"Em xấu hổ về hình ảnh giới trẻ Quảng Ninh"

Cập nhật lúc 07:39, 28/10/2010 (GMT+7)

- "Chắc rằng, các bạn ở nhiều nơi khác xem xong sẽ có suy nghĩ không hay về giới trẻ ở Quảng Ninh. Và điều này khiến cho em cũng thấy xấu hổ" - Từ Quỳnh Trang, học sinh lớp 12, chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Hạ Long bộc bạch sau câu chuyện clip nữ sinh lột áo, đánh bạn ở thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh) đang xôn xao dư luận những ngày qua. VietNamNet ghi nhận ý kiến của các giáo viên, học sinh ở Quảng Ninh về câu chuyện này.

Cô giáo Vũ Thị Huệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 11D1, Trường THPT Lương Thế Vinh (giáo viên chủ nhiệm em Nguyễn Thị Hoàng Nhâm - nhân vật bị "lột áo" trong clip): Tôi thấy “choáng”

danhban.jpg
Hình ảnh hành hung bạn được ghi lại trong clip
“Clip nữ sinh của trường bị đánh “hội đồng” tung lên mạng đã thành một áp lực của dư luận rồi nên việc giải quyết bây giờ không chỉ của nhà trường, mà phải do cơ quan pháp luật.

Tôi rất hiểu Nhâm vì là giáo viên chủ nhiệm em từ năm lớp 10.Nhâm là con út trong gia đình có 2 anh, em. Bố, mẹ Nhâm làm nghề buôn bán tự do tại chợ Cẩm Sơn.

Hồi lớp 10, tôi đã từng đánh dấu tên Nhâm trong danh sách lớp vì cá tính của em rất hiếu động.

Thỉnh thoảng, Nhâm có vi phạm nội quy của lớp như bỏ học không lý do, đi học muộn. Nhâm có học lực và hạnh kiểm trung bình. Nhiều lần, họp phụ huynh hay gặp trực tiếp gia đình, tôi cũng trao đổi về phương pháp giáo dục đối với em. Qua sự kết hợp và chỉ bảo đó, lên lớp 11, Nhâm tiến bộ rất nhiều.

Ban đầu, tôi cũng nghĩ Nhâm bị bạn khác đánh chỉ là sự việc bình thường. Nhưng khi xem clip do công an thông báo, tôi thấy “choáng” vì tính chất nghiêm trọng của nó. Tôi không nghĩ rằng, nhóm bạn kia lại có hành xử côn đồ như vậy, không chỉ đánh, đấm mà còn lột áo em ra giữa bao nhiêu ánh mắt.

Có thể thấy, vụ việc Nhâm bị đánh là có tổ chức, làm nhục người khác, cố ý gây thương tích. Hiện, gia đình 2 bên không có yêu cầu xử lý vụ việc. Tuy nhiên, vì mức độ nghiêm trọng của vụ việc, tôi sẽ báo cáo với Ban giám hiệu để cơ quan chức năng làm nghiêm vụ việc này. Vì nếu không, sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý chung của các học sinh khác.

Đào Thị Phương, học sinh lớp 11A3, Trường THPT Lê Thánh Tông: Gia đình bạn cần quan tâm hơn

Em nghĩ, trong trường hợp có mâu thuẫn với các bạn bên ngoài trường, nhẽ ra, bạn Nhâm cần phải thông báo với cô giáo chủ nhiệm hoặc gia đình để được sự giúp đỡ, ngăn chặn hành vi xấu sau này của nhóm bạn Yến.

TIN LIÊN QUAN

Do hành vi ứng xử trong giao tiếp của Yến thiếu hiểu biết nên đã dẫn đến những điều không mong muốn. Hành vi đấm, đá, tát túm tóc kéo đi, cắt tóc, lột áo... thật côn đồ, không thể chấp nhận được với lứa tuổi vì trông họ còn rất trẻ. Hành vi tiếp theo của Nhâm trả đũa lại những người đã đánh mình cũng thật đáng trách. Tuy nhiên, suy nghĩ, cũng như hành động của bạn chưa chín chắn để kiểm soát. Gia đình bạn cần quan tâm hơn.

Em mong các chú công an phải xử lý nghiêm hành vi trên.

