221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1133591
Chăng đèn kết hoa ở ngọn cây giáo dục
1
Article
null
Chăng đèn kết hoa ở ngọn cây giáo dục
,

 - Trong phạm vi bài viết này phụ huynh chúng tôi thử cố phân tích cả ba môi trường cơ bản đang hoà quyện, mà thiếu một trong ba môi trường đó, chúng ta không thể chấn hưng được giáo dục. Các môi trường đó là “Nhà trường - Gia đình - Xã hội ”, môi trường nào cũng nhiều điểm đáng trách.  

 

 

Chăng đèn kết hoa ở ngọn, bỏ quên gốc 

Ảnh: Lê Anh Dũng

Vì quá mong muốn giáo dục phải thay đổi từng ngày từng giờ, mà những nhà quản lý giáo dục hiện nay quên rằng “vì lợi ích trăm năm trồng người”. Do vậy, ngành đã chọn giải pháp là chăng đèn kết hoa lên các ngọn cây, còn cái gốc thực sự thì đang bỏ quên.

 

Với các cấp học Mầm non, Tiểu học, đây là cấp học quan trọng nhất, dạy dỗ bước đi đầu đời, hình thành nhân cách chính cho trẻ.

 

Mức độ tăng dân số của nước ta hiện nay là trên 1%. Như vậy, mỗi năm chúng ta có hàng triệu trẻ em bắt đầu tới trường. Nếu trong một thành phố có khoảng một triệu dân, sẽ có bao nhiêu các cháu cần tới trường? Tôi ít thấy trên diễn đàn các nhà làm quản lý giáo dục lên tiếng nói, đòi hỏi các ban ngành chức năng, chính quyền các cấp dành nguồn lực, kinh phí xây dựng cụ thể thêm bao nhiêu trường mầm non, bao nhiêu trường tiểu học để đáp ứng nhu cầu tăng tự nhiên này?

 

Kết quả: vào đầu năm học, phụ huynh phải thức khuya dậy sớm, nhờ cậy, chạy chọt để con em mình được đi học. Còn các thầy, cô phải dạy trong các lớp học với năm sáu chục cháu và cứ đều đặn năm sau cao hơn năm trước. Thử hỏi, với tình trạng như thế làm sao chúng ta có môi trường giáo dục thân thiện được?

 

Còn có cán bộ quản lý giáo dục cấp cơ sở không hiểu được cất nhắc đề bạt như thế nào mà vụ lợi, quá quan trọng lợi ích cá nhân của mình, chỉ thích nghĩ ra nhiều khoản đóng góp “tự nguyện” và tăng cường mua sắm các thiết bị, sao cho mỗi lớp mầm non kể cả lớp “cơm thường”, “cháo nát” phải có một máy tính. Một trường mầm non dù quy mô không tới trăm cháu cũng phải mua cho được một hệ thống đèn chiếu, máy tính xách tay để hàng năm đôi, ba lần mỗi khi sử dụng phải thuê thêm một người tới lắp đặt và điều khiển. Ở bậc học khác thì tăng cường mua các sách tham khảo để “hỗ trợ” phụ huynh và học sinh mà nghe đâu sách tham khảo được chiết khấu tới 30%. Mong các nhà quản lý giáo dục đừng tiêu hao nguồn lực ít ỏi vào những việc như thế.

 

Ai cũng hiểu giáo viên bậc mầm non và tiểu học thực sự rất vất vả, nhưng mong các cô đừng đánh mất mình vì phong bì mà phụ huynh đưa cho. Nếu hiện tượng này trở thành phổ biến thì một phần trách nhiệm thuộc về ngành giáo dục. Hãy cho cộng đồng được biết thực trạng thu nhập và cách đào tạo, tuyển chọn giáo viên ở cấp học này, không nên để phụ huynh phải gửi con, cháu mình cho các thầy, cô làm việc tạm bợ theo hợp đồng thời hạn sáu tháng, với mức lương vài trăm ngàn.

