221
2101
Virus - Hacker
virus-hacker
/cntt/virus-hacker/
550088
Fanxipan không lọt vào chung khảo TTVN 2004
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
Fanxipan không lọt vào chung khảo TTVN 2004
,

(VietNamNet) - Sáng nay (1/12), Ban tổ chức cuộc thi Trí tuệ Việt Nam 2004 (TTVN) đã tổ chức họp báo công bố 14 sản phẩm dự thi lọt vào vòng chung khảo. Sản phẩm FES về thương mại điện tử của nhóm Fanxipan không có trong danh sách này. Các câu hỏi về sản phẩm lọt vào vòng chung khảo hoàn toàn bị lấn át bởi quan tâm của báo giới về iCMS, Vinacomm và... ông Vương Vũ Thắng.

Đại diện BTC và BGK cuộc thi TTVN 2004 (từ phải sang: chủ tịch Hội đồng giám khảo - TSKH Bạch Hưng Khang, ông Bùi Quang Ngọc, ông Nguyễn Thành Nam, ông Vũ Mạnh Cường) đang trả lời phỏng vấn của báo giới và những người quan tâm.

Trả lời câu hỏi rằng "Ban tổ chức (BTC) cuộc thi TTVN đã tiến hành thẩm tra, xác minh những lời cáo buộc của bạn Nguyễn Ngọc Xuân đưa lên các diễn đàn TTVN và diendantinhoc.com hay chưa?", ông Vũ Mạnh Cường - thành viên thường trực BTC cuộc thi TTVN, cho biết: "Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ một đơn kiến nghị hay khiếu nại nào bằng văn bản chính thức cả. Mọi thông tin về iCMS đều chỉ được đưa lên các diễn đàn thông qua các biệt danh (nickname), nên chưa có đủ cơ sở để tiến hành thẩm tra, xác minh vấn đề. Nếu nhận được những văn bản kiến nghị chính thức từ cá nhân, tổ chức cụ thể, chúng tôi sẽ thực hiện các công việc thẩm tra cần thiết theo đúng quy định"...

"Giả sử, trong trường hợp các sản phẩm đoạt giải bị phát hiện có sự gian lận, BTC cuộc thi sẽ có những biện pháp xử phạt thích đáng." - ông Cường nói.

Trước đó, cũng từ khi nhận được lá đơn trên diễn đàn TTVN của bạn Nguyễn Ngọc Xuân và nhiều phản hồi khác về iCMS và VVT, ông Cường cho biết BTC TTVN 2004 đã quyết định loại ông Vương Vũ Thắng ra khỏi Ban giám khảo để đảm bảo sự công bằng và khách quan trong đánh giá của Hội đồng sơ khảo đối với sản phẩm của nhóm Fanxipan.

Trước thông tin về việc ông Vương Vũ Thắng là thành viên Ban giám khảo cuộc thi và tham gia chấm vòng loại cho sản phẩm FES của nhóm Fanxipan (được xác định là đang làm việc tại Công ty Vinacomm của Vương Vũ Thắng), BTC TTVN 2004 khẳng định: "Ông Vương Vũ Thắng không phải là thành viên Ban Giám khảo của cuộc thi, mà chỉ là một thành viên được mời tham gia vào việc đánh giá một số sản phẩm trong vòng sơ khảo. Đây là năm đầu tiên Thắng tham gia vào công việc đánh giá các sản phẩm dự thi TTVN, và chưa từng tham gia chấm giải hay bất kỳ công việc liên quan nào trước đó".

Ban giám khảo cuộc thi TTVN 2004 cũng khẳng định với báo giới rằng "không thể có chuyện chạy giải TTVN". Ban giám khảo gồm hơn một chục thành viên và hoạt động hoàn toàn độc lập, chưa kể đến quá trình kiểm tra chéo giữa các sản phẩm và thành viên giám khảo. Việc đánh giá một sản phẩm dựa trên đánh giá của nhiều giám khảo, nên hoàn toàn không thể thực hiện hành vi chạy giải được".

Nhiều người quan tâm và báo giới đã có mặt tại cuộc họp báo.

