Thuê bao di động trả sau: Càng chung thủy càng thiệt!

Cập nhật lúc 08:00, 28/10/2010 (GMT+7)
Cước thuê bao di động trả sau về lý thuyết là rẻ hơn thuê bao trả trước. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ thì những khách hàng chung thủy này đã và đang phải chịu nhiều thiệt thòi và bị phân biệt đối xử hơn so với thuê bao trả trước của các nhà mạng.

Tưởng rẻ hóa đắt

Mô tả ảnh.
Do cạnh tranh, nhiều nhà mạng đang tập trung lôi kéo các thuê bao mới hơn là chăm sóc khách hàng trung thành (ảnh: minh họa).
Theo mức tính mức cước các nhà mạng, bình quân thuê bao trả trước khoảng 1.300 đồng/phút thì thuê bao trả sau khoảng 1.000 đồng/phút. Thoạt nghe thì cứ tưởng thuê bao trả sau được hưởng mức cước rẻ hơn so với thuê bao trả trước là 300 đồng/phút, nhưng khi tính cụ thể thì lại thấy sự chênh lệch khá nhiều.

Cụ thể, trung bình mỗi thuê bao di động của Việt Nam gọi khoảng 100 phút/tháng. Như vậy, một thuê bao trả sau sẽ phải chi trả bình quân khoảng 100.000 đồng/tháng. Đồng thời, thuê bao trả sau sẽ phải chịu thêm cước thuê bao khoảng 40.000 đồng/tháng.

Nếu tính cả hai khoản trên, thuê bao trả sau sẽ phải chi khoảng 1.400 đồng/phút, cao hơn mức cước thuê bao trả trước 100 đồng/phút. Đây chính là vấn đề bức xúc mà hiện các khách hàng trả sau đang đòi hỏi các nhà mạng phải đối xử công bằng.

Theo thống kê của Frost&Sullivan, cước di động của Việt Nam đang ở mức khoảng 4 cent/phút (khoảng dưới 800 đồng) vì các chương trình khuyến mãi liên tiếp được tung ra. Trong khi đó các thuê bao trả sau hầu như không có khuyến mãi và đang phải trả mức cước khoảng 7 cent/phút. Những phân tích trên cho thấy, các thuê bao trả sau đang phải chịu mức cước đắt nhất do chính sách của nhà mạng đang tập trung lôi kéo các thuê bao trả trước.

Khuyến mãi “quên” thuê bao trả sau

Sự thiên lệch giữa thuê bao trả trước vào thuê bao trả sau còn thể hiện qua các cuộc chạy đua khuyến mại giá cước của các nhà mạng. Trong khi, thuê bao trả trước có rất nhiều chương trình khuyến mại 50%-100% giá trị thẻ nạp và liên tiếp một thời gian dài, với chương trình mua sim mới 50.000 đồng có trên 160.000 đồng trong tài khoản. Nếu dùng hết SIM này, thuê bao trả trước lại mua SIM khác. Khi sim “rác” bỏ không dùng đã bị khóa 2 chiều thì thi thoảng lại có chương trình khuyến mãi “khủng” đến 100% giá trị thẻ nạp.

Chị Nguyễn Hoài Phương ở Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết : “Tôi sử dụng thuê bao trả sau từ năm 1999. Mỗi tháng ít nhất tôi cũng gọi 400.000-500.000 đồng. Thế nhưng, chỉ cần tôi bận công việc chưa đi thanh toán tiền cước kịp là bị cắt ngay chiều gọi đi. Giờ tôi sử dụng cả 2 sim điện thoại, sim trả sau chuyên để nhận cuộc gọi còn sim trả trước dùng liên lạc để được hưởng khuyến mãi".

Theo phân tích của các chuyên gia, thuê bao trả trước là những đối tượng dễ "nhảy mạng" nhất còn thuê bao trả sau là đối tượng khách hàng chung thuỷ "ăn đời ở kiếp" với nhà mạng. Nhưng do cạnh tranh mà nhà mạng lại chủ yếu tập trung lôi kéo các thuê bao mới hơn là chăm sóc khách hàng trung thành. Những chính sách giữa thuê bao trả trước và thuê bao trả sau không thể không khiến họ chạnh lòng bởi nhà mạng "quên" quyền lợi của họ.

