,
221
926
Thời sự
tintuc
/giaoduc/tintuc/
600572
Lớp 12: Sẽ phân theo 4 ban?
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

Lớp 12: Sẽ phân theo 4 ban?

Cập nhật lúc 10:15, Thứ Năm, 24/03/2005 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Một trong những nội dung gây bàn cãi sôi nổi tại hội nghị giao ban Giám đốc Sở GD -ĐT năm 2005 đang diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày (23 và 24/3) là chọn phương án nào trong 3  phương án phân ban.

Ban Chỉ đạo xây dựng chương trình và biên soạn SGK Trung học phổ thông đã có báo cáo về tình hình thí điểm và dự kiến phương án điều chỉnh phân ban ở trường THPT.

Theo đó, việc tổ chức dạy học phân hóa ở nước ta cần thực hiện theo 2 giai đoạn: Từ nay đến năm 2015 là thời gian thực hiện phương án phân ban đang thí điểm được điều chỉnh. Sau năm 2015, sẽ tổ chức dạy học phân hóa bằng các môn học tự chọn theo xu thế của thế giới.

Trước mắt, Ban Chỉ đạo đề xuất 3 phương án điều chỉnh.

"Này, không biết khi mình lên cấp 3, sẽ được thí điểm theo chương trình nào nhỉ?"

Phương án 1: Thực hiện phân thành 2 ban từ lớp 10, gồm 2 ban (Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn ) như hiện nay và có điều chỉnh kế hoạch giáo dục của 2 ban, điều chỉnh số tiết học tự chọn.

Phương án 2: Thực hiện phân 4 ban ở lớp 12.

Theo đó, học sinh lớp 10 và 11 cùng học theo chương trình chuẩn, gồm 12 môn và các hoạt động giáo dục kết hợp chủ đề tự chọn. Đến lớp 12, học sinh được chọn 1 trong 4 ban: Ban Khoa học Tự nhiên I (ban A) với các môn nâng cao là  Toán, Vật lý, Hóa học; Ban Khoa học Tự nhiên II (ban B) với các môn nâng cao là Toán, Hóa học, Sinh học; ban Khoa học Xã hội và nhân văn (ban C) với các môn nâng cao là Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý; Ban Tổng hợp (ban D) với các môn phân hóa là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

Theo phương án này, ở mỗi trường không nhất thiết phải tổ chức đầy đủ 4 ban. Những trường trong thời gian trước mắt chưa có đủ điều kiện thì có thể tổ chức dạy học theo chương trình chuẩn kết hợp với các chủ đề tự chọn hoặc tổ chức dạy học với số ban ít hơn 4.

Phương án 3: Phân ban sớm và sâu dần ở cuối cấp.

Nhọc nhằn, tôi học phân ban...

"Lớp 12, tôi xin chuyển hẳn sang  trường khác không phải học phân ban nữa, tránh sự vất vả với thời khóa biểu chỉ hầu hết là các môn của khối A, còn các môn Văn và Ngoại ngữ chỉ có từ 1-2 tiết/tuần..." Câu chuyện của cô học sinh từng là "thí điểm" của một chương trình phân ban đã thất bại. Xem bài chi tiết >>

Theo phương án này, học sinh lớp 11 và 12 được phân thành 2 ban như đang thí điểm (ban Khoa học tự nhiên và ban Khoa học Xã hội-Nhân văn). Lớp 12 phân thành 4 ban (ban Khoa học Tự nhiên I, ban Khoa học Tự nhiên II, ban Khoa học Xã hội và Nhân văn I, ban Khoa học Xã hội và Nhân văn II. Các môn Giáo dục công dân và Công nghệ được hoàn thành ở lớp 11. Mức độ phân hóa ở một số môn lớp 12 sâu hơn nhiều so với phương án thí điểm và so với các phương án 1, 2 được đề xuất ở trên.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng cho biết, tổng hợp các ý kiến thu thập được từ các hội thảo, tọa đàm và điều tra trong tháng 3/2005, cho thấy: khoảng 51% học sinh có khả năng học tập phù hợp với ban Khoa học Tự nhiên, 24% HS có khả năng học tập phù hợp với ban Khoa học Xã hội và Nhân văn, 12% có khả năng phù hợp với 2 ban và 13% không có khả năng phù hợp với cả 2 ban.

Trong cuộc thăm dò trước đó, ý kiến đóng góp của 44 sở GD-ĐT, 9 trường ĐH Sư phạm, 2 hội khoa học cho thấy 64,8% cho rằng phải chỉnh chương trình, tỉ lệ này ở SGK là 65,9%.

72% số người được hỏi ý kiến đồng tình với việc tổ chức phân ban sớm ngay từ lớp 10. Tuy nhiên, trong số những ý kiến đồng tình này có tới 40,42% ý kiến không tán thành hoặc tỏ ra hoài nghi với việc chỉ phân thành 2 ban khoa học tự nhiên (KHTN) và khoa học xã hội-nhân văn (KHXH-NV).

Chương trình THPT phân ban đã triển khai thí điểm đến năm thứ hai (từ năm học 2003-2004, tại 11 tỉnh, thành), song những khó khăn và ý kiến không thống nhất về phương án phân ban vẫn không được cải thiện.

Hôm nay, tại ngày làm việc thứ 2 của hội nghị, các đại biểu tiếp tục thảo luận để thống nhất một trong các phương án nêu trên.

  • Oanh - Anh
,
,