 

Chủ trương các cháu tiểu học được học ngoại ngữ là rất tốt, nhưng khi đưa ra chủ trương này, ngành giáo dục đã tính đến số lượng và trình độ của đội ngũ giáo viên chưa?

 

Tôi có đứa cháu đang học lớp ba, được học tiếng Anh, nghe cháu vừa đánh vần, vừa đọc to “thít thi ơ đót" xem sách mới biết cháu muốn đọc câu “This is a Dog”, muốn sửa cháu không chịu, vì nó nói cô giáo bảo đọc như thế! Thật xót cả ruột! Nếu cứ tiếp tục như thế này, không hiểu cháu tôi sẽ học được tiếng Anh của quốc gia nào?

 

Đối với giáo dục phổ thông, các nhà quản lý giáo dục phải liên tục đưa ra các cuộc cải cách, phân ban, rồi lại nghiên cứu hiệu chỉnh sách giáo khoa, sách tham khảo, rồi lại thi trắc nghiệm hay tự luận… mà quên mất vai trò của người thầy ở cấp học này. Thầy giỏi vẫn là nhân tố quyết định nhất đối với hiệu quả giáo dục trong trường phổ thông hiện nay.

 

Các cụ ta có câu “có ân mới có uy". Hãy lo cho đời sống và điều kiện làm việc của các thầy, cô sao cho xứng đáng, khi đó tôi tin rằng cuộc sống sẽ đào thải và tạo lập cho xã hội đội ngũ thầy, cô ưu tú nhất. Và ngành giáo dục sẽ không còn phải viết đi viết lại sách giáo khoa để rồi lại phải in, phải bán, phải hiệu chỉnh…

 

Tôi đã được chứng kiến cô giáo dạy THCS của trường danh tiếng tại địa phương đang phải dỗ dành một học sinh “Em vào lớp đi, cô xin, cô lỡ lời”, cậu bé khoảng 12 tuổi trả lời thẳng thừng “Bảo ra thì ra, ai cần học”. Thấy cảnh đầy phản cảm tôi góp ý “Sao cháu trả lời cô như thế?” cậu bé độp luôn “Bận gì tới ông, ngứa mồm à?”. Sau tìm hiểu, tôi được biết cô là giáo viên dạy giỏi được tín nhiệm, theo nhu cầu của nhiều phụ huynh “quan trọng” nên nhà trường phải xếp cô dạy lớp gọi nôm na là lớp “đối ngoại ”.

 

Tôi cũng không thể hiểu được nhu cầu cấp bách tới mức độ nào mà Bộ GD-ĐT có chủ trương tới năm 2010 phải có tới 30% các trường THPT tại các thành phố lớn phải dạy toán bằng tiếng Anh? Đây là một chủ trương chưa cần và cũng không đủ. Chưa cần: Vì với khối THPT các cháu bắt đầu làm quen với các công thức, định lý, mệnh đề toán học, điểm cốt lõi là phải truyền đạt cho các cháu hiểu tính lôgic, chặt chẽ của toán học, còn truyền đạt bằng ngôn ngữ nào đâu quan trọng. Chưa đủ: Vì thầy giỏi toán nhưng để truyền đạt toán bằng tiếng Anh lại là chuyện khác, ngược lại phần đông học sinh học toán bằng tiếng Việt còn khó khăn, không biết các cháu có tiếp thu được khi các thầy dạy toán bằng tiếng Anh không?

 

Đối với đào tạo Đại học, bàn gì, viết gì đi nữa thì sinh viên cũng cần được đào tạo đầy đủ và cung cấp các kỹ năng cần thiết để làm việc theo các chuyên môn đã học. Hiện tượng liên tục cấp phép, nâng cấp các trường từ Trung cấp lên Cao đẳng, từ Cao đẳng lên Đại học, rồi cho phép mở thêm một loạt trường Đại học mới, còn điều kiện cần thiết nhất là cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên cơ hữu đã thực sự đáp ứng chưa thì chỉ xem trong báo cáo. Ngành giáo dục có biết, bao nhiêu bậc phụ huynh ở nông thôn đang bán ruộng, cầm nhà để lấy tiền cho con ăn, học “Đại học” với mong muốn con mình sẽ trở thành cử nhân, kỹ sư nhưng kết quả sau năm năm học chỉ có một cậu ấm “ dở ông, dở thằng “ và vẫn thất nghiệp?

