221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
977434
Miền đất cằn "chắt" chữ nuôi thân
1
Article
null
Miền đất cằn 'chắt' chữ nuôi thân
,

(VietNamNet) - Ở đó, dù nghèo, những đứa trẻ vẫn cố học lấy cho được bằng cấp III và hàng năm lại tiễn hàng trăm học sinh vào ĐH. Cũng nơi ấy, người ta đã từng truyền miệng nhau nghe những gia đình nghèo nuôi con học thành tài như: cô giáo Nhi (Văn Thành) chăn vịt nuôi 4 con vào ĐH, thầy giáo Minh (Phúc Thành) vay tiền ngân hàng nuôi 6 đứa con ăn học… và bây giờ, trên mảnh đất Yên Thành, Nghệ An, những mầm xanh vẫn cố "chắt" chữ nuôi thân, mong thoát nghèo.

>> Con nhà giàu trước thềm năm học mới

"Gom" chữ trên cánh đồng khô

Ở đây, nhiều phụ huynh phải nai lưng mưa nắng cho con đi học.

12h, dưới cái nắng hơi gắt của “miền cát trắng”, Phạm Thị Liêm (Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An) vẫn cố gặt cho xong ruộng lúa cuối cùng. Mệt, Liêm lên bờ ngồi nghỉ và lại mở sách xem lại bài. Những con chữ lưu vào đầu Liêm theo từng gốc rạ. Năm nay lên 12, Liêm sợ mình sẽ không có tiền học tiếp bởi sau Liêm còn hai em đang học cấp II.

Mẹ mất khi Liêm tròn 8 tuổi, đứa em út 2 tuổi. Bố theo đám thợ đi làm thuê, rồi lại sang Lào làm đường nhưng cũng chẳng được là bao. Trong căn nhà phên nứa, “mưa chưa to đã ngập”, “gió chưa lớn đã xiêu”, một mình Liêm lo cho hai đứa em ăn học.

Thi lớp 10, Liêm không đủ điểm vào công lập, bố nhất quyết không cho đi học bổ túc, “muốn học thì kiếm tiền mà học”, nghe bố nói, Liêm đi vay bà con làng xóm 50 nghìn đến nộp học.

“Em thèm được đi học, đói ăn nhưng em không muốn đói chữ, em cố lấy cho được bằng cấp 3. Hè vừa rồi đi cấy thuê được 50 nghìn cho hai em đi quê Bác, giờ phải mần kiếm tiền mà nộp học. Nộp cho hai thằng em nữa, không biết em có trụ nổi. Nhưng em vẫn muốn học, học để thoát nghèo”. Liêm nói. Trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, Liêm mở khăn lau vội hai dòng nước mắt.

Còn Nguyễn Thị Hiên, (trường cấp III Quang Thành) lại có nỗi cơ cực riêng: Cả nhà đều đi ăn mày. Ngoài những giờ lên lớp, và cùng “góp sức” với gia đình, Hiên phải lên rừng kiếm củi về bán với hi vọng đủ tiền nộp học.

Khác với Liêm và Hiên, cô bé Nguyễn Thị Sự (Phúc Thành) lại chỉ “cần” kiếm đủ nộp tiền học cho mình là được. Nhà có 7 anh chị em, bố mất từ khi Sự lên 7, mẹ bị bệnh thấp khớp nên chị em Sự phải tự lập từ nhỏ.

“Mệ (mẹ) nói: "Đứa mô muốn học thì kiếm tiền mà học. Rứa là em đi lèn đập đá. Nhọc lắm, nhiều bữa về không kịp ăn cơm lên lớp đói lả người, nhưng mà không mần thì không có tiền nộp học mà em thì lại không muốn bỏ”, Sự tâm sự.

Một ngày Sự kiếm được khoảng 15 nghìn. “Mùa hè ni em kiếm được khá nhiều, em tích lũy tiền thi ĐH. Em nghe nói tăng học phí, chắc không tăng mô chị hầy. Tăng thì em phải bỏ... Mà chị nhìn này, tay em chai hết rồi”.