Trả lời câu hỏi "Vì sao trong cuộc thi TTVN 2003 không cho phép các công ty tham gia dự thi, nhưng thí sinh Nguyễn Công Kha với sản phẩm iCMS lúc đó đã là sáng lập viên của công ty Vinacomm?", BTC TTVN 2004 cho biết: "Việc khuyến khích các công ty tham gia sản phẩm dự thi TTVN mới có từ năm 2004, nhưng những cá nhân đang công tác tại các công ty hoàn toàn có thể tham gia với tư cách nhóm cá nhân, và điều này ngay từ đầu chúng tôi đã không cấm". Ông Bùi Quang Ngọc, phó tổng giám đốc Công ty FPT, đại diện Ban giám khảo cho biết: "Ngay từ cuộc thi đầu tiên công bố vào năm 2000, đã có một nhóm thí sinh dự thi là các nhân viên của FPT, mà thậm chí lúc đầu tôi cũng không biết họ là người của FPT".

Tuy nhiên, thực tế thí sinh Nguyễn Công Kha là sáng lập viên của Vinacomm trước khi iCMS đoạt giải nhất TTVN 2003 cũng đã khiến việc Công ty Vinacomm tuyên bố "bỏ mười tỷ đồng mua lại sản phẩm iCMS để phát triển thêm và thương mại hoá" trở nên khó hiểu hơn. Bởi không lẽ Vinacomm bỏ ra mười tỷ đồng (theo công bố của Vinacomm và từ nguồn báo Saigon Times) để mua lại sản phẩm do chính sáng lập viên của công ty làm ra?!

Sử dụng mã nguồn mở, có hay không?

Tuyên bố không sử dụng mã nguồn mở trong iCMS của Vương Vũ Thắng trên báo Tiền Phong.

Về vấn đề sản phẩm dự thi TTVN phải khai báo có sử dụng các mã nguồn mở có sẵn, ông Vũ Mạnh Cường, đại diện cho BTC, khẳng định: "Sản phẩm iCMS khi đăng ký tham gia cuộc thi TTVN 2003 đã khai báo có sử dụng một số thành phần mã nguồn mở với Ban tổ chức".

Tuy nhiên, trên báo Tiền Phong số 239 ra ngày 30/11/04, ông Vương Vũ Thắng, giám đốc Vinacomm tuyên bố: "Chúng tôi khẳng định phần mềm Hệ quản trị nội dung iCMS "hoàn toàn do đội ngũ kỹ thuật của nhóm iCMS xây dựng", và được Công ty VinaComm tiếp tục nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa sau khi nhóm đoạt giải. Đó hoàn toàn không phải là một sản phẩm được copy hoặc lấy mã nguồn mở từ bất cứ đâu" (?!).

Đại diện của HVA tham gia cuộc họp báo có nêu ra công bố của Vương Vũ Thắng trên báo Tiền Phong với BTC TTVN, và được trả lời rằng "đây là vấn đề của... Công ty Vinacomm chứ không phải của BTC, các bạn cần gặp... Vương Vũ Thắng để có được câu trả lời" (!).

Trả lời câu hỏi của VietNamNet rằng "khi nhóm iCMS khai báo sử dụng các thành phần mã nguồn mở trong sản phẩm, Ban giám khảo TTVN có ước định được họ đã sử dụng bao nhiêu phần trăm là mã nguồn mở hay không?", ông Vũ Mạnh Cường, đại diện BTC cho biết:"Ban Giám khảo TTVN không đánh giá chính xác được bao nhiêu phần trăm là mã nguồn mở trong iCMS". Ông Bùi Quang Ngọc, đại diện Ban giám khảo đưa ra một ví dụ so sánh: "Ngay cả việc đánh giá tỷ lệ phần trăm nội địa hoá một chiếc ô-tô cũng còn gây nhiều tranh cãi. Chiếc lốp ô-tô liệu sẽ được đánh giá là bao nhiều phần trăm của sản phẩm?". Xin miễn bình luận về so sánh này.

Trả lời câu hỏi "Vậy có phải Ban giám khảo chỉ dựa theo các khai báo của thí sinh, chứ không thể kiểm tra hết toàn bộ xem các sản phẩm có dùng sản phẩm nguồn mở có sẵn mà không khai báo hay không?", ông Nguyễn Thành Nam, phó giám đốc Công ty FPT - đại diện Ban giám khảo cuộc thi TTVN, cho biết: "Ban giám khảo có thực hiện việc đặt câu hỏi về sản phẩm để đánh giá khả năng làm chủ phần mềm của thí sinh, kết hợp với sự trợ giúp và tư vấn của nhiều chuyên gia về các sản phẩm dự thi, nên cũng đánh giá được tương đối về độ trung thực trong các sản phẩm. Tuy nhiên, việc kiểm tra toàn bộ mọi thành phần chương trình của nhiều sản phẩm dự thi, trong một khoảng thời gian chấm giải rất ngắn như hiện tại là điều không thể"!