 

Phụ huynh chúng tôi chỉ mong muốn trong hệ thống giáo dục Đại học có được các trường nhà nước, nhân dân đầu tư toàn bộ. Ở đó sinh viên sẽ được miễn giảm các chi phí, được tạo điều kiện, được nuôi ăn học, là nơi tuyển chọn các học sinh giỏi nhất theo học. Ở các trường này giảng viên, giáo sư, thực sự là những người có năng lực, họ thường xuyên được các trường đại học có tiếng của nước ngoài mời thỉnh giảng. Còn các trường Đại học khác mở hay không mở, sản phẩm của họ như thế nào là trách nhiệm của ngành giáo dục với cả cộng đồng.

 

Áp lực phụ huynh

 

Tôi biết có những ông bố vì bận công việc cả tuần không ăn được với con một bữa cơm, nửa đêm về nhà luôn trong trạng thái “say xỉn” vì phải bận đi tiếp khách. Khi nhận ra cậu ấm của mình quá dốt, ông không cần tìm hiểu nguyên nhân mà nói ngay trước mặt con: “Được rồi, bố sẽ gọi điện cho hiệu trưởng xem đứa nào dạy mày, nếu cần thì đổi ”.

 

Có bà mẹ vì chỉ những bực bội mà vô cớ “giận cá chém thớt” đổ các cơn cuồng nộ của mình vào đầu con đẻ mà không biết rằng điều đó không bao giờ biến một đứa trẻ từ nghịch ngợm, hiếu động trở thành hiền lành ngoan ngoãn, hay từ một đứa trẻ chậm chạp, tự ti thành đứa trẻ thông minh, năng động.

 

Có phụ huynh lại quá kỳ vọng vào con cái, chọn giải pháp uốn nắn con cái theo một khuôn mẫu chủ quan. Vì không muốn con thua bạn kém bè, lại muốn con  phải theo các hình mẫu, đôi khi do họ tưởng tượng ra, họ đã quên rằng mỗi người đều có điểm ưu, điểm nhược riêng, không thể bó buộc con mình phải thế này, thế nọ mà không nghĩ đến cảm nhận của chúng. Suy cho cùng, đây cũng là biện pháp hoàn toàn phản tác dụng.

 

Còn có phụ huynh luôn “trăm sự nhờ thầy”. Nếu cần học thêm- cho đi học thêm; sợ thầy cô không quan tâm tới con mình - đã có phong bì. Họ đâu biết rằng những việc đó đang làm cho con cái họ không đứng thẳng lên được, và chính họ đang tạo ra khoảng cách giữa phụ huynh và giáo viên; thầy cô muốn gặp gỡ trao đổi để giúp đỡ con họ, thì lại nghĩ thầy, cô muốn đòi hỏi điều khác?

 

Giáo dục là công việc của tất cả mọi người, trong đó có tôi, có bạn chứ không riêng của nhà trường. Là phụ huynh chúng ta cố bớt chút thời gian gần gũi con em mình, hãy cố nén các cơn giận, để chính con em các bạn được hưởng không khí gia đình đầm ấm, thân thiện.

 

"Vedan" xã hội

 

Chúng ta luôn đòi hỏi bọn trẻ phải biết sống nhân ái, phải trở thành công dân tốt, nhưng chúng ta lại không tự hỏi chúng ta đã tạo được một môi trường xã hội thật sự lành mạnh chưa? Nhiều hiện tượng xã hội không bình thường mà chúng ta đang nhìn thấy ngày hôm nay, học sinh, sinh viên, con em chúng ta cũng thấy.

