221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
744726
Hà Nội sẽ là "đầu tàu" theo cách riêng của mình!
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Hà Nội sẽ là 'đầu tàu' theo cách riêng của mình!
,

(VietNamNet) - "Vì Hà Nội là Thủ đô! Hai thành phố lớn thì như nhau nhưng là Thủ đô phải có cách đi riêng!". Trả lời phỏng vấn riêng với VietNamNet, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Phùng Hữu Phú lý giải như vậy khi so sánh về khả năng kinh tế giữa TP.HCM và Hà Nội.

Ở Thủ đô không cho phép diễn ra sự đổ bể!

- Hà Nội và TP.HCM là hai ''đầu tầu'' lớn nhất nước, đều có điều kiện thuận lợi và Trung ương cho cơ chế đặc thù để bứt phá đi lên. Nhưng nhiều người cho rằng, TP.HCM bao giờ cũng có cách làm, bước đi mạnh bạo trong khi Hà Nội đi chậm, theo sau?

Soạn: AM 651635 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Phùng Hữu Phú: Thành phố tự tin vì thực sự tiềm năng của Hà Nội còn rất nhiều!

- Hoàn toàn đúng đắn và hoàn toàn khách quan! TP.HCM phải bứt phá mạnh mẽ hơn nữa! Đấy mới đúng là TP.HCM. Hà Nội phải táo bạo hơn, quyết liệt hơn nhưng không thể đi như TP.HCM. Vì Hà Nội là Thủ đô! Hai thành phố lớn thì như nhau nhưng quốc gia chỉ có một Thủ đô thì Thủ đô phải có cách đi riêng!

Vì mấy nhẽ: Một là Thủ đô thì đòi hỏi rất cao là ổn định chính trị - xã hội. Ở Thủ đô không cho phép diễn ra những sự đổ bể! Đi nhanh thì hiệu quả cao nhưng cũng thường có sơ suất, dẫn đến đổ bể! Có thể đổ bể ở địa phương khác, hậu quả một, nhưng đổ bể ở Hà Nội hậu quả gấp nhiều lần!

Hà Nội không được phép để những đổ bể mà chấn động đến tình hình xã hội! Buộc Hà Nội phải tỉnh táo, phải tính toán!

Lẽ thứ hai, TP.HCM là một trung tâm kinh tế, văn hoá. Nhưng Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, văn hoá, giáo dục, kinh tế. Không phải tất cả cho kinh tế được mà Hà Nội lại rất chăm lo chính trị, an ninh quốc phòng... Cho nên, nếu nhìn về hình thức bảo cái này chậm so với cái kia nhưng nghĩ cho thấu đáo là 2 cách đi xuất phát từ đặc thù của từng Thành phố.

Nói như vậy không có nghĩa Hà Nội không thể mạnh mẽ hơn về kinh tế! Nó có đủ khả năng để đảm bảo ''đầu tầu'' về kinh tế theo cách của nó!

Thời công nghiệp ống khói của Hà Nội qua rồi...

- Có cơ sở nào Hà Nội tự tin về đích trước, đến năm 2015 thành thủ đô công nghiệp, so với cả nước là đến 2020?

- Thành phố tự tin vì thực sự tiềm năng của Hà Nội còn rất nhiều! Thứ nhất là lợi thế vốn có ''trời cho'' Hà Nội là Thủ đô, là đầu mối của cả nước, đầu mối quốc tế. Lợi thế đó Hà Nội đã khai thác nhưng chưa phát huy hết!

Hai là Hà Nội có nguồn lực chất xám vô cùng phong phú! Trên 60% lượng chất xám cả nước nằm ở Hà Nội. Trên 60% các nhà khoa học có tên tuổi, có học hàm, học vị cao nhất nước nằm ở Hà Nội cả! Cơ chế thế nào để kết gắn các trường đại học, các viện nghiên cứu với sản xuất, với kinh doanh với quản lý là bài toán đặt ra.

