Tranh cãi chuyện bỏ HĐND: Cần thì Quốc hội làm ca đêm...

Cập nhật lúc 15:46, 12/09/2010 (GMT+7)

- Sáng nay (12/9), các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc về hoạt động của HĐND và UBND tiếp tục thảo luận qua lại xung quanh nội dung "nóng" nhất: Bỏ hay không bỏ HĐND huyện, quận, phường.

Gác cổng chứ không cản trở

Bà Hoàng Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng đề nghị phải có chính kiến và cách nhìn toàn diện, không thể nhận định theo kiểu "việc không còn HĐND tạo điều kiện thuận lợi cho UBND...".

Cho rằng "HĐND như người gác cổng pháp luật cho các cơ quan hành chính nhà nước, chứ không phải là lực cản cho hoạt động của chính quyền", bà đề nghị phải thí điểm trên phạm vi rộng rãi hơn, để đánh giá sát với tình hình thực tế. Bà Hồng cũng chỉ ra thực tế, hiệu lực của HĐND chưa cao là do chúng ta chưa chú trọng bộ máy HĐND, cần nghiên cứu để bộ máy hành chính tinh giản và hiệu quả, không thể chỉ chú tâm bỏ vài nhân sự HĐND trong khi phòng ban của chính quyền phình to ra.

Mô tả ảnh.
Đồng tình hay không đồng tình? Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
Ông Lâm Tấn Đông - ủy viên thường trực HĐND tỉnh Tây Ninh lại nhiệt tình ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp ngay trong kỳ họp QH tới để từ năm sau bỏ toàn bộ HĐND huyện, quận, phường trên toàn quốc.

"Trách" báo cáo của Chính phủ còn "đứng giữa đôi dòng nước" khi đưa ra tới 3 phương án, trong khi lẽ ra phải khẳng định chính kiến là có thể bỏ ngay, "việc sửa đổi Hiến pháp nằm trong tầm tay của QH, cần thì QH có thể làm ca đêm, công nhân còn làm việc ba ca được. Bỏ HĐND là tốt nhất vì phù hợp với thực tế, cũng đúng với tâm tư nguyện vọng...", ông Đông "chắc nịch".

Tiếp ngay sau ông Đông, phát biểu của Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Tính lại thể hiện rõ sự băn khoăn vì thiếu thông tin khi chỉ thí điểm trên 10 tỉnh, còn đa số không thể đủ "dữ liệu" để có suy nghĩ "đến nơi đến chốn".

Ông Tính đề nghị phải trả lời sớm các câu hỏi: "Tại sao phải bỏ HĐND? Lợi ích có lớn hơn những bất cập không? Tại sao chỉ bỏ HĐND huyện, quận, phường? Tại sao HĐND phường thuộc quận thì bỏ, còn HĐND phường thuộc thị trấn lại vẫn giữ? Bỏ HĐND thì khoảng trống lớn nhất là công tác giám sát sẽ được khắc phục ra sao? Phải công khai rộng rãi để toàn quốc đều hiểu, cách làm của ta vừa qua chưa thận trọng nên nhiều địa phương có phản ứng".

Phát biểu cuối cùng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn Trương Hùng Anh còn quyết liệt hơn khi khẳng định phải suy nghĩ hết sức nghiêm túc, bởi "ta khẳng định là nhà nước pháp quyền do dân vì dân, thì không thể thay thế cơ quan quyền lực bằng cơ quan hành chính đại diện của nhà nước được".

Theo ông Anh, không thể chỉ thực hiện thí điểm một chiều là xóa bỏ HĐND, rồi đưa ra toàn đánh giá tích cực, "như thể HĐND là trở ngại". "Hãy thử làm chiều ngược lại, thí điểm những thay đổi về cơ chế, sắp xếp bộ máy, củng cố hoạt động của HĐND, chắc chắn bộ máy chính quyền địa phương sẽ mạnh hơn rất nhiều. Con người phải có 2 chân, thì không thể vì một chân yếu hơn mà loại bỏ chân yếu để chỉ còn 1 chân được".

Đừng phiến diện

Trong cuộc trò chuyện dài hơn 1 tiếng để kết thúc hội nghị, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng khẳng định việc thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường là việc rất hệ trọng, rất nhạy cảm, liên quan đến rất nhiều bộ luật và liên quan đến cả Hiến pháp, nhưng nằm trong chuỗi những thí điểm để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của toàn bộ hệ thống chính trị, "lúc nào dân nên làm chủ trực tiếp? Lúc nào gián tiếp thông qua cơ quan đại diện là QH, HĐND, Mặt trận và các đoàn thể?".

Mô tả ảnh.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng: Được mặt này thì phải mất mặt khác. Ảnh: KL

Chủ tịch QH yêu cầu tổng kết phải hết sức "biện chứng": "Đừng phiến diện chuyển từ cực này sang cực khác, muốn bỏ thì chứng minh toàn mặt tốt mặt hay, không nói gì tới những mặt trái. Thí điểm mới có 1 năm mà tổng kết theo kiểu 10 tỉnh toàn tốt, dẫn đến những thảo luận trong hội trường và giờ giải lao rất "tâm tư" là phải rồi. Được mặt này thì dứt khoát phải mất mặt khác".

Theo ông Trọng, phải tổng kết hết sức khách quan, lắng nghe mọi ý kiến trên tinh thần phát huy dân chủ, để "chọn được giải pháp tối ưu trong điều kiện cho phép, khả thi, nhưng quan trọng là tạo sự đồng thuận trong xã hội".

Chủ tịch QH không quên "nhắn nhủ" các ĐB HĐND đừng vì tư tưởng đang thí điểm, sắp tới có thể bỏ HĐND cấp của mình, rồi tư tưởng "chợ chiều" sắp hết nhiệm kỳ mà lơ là trách nhiệm. Càng khó khăn càng phải làm thật tốt nhiệm vụ của mình, "làm để chứng tỏ mình làm có tốt không, có cản trở gì ai không".

  • Khánh Linh

Ý kiến của bạn

Các tin khác