Ngoài ra, người tung clip trên khi chưa có sự đồng ý hay kiểm duyệt nôi dung của cơ quan chức năng cũng cần phải xử lý nghiêm vì họ có ý nghĩ xấu, đưa hình ảnh kia lên mạng xã hội là bôi nhọ danh dự người khác.

Clip trên lan rộng trên mạng sẽ gây ảnh hưởng đến rất nhiều đến tâm lý của các bạn cùng lứa khác, như ngại giao tiếp. Rồi lo lắng bản thân cũng có nguy cơ bị hành hung như vậy.

Từ Quỳnh Trang, học sinh lớp 12, chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Hạ Long: "Em cũng thấy xấu hổ"

Em cảm thấy rất buồn khi clip “nữ sinh bị đánh hội đồng” được đăng tải cả trên kênh 14 lại là các bạn trẻ của Quảng Ninh.

Chắc rằng, các bạn ở nhiều nơi khác xem xong sẽ có suy nghĩ không hay về giới trẻ ở Quảng Ninh. Và điều này khiến cho em cũng thấy xấu hổ.

Theo những hình ảnh trong clip, em thấy bạn Nhâm thật đáng thương vì đã bị nhóm nữ sinh kia làm nhục. Mặc dù, bạn cũng có hành động đánh bạn Hà (cho là người chỉ điểm mình cho nhóm người của Yến đến đánh). Tuy nhiên, đó cũng có thể là bản năng khi thấy mình bị làm nhục.

Qua vụ việc này, em thấy nhóm bạn của Yến, ngoài việc cần phải được giáo dục vể nhận thức để hiểu mức độ nguy hại mình đã gây ra cho người khác thì cũng cần phải có những hình phạt nghiêm khắc để kiểm điểm bản thân.

Anh Nguyễn Thế Phương, Bí thư đoàn Trường THPT Lê Thánh Tông: Giáo dục kỹ năng

Nhâm thật đáng thương, vì mới chỉ là một cô gái non trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường mà phải đối mặt với áp lực dư luận lớn.

Mặc dù, gia đình em không muốn cơ quan điều tra khởi tố, giữa các bên sẽ tự thu xếp và không đâm đơn kiện tụng; nhưng hành vi của nhóm Yến có dấu hiệu phạm vào tội, dùng hung khí cố ý gây thương tích và làm nhục người khác. Nhóm này đều là những sinh viên trường CĐ, ĐH nên cần được xử lý nghiêm để răn đe các hành vi tương tự.

Sự việc đặt ra cho ngành giáo dục, Đoàn Thanh niên và các tổ chức xã hội khác cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục kỹ năng, cách ứng xử văn hóa của giới trẻ hiện nay.

Cô Nguyễn Thị Châm, giáo viên Trường THPT Chuyên Hạ Long: Trào lưu xấu đang lan nhanh

Nhóm bạn đánh nhau là hành vi trả đũa. Mức độ nghiêm trọng trong hành vi đánh người của nhóm bạn Yến cũng như giới trẻ hiện nay bị ảnh hưởng quá nhiều từ những luồng thông tin không được kiểm soát.

Có thể, Yến bị ảnh hưởng từ những hình ảnh các nữ sinh đánh bạn gần đây, được loan rất nhiều, như vụ nhóm nữ sinh đánh nhau ở một trường học ở Hà Nội, rồi Nghệ An, Thanh Hóa... Ngay cả hành vi của kẻ đã tung lên mạng, có thể là do bắt chước những video clip khác. Tất cả trở thành những trào lưu xấu lan truyền trong giới trẻ.

Trước những sự việc trên, gia đình cần phải phối hợp chặt chẽ với nhà trường và đoàn thanh niên để có cách giáo dục tốt nhất, giúp các em vượt qua những thói hư tật xấu, những cám dỗ đời thường.

  • Thiên Anh (Thực hiện)

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

nguyễn yến trang, hạ long, 22:11, 30/10/2010

Cũng là một học sinh như các bạn tôi thấy thật thật vọng về tuổi teen bây giờ.

Thật không thể tha thứ cho những hành vi côn đồ đó. Việc đưa ra pháp luật xử lý vụ việc này là hoàn toàn đúng. Giới trẻ bây giờ dùng bạo lực để thanh toán nhau, một hành động nực cười và đáng xấu hổ.

