221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1316186
Thuế đất nông nghiệp - có nên miễn giảm?
1
Article
null
Thuế đất nông nghiệp - có nên miễn giảm?
,

- Thảo luận tổ quanh dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp chiều 25/10, không phải ĐB nào cũng đồng tình tiếp tục miễn, giảm loại thuế này. Điều cấp bách là sửa Luật đất đai.

Nghề nông vất vả, nên miễn giảm hết

ĐB Huỳnh Phước Long (Trà Vinh) cho rằng nghề nông đang chịu rất nhiều khó khăn từ bão lũ, thời tiết, giá cả, đầu tư cho nông nghiệp lại không lời bao nhiêu, nên tiếp tục miễn giảm để xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển. Ông cũng đề xuất có chính sách cho những vùng thường xuyên gặp thiên tai bão lũ.

Mô tả ảnh.

ĐB Trần Đình Long đề nghị nghiên cứu kỹ để miễn giảm công bằng. Ảnh: Hoàng Long

ĐB Trương Thị Xê (Đắk Lắk) cũng chia sẻ về sự khó khăn của nhà nông là chủ yếu phải tự thân vận động, ngay cả giống mới cũng không được giúp đỡ. “Tôi là GĐ Sở Nông nghiệp, cứ báo cáo chương trình nọ chương trình kia cho vui, chứ thực ra họ toàn tự làm đấy”, bà Xê nói.

ĐB Lê Hồng Sơn (Thanh Hoá) thì nhận định “hiện nay nông dân đang bỏ ruộng rất nhiều, cần có chính sách khuyến khích để họ gắn bó với đất đai, với nghề nông”.

Ông Sơn phân tích “làm nghề nông, dù là trang trại hay đồn điền thì chỉ cần rớt giá, mất mùa một vụ là 3 vụ sau cũng không kéo lại được”, vì vậy “nên miễn 100% thuế đối với mọi đối tượng sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích, để khuyến khích nông dân trồng trọt, vì nghề nông vừa vất vả, lợi nhuận thấp lại có nguy cơ lỗ, thậm chí trắng tay cao”.

ĐB Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định) đồng tình và phân tích: “Nguồn thu từ thuế sử dụng đất nông nghiệp chỉ được 84 tỉ đồng/năm, thực hiện 5 năm thì cũng chỉ được hơn 400 tỉ đồng, 10 năm cũng chỉ được hơn 800 tỉ đồng, vậy nên miễn hết để đảm bảo minh bạch về thuế và bớt nhũng nhiễu cho nông dân”.

ĐB Huỳnh Minh Nhất (Hà Giang) thì đề nghị quy định rõ cả với các trường hợp doanh nghiệp tham gia làm kinh tế nông nghiệp, ví dụ các doanh nhân đứng ra tích tụ ruộng đất, trở thành ông chủ, còn người nông dân đóng góp cổ phần bằng đất đai.

Việc này không những thay đổi quan hệ sản xuất, mà cùng với việc áp dụng khoa học công nghệ, năng suất còn được tăng lên, giúp cho nông dân có thu nhập ổn định kể cả lúc chưa thu hoạch. Những trường hợp như vậy chắc chắn sẽ vượt hạn mức về diện tích đất, tuy vậy nên có chính sách khuyến khích cách làm này bằng cách giảm thuế, ông Nhất phân tích.

Mô tả ảnh.

ĐB Nguyễn Ngọc Đào: Không nên ra thêm một nghị quyết nào nữa, vì thêm một nghị quyết chỉ làm cho vấn đề quản lý đất đai thêm rắc rối. Ảnh: Hoàng Long

Miễn giảm có phải cách tối ưu?

Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại băn khoăn về tính thực tiễn của chính sách này. ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) cho rằng kể cả có miễn giảm, có hỗ trợ nhưng cũng không thể giúp người nông dân thoát nghèo ngay. Vì vậy, bên cạnh đó còn phải chuyển giao khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch, để giúp nghề nông thực sự hiệu quả.

Bà Kim Anh cũng cảnh báo mặt trái của việc miễn giảm là người dân chuyển mục đích sử dụng đất, nên trong thực hiện chính sách này, cần sâu sát để miễn giảm cho những diện tích đúng mục đích, thu hồi và xử lý đất sử dụng sai mục đích, hoặc bị để hoang hóa.

ĐB Trần Đình Long (Đắk Lắk) cũng chia sẻ băn khoăn đó khi đặt câu hỏi: “Bảo là miễn, giảm thuế đất nông nghiệp, nhưng giờ đều là thuê đất rồi, vậy họ có nộp thuế đất nông nghiệp không? Có còn là đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình không?”. Từ đó, ông đề nghị cần nghiên cứu kỹ để “miễn giảm công bằng”.

Ông Long phân tích thêm: “Hộ nghèo có diện tích vượt hạn điền không? Người sử dụng vượt hạn điền thì có nghèo không? Nghe thì có vẻ có tình cảm với người nghèo, nhưng thực chất có đối tượng đó không?”.

Sửa Luật đất đai là cấp bách hơn cả

ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) lại cho rằng “cần tổng kết xem thật sự các chính sách hỗ trợ nông nghiệp của ta có hiệu quả không? Ta giảm chút thuế cho đối tượng nghèo, tưởng là ưu ái người nghèo thì tốt, nhưng tôi nghĩ cũng phải có những người tích tụ ruộng đất, có doanh nghiệp tư nhân về nông nghiệp... để thúc đẩy sản xuất trên diện rộng mới là điều tốt, phải có chính sách tổng thể với nông nghiệp”.

“Chứ thực trạng nông nghiệp thế này mà tuyên bố 2020 là nước công nghiệp, thậm chí có tỉnh đến 2019, 2018 đã đạt để đi trước thì chỉ là hô hào chính trị thôi. Phải có chính sách xác thực”, ông Hải nói.

ĐB Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) đồng tình: “Làm thế nào để không miễn giảm mà vẫn tăng được thu nhập cho người nông dân mới là phương cách căn cơ lâu dài”, và “việc cấp bách hơn cả là nghiên cứu để sửa đổi bổ sung Luật đất đai và các luật liên quan”.

ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) thì thẳng thắn đề nghị “không nên ra thêm một nghị quyết nào nữa, vì thêm một nghị quyết chỉ làm cho vấn đề quản lý đất đai thêm rắc rối”. Ông nhận định: “Chúng ta cứ như thế này thì không bao giờ làm lại được Luật đất đai một cách tử tế”. Ông Đào cho biết “không đồng tình thông qua nghị quyết này”.

Ngay báo cáo thẩm tra của UB Tài chính - Ngân sách QH cũng cho rằng "về lâu dài, cần thiết phải thu thuế đối với việc sử dụng đất nông nghiệp", để thống nhất với nguyên tắc về nghĩa vụ thuế khi sử dụng tài nguyên đất đai, hạn chế việc dùng đất kém hiệu quả hoặc bỏ hoang hóa, cũng như đảm bảo bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế của mọi đối tượng sử dụng đất và giữ được tính trung lập của chính sách thuế.

  • Thủy Chung - Khánh Linh - Cao Nhật
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,