221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
1056493
Chuyện không dám kể trước khi phóng VINASAT-1
1
Article
null
Chuyện không dám kể trước khi phóng VINASAT-1
,

 - Trái với suy nghĩ của nhiều người cho rằng tên lửa Ariane5-ECA có một nút bấm để khai hoả tên lửa đẩy, toàn bộ quá trình phóng đều được thực hiện bằng máy tính. Tuy nhiên, vẫn có một nút bấm khác, được sử dụng vào một mục đích mà chỉ đến khi VINASAT-1 đã được phóng thành công, PV VietNamNet mới dám tiết lộ.

 Trong chương trình giới thiệu tại trung tâm điều khiển tên lửa số 3, ông Mario de Lepine, Giám đốc truyền thông của Ariane Space tại French Guiana giới thiệu với báo giới rằng đây là nơi điều khiển toàn bộ quá trình phóng tên lửa. Tuy nhiên, khi PV VietNamNet hỏi rằng có một nút bấm nào được sử dụng với mục đích khai hoả động cơ phản lực của tên lửa hay không, câu trả lời là: Không!

Theo ông Mario cho biết: Toàn bộ quá trình điều khiển phóng tên lửa Ariane5 mang theo VINASAT-1 đều được lập trình sẵn trên một hệ thống máy tính điều khiển. Các mệnh lệnh được thực hiện thành một chuỗi tuần tự và khi câu lệnh trước được thực hiện thành công thì câu lệnh sau mới được đưa ra để đảm bảo an toàn.

Trước thời điểm phóng tên lửa 7 phút, toàn bộ đội ngũ chuyên gia của phòng điều khiển đều đứng dậy khỏi máy tính, đứng lùi ra màn hình theo dõi và cho 2 tay vào... túi quần. Toàn bộ quá trình phóng đã được lập lịch trình cụ thể trên máy tính và được thực thi liên tục trong vòng 7 phút đó.

Khi mọi mệnh lệnh kiểm tra, kích hoạt được thực hiện hoàn tất, vào thời điểm hết 7 phút đó, động cơ đẩy chính của Ariane5 sẽ được kích hoả và kiểm tra tốc độ đốt nhiên liệu trong 7 giây. Kết thúc 7 giây này, khi kết quả kiểm tra tốt, 2 động cơ đẩy 2 bên tên lửa sẽ đồng loạt khai hoả thành một tiếng nổ lớn, tạo lực đẩy đưa Ariane5 rời bệ phóng.

Động cơ chính ở thân giữa tên lửa sẽ không tham gia vào quá trình phản lực này, mà chỉ duy trì một luồng lửa nhỏ để thực hiện nhiệm vụ đẩy tên lửa trong giai đoạn sau, khi 2 động cơ đẩy booster tách rời khỏi thân chính.

Thời tiết - Yếu tố sống còn

Trong quá trình tham khảo kế hoạch phóng vệ tinh VINASAT-1, chúng tôi được biết mọi quy trình kiểm tra chất lượng và tính toán thời điểm phóng vệ tinh đều được thực hiện rất chặt chẽ. Nhưng ấn tượng nhất, có lẽ vẫn là công tác dự báo khí tượng thuỷ văn ngay tại Trung tâm vũ trụ của châu Âu.

Ngay trong thời điểm 1 ngày trước khi tên lửa được phóng, khi bàn phóng Ariane 5 được đưa từ khu nhà BAF ra bãi phóng, trả lời VietNamNet về những nguy cơ lớn nhất có thể xảy ra khi đưa quả tên lửa với 2 ống phóng booster (ở 2 bên) đang có sẵn tổng cộng 320 tấn thuốc phóng, ông Michel, Giám đốc Ariane Space tại French Guiana cho biết: "Chúng tôi lo ngại nhất là sét đánh vào tên lửa".

