221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1163222
Lấy đất làm thuỷ điện, di dân về đâu?
1
Article
null
Lấy đất làm thuỷ điện, di dân về đâu?
,

 - Người dân tái định cư tại các công trình thủy điện, thủy lợi miền Trung, Tây Nguyên phải sống trên diện tích đất sản xuất hẹp hơn, chất  lượng đất xấu hơn, có nơi còn thiếu điện, nước. Trong khi đó, để có đất làm thủy điện, Nhà nước tập trung đầu tư giải phóng mặt bằng hơn là hỗ trợ sản xuất.

Đây là những vấn đề được bàn thảo trong buổi làm việc hôm nay (18/2) giữa Hội đồng Dân tộc QH với các bộ, ngành. Hội đồng Dân tộc QH cũng sẽ thực hiện giám sát để báo cáo QH tại kỳ họp tháng 5 tới.

Một góc khu tái định cư Nậm Cản, Mường Lay. Ảnh Minh Huyền

Đi đâu mới đủ đất?

"Sau 15 năm thực hiện, chúng ta đã không đạt được mục tiêu là dân đến nơi tái định cư có đời sống tốt hơn so với nơi cũ", Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội QH Bùi Sĩ Lợi nhận định.

Ý kiến này được hầu hết các thành viên trong Hội đồng Dân tộc QH chia sẻ.

Ngay báo cáo của Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cũng chỉ ra, hầu hết các hộ tái định cư được bố trí diện tích đất sản xuất hẹp hơn, chất  lượng đất xấu hơn so với đất cũ, chưa tạo thêm được việc làm mới. Nhiều nơi, người dân phải di chuyển lên vùng cao, có điều kiện tự nhiên, văn hóa khác hẳn nơi cũ.  Do đó, đời sống người dân khu tái định cư không đảm bảo, khó ổn định.

Chẳng hạn, tại khu tái định cư Thái Lâm, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An), thuộc công trình Bản Vẽ, người dân đã về sống 3 năm nhưng chưa có đất sản xuất, nhất là lúa nước.

Dân ở khu tái định cư xã Hướng Linh (công trình Rào Quán) được giao đất 1 ha/hộ nhưng không sản xuất được hoặc khu tái định cư Lộc Bổn (công trình Tả Trạch), có 30% số người trở về sản xuất ở vùng lòng hồ và 30% số người đi lao động ở nơi khác. Còn lại là đi làm thuê kiếm sống.

Bộ này cũng cảnh báo, nhiều chủ dự án không thực hiện đúng cam kết. Chẳng hạn ở công trình Bản Vẽ, quy định mỗi hộ dân được giao 1 - 1,5 ha đất sản xuất nông nghiệp, song bà con mới được giao 700 - 800 m2 đất vườn. Người dân thiếu đất sản xuất nên rất khó khăn, nếu địa phương không kịp thời giải quyết sẽ có tình trạng thiếu đói, thậm chí dân bỏ đi nơi khác.

Phó Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu cũng chỉ ra, tái định cư quan trọng nhất là kiến tạo cuộc sống mới bền vững cho dân thì hầu hết số tiền đầu tư đều tập trung cho giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng (chiếm gần 85%). Chỉ có 4,8% đầu tư cho phát triển sản xuất và ổn định đời sống.

Nhưng thực tế, nhiều điểm tái định cư như thôn Làng Non, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa, Quảng Trị)... vẫn thiếu kênh mương tưới tiêu, hệ thống thủy lợi. Nghiêm trọng hơn, ở điểm tái định cư Thủy điện Tuyên Quang, Bản Vẽ, Rào Quán, do công tác quản lý và quy mô công trình chưa phù hợp nên còn thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, có nơi mùa khô, 6 - 7 tháng không có nước...

Trước hàng loạt chất vấn về vai trò cầm chịch của Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận: "Tây Bắc, Tây Nguyên chưa có các dự án thủy điện đã thiếu đất canh tác rồi. Di dân đi đâu mới đủ đất? Khi làm thủy điện Sơn La, chúng tôi cũng có phương án đưa bà con lên Tây Nguyên. Nhưng chính Tây Nguyên đang giải quyết đất cho đồng bào tại chỗ còn khó".