 

Chúng ta đang cho trẻ cảm nhận tiêu chí đánh giá sự thành đạt trong xã hội là sự giàu có? Nhưng chúng đang chứng kiến một số kiểu tích tụ tài sản bất bình thường của nhiều thành viên trong xã hội. Một là họ có được vị trí xã hội siêu lợi nhuận, hai là do mánh khoé, gian lận thương mại. Đây là sự chụp giật nguồn lực xã hội hoặc tái phân phối lại tài sản của xã hội, khó có thể tạo ra của cải và nâng cao sự thịnh vượng cho xã hội.

 

Các cháu cũng biết có anh, có chú học mãi mới tốt nghiệp phổ thông, thế mà bây giờ bằng cấp đầy mình, lại còn được thăng quan tiến chức nhà cửa đề huề, ra đường ưỡn ngực luôn coi mình là người thành đạt.

 

Tôi có việc đến nhà một quan chức cấp quận, nhà rất đông vui, thì ra hôm đó là sinh nhật cậu con quý tử. Ngồi được một lúc thấy các cháu cùng lớp cậu bé tha thiết mời hai bác cùng dự cho vui. Thế là ông bố rút ngay điện thoại di động chắc là gọi cho cậu nào đó cấp dưới “Này, hôm nay mày đi học cho tao nhé, nhớ phải đến để điểm danh chứ ông thầy này khó tính lắm”, nói xong cậu ta cười hề hề giải thích “Em đang theo học thêm để lấy cái bằng thạc sỹ kinh tế, cho nó đủ điều kiện quy hoạch”. Không nói gì ngồi một lúc tôi xin phép đứng dậy, ra về mà trong lòng tự hỏi không hiểu trong môi trường ấy các cháu học sinh cùng lớp và cả cậu con trai của “quan ông” chúng nghĩ gì về sự học?    

 

Do nhu cầu phát triển kinh tế, do tốc độ đô thị hoá, chúng ta đã mở thêm nhiều khu công nghiệp, nhiều khu đô thị mới. Thế là một số nông dân chân lấm tay bùn, cả đời nghèo khó bỗng dưng có hàng tỷ đồng tiền bồi thuờng. Họ nghĩ rằng họ là người giàu nhất thế gian, không được tư vấn, hướng dẫn, kết quả chỉ sau ba bốn năm bao gia đình rơi vào thảm cảnh: con cái bỏ học lêu lổng, mắc vào tệ nạn xã hội. Ở quê tôi, có cậu bé đang học lớp 11, khi gia đình có tiền bồi thường đất, chẳng lâu sau cậu ta có nhu cầu cắt tóc, gội đầu thư giãn một ngày tới mấy lần, hậu quả thế nào chắc các bạn cũng đoán được. Điều này có ảnh hưởng tới giáo dục không?

 

Cần lắm sự lành mạnh của xã hội, nếu không ở lứa tuổi các cháu đang phát triển mạnh mẽ về lượng, còn về chất thì thực sự chưa biến đổi kịp, các cháu dễ bắt chước các mặt trái của xã hội, hệ quả chúng sẽ ứng xử và giải quyết vấn đề theo kiểu “mạnh được, yếu thua”, từ đó dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, ai chịu?

 

Mới hai năm nhập cuộc sân chơi WTO, chúng ta đang thua và có thể sẽ còn thua. Trong cộng đồng quốc tế hình ảnh Việt Nam đang biến động theo chiều hướng xấu. Từ sừng con Tê giác, đến cấp visa của CH Séc, lại còn vụ PCI bên Nhật Bản, tất cả các điều này do đâu? Tại sao? Thầy, cô phải trả lời các em như thế nào khi được hỏi?

 

Cần lắm một cuộc chấn hưng giáo dục, để trong tương lai chúng ta có được đội ngũ kế tiếp. Chúng có đủ năng lực và bản lĩnh, không còn phát ngôn thì “ngô nghê”, hành sự thì “lẩm cẩm”. Đặc biệt chúng phải biết đâu là  điều kiện “cần và đủ” để đưa ra một quyết định mà tầm ảnh hưởng của nó có thể liên quan tới nhiều người trong xã hội.