Bây giờ đang là thế kỷ bao nhiêu rồi các bạn, sao không dùng tri óc mà đánh gục nhau. Ai mạnh ai yếu biết ngay mà, để nói dùng vũ lực mà lại 5 người đánh 1 thì cũng chẳng có gì đáng oai đáng khâm phục cả.

Người ta hơn nhau ở cái đầu mới đáng phải ghanh ghét chứ chỉ vì 1 xích mích nhỏ trong chuyện tình cảm vớ vẩn mà cũng đem ra thù oán. Thật xấu hổ. Là phụ nữ không có sức mạnh thì dùng trí óc mà đạp đổ nhau. Đừng cậy đông mà ức hiếp 1 người.

Các bạn không lấy lại được gì tốt đẹp sau nhữnggì các bạn vừa gây ra đâu.

Ngọc Lan, Hạ Long, 20:44, 30/10/2010

Không thể vì một con sâu làm rầu nồi canh được.

Trước tiên gia đình hãy có ý thức giáo dục lại con trẻ của mình. Sự nuông chiều quá mức đã ngày càng làm hư hỏng 1 thế hệ trẻ tương lai. Bây giờ đi học mà học sinh sử dụng điện thoại còn hơn cả sinh viên. Không thể hiểu nổi nữa?

Kim, Quanh Ninh, 11:45, 30/10/2010

Đã từng vụ đánh hội đồng ở Hà Nội xảy ra mà không được xử lý nghiêm nên tôi nghĩ đã không răn đe được những trường hợp khác.

Hãy cho các đối tượng đó vào trung tâm giáo dục thường xuyên ở để họ được giáo dục khi bố mẹ không quan tâm.

TRần Quang, 22:52, 29/10/2010

Mấy cô học sinh này còn trẻ tuổi mà quá độc ác.

Chẳng những đánh bạn mà còn làm nhục bạn chỉ vì ghen tuông. Thử hỏi giờ các cô này còn vậy, sau này lập gia đình rồi thì sẽ ác hơn nữa. Xem clip thấy rằng nếu là con người ai cũng đối với nhau như vậy thì còn gì là tình nhân ái, đồng loại.

Hành vi của các cô gái này chẳng khác gì loài cầm thú. Cần phải mời phụ huynh của các cô gái này để hỏi xem họ đã giáo dục con mình thế nào mà để các em hành xử như vậy.

Là một phụ huynh tôi thật sự thấy lo sợ cho các con của mình. Nhỡ ra đường gặp phải những kẻ độc ác như vậy thì các con sẽ ra sau. Phải chăng đã đến lúc cần xử lý thật nghiêm khắc những kẻ độc ác, cũng như ta cần cắt bỏ tế bào ung thư, nếu để nó thì sẽ gây hại cho sức khỏe của mình.

Xin đừng nương tay, bởi có nhiều vụ bạo hành trong học sinh rồi và có xử lý rồi, nhưng vẫn tiếp tục xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Nếu cứ để các vụ này đi vào quên lãng, thì hỡi ơi những người hiền lành sẽ ăn ngủ không yên vì lúc nào cũng lo sợ cho các con của mình.

Xin đài truyền hình Việt Nam hãy tường thuật trực tiếp việc xử lý những vụ đánh nhau nghiêm trọng gần đây cho cả nước xem và nhà trường cũng nên mở cho tất cả học sinh cả nước xem . Bởi đạo đức của các đối tượng này quá xuống cấp, không nên bao che cho bọn chúng nữa.

CuongNguyen, Quảng Ninh, 13:36, 29/10/2010

Đây là vấn đề chung của giới trẻ hiện nay,chứ không phải của riêng Quảng Ninh.

Trước vụ việc này đã có rất nhiều clip đánh nhau của nữ sinh Hà Nội, nhưng có ai nói là xấu hổ hay hi vọng những nữ sinh đó không phải là người Hà Nội.

Tôi nghĩ những clip được tung lên mạng trong thời gian qua chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi.

Quan trọng là sau những sự việc trên chúng ta rút ra được bài học gì và có cách nào để không xảy ra những hiện tượng trên nữa.

Ở bất cứ đâu, bất cứ lứa tuổi nào. Giới trẻ ngày nay đang đánh mất dần đạo đức trong lối sống, nhưng lỗi thật sự là do ai, gia đình, nhà trường hay xã hội?

