221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1237293
Nở rộ phụ huynh sắm máy tính cho trường học?
1
Article
null
Đà Nẵng:
Nở rộ phụ huynh sắm máy tính cho trường học?
,

 Sau khi VietNamNet đăng tin “Đà Nẵng: Nhiều trường phải trả lại các khoản tự nguyện”, rất nhiều bạn đọc đã bày tỏ đồng tình với hướng xử lý của Sở GD-ĐT Đà Nẵng trước nạn “loạn thu” đầu năm học mới 2009-2010.

 

Nhiều phụ huynh (PH) cũng phản ảnh thêm, việc vận động mua máy tính, màn hình LCD dường như đang trở thành phong trào trong nhiều trường học. 

Lạm thu tràn lan và nỗi bức xúc của phụ huynh 

 

hc1.jpg

Con em hớn hở vào năm học mới nhưng phụ huynh thì lo sốt vó với những khoản phải nộp, trong đó có những khoản lạm thu trái quy định ở các trường. Ảnh: HC

 

Không riêng các lớp 1/3, 1/4 và 1/5 của Trường Tiểu học Trần Cao Vân, tại Trường THCS Nguyễn Huệ, anh Lê T., có con học lớp 6  cũng cho biết, nhà trường cũng thu 300.000 đồng mỗi em để mua máy tính xách tay, đèn chiếu cho giáo viên giảng dạy giáo án điện tử.

 

Tương tự, chị N.T.T.H. có con học Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hải Châu) băn khoăn: Tôi nghĩ, việc dạy giáo án điện tử là trách nhiệm của nhà trường, sao lại buộc PH phải đóng tiền? Chưa kể, số thiết bị đó sau khi kết thúc năm học sẽ thuộc về nhà trường hay thuộc sở hữu riêng của giáo viên?”.

 

Chị Lê Thị H. có con học lớp 2/1 Trường Tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu) cho biết, đầu năm học, Ban đại diện Hội PH của lớp cũng thông báo mỗi người nộp 600.000 đồng mua máy vi tính xách tay và màn hình 42 inch.

 

Cũng tại trường này, Ban đại diện Hội đã “vận động” 50 người đóng góp hơn 20 triệu đồng mua 2 máy lạnh lắp đặt cho lớp và hàng tháng phải “ôm” luôn tiền điện!

 

Việc “vận động mua sắm máy tính, màn hình LCD” cũng đang lan sang nhiều trường mầm non.

 

Chị Nguyễn Thị L. ở phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) cho biết, đầu năm học , cô hiệu trưởng Trường Mầm non 19/5 thông báo cuối tháng 9, trường sẽ tiến hành trang bị tivi LCD cho tất cả các lớp và kinh phí là do PH đóng góp.

 

Chị phản ảnh thêm, tiền ăn 23.000 đồng/ngày song các cháu chỉ được ăn 19.000 đồng, còn 4.000 đồng là tiền dịch vụ bán trú.

 

 “Nếu đây là khoản thu hợp lý thì tôi đề nghị Sở GD ĐT Đà Nẵng phải đưa thẳng vào khoản thu học phí chứ không nên để nhà trường nhập nhằng giữa tiền ăn của các cháu và tiền dịch vụ bán trú" – chị Nguyễn Thị L. kiến nghị.

 

Cũng có con học ở Trường Mầm non 19/5, chị Nguyễn Hồng A. liệt kê các khoản "đóng góp tự nguyện" như: tiền bắt hệ thống nước để các cháu rửa tay, tiền giường nằm (chính xác hơn là cái võng, không tốt cho cột sống của các cháu nhỏ - 385.000 đồng/cái), tiền quét dọn vệ sinh (10.000 đồng/tháng/cháu).

 

“Chân dung” ban đại diện phụ huynh


Ông Phan Chánh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Cao Vân thừa nhận việc ban đại diện Hội PH các lớp 1/3, 1/4 và 1/5 vận động PH đóng tiền mua thiết bị phục vụ giảng dạy giáo án điện tử là có thật.

 

Tuy nhiên ông cho rằng, việc làm này do PH tự tổ chức vì họ muốn con em được học hành trong điều kiện tốt chứ nhà trường không yêu cầu. Hiệu trưởng của nhiều trường học khác cũng khẳng định như vậy.

 

Mô tả ảnh.