 

Vũ Văn Huy (Hải Phòng) 

 

*************************

Ho ten: sdf
Dia chi: đffá

Tôi vẫn mong chờ một ai đó viết được những điều này lên để biết rằng những điều tôi nghĩ có người cùng chí hướng. Gốc rễ của một gia đình là nề nếp, giáo dục. Gốc rễ của một dân tộc không gì khác ngoài giáo dục, để phát triển đất nước, chúng ta cần giáo dục. Nhưng giáo dục như thế nào để giáo dục làm đúng vai trò của nó là động lực thúc đẩy sự phát triển.

Lấy ví dụ đơn giản thôi. Ở các nước khác, đào tạo tiến sĩ là cực kỳ quan trong, không phô trương, không thành tích, không con số, mà chú trọng đến chất lượng. Còn chúng ta, cú đặt kế hoạch này kia, con số này kia, chúng ta cungx đạt được, nhưng ngoài kết quả là con số ra, chúng ta có gì. Nền giáo dục, xin lỗi phải nói rằng quá lạc hậu và đang đi thụt lùi. Một điều trọng tâm trong tư tưởng Hồ Chí MInh và Mac- Lê Nin là, con người phải là trung tâm của mọi cuộc cách mạng, mọi biến chuyển. Nhưng con người ở đây phải được hiểu đúng là con người theo đúng tư tưởng Khổng giáo, biết yêu tổ quốc, yêu đông bào, vì dân tộc, biết nhục khi ăn của đút lót, biết thẹn khi cầm đồng tiền không phải mồ hôi nước mắt làm ra, và hơn hết biết yêu lao động chân chính. Chỉ cần dạy con em chúng ta những điều như thế thôi, những thứ khác như khả năng làm toán, lịch sử, văn học, lý, hoá, sẽ được phát triển bởi tinh thần yêu lao động. Những thạc sĩ, tiến sĩ, không cần kêu gọi, hô hào, cũng sẽ vượt chỉ tiêu với chất lượng hàng đầu. Nên chăng chúng ta suy nghĩ về vấn đề này hơn nữa.

Một điều làm tôi trăn trở bấy lâu nay, đó là các hiện tượng xã hội, lớp trẻ có lối sống ngày càng suy đồi, vô phương hướng một phần rất lớn do định hướng giáo dục của chúng ta chứ không hoàn toàn là do sự phát triển kinh tế tạo ra.
 

Ho ten: Phạm Bảo Tùng
Dia chi: Hà Nội

Cảm ơn tác giả đã có một bài viết rất hay và tâm huyết. Tôi cũng đã có những trăn trở giống với tác giả từ lâu. Tôi thấy chúng ta cứ kêu gọi chấn hưng giáo dục, nhưng các biện pháp làm như hiện nay đều tỏ ra không hiệu quả. Các biện pháp đó chỉ mang tính thời vụ, chỉ nhằm "ghi điểm" trong mắt xã hội, đánh bóng thêm thành tích chứ không giải quyết được nguồn gốc của vấn đề, không tạo nên một hệ thống giáo dục mạnh toàn diện

Chúng ta đang xây nhà từ nóc:  muốn có hàng ngàn tiến sỹ được đào tạo, muốn có trường đại học đăng cấp quốc tế, nhưng không bao giờ thấy họ mở rộng các trường phổ thông, xây dựng mới, hay nâng cấp cải tạo. Các trường phổ thông vì càng ngày càng phải gánh thêm học sinh, càng ngày càng phải tiếp nhận thêm "chỉ tiêu" từ xã hội, nhưng không được đầu tư đúng mức. Không có một môi trường thân thiện, nhiều trường điểm không có sân vận động, không có nơi cho học sinh sinh hoạt văn hóa... Ngoài xã hội đúng là chúng ta, những người lớn chưa làm được tấm gương cho con trẻ. Tôi thấy những ông bố, bà mẹ vì cái sự đi muộn của mình, vì bận công bận việc, mà sẵn sàng chở con đi ngược chiều để đến trường cho gần, sẵn sàng đi lên vỉa hè, vượt đèn đỏ... vậy thì dù các cô có dạy thế nào cũng ko giúp các cháu nhận thức được. Thay đổi nền giáo dục cần đi liền với thay đổi cả đời sống xã hội.