Sáng tạo hay dùng... đồ sẵn có?

Ông Vũ Mạnh Cường (đầu tiên, bên trái ảnh), thành viên BTC cho biết: " iCMS đã khai báo có sử dụng một số thành phần mã nguồn mở với BTC".

Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, TSKH Bạch Hưng Khang, đưa ra khẳng định: "Tất cả mọi sản phẩm tham dự cuộc thi TTVN đều phải đảm bảo một điều kiện quan trọng là không vi phạm bản quyền, dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu trái với điều kiện này, sản phẩm đó chắc chắn sẽ bị loại".

TSKH Bạch Hưng Khang cũng cho biết: "Chúng tôi rất hoan nghênh mọi sự đóng góp ý kiến của các bạn trong giới công nghệ thông tin, của báo chí, để cuộc thi TTVN ngày càng tốt đẹp hơn. Hiện tại, còn một tháng từ nay tới hết 31/12, chúng tôi rất mong muốn tất cả các bạn góp ý, nhận xét, tham gia vào quá trình đánh giá về 14 sản phẩm lọt vào vòng chung khảo của TTVN 2004, để thấy rõ việc chấm thi của Ban giám khảo là hoàn toàn công bằng".

Ông Vũ Mạnh Cường còn cho VietNamNet biết thêm: "Hiện tại BTC chỉ mới nhận được duy nhất một đơn xin rút lui không tham gia cuộc thi TTVN năm nay. Những tuyên bố của vài một số nhóm thí sinh xin rút lui trên các diễn đàn thảo luận chỉ là những nickname mạo danh, không chính xác".

Ông Nguyễn Thành Nam, đại diện Ban giám khảo cũng đưa ra một quan điểm đánh giá cá nhân, cho rằng "không nhất thiết cứ phải tự mình làm ra mới là sáng tạo. Nếu dùng những tư liệu sẵn có để làm ra được sản phẩm có khả năng ứng dụng vào thực tế, mang lại giá trị sử dụng cao, thì cũng nên được đánh giá cao"!

Với chủ đề ''Tích hợp công nghệ, liên kết bạn bè'', theo số liệu của BTC, TTVN 2004 đã thu hút 86 nhóm và 78 cá nhân dự thi với 165 sản phẩm. Thành phần dự thi TTVN 2004 cũng khá đa dạng gồm học sinh, sinh viên, thạc sĩ, lập trình viên và đến từ nhiều nơi, 25 tỉnh thành và sáu quốc gia. Thí sinh trẻ tuổi nhất năm nay là hai thí sinh 12 tuổi ở Đà Nẵng và Cần Thơ.

Danh sách 14 sản phẩm lọt vào vòng chung khảo TTVN 2004

STT

Tên cá nhân/ nhóm

Tên sản phẩm

Thành phố

1 Viet Clever Giải pháp mở NesOne (GPL) Hà Nội
2 HP-Vietnam Hệ thống tự động giám sát, cân và quản lý xuất kho, hóa chất Hà Nội
3 Nguyễn Phước Bảo Định Kava - môi trường phát triển tích hợp Java trên hệ điều hành Linux Huế
4 Tự lập Hệ thống khai thác và quản lý đào tạo trực tuyến JELS Hà Nội
5 Nhóm BK02 Điều khiển PC bằng giọng nói tiếng Việt (Vspeech) TP.HCM
6 Trần Triệu Đức Phần mềm kiểm soát và giải pháp phòng thủ an ninh mạng (Moon Secure) Hà Nội
7 ZideanART Hệ thống bóc tách chia sẻ tin tức ICA TP.HCM
8 TĐHK Môi trường số hóa bệnh viện Việt Nam Hà Nội
9 Tích hợp hệ thống và điều khiển tự động Giải pháp chung cho các ứng dụng tương tác tự động qua điện thoại HS-IVR Huế
10 Vũ Lương Bằng Phần mềm ngăn chặn các trang web xấu Depraved Web Killer (DWK) TP.HCM
11 EDC Website dành cho trẻ em khuyết tật TP.HCM
12 Trương Nguyễn Ngọc Bộ sản phẩm đồ họa myGraphX Hà Nội
13 E4Shopping Hệ thống trợ giúp mua sắm thông minh (E4Shopping) Hà Nội
14 Namsoft Group CD Rom Đại gia đình các dân tộc Việt Nam Hà Tây + Hà Nội

  • Bình Minh - Thuỷ Nguyên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,