Anh Hồ Ngọc Anh, một thuê bao của Viettel cho biết: “Nhiều người dùng thuê bao trả sau như tôi thấy chạnh lòng khi so sánh với thuê bao trả trước. Các mạng đua nhau khuyến mãi rầm rộ cho thuê bao trả trước còn thuê bao trả sau gần như nằm ngoài cuộc. Nếu có nhiều lắm cũng mới chỉ được một vài lần với số tiền khuyến mãi chưa đến 100.000 đồng”.

Còn chị Trần Thu Phương, Đống Đa, Hà Nội chia sẻ “Tôi dùng trả sau của MobiFone gần 6 năm, thấy rất ít khuyến mãi. MobiFone có chương trình cộng điểm thưởng, nghe có vẻ hấp dẫn nhưng tính trung bình nếu tháng dùng hết 500.000 đồng được tặng 5 điểm tích lũy. Đủ 50 điểm mới được chuyển thành tiền khuyến mãi là 300.000 đồng (1 điểm = 6.000 đồng). Nhiều người không biết dùng bao lâu mới tích lũy được 50 điểm.

Trả sau thành “con hoang”?

Nói một cách khách quan, các nhà mạng cũng tung ra những chương trình khuyến mãi và chăm sóc thuê bao trả sau, như tặng quà dịp sinh nhật, gặp mặt khách hàng cuối năm, tặng tiền khi nhận cuộc gọi từ thuê bao khác, có thẻ VIP giảm giá mua hàng ở một số điểm... Nhưng, tất cả sự quan tâm này chủ yếu dành cho những khách hàng VIP với tiền cước điện thoại từ 1 đến vài triệu đồng/tháng. Còn những thuê bao trả sau với số tiền cước vài trăm ngàn đồng thì rất ít được quan tâm.

Không ít khách hàng dùng thuê bao trả sau cả chục năm nay có cảm giác bị đối xử như “con hoang” nhà mạng không buồn ngó ngàng đến. Thi thoảng dư luận có nhắc thì mới quan tâm gọi là.

Một kiểu ưu đãi khác mà một số nhà mạng thường áp dụng cho thuê bao trả sau trong thời gian gần đây là miễn phí cước cuộc gọi từ phút thứ 4 đến thứ 6 cho cuộc gọi nội mạng. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng không nhiều khách hàng có cuộc gọi dài như vậy mà chỉ phổ biến gọi từ 1-3 phút. Các chương trình khuyến mãi cho thuê bao trả sau như vậy giống như "bẫy" khách hàng nhiều hơn là tăng quyền lợi cho họ.

Trong các mạng di động, MobiFone được đánh giá chăm sóc thuê bao trả sau tốt nhất. Viettel trong năm 2009 được coi là mạng di động tung ra nhiều chương trình chăm sóc khách hàng thân thiết và thuê bao trả sau.

So với các mạng di động, việc chăm sóc thuê bao trả sau của VinaPhone có nhiều "trục trặc" nhất bởi mạng này đang sở hữu một mô hình quản lý "không giống ai": Nhà mạng chăm sóc thuê bao trả trước, còn viễn thông tỉnh chăm sóc thuê bao trả sau. Nên hiện nay, rất nhiều các thuê bao trả sau đang có xu hướng chuyển sang thuê bao trả trước để được hưởng khuyến mại.

Tính chung đến thời điểm hiện nay các mạng lớn như Viettel, MobiFone, Vinaphone số lượng thuê bao trả sau chỉ chiếm khoảng 10% tổng số thuê bao.

Theo các theo các chuyên gia viễn thông, để phát triển bền vững và có sự ổn định khách hàng, các nhà mạng cần phải có càng nhiều thuê bao trả sau càng tốt. Nhưng tình hình thực tế lại đi ngược lại khi các nhà mạng lao vào cuộc chạy đua giành thị phần, phát triển số lượng thuê mà bỏ quên việc chăm sóc khách hàng chung thủy với mình. Đặc biệt các thuê bảo trả sau nên các thuê bảo này vẫn đang phải chịu thiệt thòi với thuê bao trả trước.

Theo Thanh Huyền - DĐDN

Ý kiến bạn đọc

phung kien cuong, dong dang lang son, 10:27, 29/10/2010

toi thay rat dung' voi bai viet cua Thanh Huyen tren DDDn
nhu toi dung mang vnp tra sau dc 11 nam nay nhung chua he
duoc 1 cai goi co cua nha mang cho 1 khach hang chung thuy
den gio nhac den vnp la da~ thay' ngan toi co roi

Son Tran, Tp. HCM, 16:44, 28/10/2010

Tôi nghĩ các cơ quan quản lý nhà nước nên xem xét cách mà các đồng nghiệp ở Mỹ đã làm cách đây nhiều năm: cho khách hàng được giữ số thuê bao khi chuyển sang mạng khác !