Hồ Viết Sĩ, 64/15 lê lai P3 tp Vũng Tàu, 13:03, 29/10/2010

Việc xảy ra như vậy mình nghĩ thời đại nào cũng có thể có.

Nhưng xảy ra ở lứa tuổi học sinh như vậy phải chăng do ảnh hưởng của thông tin xấu trên mạng làm ảnh hưởng đến tâm lý của những người quá tự ti.

Việc tìm hiểu xem khi làm vậy thì mấy em đó nghĩ gì? Tâm trạng lúc đó ra sao lại có những hành động vậy là cần thiết hơn.

Mình nghĩ yếu tố truyền thông tin cực nhanh trên mạng đã đưa một số cá nhân làm đề tài chung, khoan hãy đánh giá "giới trẻ" một cách vơ đũa như vậy.

Bùi Tuấn Anh, VT, 10:54, 29/10/2010

Năm tôi học lớp 7 (hệ cũ), tôi chuyển trường ra học tại Trường PT cấp 2 Tiền phong - Thị xã Hải Dương (nay là TP Hải Dương, Tỉnh Hải Hưng).

Học trò nhà quê ra tỉnh lại học giỏi, chăm chỉ, hăng hái phát biểu nên bị bạn Điệp, bạn Ngọc và một vài bạn nữa đánh.

Tôi lao vào đánh lại. Đánh cho bạn Điệp phải lùi sát một ao bèo. Nếu tôi đánh nữa, chắc chắn bạn ấy sẽ lộn phèo xuống ao.

Nhưng tôi đã dừng lại. Lúc tôi quay lại lấy cặp sách đã bị bạn Ngọc song phi lén. Tôi quặn bụng lại. Việc đến tai nhà trường. Các bạn đó bị kiểm điểm. Tôi bỏ qua cho các bạn.

Sau đó, chúng tôi chơi với nhau bình thường, và thân mật hơn trước.
Nên chăng, không nên đẩy sự việc đi quá xa. Có thể dẫn tới hệ lụy không lường trước được.

Tuổi trẻ có những lúc bốc đồng. Sau này nhìn lại, lại cười với nhau ngay.
Nếu bạn Điệp, bạn Ngọc... lớp 7B trường Tiền Phong (Hải dương 1978) mà vô tình đọc được mail lại : vanthuminh@gmail.com nhé.

hnhpsl, 10:16, 29/10/2010

Học sinh bây giờ, ở đâu cũng vậy.

Đều có vấn đề gì là lại đánh nhau, chém nhau cũng chỉ vì những lí do vô cùng đơn giản.

Ho Quoc Lap, Dak Song - Dak Nong, 09:18, 29/10/2010

Đạo đức học đường đã xuống cấp trầm trọng và kéo dài theo nhiều năm cho đến nay. Hầu hết chúng ta đều đổ lỗi cho là do cơ chế thị trường!?

Điều này đúng hay sai tôi không dám bình luận. Nhưng tôi có vài ý kiến sau:

1- Suốt một thời gian dài ngành giáo dục, nhất là cấp vĩ mô chỉ chú trọng đến "đổi mới", "cải cách" giáo dục theo hướng kiến thức khoa học để ngang bằng các nước phát triển.

Quên mất về vấn đề giáo dục nhân cách cho học sinh, nhất là giáo dục nhân cách cho cấp học mầm non, tiểu học.

2- Ngành giáo dục có thể nói buông lỏng việc giáo dục nhân cách cho học sinh, mà xem như giáo dục nhân cách là của gia đình, xã hội. Đây là quan điểm vô trách nhiệm với giới trẻ.

3- Đời sống kinh tế xã hội phát triển kéo theo một bộ phận không nhỏ học sinh đua đòi, chỉ chú trọng đến vật chất và dục vọng sống.

Trần anh Vũ, Hạ Long_Quảng Ninh, 08:20, 29/10/2010

Tôi hoàn toàn không bất ngờ hiện tượng xấu của một số không nhỏ thanh niên Quảng Ninh.

Tôi nghĩ cấn phải mạnh tay hơn với những hiện tượng trên.

Gia đình, Công An, Nhà trường là nơi cần phải nghiêm túc nhận trách nhiệm trước xã hội.

vimaru, HaiPhong, 08:00, 29/10/2010

Rõ ràng đây là một vấn đề nhức nhối của xã hội nhưng không đến nỗi là khủng hoảng đạo đức như một số người nói và cũng không nên đổ lỗi quá nhiều cho giới trẻ hiện nay.

