã hội quan tâm hơn nữa, về mặt tình cảm, tôi thấy chưa được thuận lắm.

Chủ trương "đến năm 2010, giáo viên sống được bằng lương", tôi đã báo cáo Quốc hội, không thấy ai phản đối, báo cáo Hội nghị trung ương vừa qua cũng không ai phản đối. Chắc khi trình Chính phủ, cũng sẽ thuận lợi.

Đề án tăng lương này có một số nguyên tắc chung. Tỷ lệ cho lương trong tổng ngân sách giáo dục không thay đổi đáng kể. "Chẳng hạn, hiện nay là 34%, nếu tăng thì ở mức 36%. Như vậy sẽ không thay đổi cấu trúc của ngân sách nhà nước. Thứ hai, không ưu đãi hơn bộ đội. Thứ ba, không lên đồng loạt ngay từ năm 2008, vì lên đồng loạt thì nhà nước không đủ tiền. Việc tăng lương này thỏa mãn các nguyên tắc: chịu đựng được về tài chính, chấp nhận được về xã hội, có tác dụng thực tế với thầy cô giáo.

 
 

Hẳn là cũng có việc ông "đã làm rồi nhưng thấy lẽ ra là không nên làm" chứ?

Cái này thì chưa biết (cười). Tôi nghĩ, mình chỉ làm có vài việc nên chưa quá sức. Để cuối năm "giác ngộ" xem biết đâu mình cũng có sai lầm. Tinh thần là cố gắng hạn chế số lượng đầu công việc.

Ngoài tiếp xúc thực tế với cơ sở, chủ yếu là với học sinh, giáo viên và cán bộ trong ngành, ông cũng hay đối thoại với công chúng rộng rãi qua thư (thư trả lời độc giả trên báo và thư ngày 20/11 trên báo, thư về vụ hacker tấn công website Bộ GD-ĐT - PV). Có phải vì khi viết thư, ông sẽ cân nhắc được câu chữ cẩn thận để diễn đạt chính xác ý mình, thay cho trường hợp phải trả lời phỏng vấn trực tiếp báo chí, mà có thể, rất không may sẽ "sảy miệng" vào lúc nào đó?

Hôm nọ, trên báo có bạn liệt kê "những câu nói ấn tượng của Bộ trưởng". Cái này, anh em báo chí nhiệt tình, nhưng có những câu không phải của mình mà đã bị sửa.

Về mặt nào đó, tôi không muốn xuất hiện nhiều trên báo chí. Nhưng khi có một số việc mà xã hội có nhiều người quan tâm, mình thấy là cần có ý kiến chính thức, lúc đó tôi sẽ trả lời trên báo. Việc của bộ là bàn bạc tâp thể, để Bộ trưởng trả lời nhiều cũng không hay.

Xin cảm ơn ông!

  • Hạ Anh (thực hiện)

****************************

Ý kiến của bạn: 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,