221
484
Chuyện giảng đường
chuyengiangduong
/giaoduc/chuyengiangduong/
896976
Những người trẻ sống bằng kế hoạch của người khác
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Những người trẻ sống bằng kế hoạch của người khác
,

(VietNamNet) – Mỗi con người chỉ có một cuộc đời để làm chủ, để sống theo đúng niềm đam mê của mình. Chỉ khi nào được theo đuổi ước mơ và những kế hoạch do chính mình vạch ra, những người trẻ mới có thể phát huy hết năng lực và sự nhiệt tình của mình. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bạn trẻ đang sống bằng những kế hoạch được sắp xếp bởi các bậc phụ huynh. Và họ dường như đang lạc lối, chán nản trước tương lai. 

 

 

Ảnh: Lê Anh Dũng


Đi bằng đôi chân người khác

 

Mơ ước trở thành một nhà thiết kế nội thất chuyên nghiệp nhưng hàng ngày, Linh, SV năm thứ nhất ĐH Quốc tế RMIT tại Hà Nội vẫn chán nản đến trường để theo học chuyên ngành thương mại để thực hiện mong muốn của bố mẹ.

 
Từ nhỏ đã được bố mẹ sắp xếp theo học trường quốc tế nên Linh không có bằng tốt nghiệp phổ thông, kiến thức cũng không tương đồng để có thể thi vào bất cứ trường ĐH của VN.
 
Linh tâm sự: “Em cũng rất muốn đấu tranh để theo đuổi ước mơ của mình nhưng việc thi vào ĐH Kiến trúc hay một trường nào đó tương tự đối với em là điều không tưởng. Thế nên em đành “nhắm mắt đưa chân” bước theo con đường bố mẹ đã vạch sẵn.”
 
Nhìn về tương lai, Linh thấy rất mông lung. Lúc này Linh chỉ biết đến trường học cho xong, cố qua các kỳ thi. Linh tự nhủ sau này ra trường kiếm được việc làm, kiếm được tiền thì sẽ tiếp tục theo đuổi ước mơ còn dang dở.
 
Không chỉ có việc học hành, sự nghiệp mà ngay cả cuộc sống của Linh cũng bị kiểm soát 24/24h, đi đâu cũng có người đưa, đón. Thậm chí muốn đi sinh nhật bạn cũng phải xin phép trước vài ngày để bố mẹ… sắp lịch.
 
Và em gái Linh, hiện đang học lớp 10 tiếng Pháp tại một trường quốc tế cũng đang đi theo lối mòn của chị.
 
Hoàng Lan cũng là một trường hợp tương tự. Mơ ước trở thành một nhà biên kịch phim xuất sắc, Lan cố gắng và đã thi đỗ ĐH Sân khấu Điện ảnh trong khi bố mẹ lại muốn Lan theo học ngành báo chí vì họ đều có địa vị nhất định trong làng báo.
 
Học hết năm thứ nhất tại trường Sân khấu Điện ảnh, trước sức ép của gia đình, Lan buộc phải chuyển sang học báo chí. Nhưng sau khi tốt nghiệp, lo con gái làm báo vất vả, bố mẹ lại sắp xếp cho Lan về làm công việc văn phòng.
 
Hàng ngày đến công ty chỉ biết ngồi loay hoay nghịch máy vi tính. Mỗi khi bạn bè hỏi về công việc, Lan vẫn đùa rằng: “Cả ngày ngồi lì trên tầng 9. Sáng sáng đúng 8h vào thang máy bấm nút để… thăng thiên. Chiều chiều đúng 5h bấm nút để… hạ sơn.”
 
Do sự ép buộc của gia đình mà nhiều bạn trẻ phải bước đi trên những con đường mà họ không muốn dẫn đến tâm lý chán nản, bất cần.
 
Nhiều SV VN ở Quảng Châu chỉ cần nghe danh “bác sỹ” Tuấn là phải “bái phục” vì “kỷ lục” không thi đạt môn nào trong cả học kỳ.,
 
Cả gia đình có truyền thống theo ngành y nên bố mẹ Tuấn ra tối hậu thư “hoặc là học ngành y, hoặc tự thân vận động, muốn làm gì thì làm.” Tuy chẳng tha thiết với nghề y nhưng cũng không có ước mơ, không có năng lực nên Tuấn vẫn đành đi theo con đường bố mẹ đã vạch sẵn..
 
Sang tới Quảng Châu, không có người kiểm soát, Tuấn nhậu nhẹt liên miên, lấy ngày làm đêm, lấy đêm làm ngày.
 
Bạn bè đều nhìn Tuấn lắc đầu, thì thầm: “Thằng này sau này làm bác sỹ thì chỉ có chết bệnh nhân.”
 
Đáng ngạc nhiên là trong thế kỷ 21 này, không chỉ lên kế hoạch sự nghiệp, nhiều bậc phụ huynh còn sắp xếp cả kế hoạch kết hôn theo kiểu “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”.
 
Vì muốn giữ con gái mà bố mẹ Quỳnh ép cô phải lấy một anh chàng cha mẹ đều đã qua đời, không có anh, em ruột. Bố mẹ Quỳnh nghĩ rằng chỉ có như thế thì vợ chồng Quỳnh mới sống cùng và toàn tâm toàn ý chăm sóc bố mẹ cô.  
 