Ông Phát cũng cho hay, các dự án thủy điện cũng đã lấy đi phần đất tốt nhất cho nông nghiệp.

Tổ chức lại sản xuất

Cơ cấu vốn đầu tư của dự án Tái định cư: 42% chi cho đền bù; 7,4% cho hỗ trợ; 45,8% chi cho phát triển kết cấu hạ tầng; chỉ còn lại 4,8% đầu tư cho phát triển sản xuất và ổn định đời sống.
"Như vậy là di dân mới đạt mục tiêu đưa được bà con đến một nơi nào đó chứ để bà con sống và hội nhập thế nào là bế tắc", Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước kết luận.

Ông Phước cho hay, Nghị quyết của QH về thủy điện Sơn La đã khẳng định, xây dựng công trình thủy điện là một cơ hội để phát triển vùng Tây Bắc. Nhưng thực tế, đến nay, bà con không có đất sản xuất. Bao nhiêu phần trăm con em đồng bào dân tộc được tham gia vào các dự án?

Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc mô tả viễn cảnh nếu không có phương án đào tạo lao động để ít nhất mỗi hộ dân có một người làm ở lĩnh vực phi nông nghiệp, nhằm giải quyết bài toán thiếu đất và đói nghèo thì 5 năm nữa, sẽ có tình trạng "ăn xin dưới ánh điện nê-ông".

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào cho hay, Bộ này đã từng có đề án đưa một số lao động ở các làng nghề Hà Tây  lên với ý định truyền nghề mới cho bà con nhưng đều không trụ nổi vì bí "đầu ra". Nhà nước cũng từng hỗ trợ cho các hộ dân Sơn La nuôi bò sữa nhưng rốt cuộc sữa bò Sơn La cũng không tiêu thụ được.

Ông Hào cho rằng, mấu chốt là phải biến thói quen làm ăn tự cung, tự cấp sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Nếu không, chưa kịp giải quyết xong khó khăn hiện tại, lại phải đối phó với phương án bố trí đất ở và việc làm cho các thế hệ sau.

Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc lo ngại, nếu yêu cầu thay đổi tập quán cho phù hợp địa bàn mới nhưng tập quán cũ là trồng lúa nước, giờ phải chuyển sang trồng ngô là khó. Vì vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chủ đầu tư dự án phải cùng với Bộ Công thương có phương án đào tạo nghề cho dân.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng cần tập trung hỗ trợ đầu tư thủy lợi và các biện pháp để nâng cao chất  lượng đất sản xuất, khai hoang tối đa đất mới, hỗ trợ thâm canh... Ngoài ra, phải phát huy thêm nghề rừng, chăn nuôi, đưa dịch vụ vào nông thôn. Quá trình di dân tái định cư phải gắn với quá trình tổ chức lại sản xuất.

"Xây dự án còn dễ hơn nhiều so với di dân vì đây là chuyện con người", ông Phát nói.

Thời gian qua, các công trình thủy lợi, thủy điện trọng điểm tập trung chủ yếu ở giai đoạn từ những năm 1995 - 2009 với 22 công trình đã và đang xây dựng. Tổng số diện tích đất bị thu hồi để xây dựng công trình là 81.622 ha và 49.785 hộ gia đình nằm trong khu vực bị ảnh hưởng. Tổng dự toán đã duyệt để thực hiện di dân lên tới gần 17 tỷ đồng.

Tính đến nay, đã tái định cư được khoảng 21.580 hộ, đạt 54%. Thành phần chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số Thái, Dao, Ba Na. Công trình thủy điện Sơn La có số người phải di dời lớn nhất. Mức đền bù hỗ trợ cho dân tái định cư cũng khác nhau theo từng dự án gây ra "tị nạnh" cho người dân. Chẳng hạn, thủy điện Sơn La là 500 triệu đồng/hộ, thủy điện Tuyên Quang 450 triệu đồng, các dự án công suất thấp hơn khoảng 200 - 250 triệu đồng.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,