Viễn thông Quảng Bình thiệt hại ’kỷ lục’ sau lũ

Cập nhật lúc 08:02, 19/10/2010 (GMT+7)
Có thể nói trong lịch sử, chưa bao giờ Viễn thông Quảng Bình lại phải hứng chịu thiệt hại nặng nề như hai cơn lũ vừa qua. Dấu vết tàn phá của thiên tai vẫn còn in đậm trên các thiết bị thông tin liên lạc.

Mô tả ảnh.
Cảnh hoang tàn tại trạm BTS Tân Hóa – Minh Hóa. (Ảnh: VVT)
Theo chân những công nhân cáp máy, chúng tôi đã có mặt tại hầu khắp các rốn lũ trên địa bàn Quảng Bình. Một cán bộ lâu năm trong ngành cùng đi với chúng tôi thốt lên: “Đã mấy chục năm tham gia khắc phục lụt bão chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh tượng mạng lưới thông tin liên lạc bị thiên tai tàn phá nặng nề như lần này”. Sự thiệt hại bao trùm lên toàn mạng lưới. Từ Trung tâm Viễn thông Lệ Thuỷ, Quảng Ninh đến Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, đâu đâu cũng có thiết bị thông tin bị ngập lụt trong khi điện lưới mất trên diện rộng.

Có tới 110/204 trạm BTS Vinaphone bị mất liên lạc; phải ngừng liên lạc 8 tổng đài và DSLAM/80 điểm mạng để kê kích thiết bị lên cao; 28 trạm máy bị chìm dưới nước; hỏng 15 trạm thu phát BTS Vinaphone; 05 tổng đài và tập trung thuê bao; 10 máy nổ.

Tại trạm Phúc Trạch (Bố Trạch) nước ngập quá tầng 2 của trạm tới 2,8 m, Phong Nha 2 quá tầng 2 2,9 m;  Phong Nha 1 1,1 m. Ngay ở vùng núi cao tưởng chừng không bao giờ bị lũ lụt, thế mà tại trạm Thạch Hóa (Tuyên Hóa) nước ngập 2 m; Minh Hoá trạm Quy Hoá ngập 2 m, trạm Tân Hóa cũng bị cơn đại hồng thuỷ ngâm dài ngày trên tầng 2 đến 2 m.

Hàng loạt tuyến cáp quang, cáp đồng bị đứt, trôi không còn khả năng khôi phục lại được. Đó là tuyến cáp đồng vượt sông Long Đại (Quảng Ninh); tuyến cáp đồng, cáp quang Tân Lý – Kim Bảng – Tân Hoá (Minh Hóa); tuyến cáp quang Thượng Hóa - Đồn 585 (Minh Hóa); các tuyến cáp quang Phong Nha – Hà Lời, Troóc – Lâm Trạch, Nam Gianh – Liên Trạch, Troóc – Phúc Trạch (Bố Trạch); tuyến cáp quang ODA Quảng Trạch - Cảnh Hóa.

Ngay sau hai cơn lũ, Viễn thông Quảng Bình đã vạch kế hoạch bằng mọi giá phải khôi phục nhanh nhất thông tin liên lạc. Đơn vị đã huy động tối đa nguồn lực, có đến gần 300 CBCNV ngày đêm túc trực trên khắp các trọng điểm. Nhiều sáng kiến đã nảy sinh như tại Trung tâm Viễn thông Lệ Thuỷ dùng xe kéo bánh lốp móc vào xe máy để vận chuyển máy nổ ứng cứu nguồn điện tại các trạm BTS vùng sâu, vùng xa… Có những công nhân viễn thông bất chấp sự hiểm nguy của cơn lũ rừng hung dữ, vượt bộ hàng chục km để cùng với đồng nghiệp thực hiện hàn nối cáp quang để mạng Vinaphone khôi phục tín hiệu. Viễn thông Quảng Bình đã mua 18 máy nổ ứng cứu các trạm BTS trọng điểm và đang mua tiếp 20 máy nữa. Chỉ một thời gian ngắn, 30 trạm BTS đã khôi phục liên lạc, gần 4.000 thuê bao được sửa chữa khôi phục liên lạc bình thường.

Võ Văn Ty - Phan Hòa (Theo ICTnews)

Tin liên quan

Các tin khác