Tình trạng này không phải ngày nay mới có mà nó đã tồn tại trong giới học đường từ bao giờ tôi cũng chẳng rõ nhưng chắc chắn là từ rất rất lâu rồi.

Ai đã từng qua thời học sinh mà chẳng va vấp hoặc chứng kiến cảnh học sinh đánh nhau.

Ngày nay tại sao lại xuất hiện nhiều Clip kiểu như này trên mạng? Do học sinh mình đánh nhau nhiều hơn? côn đồ hơn?

Theo cá nhân tôi, tôi dám khẳng định: Học sinh mình vẫn vậy, vẫn có rất nhiều em ngoan, hiền và học giỏi.

Sự xuất hiện của những clip loại này chẳng qua chỉ là hệ quả của sự phát triển của công nghệ mà thôi, những chiếc điên thoại, máy ảnh số đã trở lên quá phổ biến cộng với những suy nghĩ chưa thật chín chắn thế là ta đã có sản phẩm là những clip như vậy.

Và theo tôi, chúng ta cũng không nên quá hoang mang về vấn đề này, còn nhiều vấn đề khác nhức nhối hơn rất nhiều cần tất cả mọi người chung tay giúp sức.

Xã hội nào cũng vậy, cũng có kẻ tốt, người xấu. Vấn đề là làm thế nào để người tốt nhiều hơn mà thôi.

Đó là nhiệm vụ của những người làm nghề "trồng người ", bố mẹ, thầy cô giáo.

Gia đình là tế bào xã hội vì vậy mỗi ông bố, bà mẹ hãy hoàn thành thật tốt nghĩa vụ của mình đi thay vì gọi đó là " khủng hoảng đạo đức" ( nói thật, nghe cụm từ này tôi thấy rởn cả tóc gáy ), rồi cậy nhờ chính quyền vào cuộc.

nguyen thang, Quang Ninh, Ha Noi, 01:54, 29/10/2010

Tôi cũng có quan điểm như các bạn, hiện tượng các nữ sinh đánh nhau trên toàn quốc có quá nhiều rồi.

Nhưng tôi xin nói chỉ có Quang Ninh là tỉnh đầu tiên đưa ra Truy tố để làm gương.

Nguyễn Kim, Quảng Ninh, 22:58, 28/10/2010

Phần tiêu đề của bài báo tôi hi vọng nên sửa lại.

Xin hỏi tác giả bài báo là anh vô tình hay cố ý viết như vậy. Qua tiêu đề này tôi thấy tác giả dường như có ý vơ đũa cả nắm.

Nếu như tác giả trích dẫn từ "Chắc rằng, các bạn ở nhiều nơi khác xem xong sẽ có suy nghĩ không hay về giới trẻ ở Quảng Ninh.

Và điều này khiến cho em cũng thấy xấu hổ" thì tôi không hiểu tác giả có đọc kỹ không hay chỉ là hời hợt viết cho có.

Hai câu có nội dung cách biệt hoàn toàn.

Vũ Thị Luyến, Khoa Ngữ Văn , ĐH Vinh, 22:32, 28/10/2010

Mình là người con của Quảng Ninh nhưng hiện đang đi học xa nhà!

Thật sự sau khi xem xong đoạn clip đó mình cũng thấy thật sự xấu hổ cho lớp trẻ tỉnh nhà quá!!!.

Mình học trực tuyến nhiều bạn hỏi quê ở đâu? Mình bảo ở Quảng Ninh thì các bạn ấy nhìn mình kì lắm, bảo con gái Quảng Ninh "không hiền",...

Thật đáng buồn thay!!!

Biết bao vụ bạo lực học đường xảy ra cứ tưởng tỉnh mình không có giờ lại có rồi!!!

Vấn đề này nan giải quá!!

Hy vọng các tổ chức có thẩm quyền sẽ đề ra được những biện pháp tối ưu nhằm hạn chế sự gia tăng của nạn này!!

Hà Thị Thu Hiền, Thanh Hoa, 21:22, 28/10/2010

Tôi cũng có con gái, cứ nghĩ đến những chuyện ấy mà tôi lo cho nó về sau quá.

