221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1133857
Dạy và học nghề phổ thông, "phao cứu sinh" kẻ lười
1
Article
null
Dạy và học nghề phổ thông, 'phao cứu sinh' kẻ lười
,

 - Bộ GD - ĐT vừa ban hành văn bản hướng dẫn việc tổ chức thi và cấp giấy chứng nhận nghề phổ thông (NPT) năm học 2008-2009. Điều đó có nghĩa là vấn đề dạy và học NPT vẫn được coi trọng. Thực tế, việc này lại chỉ thực sự cần thiết cho người dạy và người học với ý nghĩa  “phao cứu sinh”.

"Phao cứu sinh" nguồn thu

Học sinh có giấy chứng nhận NPT được cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Phạm Hải

Theo quy định, việc dạy NPT cho HS do các trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề (viết tắt: TT) cấp huyện phụ trách. Nhưng hiện nay, tỉ lệ TT cấp huyện đạt chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu dạy và học nghề còn quá ít. Đội ngũ giáo viên thì càng đáng lo ngại cả về số lượng lẫn chất lượng. Có anh là giáo viên văn được điều động sang làm giám đốc TT rồi dạy nghề luôn. Nội dung chương trình thì tụt hậu. Có phụ huynh xem tập học nghề nuôi trồng thủy sản của con xong, nói: “Nếu áp dụng kiến thức này vào thực tế thì đầm tôm của cha trắng đáy”.

Trách nhiệm của các TT là hướng nghiệp, dạy nghề cho cả cộng đồng chứ không phải riêng cho HS ở trường trung học. Nhưng hiện nay, có rất ít người không phải là HS  theo học ở các TT vì thực tế là sau khi học nghề ở đây xong thì không thể hành nghề được, chỉ trừ mỗi chuyện là học và thi ở đây để có bằng A, B tin học; còn liên kết với doanh nghiệp để đào tạo nghề cho công nhân là chuyện cực hiếm.

Cho nên, đối tượng chủ yếu của các TT chính là học sinh đang học ở trường trung học.  Bây giờ nếu các em không còn có nhu cầu học NPT thì các TT sẽ có rất nhiều thời gian nhàn rỗi, và đương nhiên, cũng mất đi một khoản thu nhập không nhỏ.

"Phao cứu sinh" điểm tốt nghiệp

Với HS, giấy chứng nhận NPT thực sự là “ phao cứu sinh”, giúp các em vượt qua các kỳ thi tốt nghiệp. Không chỉ là những HS có học lực yếu hoặc trung bình mà cả HS khá giỏi cũng vậy. Cha mẹ bỏ ra một khoản tiền không phải nhỏ (học phí, mua vật liệu thực hành, lệ phí thi...) để con mình học NPT không có lý do nào khác ngoài chuyện “kiếm trước một vài điểm ăn chắc” cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.

Các trường động viên HS học NPT cũng không ngoài mục đích là sẽ có thêm nhiều HS tốt nghiệp nhờ vào việc cộng điểm khuyến khích do có chứng chỉ nghề phổ thông, và nhờ vậy, tỉ lệ HS tốt nghiệp cũng cao hơn.

Nếu các em có “nghề” thực sự sau khi học NPT thì cũng có thể chấp nhận được. Đằng này, sau khi thi xong, được cấp giấy chứng nhận rồi thì hầu như quên sạch.

Một HS lớp 8 học NPT ngành điện (điện nhà thôi), lên lớp 9 hỏi về nguyên lý mắc mạch song song, không trả lời được. Một HS lớp 11, con chủ cửa hàng vàng bạc đá quý học về trồng lúa, có giấy chứng nhận NPT loại giỏi hẳn hoi mà chưa một lần bước chân xuống ruộng, không phân biệt được đâu là lúa, đâu là cỏ.

Dạy "chay", học "chay"

TT liên kết với các trường trung học và cử giáo viên xuống tận trường để dạy. Điều này hợp lý ở chỗ HS khỏi phải đi lại, địa bàn rộng, nhất là ở nông thôn dàn trải, cơ sở vật chất, đội ngũ của các trung tâm lại không bảo đảm trong khi số HS đăng ký hằng năm ở mỗi huyện có đến hàng vài ngàn.

Nhưng chính cách tổ chức này lại nảy sinh nhiều bất hợp lý: Thường thì ban lãnh đạo TT và ban giám hiệu nhà trường sở tại khoán trắng cho giáo viên dạy nghề từ nội dung chương trình, thời khóa biểu (học ngoài giờ chính khóa) đến việc tổ chức dạy và học. Giáo viên đến các điểm trường như chạy "sô".

Và vì dạy tại trường phổ thông nên thiết bị phục vụ cho việc dạy - học NPT là con số 0. Điều đó bắt buộc thầy phải dạy "chay" và trò phải học "chay" (trừ trường hợp học nghề điện thì HS tự mua một số thiết bị cần thiết).

Một bất hợp lý nữa là HS không thể học nghề mà mình thích mà phải học thầy dạy. Có trường suốt nhiều năm chỉ cho HS  học 2 nghề điện và trồng lúa.

Thừa hay "thiếu"?

Không có ai hành nghề được bằng tấm giấy chứng nhận NPT và chỉ một số rất ít HS tiếp tục học và làm theo nghề mà mình đã được học từ chương trình NPT.

Thiết nghĩ, HS phổ thông không nhất thiết phải có kiến thức và kỹ năng về một nghề cụ thể nào đó.

Trong chương trình giáo dục phổ thông bậc trung học có hoạt động hướng nghiệp. Đây được xem là một hoạt động chính khóa, bắt buộc và nếu thực hiện nghiêm túc đã đủ để làm công việc hướng nghiệp cho HS. Còn chuyện học nghề thì hãy để khi các em đi vào các trường nghề, các trường trung cấp, CĐ hoặc ĐH để được đào tạo bài bản và sẽ sống được bằng cái nghề mình đã học. Các TT cũng phải đổi mới phương thức hoạt động của mình để làm tròn chức năng, nhiệm vụ vốn có và không xem HS  trung học là đối tượng chính.

Cả xã hội đang kêu và Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận chương trình học phổ thông quá tải. Bộ đã phải kéo dài thời lượng, đã chỉnh lý SGK để giảm tải thì tại sao vẫn còn duy trì việc dạy và học nghề phổ thông trong các trường trung học? Với 70 tiết (THCS ) và 105 tiết (THPT), mỗi HS phải mất bao nhiêu công sức để học, rồi còn ôn tập, thi cử… đã nặng càng thêm nặng? Về mặt tài chính, đây chắc chắn là một khoản tốn kém cho gia đình và nhà nước không phải nhỏ nhưng hiệu quả đích thực của nó là gì ?

Nếu cho rằng việc dạy và học NPT trong trường trung học là do nhu cầu của HS và phụ huynh học sinh thì hãy bỏ việc cộng điểm khuyến khích do có giấy chứng nhận NPT, sẽ có câu trả lời xác thực. Khi bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS thì HS lớp 8 không còn học NPT nữa.  Phải chăng, việc cộng điểm này cũng là biểu hiện của bệnh thành tích?

Đây không chỉ là chuyện chống sự giả dối trong dạy và học với tính chất là hoạt động của thầy và trò mà nó còn là sự lựa chọn dạy cái gì và học cái gì cho có hiệu quả xã hội thực sự. Việc dạy và học NPT chỉ là cái “phao cứu sinh” cho những người lười tập bơi. Vì vậy sự tồn tại của nó cần phải xem xét lại.

  • Lê Minh Hoàng (Trường THPT Long Bình, Gò Công Tây, Tiền Giang)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;