221
2082
Xa lộ thông tin
xalo
/cntt/xalo/
550596
iCMS có thật sự là Trí tuệ VN?
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
iCMS có thật sự là Trí tuệ VN?
,

Như các phương tiện báo chí đã thông tin, từ ngày 30/11, trên diễn đàn chính thức của cuộc thi “Trí tuệ VN 2004” liên tục xuất hiện các bài viết tố cáo sản phẩm iCMS của Công ty Vinacomm đã “đạo phần mềm” của nước ngoài.

Soạn: AM 210297 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Ban tổ chức cuộc thi họp báo trả lời chất vấn của báo chí tại Hà Nội ngày 1-12-2004 - Ảnh: M.N (TTO).

Sự thật ra sao? Và câu hỏi này được trả lời như thế nào trong cuộc họp báo sáng 1/12 của Ban tổ chức cuộc thi Trí tuệ VN?

Copy đến hơn 80%?!

Ngay từ trước lễ trao giải cuộc thi TTVN 2003, trên nhiều diễn đàn trực tuyến đã có dư luận cho rằng sản phẩm iCMS là “hàng nhái”, thậm chí ngay cả tài liệu giới thiệu sản phẩm cũng “xào” lại của công ty khác. Tuy nhiên, kết quả là iCMS vẫn ung dung đoạt vị trí cao nhất của cuộc thi.

Ở cuộc thi năm nay, những thông tin tương tự lại rộ trên các diễn đàn. Và đêm 30/11/2004, một “quả bom” đã nổ trên mạng khi một nhóm chuyên gia đưa lên địa chỉ
http://www.diendantinhoc.com/icms/ một bài so sánh mã nguồn của iCMS và mã nguồn của CMSNET, một phần mềm mã nguồn mở, cho download miễn phí trên mạng.

Kết quả phân tích cho thấy tất cả các file mã nguồn của CMSNET đều có trong iCMS, một bằng chứng cho thấy iCMS có “thừa kế” của CMSNET. Khi phân tích thử một file mã gồm 73 dòng lệnh thì kết quả là: copy nguyên vẹn không sửa đổi 63 dòng; đổi tên từ CMSNET sang TTVNCMS: 3 dòng; đổi thông báo lỗi từ tiếng Anh sang tiếng Việt: 3 dòng; và thay đổi mã lệnh để hỗ trợ gõ tiếng Việt: 4 dòng. Tổng số thay đổi thấp hơn 15% và không có thay đổi về logic phần mềm.

Sự giống nhau đến kỳ lạ của hai hệ thống mã nguồn khiến người ta không thể không nghi ngờ về việc iCMS có “tham khảo” CMSNET.

Bên cạnh việc iCMS bị buộc tội copy lại mã nguồn miễn phí của nước ngoài, trên mạng còn nhiều thông tin khác hoài nghi về tính chính đáng của sản phẩm này khi dự thi “Trí tuệ VN 2003”.

iCMS đã tham dự cuộc thi nói trên (các công ty không được phép tham gia) dưới danh nghĩa sản phẩm của một nhóm lập trình viên độc lập, có trưởng nhóm là Nguyễn Công Kha.

Thế nhưng, theo đăng ký của Sở Kế hoạch -đầu tư Hà Nội, Công ty Vinacomm được cấp giấy phép kinh doanh ngày 23/9/2003 với Nguyễn Công Kha là một trong ba thành viên sáng lập?!

Một chi tiết gây nghi vấn khác là Vinacomm đã nhanh chóng chính thức hóa quyền sở hữu iCMS bằng cách tuyên bố với báo chí “mua lại” iCMS với giá 10 tỉ đồng, trong khi số vốn của công ty chỉ là 15 tỉ đồng?!

Những người liên quan nói gì?

Trước đó, trả lời phỏng vấn của chúng tôi về những thắc mắc của dư luận, ông Vũ Mạnh Cường, thành viên thường trực Ban tổ chức, tuyên bố: “Bốn em đoạt giải với sản phẩm iCMS năm 2003 khi đó là sinh viên. Sau khi họ đoạt giải xong mới bắt đầu thi tốt nghiệp, và hoàn toàn không có điều gì chứng tỏ các em đó là nhân viên Công ty Vinacomm”.

Trả lời câu hỏi về việc copy mã, ông Cường khẳng định: “Các cáo buộc iCMS sao chép của nước ngoài chỉ là tin đồn. iCMS hoàn toàn minh bạch. Ban giám khảo kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi trao giải và đã đánh giá rất chính xác, công bằng.

Ban giám khảo Trí tuệ VN là những chuyên gia hàng đầu về tin học, họ có trách nhiệm về những gì họ chấm, họ không chịu bất kỳ một áp lực nào và làm việc hoàn toàn độc lập. Việc họ trao giải nhất cho sản phẩm nào là họ có toàn quyền. Ban tổ chức không có nhu cầu xác minh về sự không trong sạch của sản phẩm”.

Trong thông cáo báo chí gửi tới giới truyền thông ngày 30/11/2004, Vương Vũ Thắng, giám đốc Vinacomm, cũng tuyên bố: “Chúng tôi khẳng định phần mềm hệ quản trị nội dung iCMS hoàn toàn do đội ngũ kỹ thuật của nhóm iCMS xây dựng, và được Công ty Vinacomm tiếp tục nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa sau khi nhóm đoạt giải. Đó hoàn toàn không phải là một sản phẩm được copy hoặc lấy mã nguồn mở từ bất cứ đâu”.

Thế nhưng, trong cuộc họp báo tổ chức ngày 1/12/2004, Ban tổ chức Trí tuệ VN lại thông báo nhóm iCMS “đã khai báo” với ban giám khảo có sử dụng phần mềm mã nguồn mở CMSNET khi tham dự Trí tuệ VN 2003. Tuy thế, sản phẩm này không phạm luật thi?!

Khi được phỏng vấn về việc Công ty Vinacomm đã che giấu với công luận sự thật về nguồn gốc sản phẩm, ông Vũ Mạnh Cường khẳng định ban tổ chức không quan tâm tới các hoạt động của sản phẩm sau khi đoạt giải.

Và khi các phóng viên đặt câu hỏi liệu Ban tổ chức có tước giải thưởng nếu sản phẩm bị chứng minh “chôm” của nước ngoài và vi phạm bản quyền phần mềm mã mở, câu trả lời là “những vấn đề này chưa có trong điều lệ của giải Trí tuệ VN, vì thế chúng tôi chưa có qui chế xử lý”.

Theo thông tin từ Vinacomm, phần mềm iCMS đã được cung cấp cho nhiều báo điện tử lớn như Công An Nhân Dân, Tiền Phong, Bưu Chính Viễn Thông, Công Nghiệp, cùng nhiều cơ quan nhà nước, trong đó có cả Đài truyền hình VN. Với việc các hacker có thể “tham khảo” thoải mái mã nguồn sản phẩm này, đây sẽ là một vấn đề đáng lưu tâm của các website sử dụng iCMS.

(Theo TTO)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,