Học sinh Trường Tiểu học Phù Đổng giờ tan học. Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã kết luận ở trường này có tình trạng "vận động" nhưng thực chất là ép buộc phụ huynh đóng góp mua sắm máy vi tính, máy lạnh... cho các lớp. Ảnh: Ngọc Đoan

Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị H., giáo viên một trường tiểu học ở quận Hải Châu vừa về hưu cho biết: “Không ít trường hợp, ban đại diện hội PH trở thành nơi để “hợp thức hoá” cho mọi khoản thu trái quy định, và là nơi để lãnh đạo nhà trường hoặc giáo viên trút trách nhiệm mỗi khi những việc làm sai trái đó bị phát hiện!”.

 

Cô phân tích, ban đại diện PH, nhất là vị trưởng ban, thường không phải do PH học sinh bầu lên mà do… giáo viên chủ nhiệm “chấm chọn” rồi giới thiệu ra cuộc họp PH đầu năm để thông qua. Đây thường là những vị có “máu mặt”, gia đình khá giả, hoặc có địa vị xã hội.

 

Vị đại diện hội PH là nơi giáo viên “gửi gắm” những gợi ý của mình hoặc nhà trường (vốn khó công khai với cả tập thể PH).

 

Sau đó, vị đại diện sẽ “truyền đạt” cho PH trong lớp theo kiểu “đã được ban đại diện bàn bạc, nhất trí”, kèm theo là những “phân tích” cho thấy việc đóng góp như vậy rất cần thiết.

 

Ngược lại, con em của vị đại diện Hội PH đó sẽ nhận được sự ưu ái đáng kể của giáo viên.

 

Chị Nguyễn Hồng A. có con học Trường Mầm non 19/5 cũng bức xúc: “Liệu các khoản đóng góp "tự nguyện" có đúng theo nghĩa vốn có của nó khi mà ban đại diện PH (sau khi họp với giáo viên) đã đưa ra sẵn mức nộp và chỉ có mỗi việc là thông báo lại toàn thể PH trong lớp biết mà thực hiện?”. 


"Việc có ban đại diện hội PH để đảm bảo làm cầu nối giữa giáo viên với tập thể PH của lớp, giữa nhà trường với gia đình HS trong công tác giáo dục là rất cần thiết. Tiếc là vấn đề này chưa được lãnh đạo ngành giáo dục quan tâm đúng mức!” – cô Nguyễn Thị H. cho hay.

 

Vì cái chung, chứ không có biểu hiện... tư túi?

 

Chiều 24/9, Giám đốc Sở GD - ĐT Đà Nẵng Huỳnh Văn Hoa cho hay, việc kiểm tra tại 28 trường vừa rồi chỉ mới là đợt 1, chủ yếu tập trung ở các quận Hải Châu và Thanh Khê.

 

Đoàn kiểm tra của Sở còn tiếp tục làm đợt 2 và hiện đang tiến hành kiểm tra các trường trên địa bàn quận Sơn Trà.

 

Theo ông Hoa, quan điểm của lãnh đạo Sở GD-ĐT Đà Nẵng là phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp thu trái quy định trong trường học.

 

Tuy nhiên Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng cho biết, sự “nghiêm khắc” đó cũng chỉ có thể dừng ở mức góp ý, phê bình… vì lãnh đạo các trường này cũng chỉ vì cái chung chứ không có biểu hiện tư túi.

 

Ông Huỳnh Văn Hoa nói: “Nếu con anh ngồi học ở tầng 3 giữa mùa hè nắng đổ lửa, anh có sẵn lòng đóng góp thêm vài chục ngàn mua mấy tấm rèm trúc che cửa sổ cho phòng học bớt nóng? Tôi cho rằng khoản đóng góp đó là hợp lý, nhưng nó lại “trái” vì không nằm trong danh mục quy định được thu trong trường học. Do vậy cũng cần nhìn nhận vấn đề ở cả hai chiều để có sự thông cảm với nhà trường!”.

 

Về việc thành lập ban đại diện hội PH tại các trường, ông Huỳnh Văn Hoa cho rằng đây là vấn đề mang tính tự nguyện của PH nên ngành giáo dục không thể đưa ra quy định nào cụ thể.

 

Tuy nhiên, ông Hoa phủ nhận việc sự lựa chọn những người có "máu mặt" làm đại diện hội PH như  cô Nguyễn Thị H nói: vì hầu hết PH ngại tham gia ban đại diện, chỉ riêng việc đi thu tiền đóng góp cũng đủ cực khổ. Giáo viên phải năn nỉ hết lời mới có người chịu nhận làm, nên nói rằng giữa họ có mối quan hệ qua lại có lợi với nhau là không thực tế...

  • Hải Châu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
stats_src.replace("_referrer_", r));