18 tuổi, tại sao phải nói dối?

Cập nhật lúc 21:58, 22/07/2010 (GMT+7)

Lập luận đề văn quá già hay bắt học sinh nói dối là thiếu trách nhiệm hoặc đã quá quen với kiểu trích cú tầm chương, xa rời thực tế.

TIN LIÊN QUAN

Mô tả ảnh.
Thí sinh làm bài thi ĐH. Ảnh: Phạm Hải.
Là một học sinh học qua chương trình phổ thông, để được coi là đõ tốt nghiệp, người đó phải có khả năng gì?

Xin hãy đọc nội dung các văn bản qui định mục tiêu giáo dục.

Nếu nói không thể có quan điểm về một vấn đề nào đó trong xã hội thì họ có xứng đáng được coi là đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông?

Là một người ở độ tuổi 18, bắt đầu có quyền công dân, nếu như không thể có quan điểm về những vấn đề xã hội, đơn giản như không biết thế nào là thật, giả, không có thái độ về những chuyện đó, thì đấy là con người vô cảm hay bất bình thường?

Liệu họ có thể trở thành công dân làm chủ xã hội, hay làm chủ chính bản thân mình được không?

Đọc ý kiến của nhiều độc giả, tôi thật sự thấy buồn.

Hình như, chúng ta quá quen với sự nuông chiều? Hình như chúng ta yêu thương, lo lắng, bảo vệ con trẻ đến mức thái quá, đến mức làm mất đi những khả năng thông thường nhất của con em chúng ta?

Nếu tôi nói rằng sự bao bọc, hạ thấp yêu cầu đối với con trẻ như thế là một biểu hiện coi thường lớp trẻ thì các bạn nghĩ thế nào?

Phát biểu về một vấn đề, nhất là những vấn đề liên quan tới nhân cách con người đòi hỏi rất thận trọng.

Thói quen nói một đằng, làm một nẻo đã định hình quá lâu khiến bây giờ những ý định quay trở về với cách sống chân thật lại trở thành lạ lẫm, khó chấp nhận.

Bao bọc, hạ thấp yêu cầu đối với con trẻ như thế là một biểu hiện coi thường lớp trẻ

Có bao giờ tồn tại một sự thật là học sinh không học vẫn đủ khả năng đạt các chuẩn giáo dục? Có phải là bình thường không khi mà tỉ lệ học sinh khá, giỏi cao ngất ngưởng trong khi người ta vẫn suốt ngày kêu chương trình học là quá nặng?

Sự giả dối đã lan truyền như một căn bệnh. Những con người đang chuẩn bị vào đời với tư cách là chủ nhân, là trí thức nếu cứ nói rằng đó là điều xa lạ, thì có lẽ nền giáo dục của chúng ta chỉ là nền giáo dục đào tạo ra chú Cuội, chị Hằng.

Trong chừng mực đáng kể, xã hội ta là xã hội học để thi. Thi sao học vậy. Những đề thi có tác động dịnh hướng xã hội theo hướng tích cực, xin hãy được nhìn nhận một cách thận trọng, chân thành!

  • Nguyễn Văn Chung

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Hữu Chí, 14:16, 23/07/2010

Che chở, nuôi dưỡng cho một mầm non không đồng nghĩa với việc hạ thấp yêu cầu hay coi thường mầm non đó! Có ai giám khẳng định rằng một mầm non thì không được che chở và nuôi dưỡng?
Bài viết vô nghĩa quá!

Nam, 07:50, 23/07/2010

Đề văn như thế, biểu điểm ra sao?

Hình như mọi người chỉ đề cập đến đề thi mà quên nhìn vào đáp án.
Với một câu hỏi rất rộng như khái niệm "đạo đức giả", tôi không ngờ bộ giáo dục lại cho một đáp án rất "đóng" như thế này.

Tôi đồng ý là đề văn này không hề quá sức với học sinh để viết ra. Nhưng để viết được điểm như bộ giáo dục thì quá sức. Thật sự những khái niệm nêu ra trong đáp án của bộ như "tình cảm thấp hèn" hay "động cơ xấu xa, đê tiện", rồi "giá trị đạo đức" đều mang tính tương đối. Liệu mọi người có hiểu khái niệm "đạo đức giả" theo cách này hay không, đó là một câu hỏi lớn?

Theo tôi nghĩ, để những đề văn mở thực sự mở, bộ giáo dục phải xem lại cách ra đáp án. Bởi cứ đáp án đóng thế này thì thí sinh sẽ bị gò ép và sẽ phải băn khoăn liệu ý kiến của mình có sát với sườn đáp án của bộ hay không. Như thế thì bài văn viết ra sẽ chả được "mở" như mục đích của đề bài. Thiết nghĩ, nhìn vào các bài thi GRE (Graduate Record Examination) của viện ETS để đánh giá trình độ tiếng Anh của sinh viên lên cao học, người ta chú tâm vào những điều như bố cục, độ thống nhất, cách hành văn, lập luận chặt chẽ, chứ không ai chú trọng vào việc người ta "phải" viết cái gì. Nói thế thì hơi lệch pha vì mục đích của đề văn này là hơn thế, nhưng liệu ra một cái đáp án cứng nhắc như thế sẽ tạo cơ hội cho thí sinh thực sự phát triển ý tưởng của mình hay không?

Vâng, tôi đồng ý với ý kiến tác giả. Nhưng để lý tưởng rằng học sinh có thể viết được như đáp án của bộ thì tôi không nghĩ vậy. Mỗi cá nhân đều có 1 hệ tư tưởng riêng, và liệu thí sinh có đủ dũng cảm để quên đi việc "đáp án nó gồm những ý gì" mà viết "những gì mà tôi nghĩ" hay không? Tôi nghĩ là không, bởi đây là một kỳ thi quan trọng. Và bởi vậy, tôi không nghĩ đây là một đề văn thích hợp.

Các tin khác