Ho ten: Nguyễn Hà Linh
Dia chi: Hải Dương

Đọc bài viết của bạn, tôi thầm nghĩ: chắc bạn làm một công việc gì đó rất gần với ngành giáo dục? nếu không thì quả là bạn rất hiểu vấn đề mấu chốt trong giáo dục nước ta hiện nay.

Tôi là một giáo viên. Tôi rất hiểu vấn nạn "phong bì" hiện nay trong ngành. Khoan hãy nói đến  chiến lược giáo dục của các vị giáo sư, tiến sĩ, đến chủ trương "xã hội hoá giáo dục" dở cười dở khóc, tôi chỉ muốn nói đến một thực trạng đã ngầm trở thành thông lệ trong nhận thức của rất nhiều phụ huynh: muốn con hay chữ thì "đôla" cho thầy.

Ngày 20 - 11, nhà tôi rất nhiều....phụ huynh đến chúc mừng thay cho con cái họ. Tôi miễn cưỡng tiếp họ, bởi vì tôi biết phần lớn họ sẽ nói câu: thôi thì trăm sự nhờ cô giáo cả. Nhận cái " trăm sự ’ ấy, tôi thấy xấu hổ. Nhưng chẳng lẽ trả lại họ sao? Một số ít người có món quà gói bọc cẩn thận rất trang trọng. Nhưng không ít những bó hoa lồ lộ ra cái phong bì (bởi có lẽ họ sợ cô giáo không nhìn thấy).Thậm chí có người còn rút ngay phong bì trong túi áo ra nhét vào tay tôi rồi ....bỏ chạy ( vì tôi có ý định trả lại). Tôi đã từng phải đấu tranh tư tưởng khi đặt bút cho một em học sinh điểm 3 khi em không thuộc bài. Bởi vì trong đầu tôi lại hiện ra hình ảnh cái phong bì kha khá tiền của bố em nhân ngày 20 - 11 năm ngoái. Đến tết, nhà tôi ít đi một vị khách....Nhưng tôi thấy rất nhẹ nhõm ở trong lòng. Tôi đã từng chứng kiến một chị phụ huynh rất xinh, rất diện, nhìn thấy chúng tôi đi ngoài đường vào sáng 20 - 11 vừa rồi đã nói rất to với một chị hàng hoa ven đường: đến chiều nếu còn hoa ế thì cho tao một bó nhé, để tao đi tặng cô giáo. Những bà mẹ như thế hỏi có làm cho con cái họ ngoan được không?

Ho ten: Anh
Dia chi: Đồng Tháp

Tôi công tác tại  một Trung tâm giáo dục thường xuyên nên gặp đủ kiểu gian lận bằng cấp của các cán bộ quan chức. Một thời gian sau tôi thấy mình có tội với gia đình và xã hội vì đã làm ngơ cho họ thao túng nên xin nghĩ việc ở nhà buôn bán sống cho lương tâm khỏi cắn rứt.
Bây giờ, dù vất vả nhưng lương tâm tôi thoải mái hơn rất nhiều.


Ho ten: Phạm Quang Phong
Dia chi: Hà Nội

Chính bản thân tôi làm trong nghề giáo dục cũng rất đồng cảm và chia sẻ với tác giả về những vấn đề đã. Còn rất nhiều điều nữa cũng đang làm biến thoái mối quan hệ thầy trò (tôi xin chỉ nói trong phạm vi THPT tôi làm việc). Chúng tôi biết giải thích thế nào với học sinh khi chính học sinh thắc mắc
với mình về việc tại sao có nhiều anh chị học hành chẳng ra gì, sau vài năm đi cửa khác lại thành danh, thành nghiệp. Những tiêu cực trong ngành
mà chỉ chúng tôi nên biết,...Và thậm chí biết đâu có cả những điều khó nói hơn nữa nhưng chia sẻ thì liệu chúng tôi có an toàn nữa hay chăng?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>