Không hiẻu các cô, cậu học trò bây giờ nghĩ gì nữa.

nguyenvantuan, hiep hoa bac giang, 18:29, 28/10/2010

Từ trước tới nay chỉ có con trai đánh nhau chứ con gái đánh nhau thi hơi hiếm.

Thuấn Phạm, TP HCM, 15:54, 28/10/2010

Câu nói của người xưa vẫn còn đúng: thượng bất chính, hạ tất loạn.

Người lớn mà không nghiêm chỉnh, không chế tiết hành vị theo đạo đức thì làm sao dạy dỗ con cái.

Chúng ta, những người lớn, không muốn thấy cảnh con trẻ bạo lực, sống tha hoá tình dục, ... sớm nhưng chúng ta có biết kiềm chế bản thân chúng ta chưa?

Hay ngay trong hiện tại, chúng ta có chế tiết hành động chưa? Chúng ta có quan tâm đúng mức đến hành động của mình và hướng cho trẻ em biết thế nào là đúng sai, ít nhất nhìn vào hành động của người lớn mà học hỏi theo...

Mỗi người hãy tự mình hoàn thiện mình và giúp đỡ những ai liên quan đến mình có 1 đời sống tốt đẹp, mỗi người cố gắng thì xã hội sẽ tốt hơn. Tôi hy vọng và tin tưởng như vậy. Bản thân tôi đang cố gắng.

nhóc ngok, hải dương, 13:52, 28/10/2010

Nói thật, đối với nam giới đánh nhau là 1 hành động không thể chấp nhận được huống hồ lại là những nữ sinh.

Tôi thật sự thấy đáng lo cho 1 số thành phần học sinh sinh viên thời nay.

Còn đâu là những nhân tài cho đất nước. Chúng ta được đi học, đc đến trường để học những điều hay lẽ phải chứ đâu phải để học nhau trở thành côn đồ.

Tôi hi vọng trong các nhà trường thường xuyên tổ chức những buổi học về đạo đức làm người. Điều đó không bao giờ là thừa! Không nên để tình trạng như trên kéo dài mãi.

Nguyễn Phước, 13:38, 28/10/2010

Khủng hoảng đạo đức. Đây đích thị là khủng hoảng đạo đức, không phải là báo động, mà nó đã xảy ra rồi, xâu kết lại những sự việc đã diễn ra trong vài năm nay, chúng ta, những người lớn cần phải có những hành động thiết thực để vượt qua khủng hoảng này.

tuổi trẻ là tương lai đất nước, không thể để những sự việc này tiếp tục gia tăng với mức độ & tần suất ngày càng cao như thời gian vừa qua.

Những gì được đăng tải qua internet phải được nhận thức là phần nổi của tảng băng. Hàng ngàn vụ việc khác không được phơi bày.

Chính quyền cần quan tâm đúng mức tầm quan trọng của sự khủng hoảng này, đặt ưu tiên giải quyết lên hàng đầu.

tran hoang ha thy, thai nguyen, 13:33, 28/10/2010

Ngay sau khi bị đánh xong, Nhâm đã đi tìm ngay kẻ chỉ điểm mình để đánh dằn mặt. Tôi thấy sợ sự vô cảm của em quá, em mới học lớp 11, vẫn sống trong vòng tay cha mẹ gia đình mà em đã vô cảm vậy , em cư xử giống như những người đã đánh em trước đó mà không mảy may suy nghĩ gì sao?
Tôi thấy công an đã điều tra thì phải điều tra cả việc em Nhâm đánh người khác nữa vì em chắc chỉ quên không bảo bạn quay lại hay có quay lại cảnh em đi đánh người khác mà chưa đưa lên mạng thôi
Các em hãy tự hỏi, đã bao giờ những người sinh thành ra các em đánh các em hay không mà sao các em không thấy đau xót bản thân của chính mình vậy.Chẳng nhẽ bố mẹ bôn ba làm ăn nuôi các em mà các em trả lại cho bố mẹ sự vô cảm như vậy sao?

Đức Phong, Hạ Long, 13:29, 28/10/2010

Đây không phải là trường hợp duy nhất và hiếm gặp. Ngày nay, Nhà nước và xã hội đã bỏ qua khâu giáo giục đạo đức cho học sinh, không có 1 hướng đi cụ thể để thế hệ trẻ có 1 thế giới quan trong sáng lành mạnh... Người lớn cũng chẳng mấy ai tốt đẹp để làm gương cho lớp trẻ. Tất cả chỉ là hình thức, cái nội tại bên trong đang là 1 mầm bênh ung thư rồi sẽ bùng phát.

