221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
90777
Xem xét lại thời gian thí điểm chương trình THPT phân ban
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Xem xét lại thời gian thí điểm chương trình THPT phân ban
,

(VietnamNet) - Năm học 2003 - 2004, Bộ GD - ĐT quyết định thí điểm chương trình THPT  phân ban lớp 10. Theo lộ trình, chương trình này sẽ được "làm" đại trà vào năm học 2004-2005, sau 1 lần thí điểm. Trong khi đó,  Bộ GD - ĐT đã trình Quốc hội khoá IX: "sẽ thí điểm ít nhất hai lần trước khi triển khai đại trà". Như vậy,  có phải xem xét lại thời gian thí điểm để giải quyết tính "bất nhất này? VietnamNet đã có cuộc trao đổi với PGS, TS. Nguyễn Hữu Châu, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục.

Ông Châu cho biết: Việc phân ban ở bậc trung học phổ thông thực hiện theo chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ thị này đánh giá việc phân ban như sau: "Chủ trương phân ban nhằm đáp ứng nguyện vọng học tập và phân luồng học sinh sau khi học trung học cơ sở là phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xã hội nước ta".

- Thưa ông, từ năm 1989 đến 2000, chúng ta đã có một số thí điểm về các phương án phân ban. Chương trình THPT phân ban mới này có khác gì với chương trình trung học chuyên ban đã thực hiện và tạm "dừng" lại ở năm 2000?

- Nội dung phân ban lần này dựa trên chương trình chuẩn và đảm bảo tính phổ thông, toàn diện, hướng nghiệp. Trước mắt, sẽ phân theo hai ban: Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội - nhân văn. Trước hết, sự phân hóa thể hiện ở 7 môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngữ văn, Sử, Địa. Thí điểm trung học chuyên ban trước đây thực hiện phân hóa ở cả môn tiếng Anh, phần Triết của Giáo dục công dân, phần nghề của môn Công nghệ. Thứ nữa, mức độ phân hóa không lớn, đảm bảo yêu cầu từ chương trình chuẩn từng môn học phân hóa sẽ nâng lên 20% cả về mặt thời lượng lẫn nội dung. Cụ thể, các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh sẽ được nâng lên 20% ở ban Khoa học tự nhiên, môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý được nâng lên ở ban Khoa học xã hội - nhân văn. Trước đây, trong thí điểm trung học chuyên ban, mức độ chênh lệch trong một môn giữa hai ban là rất lớn. Ví dụ, môn Vật lý ở ban Khoa học xã hội có số tiết là 2 trong khi ban Khoa học tự nhiên là 10.

Ngoài ra, kế hoạch dạy học mới còn dành thời lượng cho dạy học tự chọn với 8 tiết/tuần. Việc học tự chọn này nhằm mục đích hướng tới giáo dục cá nhân từng học sinh, chú trọng giáo dục năng lực hành động của học sinh.

- Năm học này, chương trình THPT phân ban sẽ được thí điểm tại 44 trường tại 11 địa phương trong toàn quốc. Học sinh ở các trường này sẽ học theo sách giáo khoa như thế nào, thưa ông?

- Có hai bộ sách giáo khoa, cả sách giáo viên của 5 môn: Toán, Ngữ văn, Sinh học, Tiếng Anh, Vật lý. Các môn phân hóa theo hai ban Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn có sách dành riêng cho từng ban. Trong cấu trúc hình thức từng cuốn sách giáo khoa, các tác giả đã lưu ý cách trình bày thể hiện rõ sự hỗ trợ cho đổi mới phương pháp dạy học

- Cùng với phân ban, việc đưa các môn tự chọn cũng là một hình thức phân hóa dạy học chủ yếu được dùng ở trường phổ thông. Việc học các môn này được tiến hành như thế nào và kết quả các môn học đó được đánh giá ra sao?