Nếu mình khai thác tốt những lợi thế này thì sức mạnh của Hà Nội lớn lắm! Mà Việt Nam đang phấn đầu là phải đi vào kinh tế trí thức thì Hà Nội thuận lợi hơn bất cứ nơi nào!

Từ đó buộc Hà Nội phải suy nghĩ tính lại bài toán kinh tế. Bài toán lâu nay đi là bài toán của một thời đã qua! Bài toán kinh tế sắp tới là phải tiếp cận và đi vào kinh tế trí thức. Thời kỳ phát triển công nghiệp ống khói qua rồi, nhất là đối với Hà Nội.

Ví dụ như khu công nghiệp Bắc Thăng Long: Đấy là mô hình công nghiệp của Hà Nội. Công nghiệp chất lượng cao, công nghiệp sạch! Công nghiệp nhiều khói, nhiều bụi, sản phẩm thứ cấp không phải của Hà Nội.

Về dịch vụ, Hà Nội phải là một trung tâm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Bao nhiêu ngân hàng đặt ở đây mà mình không tận dụng! Phải tính lại bái toán này!

Rồi dịch vụ du lịch, lần đầu tiên Hà Nội 11 tháng đón 1 triệu khách nước ngoài. Người ta dự báo 10 năm tới Hà Nội vẫn là điểm du lịch lý tưởng của châu Á. Khoa học, giáo dục, đào tạo là những thế mạnh rất có lợi cho Hà Nội.

 Nếu ý tưởng Hà Nội tính đúng, quyết tâm làm, chỉ đạo giỏi thì về đích trước 5 năm không phải là không có cơ sở! Hoàn toàn có cơ sở! Vấn đề là quyết tâm và có chỉ đạo kịp thời!

Đầu tư mạnh vào kinh tế tri thức

- Nghĩa là TP. Hà Nội coi đây là những ngành, sản phẩm chủ lực để tập trung chính sách và đầu tư?

- Trọng tâm 5 năm này trở đi, Hà Nội đặc biệt coi trọng kinh tế trí thức, đặt dịch vụ lên trên. 5 năm trở về trước, Hà Nội vẫn đặt công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Bắt đầu từ 5 năm này, đặt dịch vụ, công nghiệp là hướng đầu tư mạnh.

Đó là chuyển đổi rất quan trọng về tư duy kinh tế!

Hay là chuyển cơ sở công nghiệp trung bình ra các tỉnh, thành khác, còn giữ lại Hà Nội công nghiệp dáng dấp như Bắc Thăng Long, công nghiệp điện tử, công nghiệp phần mềm, công nghiệp mẫu mã...

Có người nói Hà Nội không phát triển công nghiệp dệt may. Như thế là nhầm! Hà Nội không phát triển dệt may loại bình thường nhưng dệt may cao cấp, quan trọng là chế tạo mẫu. Tạo ra giá trị gia tăng cao nhất! Chứ may mặc thông thường thì không ăn thua gì!

Hà Nội sẽ "xốc" văn hoá lên!

- Ông có nói, sau 20 năm đổi mới, Hà Nội cố gắng nhưng mới đạt kết quả bước đầu và công việc trước mắt rất ngổn ngang. Vậy Hà Nội đang ngổn ngang những gì?

- Những năm vừa rồi, TP. Hà Nội mới làm một bước, là nâng cấp, cải tạo phần cũ của Hà Nội. 5 năm vừa rồi, cái mới, cái được là xây dựng thêm một số khu đô thị mới hạ tầng đồng bộ, hiện đại hơn.

Đấy chỉ là một phần! Còn ý tưởng có một Hà Nội hoàn thiện là phải phát triển mạnh cả 2 bên bờ sông Hồng. Lâu nay công trình cuả ta chủ yếu là công trình phía Nam sông Hồng. Và hiện nay phía Nam đang ngổn ngang! Bốn khu đô thị mới, tôi mới đi một ngày thấy tất cả đều ngổn ngang: Có cái 2006 xong, nhiều cái 2007 xong, có những cái 2010 mới xong!