Mạnh Lê, 15:59, 28/10/2010

Quả là quá đúng. ta cứ dùng dằng, cân nhắc mãi khi muốn dời nhà mạng ngày càng coi ta như đứa " con hoang ". Nhất là tôi đang dùng VINAFONEvới không ít lần trục trặc trong mười mấy năm "Chung thuỷ với nàng ". Song có lẽ lần này phải mạnh dạn dứt áo ra đi thôi. Hỡi ôi , những thuê bao cùng cảnh ngộ !!!

Lương Đỗ Đạt, 15:09, 28/10/2010

Tôi địch thị là đứa con hoang của Vinaphone, dối xử cực kỳ tệ. Trung thành gần 10 năm nay nhưng chẳng được quyền lợi là bao nhiêu.
Hôm qua, tôi ức quá, gọi điện cho 1 dịch vụ để đăng ký 1 sim trả sau mới của Vinaphone để được gọi miễn phí 1 năm. Thế đấy...

quachthe, Phường 8, Quận 5, 14:29, 28/10/2010

theo tôi thì vì đối xử quá tệ với thuê bao trả sau nên khách hàng đã chuyển sang thuê bao trả trước hết rồi, chỉ còn 10%. Mà 10% này chủ yếu là khách hàng "không thể đổi số được" . Vì biết thế nên nhà mạng càng không quan tâm chăm sóc kể cả khi họ thuộc tầng lớp tạo ra của cải vật chất nhiều nhất cho xã hội và góp phần thu không nhỏ cho các dịch vụ điện thoại. Càng đối xử xấu thì con số 10% sẽ càng nhỏ đi....

Quang, 12:42, 28/10/2010

Tôi thấy đúng là bất công với những ai đã và đang gắn bó với hình thức trả sau. Tôi đã chuyển từ trả sau của Mobifone sang trả trước . Mai có lẽ tôi cũng đi chuyển nốt của Viettel.

Luong Hung Minh, Nha Trang, 11:49, 28/10/2010

Chúng ta đang sống tại Việt Nam thì chấp nhận cách kinh doanh "chẳng giống ai" mà cũng chẳng có "ai dám giống" của các ông kẹ kinh doanh viễn thông, Tôi là khách hàng dùng thuê bảo trả sau gần 10 năm nay nên rất đồng cảm với tác giả bài viết. Riết rồi tôi phải học cách của AQ để tư an ủi mình khi nghĩ về kiểu kinh doanh "trời ơi" như hiện nay của nhà mạng.

Dương Hưu Văn, P 710 CT4B X2 Linh Đảm, 11:14, 28/10/2010

Tôi thấy bài viết trên quá đúng vì tôi cũng là thuê bao trả sau,mỗi tháng tôi sử dụng hết 1.200.000đ mà không thấy nhà mạng khuyến mại gì

Dương Hưu Văn, 710 CT4B X2 Linh Đảm, 11:07, 28/10/2010

Tôi thây bài viết quá đúng vì tôi dùng một tháng hết 1.300.000đ mà vẫn không được khuyến mại gì.

novel, hanel, 10:11, 28/10/2010

Ai dùng thuê bao trả sau cũng biết mình thiệt thòi đủ đường vì đã bị như con cá mắc câu, bỏ thì làm lại thủ tục lằng nhằn....Tôi cứ chần chừ bỏ mà chưa được vì chưa có thời gian làm lại thủ tục. Nếu chung thủy thêm một thời gian nữa mà không được khuyến mại bằng thuê bao trả trước thì nhất định bỏ thuê bao trả sau!

Trần Duy Thanh, HN, 09:40, 28/10/2010

Tôi dùng Vinaphone trả sau đã rất lâu rồi mà không thấy có khuyến mãi mấy. Nhìn sang Mobifone và Viettel thì cứ liên tục có KM khủng mà chạnh lòng quá. Cũng thấy hơi buồn.

Le Minh, 126 Minh Khai Ha Noi, 09:36, 28/10/2010

Bai viet that hay, va da noi len duoc nhung bat cap ma nguoi dung thue bao tra sau bao nam khong hai long, va khong biet to cung ai . Va toi nghi chi co thi truong di dong Viet Nam moi co chuyen nguoc doi nhu the nay .Tinh trang nay theo toi con keo dai....

Tin liên quan

Các tin khác