Sự nói một hơi dài như sợ ai cướp mất. Cũng theo Sự trên cái Lèn đá Đồng Kỳ này, “có nhiều đứa như em, thậm chí khổ hơn em vì phải kiếm tiền nuôi anh ăn học chứ bản thân mình thì không được học”. 

Con thêm một chữ, mẹ lo … "tiền trường"

“Con học giỏi cha mẹ cũng mừng, nhưng trong nhà hai đứa ĐH, một đứa lớp 12 thì không biết có nuôi nổi không”, chị Biên (Phúc Thành) cho hay.

Cô con gái út năm nay lên lớp 11, nghe mẹ nói, em cũng chỉ biết im lặng cúi đầu thái rau cho 2 con lợn đẻ và 8 con lợn thịt. Quyên biết, nếu nghỉ học thì cũng chỉ có Quyên nghỉ vì “con gái cũng chẳng học nhiều để mần chi. Học hết 12 là được rồi, để cho hai anh học không ở nhà anh lại theo lũ bạn hư”. Quyên hồn nhiên.

Còn vợ chồng anh Phan Đình Ân (xóm 3 xã Hoa Thành), 3h sáng đã lụi cụi dậy làm bánh cuốn để kịp cho buổi chợ. Nhà 6 đứa con, 2 chị đầu đi lấy chồng , còn 4 đứa đang học. 3 đứa học THPT còn 1 học THCS. Đứa con gái thứ 3 năm nay thi đỗ ĐH liền khi hai khối với số điểm 26, vợ chồng anh lại như thêm một gánh nặng.

“Vừa vay tiền cho 3 đứa đóng học giờ lại lo tiền cho con chị đi nhập học. Bắt con ở nhà thì tội nó mà mình cũng không đành lòng. Con cái học nhiều, lại đóng nhiều khoản. Ruộng đồng giáp hạt nên nỏ có chi để mà trông”, chị tâm sự. Còn anh, hết vào Sài Gòn, Đà Nẵng bốc vác làm thuê rồi lại “Bắc tiến”, nhưng rồi đất khách quê người không kiếm được là bao, anh  quay về làm ruộng, và cùng vợ bán bánh…

Trung bình, mỗt học sinh THPT đầu năm phải đóng khoảng 500 nghìn cho các khoản: Học phí, xây dựng, y tế, quỹ lớp. đồng phục…, một người học đại học ít nhất cũng phải 600nghìn/tháng. Nếu gia đình nào đông con ăn học thì chỉ còn nước chạy lên ngân hàng. Mấy năm gần đây, ở các làng, xã đã tạo điều kiện cho các hộ có nhiều con đi học được xét vào hộ nghèo. Tuy vậy, đó cũng chỉ là nguồn động viên nhỏ nhoi trong khi đóng tiền học cho con phải tiền triệu.

Trên vựa lúa Yên Thành, đã mấy năm qua, dân làng mất mùa vì hạn hán, những đợt nắng làm lúa chết, ruộng nẻ chân chim, thậm chí có nơi, con người phải chia nhau từng bát nước để uống thì con ăn học là cả một vấn đề.

Thế nhưng, cái sự học thì không hề “cạn”, “Bất kể thế nào cũng phải để con có cái bằng cấp III”. Ông Phú nói. Con đi học, những khoản đóng góp cứ thế dày lên, cha mẹ lại bóp từng giọt mồ hôi gạn lấy tiền cho con ăn học. Người quay ra làm hàng xáo, người đi lèn, người vay vốn chăn nuôi… và những đứa con của họ, ngày làm đêm chong đèn học.

Một mùa tựu trường lại bắt đầu, nhưng với những người dân ở đây, họ đã lo “tiền trường” cho con từ lâu lắm. “Cho con học lên cao mong nó kiếm được tiền về xây cho làng cái đập nước. Năm nào lúa cũng chết trắng thấy đau lắm”. Ông Lâm chùng giọng.

  • Phan Lê
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,