Nhưng ngay sau đó, ông Michel cũng khẳng định rằng trung tâm dự báo khí tượng của Trung tâm Vũ trụ đã khẳng định, trong vòng 1 tiếng kể từ khi bắt đầu di chuyển vệ tinh ra bãi phóng, trong khu vực trung tâm CSG không thể có khả năng xuất hiện sét đánh.

Trong lịch trình cửa sổ mở cho phép phóng VINASAT, thời gian được ấn định là từ 19h16p đến 20h23p ngày 18/4 theo giờ Kourou. Ngày 18/4 là một ngày nắng ráo, nóng nực cả ngày, nhưng ngay sau khi Ariane 5 được phóng thành công, đến khoảng hơn 20h, một cơn mưa lớn đã đổ xuống Trung tâm vũ trụ Guiana. Điều này càng cho thấy khả năng dự báo và tính toán thời tiết cực kỳ chuẩn xác của cơ quan khí tượng trực thuộc Trung tâm vũ trụ châu Âu.

Vẫn có một nút bấm

Tuy nhiên, một ngày sau, khi gặp lại PV VietNamNet, ông Mario tiết lộ: "Thực ra chúng tôi vẫn có một nút bấm khi tiến hành phóng tên lửa. Tuy nhiên, nó chỉ được sử dụng để biến tên lửa Ariane5 thành một... quả pháo hoa khổng lồ mà thôi."

Thực tế, đó là nút bấm duy nhất được sử dụng để phá huỷ quả tên lửa Ariane5 trong trường hợp nó bay ra ngoài phạm vi qũy đạo bay cho phép. Trong mỗi hành trình phóng tên lửa, một quỹ đạo chuẩn đã được xác định sẵn, với 2 đường biên độ cộng trừ cho phép để đảm bảo tên lửa vẫn phóng thành công theo kế hoạch.

Về trực quan, có thể hiểu đơn giản 2 đường biên độ này là 2 đường thẳng song hành ở 2 bên đường quỹ đạo phóng được tính toán của tên lửa. Khi vượt ra ngoài 2 đường biên này, độ chính xác sẽ không đảm bảo và quỹ đạo của Ariane5 có thể sẽ gây nguy hiểm. Và đó chính là lúc nút bấm duy nhất bắt buộc phải sử dụng để phá huỷ quả tên lửa ngay khi đang bay.

Toàn bộ quá trình chuyển giao việc điều khiển phóng cho máy tính, cũng như kế hoạch chuẩn bị nút bấm phá huỷ tên lửa trong trường hợp đi sai đường, đều nằm trong kế hoạch phóng tên lửa đã được chuẩn bị sẵn của Ariane Space.

Đã có vài lần nút bấm này phải được sử dụng, và lần gần đây nhất là vào năm 2002, với lần phóng đầu tiên của phiên bản Ariane5 ECA. Toàn bộ quả tên lửa bị phá huỷ trên không trung chỉ 3 phút sau khi cất cánh. Theo lời kể của anh Nghĩa, một Việt kiều hiện đang sinh sống tại Kourou, nơi có Trung tâm vũ trụ châu Âu, vụ nổ đó đã tạo nên một cảnh tượng không khác gì một quả pháo hoa nổ tung trên bầu trời.

Nguyên nhân của sự cố đó, theo lời kể lại của anh Nghĩa, là do một mẩu giẻ đã bị bỏ quên bên trong phần động cơ đẩy chính, khiến nó không thể đạt được đủ lực phóng cần thiết cho quá trình phản lực của thân chính Ariane5.

Tất nhiên, những câu chuyện như thế này, theo quan điểm của người Á Đông, có thể sẽ không mang đến may mắn nếu công bố trước thời điểm phóng vệ tinh VINASAT-1. Do vậy, chỉ khi quả vệ tinh đầu tiên của Việt Nam đã bắt đầu hành trình trên quỹ đạo, chúng tôi, những người bám sát sự kiện trọng đại này từ bãi phóng vũ trụ Kourou, mới dám tiết lộ về nó.

  • Bình Minh

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>