Nguyễn Hoa, Quang Ninh, 13:10, 28/10/2010

Giới trẻ của lứa tuổi 9X bây giờ ngày càng có những hành động không đẹp, có những cách cư xử không phải là kém giáo dục nữa mà là rất vô giáo dục. Càng tự hào về những người trẻ Việt Nam đã và đang cống hiến tri thức và việc làm có ích cho xã hội bao nhiêu thì càng thất vọng bấy nhiêu về 1 bộ phận những người trẻ còn lại.

Phải chăng khi thế hệ các em càng đầy đủ, càng sung sướng thì lại càng có những hành động không giống ai để chứng tỏ mình mà không biết rằng đó là những hành động đáng chê trách, đáng xấu hổ chứ không 1 chút gì đáng để tự hào?

Gia đình, nhà trường và xã hội đang sản sinh ra những con người / công dân kiểu gì cho tương lai đây?

lý a so, đồng mỏ- mông dương, cẩm phả, QN, 11:19, 28/10/2010

theo tôi đây chỉ là chén nước đã đầy cần phải vơi ra mà thôi. Thực tế còn có rất rất nhiều tình trạng như trên. Theo tôi các bậc phụ huynh và nhà trường cần phải quan tâm sát sao đến các em hơn, không để các em rơi vào tình cảnh như thế. Bát nước đã đổ đi sao còn hứng lại được nữa.

phuonganh, 11:14, 28/10/2010

Có lẽ, theo tôi, gia đình nên là nền tảng không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc như thế này nữa.

Quỳnh Anh, Hà Nội, 09:25, 28/10/2010

Theo tôi tỉnh Quảng Ninh cần phải nhìn nhận vấn đề này 1 cách toàn diện hơn vì đây là hậu quả của môi trường sống bị ô nhiễm nặng cả thời gian dài qua và hiện nay.

ha thu, Hà Nội, 09:24, 28/10/2010

Tôi thấy tình trạng nữ sinh hiện nay cứ nhìn thấy nhau là ghen ghét, muốn gây sự để nói xấu hoặc đánh nhau, tôi nghĩ một phần do đồng phục của các em nữ sinh trung học bây giờ gần giống đồng phục của công nhân, chẳng thấy có chút nữ tính gì cả, nên chăng bộ giáo dục nghiên cứu bắt buộc nữ sinh trung học phải mặc đồng phục áo dài đến trường, phần nào hạn chế được tính hung hăng của các nữ sinh biến thái.

NC Đức, Nam Định, 09:04, 28/10/2010

Ngoài những hệ lụy của sự việc đáng xấu hổ này đem lại, tôi chỉ thắc mắc trách nhiệm, vai trò của người quay clip này là gì? Đáng lẽ họ cần"bỏ máy, can người", chứ không nên "tác nghiệp" như vậy. Tại sao cơ quan chức năng không tính đến đối tượng này?

Dương Thị Lý, Hà Nội, 09:03, 28/10/2010

Tôi là một người sinh ra tại đất Quảng Ninh, tôi từng là học sinh tại Quảng Ninh, tôi lớn lên trong sự chăm sóc và dạy dỗ của cha mẹ, thày cô giáo và cả những người thân tại Quảng Ninh.

Thật sự tôi rất xấu hổ khi biết tin nữ sinh mới học lớp 11 mà đã đánh nhau chỉ vì yêu cùng một bạn trai. Tôi không thể tưởng tượng nổi danh dự và nhân phẩm của các cháu học sinh nữ có không mà phải làm như vậy.

Theo dõi câu chuyện tôi thấy thực sự cả cháu Nhâm và các nữ sinh đánh cháu đều rất hư. Không biết cha mẹ các cháu mải lo kiếm tiền để làm gì mà không quan tâm dạy dỗ con gái mình. Tôi hy vọng các nữ sinh kia và gia đình của họ từ nơi khác về sinh sống tại Quảng Ninh, chứ những người Quảng Ninh và nhất là con gái Quảng Ninh đâu có những hành vi như vậy

Nguyen Thanh, Dak Lak, 08:08, 28/10/2010

toi thay chuyen nay la khong nen, co gi xich mich noi chuyen la duoc roi

Các tin khác