“Không nghe lời không phải là bất hiếu” 
 
Trong khi những bạn trẻ “an phận thủ thường” buông xuôi theo sự sắp đặt đôi khi rất vô lý của phụ huynh thì vẫn có những bạn trẻ đầy bản lĩnh, sẵn sàng chấp nhận thử thách để làm chủ kế hoạch cuộc đời mình.
 
Thích máy tính, mê kinh doanh nhưng lại bị bố mẹ ép theo học chuyên ngành… triết học. Không “tâm phục khẩu phục”, gần 4 năm ĐH Hoàng âm thầm chuẩn bị cả ngoại ngữ và các mối quan hệ cần thiết để theo đuổi đam mê của riêng mình.
 
Hoàng dự định tháng 6/2007, sau khi tốt nghiệp ĐH sẽ xin bố mẹ cho sang Trung Quốc học tiếp nhưng thực chất Hoàng sẽ tìm một số đối tác để buôn bán đồ điện tử về VN. Hoàng chia sẻ: “Kinh doanh là đam mê của em nhưng vì bố mẹ ngăn cấm mà bất đắc dĩ em mới phải nói dối để được theo đuổi ước mơ của mình. Đến khi thành công, em sẽ nói thật với bố mẹ. Hy vọng bố mẹ hiểu em.”
 
Không lảng tránh, đi đường vòng như Hoàng, nhiều bạn trẻ rất tự tin vào năng lực và bản lĩnh của mình nên đành làm “đứa con bất hiếu” trong mắt bố mẹ để tự hoạch định tương lai cho chính mình.
 
Từng tốt nghiệp ĐH Bách khoa loại giỏi, Thắng không tiếp tục học lên cao theo ước nguyện của bố là một giáo sư ĐH mà ngay lập tức mở một công ty phần mềm và truyền thông nhỏ. Sau 5 năm hoạt động, từ hai bàn tay trắng, hiện nay Thắng đã sở hữu một công ty với hơn 50 nhân viên trẻ tuổi, năng động.
 
Thắng chia sẻ: “Cho tới giờ bố mẹ vẫn giận vì quyết định của tôi 5 năm trước. Không đi theo con đường bố mẹ mong muốn không có nghĩa là bất hiếu. Hơn ai hết chúng tôi hiểu rõ khả năng và khát vọng của bản thân, vì thế chỉ có chúng tôi mới có thể lên kế hoạch cho tương lai của chính mình.”
 
Một vài năm qua, giới truyện tranh VN xôn xao vì sự xuất hiện của những gương mặt trẻ tiềm năng. Vì hoạ sỹ truyện tranh ở nước ta vẫn chưa được coi là một nghề nên đa số các bậc phụ huynh đều phản đối con mình dấn thân vào lĩnh vực mới mẻ này.
 
Đi ngược lại mong muốn của bố mẹ là nối tiếp truyền thống gia đình trở thành kiến trúc sư, Anh Tuấn (thường được biết với bút danh Alex Tuấn) lại sử dụng năng khiếu hội hoạ của mình để theo đuổi nghiệp vẽ truyện tranh.
 
Năm 2005, khi bạn bè cùng tuổi còn đang học ĐH thì Tuấn khăn gói quả mướp từ Hà Nội vào TP.HCM cùng với 2 bạn trẻ khác thành lập nhóm truyện tranh B.R.O. Chỉ sau một thời gian ngắn, những tác phẩm của B.R.O đã tràn ngập trên tạp chí truyện tranh VN và được các fans rất yêu mến.
 
Tương tự như Tuấn, Đoàn Minh Mẫn cũng là cái tên quen thuộc trong giới truyện tranh VN. Từng bị bố mẹ cảnh báo “theo nghề vẽ truyện tranh chỉ có nước… cạp đất mà ăn” nhưng Mẫn vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê của mình. Đặt “điều kiện” với phụ huynh rằng nếu đỗ ĐH thì phải để Mẫn tiếp tục con đường của mình, Mẫn lập kế hoạch chi tiết cho cuộc sống để vừa có thể học tốt lại vừa có thời gian vẽ truyện tranh.
 
Hiện nay, Mẫn đã trở thành SV và có những bức tranh được đăng trên cả website về truyện tranh của Nhật Bản. Gallery online của Mẫn cũng được rất nhiều người truy cập. Thậm chí, có cả công ty còn đặt vấn đề trả tiền cho Mẫn học ĐH với điều kiện sau này về làm việc cho họ.
 
Bản lĩnh và niềm đam mê đã giúp cho những bạn trẻ ấy vượt ra khỏi những kế hoạch bố mẹ đã vạch sẵn để đi tìm tương lai của chính mình.
 
Sự ủng hộ, động viên của gia đình chính là sức mạnh to lớn thúc đẩy các bạn trẻ lập nghiệp. Nhưng sự áp đặt của phụ huynh khiến con cái không được làm chủ tương lai của mình và sống theo những kế hoạch đã vạch sẵn sẽ bóp nát khát vọng và mơ ước của những người trẻ.
 
Mong rằng phụ huynh sẽ là những người cố vấn sáng suốt để dẫn dắt con cái đi bằng chính đôi chân của mình, theo đúng những kế hoạch cuộc đời của riêng mình.
  • Lan Hương (Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi)
********************************
Đón xem bài 4: Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng: "Không kế hoạch, thành công chỉ là...ăn may!"
*******************
Ý kiến của bạn:


,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,