Toàn bộ ý tưởng phát triển phía Bắc sông Hồng thi quy hoạch chưa xong, hạ tầng chưa có! Mảng công việc còn lại cực kỳ nhiều! Các cầu bắc qua Sông Hồng mới bắt đầu.

Nói đến kiến trúc của Hà Nội thì thực sự lộn xộn, chưa đâu vào đâu! Lúc thì hình chóp, lúc thì hình ống khói, cái thì kiến trúc kiểu Indonesia, cái thì dáng dấp châu Âu... Ngổn ngang quá đi!

- Còn về chiều sâu của Hà Nội?

- Đấy là nói kiểu dáng bên ngoài! Còn về vấn đề chiều sâu, phân bổ dân cư Hà Nội thế nào cho hợp lý! Để tạo ra được cộng đồng dân cư hài hoà, khoa học là bài toán phải giải.

Còn nữa là, xây dựng người Hà Nội đúng là người Thủ đô thanh lịch, văn minh. Làm sao xã hội Hà Nội này trong lành, hạn chế thấp nhất tệ nạn ma tuý, mại dâm... Đấy là những vấn đề rất lớn!

Đấy là lý do tại sao tôi nói kết quả mới bước đầu! Còn phía trước rất ngổn ngang, từ việc xây dựng quản lý đô thị đến quản lý cộng đồng dân cư, xây dựng con người...

- Trước thực trạng như thế, tại Đại hội Đảng bộ lần này, Thành phố đã tìm ra hướng đi đến đáp số cho những bài toán trên chưa?

- Cái yếu hiện nay của Hà Nội là quy hoạch và xây dựng quy hoạch. Cho nên 5 năm tới Hà Nội sẽ tập trung mạnh đầu tư cho hạ tầng.

Quyết tâm phấn đấu cao nhất là quyết tâm chính trị. Nhiệm kỳ này phải có đường sắt đô thị, dồn sức cho hạ tầng. Quyết tâm hoàn thiện khu đô thị phía Nam và đẩy nhanh tốc độ quy hoạch phía Bắc, hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo hạ tầng khung, chuẩn bị 5 năm nữa sẽ phát triển mạnh đô thị Bắc sông Hồng.

Thứ hai là vấn đề cộng đồng, trọng tâm 5 năm tới là tiếp tục làm mạnh cải cách hành chính, trong đó có thể chế, thiết chế, thủ tục hành chính...

Thứ ba là mục tiêu rất rõ, toát ra từ chủ đề tận dụng thời cơ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội để ''xốc'' văn hoá lên! Tập trung nhiều hơn vào xây dựng con người!

Quản lý quy hoạch: Kém từ gốc đến ngọn?

- Ngổn ngang của đô thị, kiến trúc lộn xộn, thiếu quy hoạch... Vậy, công tác quản lý của TP. Hà Nội còn nhiều vấn đề?

- Quy hoạch là cái khó nhất, đòi hỏi trình độ cao! Ta đang thiếu những chuyên gia tầm cỡ về lĩnh vực quy hoạch và kiến trúc. Không phải chỉ ta, các nước cũng coi quy hoạch là lĩnh vực khó nhất! Vì nghèo nên ta chủ yếu vẫn dùng chuyên gia... của ta! Cho nên quy hoạch không có con mắt nhìn tổng thể, dài hơi nên chất lượng quy hoạch yếu, tầm quy hoạch quá ngắn! Mình thường làm ngược với các nước: quy hoạch chi tiết đến đâu, hạ tầng đến đấy, chắp vá...!

Cái yếu thứ hai, khi đã có quy hoạch rồi thì xây dựng hoàn toàn không theo quy hoạch, phá quy hoạch lần nữa! Quản lý xây dựng theo quy hoạch kém! Thế thì kém từ gốc đến ngọn còn gì nữa! Dẫn đến tình trạng lộn xộn, chắp vá, không đồng bộ!