- Nội dung dạy học tự chọn được thể hiện dưới hình thức các chủ đề. Trước mắt, chủ yếu tập trung xây dựng các chủ đề tự chọn cho các các môn học vốn có thuộc chương trình khung, với ba chủ đề: chủ đề cơ bản, chủ đề nâng cao và chủ đề đáp ứng. Việc biên soạn cũng như lựa chọn các chủ đề giảng dạy dược thực hiện theo tinh thần "phi trung ương hóa". Việc lựa chọn dạy chủ đề nào là do từng địa phương, từng trường quyết định và thực hiện theo những quy định của kế hoạch dạy học chung. Trong thời gian thí điểm, sẽ đánh giá bằng phân loại như: Tốt, Giỏi, Khá...

- Giao quyền tự chủ và linh động khá lớn cho các trường, trong khi lại không có "ràng buộc" ý thức học tập của học sinh bằng điểm số mà chỉ thông qua xếp loại, vậy việc dạy và học các môn tự chọn có thể biến tướng thành luyện thi hoặc chỉ là môn học mang tính hình thức và không đạt mục tiêu như thiết kế?

- Theo như tôi được biết, Vụ THPT đang có xây dựng phương pháp đánh giá cho môn học này. Ở đây cũng cần phải nói thêm là, nhiều nước hiện nay như Hàn Quốc, chương trình không còn chương trình phân ban mà chỉ có các môn tự chọn.

- Theo như ông nói, xu thế của nhiều nước không còn trung học phân ban và việc học tự chọn là nét mới có tác dụng tích cực, đặc biệt là hướng tới giáo dục năng lực hành động cho từng cá nhân. Thế thì tại sao chúng ta lại tiếp tục làm phân ban và đưa vào cả hệ thống đổi mới giáo dục phổ thông với ý định ổn định chương trình lâu dài. Có phải chúng ta đi con đường riêng?

- Không phải là đi con đường riêng mà mỗi nước có một nền giáo dục đặc thù khác nhau. Việt Nam mình còn phát triển chậm thì cách làm như vậy là hợp lý.

- Trước Quốc hội khoá IX vào cuối năm 2000, Bộ GD - ĐT đã trình: Các chương trình và sách giáo khoa mới sẽ được tiến hành triển khai thí điểm hai vòng trước khi triển khai đại trà trong toàn quốc. Sau đó, Quốc hội đã thông qua với Nghị quyết 40, trong đó có ghi rõ lộ trình: đến năm 2004-2005 sẽ triển khai đại trà chương trình lớp 10, các năm tiếp theo triển khai dần chương trình đại trà ở các lớp 11, 12 để tiến tới năm học 2006-2007, tất cả 12 lớp của hệ thống đào tạo giáo dục phổ thông sẽ học theo chương trình và sách giáo khoa mới. Thế nhưng,  trong thực tế, năm nay mới bắt đầu thí điểm chương trình lớp 10 mà sang năm đã làm đại trà. Sách giáo khoa lớp 11, 12 theo kế hoạch sẽ hoàn thiện trong năm 2004. Như vậy, các chương trình này chỉ triển khai thí điểm 1 năm thì đã "ra" đại trà. Là những người thiết kế chương trình, ông có thấy việc này là bất nhất?

- Cá nhân tôi, từ góc độ người thiết kế chương trình, thấy cũng cần phải nên xem xét lại thời gian thí điểm. Tuy nhiên, việc này cần phải xem xét rất kỹ lưỡng và cẩn thận, và làm theo lộ trình vì đã được Quốc hội thông qua.

- Có thể hiểu việc "báo cáo hai năm, làm một năm" là do khâu chuẩn bị của chúng ta còn vội vàng? Ông có bao giờ đề đạt ý kiến với Bộ GD - ĐT xem xét lại thời gian thí điểm. Nếu có, thì ý kiến của Bộ như thế nào?

- Tôi đã nêu ý kiến này tới Ban chỉ đạo đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, ý kiến quyết định thuộc về Bộ GD - ĐT.

- Xin cảm ơn ông.

  • Hạ Anh (thực hiện)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,