Nếu sửa phải sửa cả hai! Đầu tiên phải nâng cao chất lượng quy hoạch. Lần này có cái mới, Thủ tướng cho phép Hà Nội mời chuyên gia nước ngoài làm công tác quy hoạch. Hai là một loạt cơ chế, chế tài bảo đảm xây dựng theo quy hoạch.

Lâu nay buông lỏng nên nhà ''siêu mỏng'', nhà cao, nhà thấp, nhà thò ra thụt vào đó vì quản lý kém, không nghiêm! Thì phải siết chặt lại!

Giã từ tư duy quản lý theo phường - quận

Hà Nội muốn bỏ cấp phường

- Vừa qua, tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM nói tới một mô hình rất mới là chính quyền đô thị. Hà Nội có nghĩ tới xây dựng chính quyền đô thị, trong đó cải cách về bộ máy, thể chế sao cho gọn nhẹ, phục vụ dân tốt hơn?

- Thực ra đây là một vấn đề rất mới, Hà Nội đã suy nghĩ mà chưa làm được! Mô hình quản lý đô thị như Hà Nội hiện nay không phù hợp! Không phù hợp đâu! Ta áp dụng mô hình quản lý giống nhau, tỉnh nông nghiệp cũng như đô thị. Nhưng mô hình quản lý nông nghiệp, nông thôn khác với quản lý đô thị.

Mô hình quản lý đô thị, càng ít tầng nấc trung gian bao nhiêu càng tốt bao nhiêu! Có đô thị người thị trưởng trực tiếp với dân không qua trung gian. Ta lại 3 cấp: thành phố, quận, phường. Mô hình đó không đúng đâu! Ta phải suy nghĩ, cải tiến căn bản bộ máy quản lý! Lẽ ra với đô thị lớn, bộ máy quản lý chỉ nên để 2 cấp: thành phố và quận..

- Cụ thể mô hình đối với đô thị như Hà Nội nên như thế nào?

- Hà Nội đã đề xuất lên Trung ương muốn thí điểm mô hình quản lý 2 cấp nhưng chưa được chấp thuận! Tức là không còn cấp phường. Giống như mấy chục năm trước, chỉ có thành phố và tiểu khu!

Đồng thời, mô hình ấy là mô hình đẩy mạnh chính quyền điện tử. Đưa công nghệ thông tin vào quản lý thì mới gọi đúng là chính quyền đô thị nhanh, thông thoáng, không ách tắc. Sẽ rất tiện ích! Mọi việc được công khai, minh bạch...

- Về sử dụng con người, Hà Nội liệu có gì đột phá trong chính sách trọng dụng con người, ''chiêu hiền đãi sỹ'', vì quan trọng nhất là con người?

- Hà Nội đã có cả một chương trình, cả một nghị quyết trọng dụng nhân tài. Đã bắt đầu áp dụng. Nhưng nó bất cập, trước hết chính là cơ chế, chính sách của chúng ta.

Ví dụ: Muốn có cán bộ giỏi công nghệ thông tin (CNTT) vào làm ở cơ quan nào đó của Thành phố. Anh em làm liên doanh, công ty ngoài nhà nước, thu nhập có thể đến vài chục triệu. Nhưng vào bộ máy công quyền, hay bộ máy Đảng, thì ''chiêu hiền, đãi sỹ'' thế nào đây? Anh không thể trả lương cho một cán bộ CNTT mới về, ví dụ về Thành uỷ, lại cao hơn Bí thư thành uỷ được! 

Có nhiều cái muốn làm nhưng chưa làm ngay được vì cơ chế, chính sách của ta chưa đồng bộ, chưa giải quyết tận gốc được!

- Xin cảm ơn ông!

  • Văn Tiến
    thực hiện

Bạn nghĩ sao về cách phát triển của Hà Nội?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,